Tác giả: Ludwig von Mises.
Hệ thống sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa là một hệ thống hạn chế. Căn cứ lịch sử của nó là sự chinh phục quân sự. Những vị vua chiến thắng đã ban đất cho các hiệp sỹ của họ. Những quý tộc này thực sự là các lãnh chúa theo nghĩa đen của từ này, vì họ không phụ thuộc vào sự bảo trợ của người tiêu dùng thông qua việc mua hoặc không mua trên thị trường. Mặt khác, chính họ là những khách hàng chính của các ngành công nghiệp chế biến, vốn được tổ chức theo hình thức hợp tác dưới hệ thống các hội nghề. Hệ thống này chống lại sự đổi mới. Nó ngăn cản sự đi lệch khỏi các phương pháp sản xuất truyền thống. Số lượng người có việc làm, ngay cả trong nông nghiệp hoặc trong các ngành nghề thủ công, là rất hạn chế. Trong những điều kiện này, nhiều người, theo lời của Malthus, đã phải nhận ra rằng “trong bữa tiệc hùng vĩ của thiên nhiên, không có chỗ trống cho anh ta” và rằng “thiên nhiên bảo anh ta phải đi đi.” (1) Nhưng một số kẻ bị ruồng bỏ vẫn cố gắng sống sót, sinh con cái, và làm cho số người nghèo khổ ngày càng gia tăng một cách tuyệt vọng.
Nhưng rồi chủ nghĩa tư bản xuất hiện. Thông thường, người ta coi những đổi mới mang tính cách mạng mà chủ nghĩa tư bản đem lại là việc thay thế các nhà máy cơ khí cho các phương pháp thô sơ và kém hiệu quả hơn của các cửa hàng thủ công. Đây là một quan điểm khá nông cạn. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản, phân biệt nó với các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa, chính là nguyên lý tiếp thị mới của nó. Chủ nghĩa tư bản không chỉ đơn thuần là sản xuất hàng loạt, mà là sản xuất hàng loạt để thỏa mãn nhu cầu của đại chúng.
Các ngành nghề thủ công của những ngày xưa tươi đẹp hầu như chỉ phục vụ cho nhu cầu của những người giàu có. Còn các nhà máy sản xuất hàng hóa giá rẻ phục vụ cho số đông. Tất cả những gì các nhà máy đầu tiên sản xuất đều nhằm phục vụ đại chúng, cùng một tầng lớp đã làm việc trong các nhà máy. Chúng phục vụ họ, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, thông qua việc xuất khẩu và do đó cung cấp cho họ thực phẩm và nguyên liệu thô từ nước ngoài. Nguyên lý tiếp thị này là dấu hiệu đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu cũng như của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Chính người lao động là những khách hàng tiêu thụ phần lớn tất cả các sản phẩm được sản xuất. Họ là những khách hàng tối cao, luôn “đúng.” Việc họ mua hay không mua quyết định cái gì phải được sản xuất, với số lượng bao nhiêu, và chất lượng như thế nào. Khi mua những gì phù hợp nhất với họ, họ giúp cho một số doanh nghiệp có lãi và mở rộng, trong khi khiến các doanh nghiệp khác mất tiền và thu hẹp. Bằng cách này, họ liên tục chuyển quyền kiểm soát các yếu tố sản xuất vào tay những nhà kinh doanh thành công nhất trong việc đáp ứng nhu cầu của họ.
Dưới chủ nghĩa tư bản, sở hữu tư nhân về các yếu tố sản xuất là một chức năng xã hội. Các doanh nhân, nhà tư bản, và chủ đất là những người thực hiện quyền lực thay mặt cho người tiêu dùng, và quyền lực của họ có thể bị thu hồi. Để trở nên giàu có, chỉ có vốn tiết kiệm và tích luỹ tài sản một lần thôi là chưa đủ. Cần phải đầu tư lại nó liên tục vào những lĩnh vực mà nó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Quá trình thị trường là một cuộc phổ thông đầu phiếu lặp đi lặp lại hàng ngày, và nó loại bỏ khỏi hàng-ngũ-của-những-người-có-lợi- nhuận những ai không sử dụng tài sản của mình theo các chỉ dẫn từ công chúng. Tuy nhiên, kinh doanh, mục tiêu của sự thù địch cuồng tín từ tất cả các chính phủ đương đại và những “trí thức tự xưng”, có thể đạt được và duy trì sự lớn mạnh chỉ vì nó phục vụ cho đại chúng. Các nhà máy phục vụ cho sự xa hoa của một thiểu số không bao giờ đạt được quy mô lớn. Khuyết điểm của các nhà sử học và chính trị gia thế kỷ 19 là họ đã không nhận ra rằng những người lao động là những người tiêu thụ chính các sản phẩm công nghiệp. Quan điểm của họ là người lao động chỉ làm việc vì lợi ích của một tầng lớp ăn bám. Họ đã sai lầm khi cho rằng các nhà máy làm suy giảm tình cảnh của công nhân tay chân. Nếu họ chú ý đến các số liệu thống kê, họ sẽ dễ dàng nhận ra sự sai lệch của quan điểm đó. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm, tuổi thọ trung bình được kéo dài, dân số gia tăng, và người bình dân trung bình có thể tận hưởng những tiện nghi mà ngay cả những người khá giả của các thời kỳ trước cũng không mơ tới.
Tuy nhiên, sự làm giàu chưa từng có của đại chúng chỉ là một sản phẩm phụ của Cách mạng Công nghiệp. Thành tựu chính của nó là việc chuyển giao quyền lực kinh tế từ tay những người sở hữu đất đai sang tay toàn bộ dân số. Người bình dân không còn là một người lao động chỉ có thể thỏa mãn với những mảnh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của người giàu. Ba đẳng cấp bị ruồng bỏ đặc trưng cho thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, bao gồm nô lệ, nông nô, và những người mà các tác giả giáo phụ và học giả trường phái thần học cũng như luật pháp Anh từ thế kỷ 16 đến 19 gọi là những người nghèo — đã biến mất. Con cháu của họ đã trở thành, trong bối cảnh kinh doanh mới này, không chỉ là những người lao động tự do mà còn là khách hàng.
Sự thay đổi căn bản này được phản ánh với sự nhấn mạnh của doanh nghiệp đối với thị trường. Những gì mà doanh nghiệp cần trước hết là thị trường, và lại là thị trường. Đây là khẩu hiệu của doanh nghiệp tư bản. Thị trường, có nghĩa là những người bảo trợ, người mua, người tiêu dùng. Dưới chủ nghĩa tư bản có một con đường dẫn đến sự giàu có: phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và rẻ hơn so với những người khác.
Trong cửa hàng và nhà máy, chủ sở hữu — hoặc trong các công ty cổ phần, người đại diện cho các cổ đông, giám đốc điều hành — là ông chủ. Nhưng quyền lực này chỉ là biểu hiện bề ngoài và có tính điều kiện. Nó phụ thuộc vào quyền lực tối cao của người tiêu dùng. Người tiêu dùng là vua, là ông chủ thực sự, và nhà sản xuất sẽ thất bại nếu không vượt qua được các đối thủ trong việc phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.
Chính sự biến đổi kinh tế vĩ đại này đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Nó rất nhanh chóng chuyển giao quyền lực chính trị từ tay một thiểu số đặc quyền sang tay người dân. Quyền bầu cử phổ thông đã theo sau quyền tự do kinh tế công nghiệp. Người bình dân, người đã được quyền chọn lựa nhà doanh nghiệp và nhà tư bản qua quá trình thị trường, đã có được quyền lực tương tự trong lĩnh vực chính trị. Họ trở thành những cử tri.
Các nhà kinh tế học xuất sắc, tôi nghĩ là Frank A. Fetter (một nhà kinh tế học đã qua đời), đã nhận xét rằng thị trường là một nền dân chủ trong đó mỗi đồng tiền đều có quyền bỏ phiếu. Nhưng sẽ chính xác hơn nếu nói rằng chính phủ đại diện của người dân là một cố gắng để tổ chức các công việc hiến pháp theo mô hình của thị trường, mặc dù mô hình này không bao giờ có thể hoàn toàn đạt được. Trong lĩnh vực chính trị, luôn luôn là ý chí của đa số chiến thắng, và các thiểu số phải nhượng bộ. Tuy nhiên, các thiểu số cũng được phục vụ, miễn là họ không quá ít đến mức trở nên không đáng kể. Ngành công nghiệp may mặc không chỉ sản xuất quần áo cho người bình thường, mà còn cho những người béo, và ngành xuất bản không chỉ in sách về các câu chuyện viễn tưởng hay trinh thám cho đại chúng, mà còn xuất bản sách cho những độc giả sành điệu.
Có một sự khác biệt quan trọng thứ hai. Trong lĩnh vực chính trị, không có cách nào cho một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ cá nhân không tuân theo ý chí của đa số. Nhưng trong lĩnh vực trí thức, sở hữu tư nhân làm cho sự nổi loạn trở thành khả thi. Kẻ nổi loạn phải trả giá cho sự độc lập của mình; trong vũ trụ này không có phần thưởng nào có thể đạt được mà không có hy sinh. Nhưng nếu một người sẵn sàng trả giá, anh ta có quyền lệch khỏi chính thống hoặc chính thống mới.
“Điều kiện sẽ như thế nào trong một xã hội xã hội chủ nghĩa đối với những kẻ dị giáo như Kierkegaard, Schopenhauer, Veblen hay Freud? Đối với Monet, Courbet, Walt Whitman, Rilke, hay Kafka?”
Trong mọi thời đại, những người tiên phong trong tư-duy-và-hành -động-mới chỉ có thể làm việc vì sở hữu tư nhân cho phép họ khinh thường những con đường của đa số. Chỉ một vài người trong số những người ly khai này thực sự độc lập về mặt kinh tế để thách thức chính phủ hay quan điểm của đa số. Nhưng họ đã tìm thấy trong không khí của nền kinh tế tự do, nơi công chúng sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ họ. Marx sẽ làm gì nếu không có người bảo trợ của mình, nhà sản xuất Friedrich Engels?
Trích từ Tự do và Tài sản.
Nguồn: Ludwig von Mises, “The Capitalist Revolution,” Mises, 2/1/2019
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.
Comments
One response to “Cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa”
[…] Cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa […]