Donald Trump, những chính sách, và tiến trình dân chủ hoá

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ

Sau bốn năm kiên trì theo đuổi, cuối cùng Donald Trump và đảng Cộng hoà đã chiến thắng, một cách trọn vẹn. Bạn có thể thích hay không thích người đàn ông này, nhưng phải công nhận một điều rằng ông là một người bản lĩnh và kiên trì theo đuổi những ước mơ của mình. Nếu có một bài học đáng để học từ ông đó là đừng bao giờ bỏ cuộc, điều mà ông hay nói.

CUỘC CHIẾN UKRAINE 

Một trong những chính sách quan trọng mà Donald Trump đề cập khi tranh cử đó là sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ. 

Cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga là một cuộc chiến tranh sẽ không thể kết thúc nếu Mỹ và phương Tây không muốn nó kết thúc. Tại sao? Tại vì Nga không thể thua. Nga có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Không một nước nào có thể đem quân tiến chiếm Moscow nếu không muốn nhận những tên lửa cùng những đầu đạt hạt nhân. Một cuộc tấn công Moscow sẽ chỉ đưa đến chỗ cả hai cùng chết. Việc tiếp tục chiến tranh như hiện tại mà phía sau Ukraine là Mỹ và Châu Âu và phía sau Nga là các nước Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên sẽ không có hồi kết. Không ai muốn Chiến tranh Thế giới lần thứ 3 diễn ra, bởi vì một cuộc chiến như vậy diễn ra nó chỉ đem đến huỷ diệt toàn bộ. Và trước khi bất cứ một lãnh đạo dân chủ nào quyết định tham gia một cuộc chiến như vậy, chắc chắn họ sẽ bị áp lực từ chức bởi sự xuống đường của công chúng. 

Một cuộc chiến bất phân thắng bại theo nghĩa một nước không thể tiến chiếm nước còn lại thì tốt nhất nó nên kết thúc sớm. Cả Ukraine và Nga đều đã kiệt quệ. Nga không thể tiến thêm và Ukraine cũng không thể phản kích để đoạt lại một cách đáng kể những vùng bị chiếm. 

Mỹ cũng không thể tiếp tục ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống Nga mãi mãi. Một phần là chi phí cuộc chiến. Mỹ muốn dành nguồn lực của mình cho cuộc chạy đua với Trung Quốc, nước bị Mỹ xem là đối thủ khó khăn nhất. Phần còn lại là vì Donald Trump muốn bắt tay với Nga để tách Nga ra khỏi Trung Quốc, giống như cái cách mà năm xưa chính quyền Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc để tách Trung Quốc ra khỏi khối liên minh cộng sản với Liên Xô. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Donald Trump đã cố gắng vuốt ve Nga bất chấp việc bị phe tự do chỉ trích rằng mình đi đêm với Nga để đổi lại Nga đã giữ thế bất động trong suốt nhiệm kỳ của mình. Thậm chí ở khu vực Trung Đông, quân Mỹ và quân Nga đã thoả thuận tránh chạm trán nhau trong khi quân Mỹ tiến hành việc tiêu diệt quân khủng bố ISIS. 

Khi đưa ra thông điệp rằng mình sẽ kết thúc cuộc chiến trong vòng 24 giờ. Donald Trump chính thức gửi thông điệp đến người dân Ukraine và giới lãnh đạo Châu Âu. Thông điệp này nói với dân Ukraine rằng các bạn phải chiến đấu mạnh mẽ nhất có thể, và phải chấp nhận những đánh đổi để có hoà bình, cuộc chiến rồi sẽ phải kết thúc. Thông điệp này cũng sẽ nhắn tới giới lãnh đạo Châu Âu rằng tình hình ở cửa ngõ nhà các bạn. Các bạn phải có tránh nhiệm gánh vác nhiều hơn để giải quyết tình trạng này, giải quyết nó để có sự ổn định lâu dài.  

Giới chính trị gia Ukraine có vẻ hiểu được rằng thời khắc hoà bình sẽ phải tới, và một thông điệp mà chính giới Ukraine đưa ra thông qua tổng thống Zelensky đó là hoặc Ukraine có quyền sở đắc vũ khí nguyên tử hoặc là được phép tham gia NATO. 

Quyền sở đắc vũ khí nguyên tử khó có thể được các nước trong NATO chấp nhận. Bởi việc sở hữu vũ khí nguyên tử đã trở thành một đặc quyền của những cường quốc. Một khi mà nước nào cũng sở hữu vũ khí nguyên tử thì đặc quyền của các cường quốc không còn nữa. Các cường quốc không muốn mất đi đặc quyền răn đe của mình. 

Việc tham gia NATO ngay lúc này, khi chiến sự còn đang diễn ra là một điều không thể. Việc Ukraine tham gia NATO ngay lúc chiến sự diễn ra đồng nghĩa với việc NATO sẽ chính thức tham chiến vì có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh. Điều đó sẽ bắt đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ 3. 

Một lựa chọn chiến lược cho Ukraine đó là Ukraine và Nga sẽ ký một hiệp ước hoà bình và ngay sau đó Ukraine sẽ chính thức tham gia vào NATO.

Nhưng trước khi ký hiệp ước này, Ukraine và Nga buộc phải đồng ý về một sự phân định lãnh thổ. Một giải pháp khả dĩ đó là Ukraine sẽ đổi vùng đất Kursk thuộc Nga mà Ukraine chiếm được gần đây để đổi lại một phần vùng bị Nga chiếm. 

Vấn đề là Nga không muốn có sự hiện diện của NATO ở Ukraine. Nga muốn một Ukraine bị xé toạc, có quân đội nhỏ, bị cô lập, và không tham gia một liên minh nào. Ukraine, nói một cách ngắn gọn, phải đóng vai trò như một vùng đệm không tạo ra một sự hiểm nguy nào cho Nga và không bao giờ có khả năng chiếm lại những vùng lãnh thổ bị mất. 

Hai yêu sách, một của Nga và một của Ukraine, vẫn còn quá xa nhau, và để có thể ép Nga ngồi xuống bàn đàm phán Ukraine buộc phải có những vũ khí hữu hiệu hơn có khả năng đe doạ hoặc có khả năng thay đổi tạo ra ưu thế chiến trường trong một vài tháng tới. Điều rất khó là mùa đông đang đến và chính quyền Joe Biden sẽ không có thay đổi chính sách trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ. 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ

Chính sách kinh tế của Donald Trump là một sự tiếp nối các chính sách trợ cung mà ông đã cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ trước. 

Ông muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay xuống mức 15%, ngang với mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Và như vậy, nó sẽ giảm bớt động lực để các công ty đem công việc ra nước ngoài để lách thuế. 

Để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách khi giảm thuế, Donald Trump đề xuất hai biện pháp để bổ sung. 

Thứ nhất là cắt giảm chi ngân sách ở những lĩnh vực không cần thiết. Dự kiến, Elon Musk sẽ đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm rà soát cắt giảm những cơ quan không cần thiết. 

Và thứ hai là đánh thuế quan (tariff) lên hàng nhập khẩu. Với các nước ông dự định đánh thuế 10-20%, và riêng Trung Quốc mức thuế hàng nhập khẩu sẽ tăng lên 60%.

Việc tăng thuế quan 10-20% lên hàng hoá ở các nước khác nhau sẽ dẫn đến một sự điều chỉnh mà ở đó các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và những nhà sản xuất ở các nước buộc phải gánh chịu phần lớn khoản thuế này. Các nhà sản xuất buộc phải giảm giá bán và các nhà nhập khẩu buộc phải giảm lợi nhuận để có thể giữ giá thành hoặc tăng chút ít nếu muốn không mất thị phần. 

Với Trung Quốc, thuế quan đã được đề xuất từ nhiệm kỳ trước của Donald Trump mà ở đó các mặt hàng xe điện, bán dẫn, điện mặt trời chịu thuế quan là 25% và các mặt hàng khác đã chịu mức thuế quan từ 0-7,5%. Sang tới thời Biden, mức thuế quan đã tăng lên 100% cho xe điện, bán dẫn và pin năng lượng mặt trời là 50%, và mở rộng ra một loạt các mặt hàng khác chịu thuế quan 25%. Việc Donald Trump nâng mức thuế chung lên 60% sẽ giúp đem lại ngân sách quốc gia và bào mòn lợi nhuận của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Nhưng quan trọng hơn, việc nâng thuế lên 60% trong khi duy trì mức thuế 10-20% ở các nước khác nó sẽ khuyến khích các công ty hiện ở Trung Quốc buộc phải chuyển toàn bộ hoặc một phần các hoạt động sản xuất của mình sang các nước khác để tránh thuế. Việc chuyển các công ty đi khỏi Trung Quốc sẽ kích hoạt một sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ gia tăng mức thất nghiệp hiện có ở Trung Quốc vốn đã ở mức báo động. Mức thất nghiệp trong giới trẻ của Trung Quốc hiện đã ở mức xấp xỉ 20%. 

Việc gia tăng mức thất nghiệp của Trung Quốc đến lượt nó sẽ làm giảm sức mua của nền kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất dư thừa (overcapacity) mà Trung Quốc đang đối mặt — tức tình trạng hàng hoá sản xuất ra không bán hết được. 

Bên cạnh việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, Donald Trump cũng đề xuất sắp xếp lại các khung thuế để đơn giản hệ thống thuế, tăng hạn mức tín dụng cho trẻ em để khuyến khích sinh sản, và cắt giảm các quy định. 

Việc cắt giảm các quy định sẽ mở đường cho một sự bùng nổ các hoạt động thâu tóm trong doanh nghiệp. Một khi các hoạt động thâu tóm nở rộ, và thị trường đem lại lợi nhuận, tiền tệ sẽ chảy ngược vào Hoa Kỳ và sẽ nâng giá đồng đô la lên. 

Khi đồng đô la tăng giá so với những đồng tiền khác, nó sẽ giúp bù đắp một phần ảnh hưởng cho các mức thuế quan mà Hoa Kỳ sẽ áp đặt. 

Chính sách năng lượng mà Donald Trump đề xuất và thực thi trong nhiệm kỳ đầu sẽ được tiếp tục. Mục tiêu là đưa Hoa Kỳ trở thành một nước dẫn đầu thế giới trong sản xuất dầu khí và giúp đưa giá dầu khí xuống thấp. Việc Hoa Kỳ trở thành một tay chơi hàng đầu trên thị trường này còn giúp Hoa Kỳ có thêm đòn bẩy trong việc khuất phục Nga và các nước Trung Đông theo các yêu sách của mình. 

TRỤC XUẤT NGƯỜI NHẬP CƯ LẬU

Kể từ khi Joe Biden cầm quyền, hơn 10 triệu người đã nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, so với 2,4 triệu người dưới thời Donald Trump, theo một báo cáo của BBC

Không ai biết một con số chính xác rằng có bao nhiêu người nhập cư lậu hiện ở Hoa Kỳ. Người ta ước đoán rằng con số này nằm trong khoảng 10 triệu tới 30 triệu người, tức từ 3% đến gần 10% dân số. 

Khi một quốc gia không thể kiểm soát được số người ra vào và định cư trên nước mình, nó không còn là một quốc gia nữa mà nó đã trở thành một thiên hạ. Nhiều người biện minh rằng những người nhập cư lậu này là cần thiết vì họ lãnh những công việc mà người bản xứ không làm. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một chính quyền nếu thấy thiếu lao động, họ có thể có chương trình thuê lao động ngắn hạn để các công ty có thể lựa chọn lao động cho mình và nhiều nước khác nhau đã có chương trình này. Một trong những nhiệm vụ của một chính quyền là bảo đảm rằng những người sống trên lãnh thổ của họ có quyền cư trú hợp pháp để nhận những sự trợ giúp hợp pháp từ chính quyền. 

Việc không thể kiểm soát được lãnh thổ của mình đã dẫn đến một hệ luỵ là những người nhập cư lậu bỏ tiền ra mua các suất dẫn đường để được di cư lậu vào Hoa Kỳ. Những băng đảng làm công việc dẫn đường này đã thu lợi lớn, và sau đó họ dùng số tiền kiếm được để mua sắm vũ khí. Khi họ có vũ khí và tiền, họ tiếp tục chiêu dụ thành viên và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phạm pháp khác nhau từ buôn á phiện cho tới tống tiền. Hậu quả là trong vòng 4 năm gần đây, tình hình Nam Mỹ cực kỳ bất ổn. Đứng trước sự đông đảo có vũ trang của các băng đảng, một số chính quyền buộc phải thoả hiệp và không đụng đến họ. Một số thành phố nằm dưới sự khống chế hoàn toàn của họ. Đó là những nơi mà người ngoài được khuyến cáo không nên vào. Nam Mỹ được xem như là một sân sau của Hoa Kỳ. Sự hoạt động mạnh mẽ của các băng nhóm khác nhau đến lượt nó đã giúp tuồn một lượng lớn ma tuý vào Hoa Kỳ và tàn phá giới trẻ. Cho nên giữa nhập cư lậu, tội phạm có tổ chức, và ma tuý có một sự liên quan chặt chẽ với nhau. Có lẽ hiểu sự liên quan này nên những mục tiêu trên đã nằm trong chương trình hành động của Donald Trump.

Việc thi hành trục xuất người nhập cư lậu sẽ gửi ra một thông điệp rằng những người mới đừng nên trả tiền cho các băng đảng để nhập cư lậu vào Mỹ làm gì, nó chỉ mất tiền vì họ sẽ nhanh chóng bị trục xuất. Khi người di cư lậu biết rằng họ sẽ chỉ mất tiền thì họ sẽ không đi nữa và các băng đảng sẽ không có tiền. Không có tiền thì các băng đảng sẽ không thể mua vũ khí và mở rộng hoạt động của mình. Đánh vào hậu cần là một cách đánh hiệu quả. Một kinh nghiệm thành công mà nhiều người có lẽ đã quên đó là trong cuộc chiến chống lại ISIS lúc đó đang phát triển nhanh chóng ở Trung Đông, chính quyền Donald Trump đã tấn công vào các giếng dầu của họ khi biết rằng nguồn thu từ bán dầu là nguồn tài chính dồi dào giúp chi trả cho việc tuyển mộ thêm các tay súng. Hậu quả là chỉ trong một thời gian ngắn ISIS đã bị tan rã vì thành viên không thể tham gia nếu không có tiền. 

DÂN CHỦ HOÁ

Nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden mở đầu bằng một thất bại ngoại giao thảm hại. Afghanistan, một nhà nước dân chủ đang được xây dựng của một đất nước hơn 40 triệu người mà Hoa Kỳ đã dành khoảng hai ngàn tỉ đô la tài trợ và xây dựng trong 20 năm đã nhanh chóng sụp đổ ngay khi lính Mỹ rút lui. Việc áp đặt một chế độ dân chủ từ trên xuống đã hoàn toàn thất bại trong trường hợp này. 

Sự sụp đổ nhanh chóng một nhà nước dân chủ mà không có một sự kháng cự nào chỉ chứng tỏ một điều rằng người dân không muốn giữ gìn thể chế này.  

Điều đó chỉ có thể lý giải rằng trong suốt chiều dài của đất nước, người dân Afghanistan đã quen với các văn hoá địa phương và làm việc xoay quanh các bộ lạc và các thủ lĩnh. Việc không có sự hỗ trợ của người dân và các tổ chức cộng đồng cơ sở đã khiến cho nhà nước dân chủ không thể nào hoạt động được. 

Bài học từ sự thất bại của Afghanistan quá mới, và có lẽ không có một tổng thống Mỹ nào sắp tới đây có ý định áp đặt một thể chế dân chủ lên đầu một dân tộc. 

Tiến trình dân chủ ở một nước nó phải diễn ra từ cơ sở mà ở đó các đảng phái phải nhận được sự ủng hộ của người dân cho một tiến trình thay đổi. Hoa Kỳ và các nước văn minh khác chỉ có thể hỗ trợ tiếng nói, áp lực, và kinh nghiệm của mình cho một sự chuyển giao hoà bình. 

Trong suốt dòng lịch sử, những chuyển đổi chế độ chính trị ở Việt Nam thường diễn ra vào lúc chế độ chính trị mà Việt Nam dựa vào suy yếu hoặc sụp đổ. Việt Nam chỉ ngã về phương Tây khi nhà Thanh suy yếu, và sau đó chế độ cộng sản chỉ chấp nhận khuất phục Trung Quốc khi Liên Xô sụp đổ. 

Trung Quốc đang khủng hoảng nặng. Chính sách áp thuế quan và những hạn chế trong tiếp cận công nghệ cao của chính quyền Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc ngày càng khó khăn. Chính sách ngoại giao cây tre mà ở đó Việt Nam dựa vào cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để hưởng lợi sẽ bắt đầu lung lay. Ngoại giao cây tre chỉ có thể thực hiện được khi mà sự xung đột giữa hai đối tác chưa lớn. Một cách giản dị, làm sao hai đối tác có thể tin tưởng Việt Nam một cách hoàn toàn để có thể chia sẻ thông tin, công nghệ hay các hợp tác chiến lược nếu biết rằng những chia sẻ này cũng có thể bị chuyển cho bên còn lại? 

Giới lãnh đạo Việt Nam từ từ rồi sẽ nhận ra việc giao thương và trao đổi với phương Tây sẽ đem lại thịnh vượng cho dân tộc. Nhiều người đã bỏ phiếu bằng chân. Một bằng chứng rõ nhất đó là con cháu giới lãnh đạo đều được gửi đi Âu Mỹ để học tập và định cư chứ chẳng còn mấy ai gửi con cháu đi các nước độc tài để học tập nếu họ có cơ hội. 

Việc Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, khuyến khích châu Âu tự chủ về quốc phòng, và tái phối trí sự hiện diện lớn hơn ở Châu Á chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo Việt Nam tự tin hơn để thắt chặt quan hệ và tiến tới những cải cách. 

Nhưng như đã nói, tiến trình dân chủ hoá của Việt Nam nó phải bắt đầu bởi sự hiện diện của các tổ chức trong cộng đồng.