Tại sao việc hiểu rõ “chi phí kinh tế” lại quan trọng?

Tác giả: Per Bylund.

Khái niệm chi phí kinh tế có thể gây nhầm lẫn với nhiều người. Nó không phải là số tiền bạn bỏ ra để mua một món đồ, mà là lý do khiến bạn phải chi trả số tiền đó.

Chi phí kinh tế của một hành động là giá trị bạn có thể nhận được từ một hành động khác. Cụ thể, nếu bạn có 100 đô la và chỉ chọn mua một trong hai món đồ, chúng đều đồng giá 100 đô la, đương nhiên là bạn sẽ chọn mua món quan trọng (có ích) hơn với mình. Chi phí không phải là 100 đô la mà bạn chi ra để mua món đồ đó, mà là giá trị của món hàng còn lại mà bạn không thể mua – đây gọi là chi phí thực sự của hành động, hay còn gọi là chi phí kinh tế. 

Vậy tại sao khái niệm này lại quan trọng? Bởi vì các hành động của chúng ta đều nhằm mục đích tạo ra giá trị, và mục tiêu của ta luôn là tối đa hóa giá trị đó (theo cách hiểu chủ quan). Khái niệm chi phí kinh tế giúp ta nhận thức rõ hơn về những gì bản thân phải đánh đổi để đạt được giá trị, rồi từ đó giải thích tại sao chúng ta phải chọn một phương án hành động cụ thể.

Nền kinh tế là một hệ thống tiết kiệm tài nguyên khan hiếm, là một quá trình phân bổ tài nguyên một cách có hệ thống để có thể tối đa hóa giá trị của nó. Nó không phải là việc giảm thiểu mức giá phải trả, vốn là một khái niệm khác. Thực chất nó là về giá trị. Điều này có thể chỉ là lý thuyết nhưng tác động của nó lại vô cùng to lớn.

Những người thiếu hiểu biết về khái niệm chi phí kinh tế sẽ chỉ chú trọng vào kết quả – ”lợi ích ròng” — thay vì chi phí.  Việc này khiến ta lãng phí tài nguyên mà không thu được những giá trị vốn có thể đạt được dễ dàng.

Ví dụ điển hình là việc cho rằng tồn tại những lợi ích khổng lồ từ các sự kiện như “Chiến tranh Thế giới thứ Hai” hoặc “ Dự án Không gian Mỹ” vào những năm 1960. Cả hai đều tốn kém một lượng tài nguyên khổng lồ, nhưng bên cạnh đó chúng cũng mang lại những lợi ích cụ thể. Chiến Tranh Thế giới thứ Hai dẫn đến sự phát minh cao su tổng hợp, kéo chúng ta ra khỏi việc sản xuất cao su vốn rất tốn kém, mất thời gian. Đúng, đó là một lợi ích. Dự án vũ trụ giúp phát triển rất nhiều công nghệ tiên tiến. Đó cũng là một lợi ích. Nhưng chi phí kinh tế là gì? Đây mới là vấn đề thực sự: Bên cạnh những lợi ích hiện có, thì còn những lợi ích nào khác mà ta đã bỏ lỡ vì đã đổ một lượng lớn tài nguyên vào chiến tranh và cuộc đua vũ trụ? Những khám phá nào mới có thể đã nằm trong tầm tay nếu lượng tài nguyên đó được sử dụng theo hướng khác? 

Ví dụ về Chiến tranh Thế giới thứ Hai rất rõ ràng, chiến tranh không hề mang lại hiệu quả sản xuất. Dự án không gian cũng đối mặt với vấn đề tương tự: chúng ta, với tư cách là xã hội, đã bỏ lỡ những cơ hội nào vì chính phủ chọn đầu tư hàng tỷ đô la cho chương trình vinh quang nhằm đánh bại Liên xô trong cuộc đua lên mặt trăng? Đương nhiên, chúng ta không thể biết được. 

Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta không thể đánh giá liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn hay không. Thực tế thì trong hệ thống thị trường, các nhà khởi nghiệp cạnh tranh nhau không phải để giảm thiểu chi phí mà là để tạo ra giá trị. Đây là giá trị ròng: lợi ích thực tế mà sản phẩm mang lại trong mắt người tiêu dùng. Các doanh nghiệp không thể biết chính xác khách hàng nghĩ gì về sản phẩm, nhưng họ đặt cược sinh kế của bản thân vào những gì họ nghĩ sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng. Và kết quả, việc này đã tạo ra sự đa dạng hàng hóa và dịch vụ. Giúp người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn phương án tốt nhất từ góc nhìn của mình. Những gì không được sản xuất thì không thể được lựa chọn. Nhưng không được sản xuất cũng có nghĩa là các nhà khởi nghiệp cho rằng chúng không đáng để đầu tư, không tạo ra giá trị cho người tiêu dùng.

Lưu ý rằng đây không phải là vấn đề liệu các nhà đầu tư có thể “chi trả” cho khoản đầu tư vốn cần thiết hay không. Vấn đề nằm ở tỷ suất lợi nhuận: liệu giá trị có đủ cao so với chi phí cần thiết để sản xuất hàng hóa/dịch vụ (chi phí sản xuất) hay không. Với một tỷ suất lợi nhuận (ROI – return on investment) đủ cao, so với các dự án tiềm năng khác, các nhà đầu tư có thể luôn tìm thấy nguồn vốn cần thiết: sau cùng, các nhà đầu tư luôn tìm kiếm một khoản lợi nhuận từ vốn của họ.

