Chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng

Tác giả: Dani Rodrik

Như là một mục tiêu chính sách kinh tế toàn cầu, đại-toàn-cầu-hóa gặp khó khăn phần lớn bởi vì những người thúc đẩy nó kiểm soát thái quá các hành động có ảnh hưởng liên biên giới. Một hướng tiếp cận tốt hơn nhiều là tập trung vào các chính sách hướng tới việc kiếm lợi cho quốc gia bằng cách chủ ý gây hại cho những nước khác.

CAMBRIDGE – Trong tình hình các quốc gia tham gia thương mại càng ngày càng có xu hướng đơn phương hành động để đạt tới mục tiêu xã hội, kinh tế, môi trường của chính họ, nền kinh tế thế giới khẩn thiết cần một khuôn thước chuẩn mực rõ ràng hơn để thiết lập một trật tự ứng xử. Một xuất phát điểm khả dĩ để các nước cùng thống nhất, về nguyên tắc, là không sử dụng các chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng (beggar-thy-neighbor policies).

Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó có khả thi không? Chẳng phải các nước vốn đã quá quen với những chính sách như vậy để có thể bị thuyết phục ngược lại?

Thực tế thì không. Việc cho rằng các nước không thể thay đổi bắt nguồn từ sự lẫn lộn khái niệm giữa các chính sách tạo ảnh hưởng tiêu cực ra bên ngoài lãnh thổ và các chính sách thực sự bần-cùng-hóa các nước khác. Thực ra thì khá là vô vọng, và phản tác dụng, nếu chúng ta cố gắng giảm thiểu tất cả các chính sách thuộc loại thứ nhất. Rất may mắn, các động thái bần-cùng-hóa-láng-giềng chỉ là một nhóm nhỏ trong số chúng.

Đại-toàn-cầu-hóa diễn ra một cách ì ạch phần lớn vì tham vọng của nó trong việc kiểm soát quá mức các chính sách có ảnh hưởng xuyên biên giới. Bằng cách chỉ tập trung vào những chính sách thực sự hướng tới việc bần-cùng-hóa-láng-giềng, chúng ta có thể nhắm tới cái gốc của vấn đề và thúc đẩy các thương thảo quốc tế.

Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự khác biệt này, hãy thử xem xét một bài toán cổ điển trong đó chính sách của một quốc gia tạo ra thiệt hại cho nước khác, cụ thể là bằng cách làm yếu đi tỉ lệ trao đổi (terms of trade) — vốn được đo bằng giá xuất khẩu trên giá nhập khẩu — của quốc gia kia. Kịch bản thương mại khốn khổ này ban đầu được công bố bởi Jagdish Bhagwati, và sau đó được dùng bởi Paul Samuelson cho lập luận rằng sự phát triển của Trung Quốc có thể gây hại cho Hoa Kỳ.

Hãy thử xem xét hai chính sách cụ thể. Đầu tiên khi chính phủ Trung Quốc tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia mình trong các ngành công nghệ cao và để giảm giá các sản phẩm đó trên thị trường toàn cầu, Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác bị thiệt hại vì đó là các ngành mà ở đó họ có các lợi thế cạnh tranh. Tuy vậy, dù xem xét các thiệt hại đó, chúng ta cũng không thấy đó là hợp lý khi yêu cầu Trung Quốc cắt bỏ các tài trợ đó; đó là bởi vì trực giác của chúng ta cho rằng việc hỗ trợ phát triển nghiên cứu là một cách hợp lý để thúc đẩy kinh thế, cho dù việc đó sẽ dẫn tới thiệt hại cho các nước khác.

Chính sách thứ hai là chính sách cấm bán các khoáng sản đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác mà Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất. Trung Quốc có lợi từ việc tăng giá trên thị trường quốc tế và khiến các nhà xuất khẩu của mình cạnh tranh tốt hơn, vì nguyên liệu đầu vào rẻ. Nhưng đây rõ ràng là một ví dụ về chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng. Lợi ích mà Trung Quốc có được là kết quả của việc thi hành quyền độc quyền trên toàn cầu và điều này tạo ra thiệt hại cho các nhà sản xuất ngoại quốc.

Một chính sách được gọi là bần-cùng-hóa-láng-giềng khi nó tạo ra lợi ích cho nền kinh tế nội địa bằng cách gây hại cho các nước khác. Joan Robinson đã đặt tên cho khái niệm này vào thập kỷ 30 của thế kỉ trước để mô tả các chính sách như cạnh tranh giảm giá, mà ở đó, trong tình trạng thất nghiệp chung, nó kéo nguồn việc làm từ các nước khác về thị trường nội địa. Các chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng thường tạo ra kết quả tổng âm cho thế giới nói chung.

