Tại sao nhiều công nhân hiện nay lại bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa

Tác giả: Eric Posner

Mặc dù đảng Cộng hòa luôn thúc đẩy các chính sách tự do kinh tế mạnh mẽ hơn so với đảng Dân chủ, nhưng cuối cùng đảng Dân chủ cũng đã chấp nhận cùng một thế giới quan, và sự thay đổi đó giờ đã quay lại gây khó khăn cho họ. Vấn đề không nằm chủ yếu ở kinh tế mà ở một tập hợp giả định sai lầm về công nhân và thị trường lao động.

CHICAGO – Một đặc điểm nổi bật của chính trị Mỹ hiện nay là giới “công nhân” — tức là những người không phải chuyên gia, thường là lao động tay chân hoặc nhân viên văn phòng — rời khỏi đảng Dân chủ. Trong nhiều thập kỷ sau Thỏa thuận Mới (New Deal), đảng Dân chủ là đảng ủng hộ công đoàn, an toàn lao động và mức lương tối thiểu, trong khi đảng Cộng hòa là những người ủng hộ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Gallup, tỷ lệ đảng viên Cộng hòa xác định là “công nhân” hoặc “hạ lưu” đã tăng từ 27% vào năm 2002 lên 46% hiện nay, trong khi tỷ lệ công nhân thuộc đảng Dân chủ giảm nhẹ (từ 37% xuống 35%). Hơn nữa, trong khi 46% cử tri da trắng trong các hộ gia đình thuộc công đoàn ủng hộ đảng Dân chủ vào năm 1968, thì tỷ lệ này đã giảm xuống khoảng 33% vào năm 2020, gần bằng với đảng Cộng hòa. Kể từ những năm 1990, người dân ở những khu vực nghèo ngày càng ưa chuộng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ.

Giải thích thường thấy cho sự thay đổi này là sự trỗi dậy của “chủ nghĩa tự do kinh tế” (neoliberalism): hệ tư tưởng ủng hộ thị trường chiếm ưu thế trong các vòng chính sách từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000. Các nhà tự do kinh tế đã thúc đẩy việc bãi bỏ quy định và toàn cầu hóa thông qua việc hỗ trợ thương mại tự do, dòng vốn không hạn chế và di cư tối đa. Mặc dù đảng Cộng hòa thúc đẩy các chính sách tự do kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều so với đảng Dân chủ, nhưng cuối cùng đảng Dân chủ cũng đã chấp nhận chúng. Khi hai đảng không còn khác biệt nhiều về chính sách kinh tế thì công nhân đã quay sang ủng hộ đảng Cộng hòa, vì những người của đảng Cộng hoà thường nhạy cảm hơn với các mối quan tâm tôn giáo và đạo đức của giới công nhân và đặc biệt là sự thù địch với nhập cư.

Một số người đổ lỗi cho các lãnh đạo đảng Dân chủ vì đã quá phụ thuộc vào các nhà kinh tế. Nhưng chính bản thân khoa học kinh tế không phải là vấn đề. Chẩn đoán chính xác hơn là các chính sách tự do kinh tế phản ánh những giả định kỳ lạ được đưa ra bởi một nhóm các nhà kinh tế có ảnh hưởng đặc biệt, ngay cả khi những người quan sát khác, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, luôn nhận ra những thiếu sót trong cách tiếp cận của họ.

Chẳng hạn, một giả định của chủ nghĩa tự do kinh tế là thị trường lao động gần như luôn cạnh tranh. Quan điểm này có những tác động chính trị sâu rộng, bởi vì chi phí của các chính sách tự do kinh tế như thương mại tự do tập trung vào những công nhân trong các ngành bị ảnh hưởng bởi thương mại. Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng chi phí đối với những công nhân này sẽ là không đáng kể. Những công nhân không có tay nghề sẽ tìm được việc làm mới với mức lương tương tự, và trong khi những công nhân có tay nghề cao hơn có thể chịu một số tổn thất, họ có thể sử dụng kỹ năng của mình trong các ngành khác hoặc tham gia các khoá đào tạo vốn được chính phủ hỗ trợ một phần.

Thay vào đó, các nghiên cứu gần đây xác nhận điều mà nhiều người không phải là nhà kinh tế sẽ gọi là điều hiển nhiên: mất việc làm là một trải nghiệm tài chính và tâm lý tàn phá. Thị trường lao động, khác với hầu hết các thị trường sản phẩm, là thị trường địa phương. Người dân không đơn giản là bỏ quê nhà và đi tìm việc làm ở nơi khác; và công việc quan trọng hơn nhiều đối với con người so với hàng hóa hoặc dịch vụ. Việc đóng cửa một nhà máy ở một cộng đồng nhỏ có thể phá hủy cả cộng đồng đó, chứ không chỉ là sinh kế của những nhân viên ở đó.

Một giả định liên quan là các chính sách nên được áp dụng nếu chúng vượt qua bài kiểm tra chi phí-lợi ích. Nhưng mặc dù phân tích chi phí-lợi ích là một công cụ thiết yếu để đánh giá chính sách, nó là một hướng dẫn kém khi được sử dụng một cách cứng nhắc. Kể từ những năm 1980, các nhà lập pháp tại các cơ quan như Cơ quan Bảo vệ Môi trường phải tiến hành phân tích chi phí-lợi ích mỗi khi ban hành quy định, và những phép tính này gần như luôn bỏ qua tác động đến việc làm.

Chẳng hạn, một quy định có ý định tốt nhằm giảm ô nhiễm sẽ xem xét lợi ích sức khỏe cho công dân và chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nhưng không tính đến tác động đối với những công nhân sẽ mất việc do sự thay đổi chính sách. Sự bỏ qua này cũng có thể xuất phát từ giả định sai lầm rằng thị trường lao động luôn cạnh tranh, và rằng công nhân luôn có thể chuyển từ công việc này sang công việc khác với chi phí thấp.

Giả định tương tự cũng dẫn đến việc đảng Dân chủ giảm bớt ủng hộ cho các công đoàn. Trong những ngày xưa, công đoàn được coi là những người bảo vệ giai cấp công nhân. Đối với tư duy của những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế, điều đó là không thể. Nếu thị trường lao động cạnh tranh, thì các khoản lương cao mà công đoàn đạt được chỉ có thể làm tăng giá tiêu dùng và giảm sản lượng kinh tế. Ngày nay, giá trị của công đoàn đang được xem xét lại. Khi các nhà tuyển dụng có quyền lực trên thị trường, công đoàn có thể là phương tiện tốt nhất để cải thiện phúc lợi cho công nhân mà không làm suy giảm hiệu quả kinh tế.

Khoa học kinh tế đã bị tổn hại nặng nề bởi vai trò nổi bật của nó trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự do kinh tế. Sự trớ trêu là giới kinh tế học hàn lâm chưa bao giờ ủng hộ phân tích chi phí-lợi ích, bởi vì không có cơ sở trung lập hoặc khoa học nào để biện minh cho các chính sách mang lại lợi ích cho một số người và gây hại cho những người khác. Cuộc tìm kiếm tiêu chí trung lập kéo dài đã tắt ngúm vào những năm 1970 khi các nhà kinh tế nhận ra rằng tiêu chí để đánh giá chính sách dựa trên những nguyên tắc đạo đức, chứ không phải kinh tế. Các tài liệu kinh tế được bình duyệt kể từ đó hiếm khi cho phép các lập luận mang tính chuẩn mực, vì điều này sẽ làm suy yếu tham vọng khoa học của ngành.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế thường (và thường không suy nghĩ) dựa vào phân tích chi phí-lợi ích khi đề xuất chính sách, và vì công chúng cũng như các chính trị gia không phân biệt giữa tranh luận “học thuật” và  tranh luận “chính sách”, nên các thất bại trong chính sách đã làm giảm uy tín của các nhà kinh tế một cách rộng rãi hơn. Những diễn biến này đã nuôi dưỡng sự hoài nghi của công chúng đối với các chuyên gia và nhà kỹ trị thuộc đủ mọi loại.

Chắc chắn rằng, trong suốt phần lớn thời kỳ tự do kinh tế, nhiều nhà kinh tế nổi bật đã nhận ra sự cứng nhắc và thiếu cạnh tranh của thị trường lao động. Tuy nhiên, chỉ gần đây họ mới bắt đầu có tiến bộ chống lại giả định rằng thị trường lao động là cạnh tranh. Người ta có thể nghi ngờ rằng những thất bại sắp xảy ra được quy kết cho chủ nghĩa tự do kinh tế – bất bình đẳng gia tăng, sự tàn phá của các vùng nông thôn, phân cực chính trị, và bất ổn tài chính – cuối cùng đã đưa các quan điểm bất đồng đến với các nhà làm chính sách.

Có một sự trớ trêu đau lòng đối với đảng Dân chủ, những người không bao giờ có ý định từ bỏ công nhân và luôn tin rằng các chính sách tự do kinh tế sẽ giúp giới công nhân bằng cách giảm giá cả và tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, mặc dù đảng Cộng hòa đã làm rất ít cho công nhân, nhưng cử tri thuộc giai cấp công nhân ngày càng cho rằng đảng Dân chủ không quan tâm đến họ, rằng nó đã trở thành đảng của giới tinh hoa – tức là, cũng giống như đảng Cộng hòa.

Eric Posner, giáo sư tại Trường Luật Đại học Chicago, là tác giả của cuốn sách “How Antitrust Failed Workers” (Nhà xuất bản Oxford, 2021).

Nguồn: Eric Posner, “Why Many Workers Now Vote Republican”, Project Syndicate, 20/10/2024