Tác giả: Nina L. Khrushcheva
Lời lẽ vận động tranh cử ngày càng điên rồ của Donald Trump mang dấu ấn của một nhà độc tài nguy hiểm có khao khát cai trị một xã hội yếu kém, bị chia rẽ và đầy sự lo sợ. Nếu ông ta được phép thực hiện kế hoạch trục xuất hàng loạt như ông ta đã hứa hẹn, những người nhập cư không có giấy tờ sẽ là những nạn nhân đầu tiên phải chịu đựng việc này.
MOSCOW – “Sâu bọ“, “Lũ hiếp dâm“, “Chất độc trong máu của nước Mỹ“. Đó chỉ là một vài trong số những lời lẽ khinh miệt và vô nhân đạo mà Donald Trump đã dùng để miêu tả người nhập cư gốc Tây Ban Nha tại Hoa Kỳ. Giờ đây, ông ta đang hứa hẹn sẽ thực hiện “nỗ lực trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Viễn cảnh bắt giữ hàng triệu người như vậy không hề nghe giống một nền dân chủ tí nào và nghe giống như nước Pháp thời kỳ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vậy.
Hãy thử tưởng tượng kế hoạch của Trump sẽ bao gồm những việc gì đi. Những nhân viên nhập cư sẽ đột kích vào các trang trại và nhà máy để bắt giữ công nhân ở đấy. Các giáo viên và những người quản lý nhà trường bị ép buộc phải cung cấp thông tin về học sinh. Giám sát bí mật các nhà thờ Công giáo La Mã để bắt giữ những tín đồ gốc Tây Ban Nha sau khi họ nhận Thánh Thể. Các gia đình sẽ bị chia cắt, những bậc cha mẹ sẽ bị trục xuất và có khả năng mất liên lạc với những đứa con nhỏ của họ.
Trump nói rằng chỉ những người nhập cư không có giấy tờ – mà đảng Cộng hòa tuyên bố là có khoảng 20 đến 30 triệu người, cao hơn nhiều so với số liệu ước tính chính thức khoảng 12 triệu người – mới là mục tiêu của việc trục xuất. Nhưng với hơn 60 triệu người gốc Tây Ban Nha đang sinh sống tại Hoa Kỳ (tính đến năm 2020), liệu có ai tưởng tượng rằng chiến dịch truy quét người nhập cư của ông ta sẽ không bắt giữ những công dân Mỹ không? Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) hiếm khi có một hồ sơ hoàn hảo trong lĩnh vực này, và chưa bao giờ thực hiện bất kỳ cuộc trục xuất hàng loạt nào ở quy mô mà Trump hình dung cả.
Trump sẽ tạo vỏ bọc hợp pháp cho chiến dịch của mình bằng cách viện dẫn một đạo luật đã cũ và ít được biết đến: đó là Đạo luật Kẻ thù Ngoại quốc (Alien Enemies Act) năm 1798, cho phép tổng thống “bắt giữ, giam cầm, bảo đảm an ninh và trục xuất” những người không phải công dân ở Hoa Kỳ đến từ một quốc gia “thù địch”. Đạo luật này được cho là nhằm mục đích sử dụng trong thời chiến để ngăn chặn gián điệp và việc phá hoại, nhưng đó không phải là lý do Tổng thống John Adams ban hành nó. Ông ta muốn hăm dọa những người ủng hộ phó tổng thống của mình, Thomas Jefferson, người mà ông ta tin rằng bị ảnh hưởng quá mức bởi các cuộc Cách mạng Pháp.
Do Hoa Kỳ lúc đó thực ra không có chiến tranh với Pháp, Adams đã đưa ra một điều khoản cho phép Đạo luật có thể được dùng để chống lại công dân của một quốc gia ngoại quốc vốn đang đe dọa “xâm lược” hoặc “xâm phạm lãnh thổ”. Nhưng, trong thực tế, Đạo luật Kẻ thù Ngoại quốc chỉ mới được sử dụng ba lần, cả ba lần đó đều luôn diễn ra trong các cuộc xung đột lớn.
Trong cuộc Chiến tranh năm 1812, tất cả công dân Anh sinh sống tại Hoa Kỳ được yêu cầu phải báo cáo tình trạng của họ. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Tổng thống Woodrow Wilson đã viện dẫn đạo luật này chống lại công dân của các đế quốc Wilhelmine, Áo và Ottoman, cũng như công dân của đồng minh của họ là Bulgaria, ông cho rằng những “kẻ thù ngoại quốc” này có thể bị xem như là tù nhân chiến tranh.
Lần nổi tiếng nhất là khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã viện dẫn đạo luật này sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941, với công dân Nhật Bản, Đức và Ý đều được chỉ định như là kẻ thù ngoại quốc. Phần lớn những người bị đưa vào trại giam tập trung là người Nhật Bản, nhưng một số người Do Thái gốc Đức – những người đã thoát khỏi trại tử thần của Đức Quốc xã bằng cách di cư sang Hoa Kỳ – cũng bị tập trung lại và giam giữ.
Đối với Trump, chính những người nhập cư — chứ không phải những quốc gia họ của họ — mới đang xâm lược Hoa Kỳ. Và, theo như Trung tâm Tư pháp Brennan (Brennan Center for Justice) cảnh báo, Đạo luật Kẻ thù Ngoại quốc có thể “được sử dụng chống lại những người nhập cư không làm gì sai trái, không có dấu hiệu phản bội và đang có mặt một cách hợp pháp” tại Hoa Kỳ. Không có lý do gì để cho rằng Trump sẽ không tận dụng tối đa điều này, đặc biệt là khi xét đến phán quyết gần đây của Tòa án tối cao rằng các tổng thống hiện tại và cựu tổng thống được miễn trừ gần như hoàn toàn khỏi việc bị truy tố vì các hành động chính thức của họ khi còn tại nhiệm.
Các cuộc thảo luận về chính sách chống nhập cư của Trump thường tập trung vào tác động của chúng lên nền kinh tế mà theo Bloomberg nó có thể khiến nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại khoảng 4,7 nghìn tỷ đô la trong mười năm. Ai sẽ thu hoạch nông sản ở Thung lũng Trung tâm California sau khi Trump thanh trừng? Ai sẽ thay ga trải giường và lau chùi sàn nhà ở bệnh viện và nhà dưỡng lão? Ai sẽ chôn cất người chết và duy trì nghĩa trang?
Việc Trump thanh trừng người nhập cư có thể làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại nặng nề; giá thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác có thể tăng vọt. Hơn nữa, việc trục xuất bản thân nó cũng rất tốn kém. Theo một ước tính, việc trục xuất một triệu người nhập cư không có giấy tờ mỗi năm — tỷ lệ mà ứng cử viên phó tổng thống của Trump, J.D. Vance, đã đề xuất — có thể tiêu tốn 88 tỷ đô la mỗi năm.
Nhưng cái giá về mặt kinh tế của việc trục xuất hàng loạt sẽ bị lu mờ bởi cái giá đối với tâm hồn của nước Mỹ. Khi tôi chuyển đến Hoa Kỳ gần 35 năm trước, tôi nghĩ rằng kinh nghiệm lớn lên ở Liên Xô của tôi sẽ rất khác biệt so với cách thức vận hành của một đất nước được cho là nơi của tự do và pháp quyền này. Ngày nay, tôi nghe thấy trong lời lẽ vận động tranh cử gây sốc của Trump — những lời đe dọa về “kẻ thù bên trong” và sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với quyền lợi, chuẩn mực và pháp quyền — những tiếng vang của điều gì đó quen thuộc: một nhà độc tài nguy hiểm có khao khát cai trị một xã hội yếu kém, bị chia rẽ và đầy sự lo sợ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu “tiếng chuông sắc bén vào đêm khuya hoặc tiếng gõ cửa thô lỗ” — nỗi kinh hoàng của quê hương tôi trong những năm tháng tăm tối nhất của thời kỳ khủng bố Stalin — trở thành một phần của cuộc sống người Mỹ đây? Liệu người Mỹ có nhắm mắt làm ngơ trước những trại giam người nhập cư đang mọc lên? Liệu mọi người có trở thành kẻ chỉ điểm, tố cáo hàng xóm và đồng nghiệp của họ với cảnh sát nhập cư của Trump?
Nước Mỹ đang bị khủng bố bởi Trump rồi. Điều đó rất rõ ràng mỗi khi những nhà lãnh đạo quyền lực hạ thấp bản thân họ để được ông ta ưu ái. Hồng y Tổng Giám mục New York Timothy Dolan, người đã cười nhe răng và cười om sòm khi Trump nói ra vô số lời tục tĩu tại một bữa tối nghi lễ, là một ví dụ đáng xấu hổ xảy ra gần đây.
Trong một số nhóm — đặc biệt là giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa — sự hèn nhát như vậy gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại khi đối mặt với việc trục xuất hàng loạt. Nhưng bất kỳ ai bị cám dỗ để bỏ phiếu cho một người đàn ông đang lên kế hoạch thực hiện một chính sách khủng bố nhà nước thì nên nhớ đến lời thú tội nổi tiếng của Mục sư Martin Niemöller sau Thế chiến Thứ hai: “Lúc đầu họ đến bắt những người cộng sản”, ông ta bắt đầu nói như vậy, “và tôi không lên tiếng, bởi vì tôi không phải là một người cộng sản”. Điều tương tự cũng xảy ra với những người theo xã hội chủ nghĩa, công đoàn viên và người Do Thái. Nhưng rồi “họ đến bắt tôi”, ông kết luận, “và không còn ai” để mà lên tiếng cả.
—
Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “First Trump came for the Immigrants”, Project Syndicate, 25/10/2024