Việc phân biệt các chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng cũng khá khó thực thi vì trong thực tế ít có quốc gia nào chịu công nhận. Song việc làm rõ các loại hình chính sách thực sự đáng phản đối và theo đó thu hẹp các mâu thuẫn, sẽ dễ dẫn tới các kết quả kinh tế tốt hơn. Điều đó cũng sẽ tạo ra nền chính trị tốt hơn, vì các chính phủ sẽ có động lực để tham gia thương thảo một cách hiệu quả hơn về việc họ đang làm gì, tại sao họ làm như vậy, và các hậu quả tiềm năng của chúng.

Áp dụng cách nhìn này vào thực tế, chúng ta có thể nhận ra là phần lớn các chính sách công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc hiện nay không thuộc loại hình bần-cùng-hóa-láng-giềng. Ngược lại, khá nhiều trong số chúng có thể được xem là làm-giàu-cho-láng-giềng.

Ví dụ rõ ràng nhất là tập hợp các chính sách công nghiệp xanh mà Trung Quốc đã thực hiện trong vài thập kỷ gần đây để làm giảm giá thành của điện gió và điện mặt trời, pin và xe điện. Những chính sách này có lợi ích kép cho kinh tế thế giới. Chúng kéo theo sự phát triển ở các quốc gia khác, giảm giá đầu vào cho các nhà sản xuất trên thế giới và làm giảm giá thành cho người tiêu dùng. Chúng cũng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, phần nào bù đắp được cho sự vắng bóng của tín chỉ carbon.

Khi chính sách công nghiệp đánh trúng vào các yếu tố ngoại cảnh và điểm kẹt của thị trường – như trong trường hợp của các tài trợ xanh – chúng không phải là những thứ mà chúng ta cần lo lắng. Hơn nữa, khi chúng ta có thể đặt ra các câu hỏi hợp lý về các trường hợp mà ở đó các điều kiện này không được thỏa mãn, thì chúng ta sẽ thấy một sự thật là những thiệt hại do các chính sách yếu kém gây ra sẽ hứng chịu chủ yếu bởi thị trường nội địa. Chính dân nội địa sẽ phải chịu thuế và giá cả cao hơn. Các chính sách công nghiệp tệ thường sẽ ít bần-cùng-hóa-láng-giềng hơn là tự-bần-cùng-hóa-bản-thân-mình.

Tất nhiên, các nước khác cũng sẽ bị thiệt phần nào. Nhưng nó không có nghĩa là các nước đó nên có ý kiến. Việc mong đợi các chính phủ nhạy cảm hơn đối với các lập luận của các quốc gia khác về ảnh hưởng của các chính sách là điều không thực tế mà cũng không hợp lý. Lẽ dĩ nhiên, các đối tác thương mại luôn có quyền thiết lập các thiết chế tự vệ, dù chính sách mà họ đang đối phó không có tính bần-cùng-hóa-láng-giềng.

Ví dụ, nếu một chính phủ quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia hay các hậu quả trong thị trường việc làm, họ nên có quyền đặt ra các hạn chế về xuất khẩu, hoặc tăng thuế nhập khẩu để đối phó với những điều này. Tối ưu hơn thì các đối sách đó nên được tinh chỉnh và nhắm tới các mục tiêu nội địa cụ thể, thay vì được thiết kế để trừng phạt các nước đang không liên quan tới các chính sách bần-cùng-hóa-láng-giềng.

Để lọc ra một số ít các hành vi bần-cùng-hóa-láng-giềng từ một lượng lớn các chính sách có ảnh hưởng quốc tế là bước đầu quan trọng giúp làm dịu các căng thẳng thương mại. Việc đó cũng giúp các thương thảo quốc tế có thể tập trung hơn vào các vấn đề cốt lõi, giúp các chính phủ có thể theo đuổi các chính sách nội địa hợp lý hơn. Trên con đường hướng tới một nước tự cường, cần phải hiểu biết rõ cả kinh tế và chính trị. 

—-

Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Kennedy Harvard, là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Quốc tế và là tác giả của cuốn sách “Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy” (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2017).

Nguồn: Dani Rodrik, “The Beggar-Thy-Neighbor Test”, Project Syndicate, 10/10/2024.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân


Đăng ngày

trong

,

Thẻ: