Tác giả: J. Bradford Delong
Khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn vào cuối những năm 1970, các lập luận ủng hộ chủ nghĩa tân tự do đã chiến thắng các lập luận kêu gọi theo đuổi một chính sách công nghiệp mang tính chủ động. Tuy nhiên, ngay cả khi vẫn còn tin tưởng vào các lập luận của thế hệ trước vốn phản đối sự phát triển do chính phủ dẫn dắt, thì việc cần thiết có chính sách công nghiệp giờ đây là điều đã trở nên không thể tránh khỏi.
BERKELEY – Cuối những năm 1970, nền kinh tế Mỹ dường như đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Nhiều năm lạm phát đã gây ra sự bất mãn sâu sắc; tăng trưởng năng suất đo lường được đã giảm từ mức 2% mỗi năm sau Thế chiến II xuống gần như bằng không; và khả năng chống chịu của Mỹ trước các cú sốc địa chính trị và địa kinh tế có vẻ đang suy yếu. Các giải pháp được đề xuất cho những vấn đề này rơi vào hai hướng: chủ nghĩa tân tự do và chính sách công nghiệp mang tính chủ động. Phe tân tự do đã giành chiến thắng.
Chủ nghĩa tân tự do kêu gọi thu nhỏ quy mô nhà nước, giảm thiểu tối đa các quy định, hạn chế thực thi luật chống độc quyền và chấp nhận sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế như một cái giá hợp lý để tái sinh doanh nghiệp tư nhân và khuyến khích “những người tạo việc làm.” Giả định cốt lõi là thị trường sẽ luôn mang lại kết quả tốt hơn so với các chương trình của chính phủ. Tuy nhiên, sự đồng thuận hiện nay là cách tiếp cận này đã thất bại thảm hại.
Không có gì diễn ra theo cách mà những người ủng hộ chủ nghĩa tân tự do đã hình dung, ngoại trừ sự gia tăng mạnh mẽ về bất bình đẳng thu nhập và của cải trong bốn thập kỷ qua. Trong khi nhiều người giàu có và có tiếng nói ảnh hưởng coi đặc điểm này của Thời đại Hoàng kim Thứ hai là dấu hiệu của thành công, tôi thì không, và tôi tin rằng hầu hết người Mỹ cũng đồng ý với quan điểm của tôi.
Đối với chính sách công nghiệp mang tính chủ động, nó xuất hiện mà không đạt được thành tựu, vì lập luận chính chống lại nó đã tỏ ra khá thuyết phục. Cái lập luận đó không phải là thị trường luôn đúng, hay các chính phủ chưa bao giờ thành công trong việc thực hiện các chính sách công nghiệp thúc đẩy phát triển trong quá khứ. Trái lại, đã có sự đồng thuận rằng các “can thiệp” của chính phủ để tạo ra và tài trợ cho trường học, ngân hàng và đường sắt, cũng như đưa ra các loại thuế quan và rào cản phù hợp để bảo vệ các “ngành công nghiệp non trẻ” đã giúp các quốc gia nắm bắt các cơ hội kinh tế do các công nghệ công nghiệp mang lại.
Cũng không một ai đưa ra quan điểm một cách nghiêm túc rằng sự thịnh vượng của nước Mỹ sau Thế chiến thứ Hai là kết quả của một chính sách tự do kinh tế toàn diện. Ngoại lệ lớn là nhóm “đà điểu” tại Đại học Chicago, những người đã cố tình bỏ qua vai trò của chính phủ Mỹ kể từ năm 1933 trong việc chỉ đạo và trợ cấp đầu tư, ổn định nhu cầu và thị trường, cũng như cam kết nguồn lực khổng lồ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhưng họ chỉ có thể giả vờ rằng sự thịnh vượng của Mỹ không dựa vào vai trò của khu vực công trong việc tạo ra và điều phối tri thức khoa học và chuyên môn công nghệ, cũng như nuôi dưỡng các cộng đồng nhân tài về kỹ thuật vốn rất cần thiết để hiện thực hóa điều đó.
Không, lập luận thuyết phục duy nhất chống lại chính sách công nghiệp chủ động trong những năm 1980 (và cho đến nay) là nước Mỹ sau thập niên 1970 thiếu năng lực nhà nước để thực hiện chính sách đó. Như Charles L. Schultze, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, đã viết trong số mùa thu năm 1983 của The Brookings Review:
“Không chỉ là việc chính phủ không thể chọn trước được tổ hợp công nghiệp nào sẽ chiến thắng, mà nỗ lực để làm điều đó gần như chắc chắn sẽ gây ra nhiều thiệt hại. Có nhiều nhiệm vụ quan trọng chỉ có chính phủ mới có thể làm – và với sự nỗ lực và giám sát không ngừng, họ có thể thực hiện những nhiệm vụ đó một cách khá tốt. Nhưng một điều mà hầu hết các hệ thống chính trị dân chủ – và đặc biệt là hệ thống của Mỹ – không thể làm tốt là đưa ra các lựa chọn quan trọng giữa các công ty, đô thị, hoặc khu vực cụ thể, để quyết định một cách lạnh lùng xem cái nào sẽ thịnh vượng và cái nào sẽ không. Tuy nhiên, những lựa chọn như vậy chính là những điều cần phải thực hiện – và phải thực hiện một cách rõ ràng – để chính sách công nghiệp trở thành một điều gì đó vượt ra ngoài những lợi ích chính trị.”
Lập luận này nhìn chung là có sức thuyết phục. Cảm giác vào thời điểm đó là quá nhiều quyết định của chính phủ không xuất phát từ lợi ích công cộng, mà bởi thực tế là, như Thượng nghị sĩ Barbara Boxer từng nói, trong một lần lỡ lời: “B-2 mang theo một quỹ lương lớn [ở bang của tôi]” (ý bà là tải trọng). Quá nhiều cơ quan quản lý và chỉ đạo phát triển kinh tế có vẻ đã bị các nhà đầu tư, các nhà quản lý, hoặc các tập đoàn độc quyền nào đó kiểm soát. Quá nhiều tòa nhà bằng kính và thép trên Phố K (trung tâm của ngành vận động hành lang ở Washington) được tài trợ bởi quá nhiều nhóm lợi ích và được điều hành bởi quá nhiều nhà cựu lập pháp cùng các trợ lý của họ. Làm sao phân tích chi phí-lợi ích theo chủ nghĩa kỹ trị có thể vượt ra khỏi sự bịp bợm để phục vụ lợi ích công cộng?
Tuy nhiên, hiện nay, Hoa Kỳ có ba lý do quan trọng buộc phải thực hiện chính sách công nghiệp một cách toàn diện. Thứ nhất là thảm họa tiềm tàng của hiện tượng nóng lên toàn cầu không kiểm soát được, đòi hỏi hành động ở quy mô lớn hơn rất nhiều so với lời kêu gọi của Al Gore gần nửa thế kỷ trước. Thứ hai là nhu cầu tái định hướng nền kinh tế Mỹ khỏi tài chính tập trung tại các khu vực ven biển và chế độ tài phiệt sang sự thịnh vượng cho tầng lớp trung lưu và lao động trên toàn quốc. Thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trước khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kể từ đó, rõ ràng chúng ta đang trải qua một cuộc chuyển đổi lịch sử về địa chính trị và địa kinh tế mà, như Adam Smith đã viết trong The Wealth of Nations, “quốc phòng… quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có.”
Vì những lý do này, câu hỏi quan trọng nhất về chính sách kinh tế cho nước Mỹ hiện nay không phải là liệu chúng ta có nên theo đuổi chính sách công nghiệp hay không. Chúng ta không còn lựa chọn. Câu hỏi, do đó, là: Chúng ta có thể làm gì để chứng minh Schultze đã sai?
–
J. Bradford DeLong, Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia và là tác giả của cuốn Slouching Towards Utopia: An Economic History of the Twentieth Century (Lịch sử Kinh tế Thế kỷ 20: Đi về Utopia, Nhà xuất bản Basic Books, 2022). Ông từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Chính quyền Clinton, nơi ông tham gia sâu vào các cuộc đàm phán ngân sách và thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế gói cứu trợ Mexico trong cuộc khủng hoảng peso năm 1994 đã đưa ông lên tuyến đầu trong việc chuyển mình của Mỹ Latinh thành một khu vực có nền kinh tế mở, đồng thời củng cố vị thế của ông như một tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế.
Nguồn: J. Bradford Delong, “America Has No Alternative to Industrial Policy,” Project Syndicate, 5/9/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.