Tác giả: Antony P. Mueller.
Những “nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ (democratic socialists)” mới muốn thuyết phục những người đi theo rằng có thể phân phối lại của cải và thu nhập, đồng thời xã hội hóa một phần lớn nền kinh tế mà không làm tổn hại đến sản xuất và năng suất. Họ cho rằng việc kiểm soát toàn diện nền kinh tế bởi nhà nước sẽ mang lại công lý và sự thịnh vượng hơn. Những nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ muốn nhiều kế hoạch hóa hơn và ít thị trường hơn. Tuy nhiên, giả thiết này bỏ qua một điều rằng chủ nghĩa xã hội không thất bại do tai nạn hay hoàn cảnh. Chủ nghĩa xã hội thất bại vì nó mắc phải bốn khuyết điểm thiết kế cơ bản.
* Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân và thị trường, từ đó loại bỏ khả năng tính toán hợp lý.
* Thứ hai, chủ nghĩa xã hội cho phép ngân sách “mềm”, nên không có cơ chế nào để loại bỏ các phương pháp sản xuất kém hiệu quả.
* Thứ ba, việc xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân và thay thế nó bằng quyền sở hữu của nhà nước làm sai lệch các động lực.
* Thứ tư, hệ thống xã hội chủ nghĩa với sự vắng mặt của quyền sở hữu tư nhân và thị trường tự do sẽ kìm hãm sự phối hợp kinh tế trong hệ thống phân công lao động và vốn.
Tầm quan trọng của giá cả thị trường
Chủ nghĩa xã hội không thể mang lại sự thịnh vượng vì nó phá hủy chức năng thị trường của quyền sở hữu tư nhân. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất không còn, và do đó không có giá cả thị trường cho các hàng hóa vốn có sẵn. Về mặt thể chế, chủ nghĩa xã hội là việc bãi bỏ nền kinh tế thị trường và thay thế nó bằng nền kinh tế kế hoạch hóa. Việc loại bỏ quyền sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất đồng nghĩa với việc loại bỏ thông tin và đánh giá từ thị trường. Mặc dù chính quyền xã hội chủ nghĩa có thể gắn nhãn giá cho các hàng hóa tiêu dùng, và người dân có thể sở hữu các hàng hóa tiêu dùng, nhưng sẽ không có sự định hướng kinh tế nào về sự khan hiếm tương đối của các hàng hóa vốn (capital goods).
Nhiều người ủng hộ chủ nghĩa xã hội cho rằng quản lý doanh nghiệp chỉ đơn giản là một hình thức ghi chép hay kế toán đơn giản. Vladimir Lenin tin rằng chỉ cần biết đọc viết, có một số kỹ năng toán học cơ bản và một chút đào tạo kế toán là đủ để điều hành công việc kinh doanh. Các nhà xã hội chủ nghĩa khuyến khích kỹ thuật và khoa học, nhưng họ tin rằng không cần có nhà doanh nghiệp. Chính quyền có thể chi tiêu mạnh tay vào giáo dục, nhưng khi không có nền kinh tế doanh nghiệp (entrepreneurial economy), người dân vẫn sẽ nghèo.
Vai trò của sự khan hiếm
Các nhà xã hội chủ nghĩa bỏ qua khái niệm sự khan hiếm. Họ giả định rằng một kế hoạch có thể quy định việc phân phối hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu và mong muốn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định kế hoạch phải trả lời câu hỏi làm thế nào để một kế hoạch như vậy có thể xác định được tiêu chuẩn để định giá. Không có giá cả và thị trường, sẽ không có sự định hướng về yếu tố sản xuất nào có giá trị hơn hay ít giá trị hơn. Các nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa không có thông tin về chi phí của quá trình sản xuất. Không có thị trường, cấu trúc giá trị hiện tại là không rõ ràng.
Cung và cầu quyết định giá trị của hàng hóa. Trong một nền kinh tế thị trường, giá cả tương đối cho thấy mức độ khan hiếm. Thông qua việc quan sát giá cả, các bên tham gia thị trường nhận được thông tin để định hướng các quyết định kinh tế của mình theo tín hiệu của thị trường. Hệ thống giá cả cung cấp thông tin về sự khan hiếm tương đối. Không cần một hệ thống thông tin chi tiết về nguồn gốc và bản chất của sự khan hiếm ngoài giá cả để đưa ra quyết định hợp lý. Hệ thống giá cả do đó giúp làm giảm độ phức tạp cho người đưa ra quyết định khi anh ta chỉ cần dựa vào duy nhất giá cả. Trong một nền kinh tế thị trường, các bên tham gia chỉ cần một phần kiến thức để hành động một cách hợp lý. Trong chủ nghĩa tư bản, động lực kiếm lợi nhuận và tránh chi phí giúp tạo động lực để hành xử hợp lý. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả cung cấp thông tin và động lực đồng thời cho cả người bán và người mua.
Tất cả các quá trình sản xuất đều phải đối mặt với vấn đề có vô vàn cách thức để sản xuất một hàng hóa. Có thể chế tạo một sản phẩm với nguyên liệu, công nghệ và sự kết hợp của các yếu tố sản xuất rất khác nhau và trong vô số kiểu dáng.
Thiết lập ưu tiên
Cùng với tính khả thi về mặt công nghệ của một dự án, người ta phải tính toán tính khả thi về mặt lợi nhuận. Nếu không có chi phí so với doanh thu, việc đánh giá kỹ thuật sẽ không có ý nghĩa. Một dự án khả thi về mặt kỹ thuật không có nghĩa là việc thực hiện nó cũng đáng giá. Những gì có vẻ hiệu quả về mặt kỹ thuật chưa chắc đã hợp lý về mặt kinh tế. Khi không tính đến chi phí, sản xuất theo chủ nghĩa xã hội không nhận thức được rủi ro của việc sản xuất hàng hóa có chi phí vượt quá giá trị của chúng. Trong một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, ngay cả một nhà độc tài nhân từ cũng không thể cung cấp sự kết hợp đúng đắn của hàng hóa về mặt giá cả và chất lượng.
Các nhà xã hội chủ nghĩa cho rằng để thiết lập quyền lực của họ đối với nền kinh tế, tất cả những gì cần làm là xã hội hóa các công ty tư nhân, thay thế ban quản lý và lập các hội đồng công nhân, và trật tự kinh tế mới sẽ phát triển thịnh vượng. Những người xã hội chủ nghĩa đầu tiên kỳ vọng rằng sự sung túc sẽ đến, ít nhất là bởi vì giờ đây công nhân sẽ nhận được những gì trước đây đã vào tay các nhà tư bản dưới dạng lợi nhuận. Tuy nhiên, các nhà xã hội chủ nghĩa đã bỏ qua rằng việc xã hội hóa các phương tiện sản xuất chỉ là bước đầu tiên. Họ đã thất bại thảm hại trong việc điều hành nền kinh tế.
Sai lầm của kế hoạch hóa kinh tế xã hội chủ nghĩa là giả định rằng quản lý doanh nghiệp có thể tiếp tục như trước sau khi những người điều hành xã hội chủ nghĩa tiếp quản việc quản lý của các nhà tư bản. Mặc dù chính quyền xã hội chủ nghĩa có thể đào tạo ra các nhà quản lý và kỹ sư, và đưa các đảng viên vào vị trí giám đốc, nhưng những nhà lãnh đạo mới này không thể quyết định dựa trên sự khan hiếm tương đối vì không còn hệ thống giá cả dựa trên quyền sở hữu tư nhân và tinh thần doanh nghiệp.
Thực tế của chủ nghĩa xã hội là mệnh lệnh và sự tuân lệnh. Không có sự định hướng từ thị trường và giá cả, sức mạnh thô bạo thống trị việc phân phối hàng hóa. Cái tuyên bố kết hợp chủ nghĩa xã hội và dân chủ cũng gian dối như tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại thịnh vượng. Mặt thật của chủ nghĩa xã hội là chế độ chuyên chế toàn trị.
Không có gì ngạc nhiên khi ngay cả một chủ nghĩa tư bản thoái hóa cũng mang lại sự thịnh vượng hơn chủ nghĩa xã hội tốt nhất. Vì vậy, nhiệm vụ phía trước không phải là loại bỏ chủ nghĩa tư bản để thay thế bằng chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên tốt hơn. Nói cách khác: làm cho nó trở nên “tư bản hơn.”
–
Nguồn: Antony P. Mueller, “4 Reasons Why Socialism Fails,” Mises Institute, 09/10/2018.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.