Vậy nên, lập luận rằng “chỉ có chính phủ mới có thể” đầu tư vào một việc gì đó vì nó đòi hỏi vốn là sai lầm. Lập luận này nêu ra những vấn đề không tồn tại và thường xuyên không áp dụng đúng đắn khái niệm chi phí kinh tế (như trong các ví dụ ở trên). Chi phí kinh tế cho chúng ta biết điều gì là quan trọng nhất đối với mọi người, bất kể quy mô đầu tư vốn như thế nào. Lợi tức đầu tư (ROI) cao hơn có nghĩa là giá trị lớn hơn, điều này đồng nghĩa với việc có thể tính giá cao hơn — và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Đây là lý do tại sao chi phí kinh tế lại rất quan trọng để hiểu cách thức hoạt động của nền kinh tế. Bởi vì nếu một dự án mà một nhà đầu tư tưởng tượng có vẻ rất có lãi, bất kể khoản đầu tư ban đầu cần thiết là bao nhiêu, họ sẽ theo đuổi nó. Điều này đồng nghĩa với việc, cùng lúc, những dự án kinh doanh khác, dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn, sẽ không được thực hiện. Điều quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế là việc theo đuổi giá trị lớn hơn, vì điều này sẽ giúp tất cả chúng ta trở nên tốt hơn. Đây là lý do tại sao, thông qua sự cạnh tranh, việc loại bỏ nhanh chóng những nhà đầu tư với các dự án không thực sự tạo ra nhiều giá trị lại rất quan trọng: họ thực sự đang lãng phí nguồn lực của chúng ta, bởi vì giá trị bị bỏ qua — những dự án không được thực hiện do nguồn lực bị chiếm dụng bởi các dự án kém giá trị này — cao hơn giá trị tạo ra. Đó là một tổn thất kinh tế, bất kể những lợi ích nào có thể đã được thu được từ đó.

Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng chương trình không gian, giống như chiến tranh, là một hành động lãng phí. Chính phủ đã can thiệp vì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng thực hiện nó, điều này là bởi tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng (nếu có) của nó thấp hơn rất nhiều so với các dự án khác mà các nhà đầu tư có thể theo đuổi. Chúng ta không biết mình đã mất đi những gì, nhưng có thể đó là những phương pháp chữa trị cho những căn bệnh nguy hiểm, xóa bỏ nghèo đói, hoặc bất cứ điều gì khác. Thực tế là người tiêu dùng không được kỳ vọng sẽ chi tiền của họ cho chương trình không gian, và thực tế là không có nhà đầu tư nào kỳ vọng rằng họ sẽ làm điều đó, ít nhất là không đủ mức cần thiết, có nghĩa là nó không được coi là đủ giá trị. Chi phí kinh tế của nó được kỳ vọng sẽ cao hơn giá trị kinh tế mà nó mang lại!

Vậy, điều này có nghĩa là không có gì tốt đẹp đã ra đời từ chương trình không gian? Tất nhiên là không.

Đã có những đổi mới và công nghệ được phát hiện, và chúng đã phục vụ chúng ta rất tốt. Nhưng vào thời điểm đầu tư, những đổi mới này hoặc là không được kỳ vọng (hoàn toàn) hoặc là không được kỳ vọng sẽ phục vụ đủ tốt cho con người. Chắc chắn có những ví dụ về những sự tình cờ dẫn đến việc tạo ra những thứ tuyệt vời (như Arpanet trở thành Internet), nhưng ai lại có lý trí mà tranh cãi rằng chúng ta nên lãng phí tài nguyên vào các dự án lớn của chính phủ chỉ vì có thể có những hậu quả ngoài dự tính mà chúng ta sẽ được hưởng lợi từ đó?

Xem xét chi phí kinh tế, những gì chúng ta có thể đã thu được từ khoản đầu tư đó được kỳ vọng (bởi tất cả mọi người!) sẽ cao hơn so với dự án mà chính phủ đã theo đuổi.

Đó là lý do tại sao chính phủ lại thực hiện nó. Chính phủ thực chất là đang lãng phí các nguồn lực khan hiếm với chi phí kinh tế cao, tức là không có giá trị kỳ vọng đủ lớn. Dù nhìn từ góc độ nào, đây cũng là sự lãng phí. Trừ khi, tất nhiên, người ta bỏ qua khái niệm chi phí kinh tế: những cơ hội có giá trị cao hơn bị bỏ qua — mất đi — vì chúng ta, thay vào đó, đi theo những cơ hội có giá trị thấp hơn.

Để đơn giản hóa, đây là vấn đề lựa chọn những cơ hội dễ dàng trước tiên, vì sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn — “giá trị thu lại” lớn hơn — khi làm vậy. Việc leo lên các nhánh cao hơn “phòng khi” có một lợi ích nào đó bất ngờ từ việc bỏ thêm công sức là điều vô lý.

Nguồn: Per Bylund, “Why It’s Important to Understand “Economic Costs”, Mises, 20/6/2019.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong

Thẻ: