Tác giả: Thomas Buberl
Trong khi Liên minh Châu Âu có thể là đối tượng cần thiết nhất phải trải qua một cuộc chuyển đổi về mặt thể chế để ứng phó với việc đa khủng hoảng hiện nay, nó cũng đã được trang bị rất tốt để thực hiện điều đó. Yếu tố then chốt ở đây sẽ là việc phát triển một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực then chốt, và thiết lập một khung tổ chức hoàn toàn mới.
GENEVA – Mỗi giai đoạn lịch sử đều được định nghĩa bởi những thách thức riêng của giai đoạn đó. Sau Thế chiến thứ 2, Châu Âu phải tìm cách chấm dứt các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại và tương đối độc lập liên quan đến chu kỳ thị trường, chính trị nội bộ và cạnh tranh giữa các cường quốc vốn đã chia rẽ Châu Âu trong nhiều thập kỷ. Châu Âu đã giải quyết các thách thức này bằng cách xây dựng các quốc gia ổn định và các hệ thống phúc lợi hiệu quả dựa vào các cơ chế mạnh mẽ của Châu Âu và quốc tế.
Kể từ đầu thế kỷ 21, Châu Âu đã phải đối mặt với một thách thức mới, đó là ứng phó với sự đa khủng hoảng hết sức phức tạp, bao gồm nhiều cuộc khủng hoảng liên kết với nhau. Nhiều cuộc khủng hoảng trong số này có thể, nếu ta xét riêng lẻ, gây ra thảm họa do các quá trình tự củng cố và tích lũy, chẳng hạn như các điểm bùng phát của biến đổi khí hậu và hiệu ứng quả cầu tuyết của nợ công.
Nhưng không có cuộc khủng hoảng nào diễn ra trong một khoảng trống cả. Ngược lại, những cuộc khủng hoảng ngày nay càng liên kết với nhau làm trầm trọng thêm tình hình và củng cố cho nhau. Ví dụ, một cuộc khủng hoảng dân số làm mất ổn định hệ thống phúc lợi, làm ảnh hưởng đến phúc lợi kinh tế, từ đó dẫn đến sự rối loạn về mặt xã hội và chính trị. Một sự suy giảm đáng kể và kéo dài trong sự gắn kết xã hội và chính trị có thể góp phần vào những loại khủng hoảng khác, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng hiện tại của nền dân chủ tự do, đồng thời cản trở khả năng của các quốc gia trong việc ứng phó với những mối đe dọa khác, như là biến đổi khí hậu.
Sự thất bại chung trong việc giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng đa chiều vốn đang gia tăng đã góp phần tạo ra một cảm giác ngày càng bi quan trong công chúng châu Âu, những người cảm thấy ngày càng bất lực. Tuy nhiên, những mối đe dọa sinh tồn mà chúng ta phải đối mặt, từ việc xung đột vũ trang đến biến đổi khí hậu thảm khốc, đều có thể vượt qua được – không phải bằng cách “lấy lại quyền kiểm soát,” như các nhà lãnh đạo chính trị dân túy hứa hẹn, mà là bằng cách học cách kiểm soát những điều mà ta chưa kiểm soát được.
Các tổ chức chính trị, tài chính và quốc tế của chúng ta thường được thiết kế để quản lý các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ trong quá khứ, và điều này khiến chúng không hề phù hợp để ứng phó với cuộc khủng hoảng đa chiều hiện nay, thứ mà đòi hỏi cả tính kiên cố lẫn sự linh hoạt. Châu Âu còn phải đối mặt với một thách thức thêm nữa là: các tổ chức của nó, vốn bị phụ thuộc vào sự đồng thuận, tính nhất quán và sự thỏa hiệp, đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với những lợi ích thuộc về những nhóm nhỏ, phức tạp và đa dạng.
Nhưng cũng như việc châu Âu là nơi cần một cuộc chuyển đổi thể chế nhất để đối mặt với những thách thức sinh tồn hiện nay, nó cũng đã được trang bị rất tốt để đạt được điều đó, nhờ vào kinh nghiệm phong phú trong việc phát triển qua các cuộc khủng hoảng và việc cân bằng giữa sự đoàn kết và tự do. Yếu tố then chốt sẽ là phát triển một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng, và xây dựng một khung tổ chức mới.
Hãy bắt đầu với tầm nhìn trước. Châu Âu cần một chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề đa khủng hoảng. Đó là một chiến lược giúp đồng bộ hóa các khoảng thời gian để cải thiện việc quản lý các cuộc khủng hoảng ngắn hạn (thứ cực kỳ cần thiết để phá vỡ các cơ chế khủng hoảng tự củng cố) và thiết lập các mục tiêu chung dài hạn (thứ cực kỳ cần thiết để duy trì động lực).
Các đơn vị nhỏ hơn, mang tính tự trị hơn và linh hoạt hơn nên chịu trách nhiệm thực hiện tầm nhìn này, bằng cách hợp tác với các bên độc lập – thường là từ xã hội dân sự – chuyên về việc xây dựng đồng thuận, phát triển các chiến lược dài hạn và giám sát việc thực hiện cũng như là tác động của chúng. Một văn hóa của sự quyết đoán và minh bạch là điều hoàn toàn cần thiết.
Thành phần dài hạn của tầm nhìn nên phản ánh tham vọng của các thế hệ. Ấn Độ có một lộ trình để trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, tròn một thế kỷ sau khi giành độc lập. Trung Quốc dự định đạt được “sự trẻ hóa quốc gia” vào năm 2049, vào đúng kỷ niệm một trăm năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Châu Âu nên định hình chiến lược của mình vào năm 2045, 100 năm sau khi bắt đầu lại từ sau những kinh hoàng mà Thế chiến thứ Hai mang lại. Trong việc xây dựng tầm nhìn mới này, châu Âu nên học hỏi từ những điểm mạnh của các quốc gia khác; ví dụ như, khả năng tư duy chiến lược của Mỹ, được minh họa qua công việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng.
Yêu cầu thứ hai là xây dựng các cơ chế mới vững chắc vốn bao trùm ba yếu tố quan trọng của an ninh châu Âu là: tài chính, quốc phòng và phúc lợi xã hội. Kiến trúc tài chính mới phải nhằm mục đích tăng đầu tư vào châu Âu để thúc đẩy năng suất và hỗ trợ đổi mới về công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng. Với lực lượng nhà đầu tư nhỏ hơn và sự phân mảnh mang tính cấu trúc, điều này sẽ buộc châu Âu phải giỏi hơn trong việc phân bổ vốn hiệu quả và vận động chuyện tiết kiệm. Việc hoàn thiện liên minh thị trường vốn nên là nhiệm vụ chính của Ủy ban châu Âu mới.
Về quốc phòng, cuộc chiến Ukraine đã phơi bày ra rằng tổ chức hiện tại của châu Âu là yếu ớt và chậm chạp. Cần phải có một cơ chế mới với khả năng xử lý việc mua sắm trên toàn lục địa, hỗ trợ khả năng tương tác giữa các lực lượng an ninh và mang lại lợi thế công nghệ cho châu Âu.
Tương tự vậy, một thiết kế mới của hệ thống phúc lợi xã hội phải nhất quán, mang tính khả thi về tài chính và phải phản ứng nhanh với nhu cầu của xã hội hiện đại. Trong những thập kỷ qua, châu Âu đã để cho các khoản nợ và khoảng trống về mặt tài chính gia tăng trong nhiều lĩnh vực – bao gồm chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục và năng lượng – do việc thiếu sự đồng thuận về hình thức của nhà nước phúc lợi hiện đại. Với việc bảo vệ lối sống châu Âu là điều cần thiết cho sự đoàn kết xã hội lâu dài, tình trạng này không thể được phép tiếp tục.
Yếu tố thứ ba quan trọng đối với châu Âu khi đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều là xây dựng một mô hình tổ chức mới, dựa trên tính linh hoạt, khả năng thích ứng và nguyên tắc phân cấp. Các vấn đề cần được giải quyết ở cấp độ nơi chúng phát sinh ra. Các thách thức toàn cầu – như biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân, trí tuệ nhân tạo và ổn định tài chính – đòi hỏi sự hợp tác và quy định quốc tế được tổ chức tốt hơn.
Các thách thức cần được xử lý ở cấp độ Liên minh châu Âu sẽ bao gồm việc cập nhật mô hình kinh tế của châu Âu, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, cũng như xử lý chính sách thương mại. Các quốc gia, về phần mình, phải thúc đẩy sự đoàn kết và cùng với các cộng đồng địa phương thực hiện các chính sách cụ thể. Hợp tác công-tư cũng rất cần thiết, để nhằm tận dụng kinh nghiệm, kiến thức và khả năng thể chế của doanh nghiệp trong việc thích ứng, quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng. Mô hình tổ chức mới nên giống như một mạng lưới hơn là một chuỗi, vì sức mạnh của một mạng lưới là tổng hợp của các nút thắt, trong khi một chuỗi chỉ mạnh bằng mắt xích yếu nhất của nó.
Châu Âu không thể ngồi yên đợi đến cú sốc tiếp theo được. Nếu chúng ta muốn vượt qua cuộc khủng hoảng đa chiều, ta cần có sự phản ánh về chiến lược, sự lãnh đạo tập thể và tư duy đổi mới ngay từ hôm nay, được dẫn dắt bởi tham vọng chung về việc “Tái sáng lập châu Âu” vào năm 2045.
—-
Thomas Buberl là CEO của AXA.
Nguồn: Thomas Buberl, “Europe and the Polycrisis”, Project Syndicate, 10/10/2024
Biên dịch: Phong trào Duy Tân