Thiết kế chính sách công nghiệp?

Tác giả: Christopher Smart.

Chính sách công nghiệp thì có muôn hình vạn trạng, nhưng rõ ràng là có một số chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong nước mang lại hiệu quả vượt trội hơn những chiến lược khác. Việc hiểu rõ nguyên nhân tại sao lại như vậy có thể là chìa khóa để tạo ra các điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển hiện đại.

CAMBRIDGE – Cách đây 25 năm, sau các cuộc cách mạng của Thatcher và Reagan cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, khái niệm “chính sách công nghiệp” dường như đã bị mất uy tín ở hầu hết các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, gần đây, khái niệm này đã dần trở lại. Thậm chí, câu hỏi về việc chính phủ nên làm gì để củng cố ngành công nghiệp trong nước đã xuất hiện trở lại ở những nơi tưởng chừng khó ngờ nhất – Hoa Kỳ, nơi mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết hỗ trợ việc làm trong lĩnh vực sản xuất với mức lương cao và thường xuyên chỉ trích hoặc ca ngợi các công ty cũng như lãnh đạo của các doanh nghiệp.

Dưới hình thức chủ nghĩa dân tộc được các nhà lãnh đạo theo phong cách dân túy như Trump ưa chuộng – và cả những nhà lãnh đạo ít cảm tính hơn như Thủ tướng Anh Theresa May – chính sách công nghiệp được coi là một phương tiện để giành lại quyền kiểm soát các lực lượng của việc toàn cầu hóa, vốn bị cho là thiên vị “giới tinh hoa toàn cầu” hơn bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp đã “tái xuất” ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi thị trường rõ ràng đã thất bại, các chính phủ trên khắp phương Tây đã thực hiện các biện pháp sâu rộng để cứu các ngành công nghiệp và doanh nghiệp khỏi phá sản, cũng như để thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo ra việc làm.

Trên thực tế, các cuộc tranh luận về chính sách công nghiệp – cũng như chính bản thân chính sách này – chưa bao giờ thực sự biến mất. Các chính phủ luôn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của ngành công nghiệp trong nước. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng một chính sách công nghiệp khách quan, mang tính kỹ thuật là yếu tố thiết yếu để định hướng đổi mới công nghệ, phổ biến công nghệ và đối phó với những vấn đề như biến đổi khí hậu.

Dù vậy, ngay cả những người coi chính sách công nghiệp như một giải pháp tối ưu cũng thừa nhận rằng nó có một lịch sử đầy phức tạp, với những thành công nổi bật xen lẫn những thất bại lớn. Nhiều bình luận viên của Project Syndicate đã tham gia và thường xuyên dẫn dắt các cuộc thảo luận này trong nhiều năm qua. Khi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới ngày càng cân nhắc liệu có nên – và bằng cách nào – can thiệp để hỗ trợ “đội nhà” không? Họ nên xem xét kỹ lưỡng các luận điểm quan trọng về vai trò phù hợp và các phương thức tốt nhất cho chính sách công nghiệp trong thế kỷ 21.

Nâng Đỡ Hay Kìm Hãm?

Justin Yifu Lin, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Cấu trúc Mới tại Đại học Bắc Kinh và là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, định nghĩa “chính sách công nghiệp” là “bất kỳ quyết định, quy định hay luật pháp nào của chính phủ nhằm khuyến khích các hoạt động hoặc đầu tư liên tục trong một ngành công nghiệp.” Với định nghĩa rộng như vậy, theo Lin, “không có gì đáng ngạc nhiên” khi “hầu hết các quốc gia, dù có chủ ý hay không, đều thực hiện chính sách công nghiệp dưới một hình thức nào đó.”

Ở mọi quốc gia mà đã chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế hiện đại, Lin nhận thấy rằng, “các chính phủ đã điều phối những khoản đầu tư quan trọng từ các doanh nghiệp tư nhân để giúp khởi động các ngành công nghiệp mới, và thường cung cấp các ưu đãi cho các doanh nghiệp tiên phong.” Năm 2010, Lin đã dự đoán đúng rằng, “khi các nền kinh tế toàn cầu vật lộn để duy trì hoặc khôi phục tăng trưởng vào năm 2011, chính sách công nghiệp sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn bao giờ hết.”

Tuy nhiên, trong khi Lin nhận thấy tiềm năng của các chính sách công nghiệp được thực hiện đúng đắn để thúc đẩy việc phát triển và tăng trưởng, Michael J. Boskin – người từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống George H.W. Bush – lại lo ngại rằng các chính sách này có thể bị lạm dụng. Theo Boskin, chính sách công nghiệp vốn dĩ “hấp dẫn đối với các chính trị gia, những người có thể ưu ái các nhóm cử tri chủ chốt trong khi tuyên bố rằng họ đang giúp đỡ nền kinh tế nói chung.” Nhưng ông cảnh báo rằng, “việc cho phép chính phủ chọn ra ngành công nghiệp nào thắng và ngành công nghiệp nào thua là một ý tưởng tồi tệ” như trong thập niên 1970 và 1980 vậy, “khi mà chính sách công nghiệp thất bại thảm hại.”

Boskin minh họa quan điểm này bằng trường hợp của Nhật Bản, quốc gia đã áp dụng một chính sách công nghiệp được đánh giá cao vào thập niên 1980 để “quản lý vi mô” nền kinh tế của mình. Chính sách này hoạt động tốt – cho đến khi không còn hiệu quả nữa, dẫn đến “bong bóng tài sản bị vỡ, một thập kỷ mất mát, ba cuộc suy thoái, và tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.”

Thậm chí, ngay cả những người ủng hộ tiềm năng của chính sách công nghiệp cũng đồng ý rằng nó không nên mang tính vi mô hoặc chỉ đơn thuần là duy trì các doanh nghiệp hay ngành công nghiệp cụ thể. Theo Dani Rodrik từ Đại học Harvard, “chính sách công nghiệp là một tư duy hơn là một danh sách các chính sách cụ thể.” Theo Rodrik, những nhà hoạch định chính sách thành công hiểu rằng “tạo ra một môi trường hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân quan trọng hơn việc cung cấp các ưu đãi tài chính.”

Thực tế là, Mohamed A. El-Erian, Cố vấn Kinh tế trưởng tại Allianz, cho rằng một trong những thách thức lớn “mà các chính phủ phương Tây hiện nay đang đối mặt là làm thế nào để thúc đẩy và định hướng cho những lực lượng đổi mới công nghệ mang tính đột phá – và giúp các cá nhân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực của chính mình.” May mắn thay, theo El-Erian, có những công cụ sẵn có, bao gồm “các quan hệ đối tác công-tư được thiết kế một cách hiệu quả, đặc biệt là trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.” Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của “các cố vấn bên ngoài có mang tính đột phá – được chọn không phải vì quan điểm của họ, mà vì cách họ suy nghĩ – tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ; các cơ chế tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao, thay vì cản trở, khả năng phản ứng của chính sách; và mở rộng các mối liên kết khu vực tư nhân xuyên biên giới để thúc đẩy hợp tác đa phương.”

Câu hỏi then chốt mà các chính phủ nên lưu tâm, theo lời cựu Bộ trưởng Tài chính Andrés Velasco của nước Chile là liệu họ đang theo đuổi chính sách công nghiệp theo chiều ngang hay theo chiều dọc. Chính sách công nghiệp theo chiều ngang, như ông viết, “cung cấp các yếu tố đầu vào mà một loạt các doanh nghiệp, thuộc nhiều ngành khác nhau, cần để phát triển và mở rộng,” bao gồm “cơ sở hạ tầng giao thông, kỹ sư được đào tạo và lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh”; trong khi chính sách theo chiều dọc, ngược lại, “ưu ái một ngành cụ thể.”

Những Điều Cần Làm Và Không Nên Làm Trong Việc Phát Triển

Tuy nhiên, Velasco đưa ra một lưu ý quan trọng: “Ranh giới giữa chính sách công nghiệp theo chiều ngang và theo chiều dọc là không rõ ràng.” Điều này đặc biệt đúng ở các quốc gia đang phát triển trong vài thập kỷ qua. Trong khi nhiều nhà kinh tế học ủng hộ các chính sách nhắm đến khu vực tư nhân, giáo dục và quản trị tốt thay vì đầu tư công lớn vào cơ sở hạ tầng, Rodrik chỉ ra rằng Ethiopia, Ấn Độ và Bolivia đã đạt được những thành tựu đáng chú ý nhờ chi tiêu truyền thống của chính phủ vào các dự án như đường xá, nhà máy điện, và các công trình tương tự.

Tương tự vậy, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cho biết chính phủ của ông đang “đầu tư hơn 460 tỷ đô la vào việc xây dựng và hiện đại hóa hàng nghìn cây số đường bộ và cao tốc, cũng như mở rộng và cải thiện hệ thống giao thông công cộng và đường sắt của họ.” Nhưng đối với Peña Nieto, một chính sách công nghiệp thành công cũng phải bao gồm việc đầu tư vào “giáo dục, môi trường kinh doanh và sự kết nối.” Mexico, theo ông, là một trong số ít quốc gia thừa nhận quyền truy cập Internet băng thông rộng của công dân. Vì vậy, quốc gia này đã thực hiện chính sách mở rộng dịch vụ Internet tốc độ cao cho các thư viện, trường học và quảng trường công cộng.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank – IADB) đã rút ra bài học từ các cách tiếp cận khác nhau đối với chính sách công nghiệp ở Đông Á và Mỹ Latinh. Như Chủ tịch IADB Luis Alberto Moreno nhận xét, việc thay thế nhập khẩu và hỗ trợ các ngành ưu tiên đã mang lại kết quả ấn tượng cho Hàn Quốc, nhưng lại thất bại ở Mỹ Latinh và Caribe. Các chính sách công nghiệp đã không đạt được mục tiêu khi các chính phủ cúi đầu trước các áp lực chính trị từ các ngành công nghiệp — những ngành không có cơ hội trở nên cạnh tranh.

Moreno cho rằng chính sách công nghiệp vẫn có thể mang lại kết quả cho Mỹ Latinh, miễn là các nhà lãnh đạo khu vực này luôn nhớ ba câu hỏi sau: liệu có “một thất bại rõ ràng của thị trường cần sự can thiệp của chính phủ”; liệu “chính sách đề xuất có hiệu quả trong việc khắc phục thất bại của thị trường”; và liệu có “các thể chế cần thiết để thực hiện chính sách” đã được thiết lập chưa. Lin, về phần mình, đưa ra một bài học rõ ràng cho tất cả các quốc gia đang phát triển: chính sách công nghiệp sẽ thất bại khi chính phủ không “điều chỉnh các nỗ lực của mình với nguồn lực và trình độ phát triển của đất nước.”

SẢN XUẤT TẠI TRUNG QUỐC

Mặc dù thiếu minh bạch, tham nhũng lan rộng và lãng phí tràn lan, Trung Quốc là câu chuyện thành công điển hình về chính sách công nghiệp trong những thập kỷ gần đây, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Theo Rodrik, “khả năng sản xuất phi thường” của Trung Quốc phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ công đối với các ngành công nghiệp mới. Trong khi các “doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã đóng vai trò như những nơi ươm mầm kỹ năng kỹ thuật và tài năng quản lý,” ông viết, “các yêu cầu về nội địa hóa đã tạo ra các ngành cung cấp sản phẩm có hiệu quả trong lĩnh vực ô tô và điện tử.” Đồng thời, Trung Quốc đã thiết lập các ưu đãi xuất khẩu cho phép các công ty trong nước “xâm nhập vào các thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh.”

Tuy nhiên, như James Zhan của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cảnh báo, mô hình của Trung Quốc không nhất thiết là lựa chọn cho các quốc gia đang phát triển khác. Ông chỉ ra rằng “tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã được thúc đẩy bởi ‘lợi thế’ về nhân khẩu học và tài nguyên đất đai của quốc gia này.” Mặc dù điều này giúp Trung Quốc “tận dụng tối đa lợi ích của việc toàn cầu hóa,” Zhan lập luận rằng, “những quốc gia đang phát triển khác đơn giản là không thể bắt chước thành công này ở mọi phương diện.”

Trong một bài bình luận gần đây, Wing Thye Woo từ Đại học California, Davis, chỉ ra rằng “sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ đang suy giảm,” và cách tiếp cận bảo hộ của Trump “có thể tạo ra thử thách trực tiếp đối với mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.” Woo mô tả “sự suy giảm dần dần của tăng trưởng kinh tế” trong những năm gần đây như một “gánh nặng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.” Tuy nhiên, ông kết luận rằng tư duy “Nước Mỹ trên hết” của Trump cuối cùng sẽ có lợi cho các quốc gia mới nổi. “Trung Quốc sẽ hưởng lợi rất lớn – đặc biệt là về mặt địa chính trị – nếu họ có thể nổi lên như một nguồn động lực kinh tế bền vững.”

Để đạt được điều này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc, mà Zhang Jun từ Đại học Phục Đán mô tả là một dự án tương tự như Kế hoạch Marshall rằng “sẽ thiết lập cấu trúc về vật chất và thể chế cho quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa.” Theo quan điểm của Lin, OBOR có động lực địa chính trị rõ ràng, nhưng cũng phù hợp với chính sách công nghiệp đang diễn ra của Trung Quốc, vì nó “sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của các thị trường mới mà các quốc gia phát triển – bao gồm cả Trung Quốc – đều khao khát, đồng thời tạo ra không gian cho các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn chiếm lĩnh tại Trung Quốc.”

Dù vậy, khi Trung Quốc tiếp tục vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, quốc gia này có thể sẽ cần điều chỉnh phương pháp tiếp cận của mình. Và, khi chính sách công nghiệp đang dần trở nên rõ ràng hơn trong các nền kinh tế tiên tiến, sẽ có rất nhiều ví dụ để Trung Quốc học hỏi – hoặc là tránh xa.

VIỆC QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG

Vào mùa thu năm 2008, khi các thị trường tài chính sụp đổ và nền kinh tế toàn cầu dường như đứng trước bờ vực sụp đổ, các chính phủ vội vã tìm cách bù đắp cho nhu cầu bị mất đi. Đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách phương Tây, họ cần khôi phục nhanh chóng hoạt động kinh tế sau khi cứu trợ các ngân hàng, các nhà sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng lan rộng khắp châu Âu, Elie Cohen từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp than thở về việc các chính sách công nghiệp thiếu sự phối hợp đã “tạo ra sự sai lệch và bất thường trên khắp lục địa.” Các chính sách công nghiệp quốc gia và các quy tắc cạnh tranh của Liên minh Châu Âu, ông lập luận vào năm 2010, chỉ có thể cùng tồn tại nếu các chính phủ châu Âu “hợp tác khi thực hiện chính sách công nghiệp” và “làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh.”

Tình hình không có nhiều cải thiện kể từ đó. Vào năm 2015, Michael Hüther từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne than thở về việc châu Âu thiếu một chính sách cạnh tranh công bằng, và lưu ý rằng “các chính phủ EU có các chiến lược khác nhau, thường mâu thuẫn, đối với các ngành sản xuất của riêng họ.” Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Đức đã hiệu quả hơn so với của Pháp. Hüther chỉ ra rằng Pháp “muốn tạo ra những ông lớn quốc gia bằng cách chọn các ngành cụ thể để hỗ trợ đặc biệt,” điều này buộc họ phải sở hữu cổ phần trong nhà sản xuất ô tô Peugeot như một hành động “chủ nghĩa yêu nước công nghiệp.” Trong khi đó, Đức đã cố gắng tạo ra “một khuôn khổ cạnh tranh cho phép các ‘nhà vô danh’ vươn lên trở thành những người dẫn đầu toàn cầu.” Bằng cách hỗ trợ một trung tâm sân bay lớn tại Frankfurt, Đức cũng đã giúp hãng hàng không quốc gia của mình thành công.

Tại Vương quốc Anh, nơi chính phủ gần đây công bố một bản tóm tắt chính sách cho chiến lược công nghiệp mới, Paola Subacchi từ Chatham House hy vọng rằng “các nhà lãnh đạo chính trị đã rút ra một số bài học quan trọng từ lịch sử.” Thay vì theo đuổi các chiến lược kinh tế rộng rãi, các nhà hoạch định chính sách hiện nay đang tập trung vào “các can thiệp có mục tiêu” nhằm tạo ra các động lực tích cực, sửa chữa các thất bại thị trường và giải quyết các mất cân bằng về xã hội, địa lý và ngành nghề. Tuy nhiên, bà cũng đồng tình với lời kêu gọi của Cohen và Hüther về sự phối hợp nhiều hơn, đồng thời cảnh báo các chính phủ châu Âu không nên cho rằng việc thực hiện “các chính sách tạm thời nhằm củng cố ‘bàn tay vô hình’” trong ngắn hạn “sẽ tự khắc phù hợp vào một khuôn khổ nhất quán.”

Rất ít người giả định điều này về việc xây dựng chính sách kinh tế tại Mỹ, nơi Trump đã bắt đầu thực hiện chính sách công nghiệp theo phong cách riêng của mình trước cả khi nhậm chức, bằng cách gây áp lực với Carrier để không chuyển đi tầm khoảng 1.000 công việc từ nhà máy Indiana sang một nhà máy ở Mexico. Như Rodrik gần đây đã nhận xét, “phong cách chính sách của Trump là một sự thay đổi rõ rệt so với các người tiền nhiệm.” Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trump khác biệt vì nó thiếu “sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự thể chế hoá,” chứ không phải vì bản thân nó có thể được mô tả là một dạng chính sách công nghiệp.

YÊU CẦU VỀ SỰ ĐỔI MỚI

Với nhiều người Mỹ, thuật ngữ “chính sách công nghiệp” mang đậm dấu ấn của việc lập kế hoạch của chính phủ và do đó vẫn còn bị coi là vấn đề nhạy cảm trong cuộc tranh luận chính trị chính thống ở Mỹ. Tuy nhiên, Rodrik nhắc nhở chúng ta rằng Mỹ từ lâu đã là người tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. “Mỹ có được sức mạnh đổi mới sáng tạo phần lớn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ,” ông viết. “Internet, có lẽ là sự đổi mới quan trọng nhất của thời đại chúng ta, bắt nguồn từ một dự án của Bộ Quốc phòng vào năm 1969,” và chính phủ Mỹ hiện nay vẫn là “nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới.”

Mariana Mazzucato từ Đại học Sussex biến sự bảo vệ của Rodrik về những đức tính của chính sách công nghiệp hợp lý thành một bài ca ngợi đầy nhiệt huyết. Các nhà hoạch định chính sách nên “suy nghĩ lại về các tư duy truyền thống về sự can thiệp của nhà nước,” Mazzucato lập luận thế. Thực tế là, bà tin rằng các chính phủ nên “tích cực tạo ra các thị trường mới, thay vì chỉ chăm chăm sửa chữa chúng,” và liệt kê một loạt ví dụ về cách nhà nước đã đóng vai trò “doanh nhân” trong việc hình dung và tài trợ cho sự ra đời của các lĩnh vực hoàn toàn mới, từ công nghệ thông tin đến công nghệ sinh học, công nghệ nano và công nghệ xanh.

Tất nhiên, giống như tất cả mọi hoạt động khởi nghiệp, nhà nước đôi khi sẽ gặp thất bại. Bộ Năng lượng Mỹ đã bị chỉ trích vì đã cấp bảo lãnh khoản vay trị giá 535 triệu USD cho nhà sản xuất pin mặt trời Solyndra, công ty này sau đó đã phá sản. Tuy nhiên, chính chương trình của Bộ Năng lượng (DOE) hiện đang có lãi cũng đã giúp phát triển chiếc xe điện Tesla Model S, một thành công vượt trội và không gây ô nhiễm. Đối với Mazzucato, vấn đề của cách tiếp cận hiện tại không phải là nhà nước tham gia vào đổi mới sáng tạo, mà là lợi nhuận từ các khoản đầu tư thành công, bao gồm cả những loại thuốc đột phá, thường xuyên được tư nhân hóa, trong khi các khoản lỗ từ thất bại lại được gánh chịu trực tiếp bởi người nộp thuế. Nhưng như Boskin đã nhắc nhở ta, trong trường hợp nghiên cứu cơ bản, động lực này thường bị đảo ngược lại. “Thị trường tư nhân đầu tư quá ít vào khoa học cơ bản,” ông viết, “vì các nhà đầu tư tư nhân không thể thu hồi được lợi ích từ đó.”

Điều này chỉ ra một vai trò cho chính sách công nghiệp mà ít ai có thể phản đối. Đúng thật vậy, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz báo cáo rằng “lợi nhuận trung bình cho nền kinh tế từ các dự án nghiên cứu của chính phủ trên thực tế là cao hơn so với các dự án của khu vực tư nhân,” nhờ vào khoản đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào “nghiên cứu cơ bản quan trọng.” Đối với Stiglitz, tăng trưởng kinh tế không chỉ được thúc đẩy bởi công nghệ, mà còn bởi việc học cách ứng dụng các đổi mới vào “các hoạt động kinh tế khác.” Vì vậy, “mục tiêu của chính sách công nghiệp,” ông lập luận, là “xác định các nguồn lợi ngoại tác tích cực – những lĩnh vực mà việc học hỏi có thể tạo ra lợi ích ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.”

Hướng Đến Tương Lai Xanh

Theo suy nghĩ của Boskin, “nơi thích hợp để đặt ranh giới về khái niệm là ở giai đoạn tiền cạnh tranh, khoa học và công nghệ chung,” theo đó các chính phủ “tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển cho đến khi nó đạt đến giai đoạn mà các công ty tư nhân có thể thu lợi ích (phần lớn) từ nó.” Tuy nhiên, một số đổi mới, chẳng hạn như các dạng năng lượng tái tạo mới, dù có thể được mong muốn, nhưng chưa có tính cạnh tranh hoặc sinh lời. Mazzucato nhận xét rằng, “thị trường tự do sẽ không phát triển các nguồn năng lượng mới đủ nhanh” để tái định hướng các nền kinh tế khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là lý do tại sao việc đối mặt với biến đổi khí hậu và đạt được một tương lai năng lượng sạch “sẽ đòi hỏi sự can thiệp của một nhà nước dũng cảm, khởi nghiệp, cung cấp tài chính kiên nhẫn và dài hạn để thay đổi động cơ của khu vực tư nhân.”

Jeffrey D. Sachs từ Đại học Columbia cũng đồng tình với quan điểm này. Ông chỉ ra rằng, “các nhà sản xuất điện tư nhân sẽ không đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn nếu chính phủ không có các chính sách hoặc kế hoạch dài hạn về khí hậu và năng lượng, cũng như không thúc đẩy xây dựng hệ thống truyền tải đường dài để đưa các nguồn năng lượng carbon thấp mới đến các trung tâm dân cư.” Như Achim Steiner từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Pavan Sukhdev từ Đại học Yale đã nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ cho “Nền Kinh Tế Xanh” sắp tới “không phải là một sự xa xỉ, mà là một yêu cầu cấp bách trên một hành tinh với sáu tỷ người – và sẽ là chín tỷ vào năm 2050.” Các quốc gia từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Ấn Độ đến Kenya, Uganda và Thái Lan đã và đang thực hiện các khoản “đầu tư xanh” tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và mang lại “những lợi ích về môi trường.”

Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, đang tích hợp các mục tiêu khí hậu vào mô hình kinh tế của mình. Theo Ma Jun từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Simon Zadek từ Đại học Quản lý Singapore, Trung Quốc đang có kế hoạch “thúc đẩy đầu tư xanh” thông qua “một loạt các công cụ tài chính mới, bao gồm tín dụng xanh, quỹ phát triển xanh, trái phiếu xanh, sản phẩm chỉ số cổ phiếu xanh, bảo hiểm xanh và tài chính carbon.” Stiglitz cũng nhận thấy tiềm năng lớn của tài chính xanh, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi ông đề xuất kết hợp nó với một mức thuế carbon lớn để “kích thích đầu tư mạnh mẽ vào việc tái cấu trúc nền kinh tế.”

BÓNG MA CHỦ NGHĨA TẬP ĐOÀN

Hầu hết các nhà bình luận của Project Syndicate đồng ý rằng chính phủ cần đóng một vai trò nhất định trong phát triển kinh tế quốc gia, nhưng họ cũng thừa nhận những nguy cơ khi chính phủ can thiệp quá sâu. Như Rodrik nhận định, “thành công trong chính sách công nghiệp” không nằm ở “khả năng chọn ra ngành nào chiến thắng, mà là biết buông bỏ những ngành thua cuộc.” Hơn nữa, chính sách công nghiệp, đặc biệt trong các nền dân chủ, “cần được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm, với các quy trình mở cửa cho cả những doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp lâu năm.”

Tại Mỹ, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Edmund S. Phelps lo ngại rằng điều này không còn đúng nữa và các rào cản đối với doanh nghiệp mới tham gia đã làm suy yếu “tinh thần đổi mới sáng tạo của nước Mỹ.” Ông cho rằng với việc chính phủ hiện nay kiểm soát “phần lớn khu vực tư nhân,” một nhà đầu tư cá nhân với ý tưởng mới thường cần được chính phủ phê duyệt để khởi nghiệp; và các doanh nghiệp gia nhập một ngành công nghiệp hiện tại phải cạnh tranh với các công ty lâu năm vốn đã có sự hỗ trợ của chính phủ.

Giống như Rodrik, Phelps dự đoán rằng cách tiếp cận của Trump sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Ông ví việc Trump chỉ trích các tập đoàn là “sự mở rộng của chính sách chủ nghĩa tập đoàn, tương tự như những gì từng thấy trong các nền kinh tế phát xít Đức và Ý vào những năm 1930.” Ông cảnh báo rằng “sự can thiệp nhiều hơn vào khu vực kinh doanh để bảo vệ các doanh nghiệp lâu năm và chặn đường các doanh nghiệp mới” sẽ “làm tắc nghẽn dòng chảy của nền kinh tế, ngăn cản nhiều đổi mới hơn so với những gì nó có thể thúc đẩy từ các doanh nghiệp đã được thiết lập.”

Mỹ, nơi thường được xem là trung tâm phản đối chính sách công nghiệp, thực chất đã từng là một người tiên phong trong việc đấy. Tuy nhiên, khi các chính phủ và nhà lãnh đạo thế giới khác mài giũa chính sách công nghiệp của họ trong những năm tới, có lẽ họ sẽ cần tìm nguồn cảm hứng từ nơi khác.

Christopher Smart là Giám đốc Điều hành, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu và Trưởng Viện Đầu tư Barings. Ông từng là Trợ lý Đặc biệt cho Tổng thống Mỹ về kinh tế quốc tế, thương mại và đầu tư (2013-2015) và Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách châu Âu và khu vực Eurasia (2009-2013).

Nguồn: Christopher Smart, “Industry by Design?,” Project Syndicate, 17/3/2017.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong

Comments

One response to “Thiết kế chính sách công nghiệp?”

  1. […] Thiết kế chính sách công nghiệp? […]