Tận dụng tối đa FDI

Tác giả: Keun Lee

Khi nói đến việc chuyển hóa vốn đầu tư trc tiếp nước ngoài (FDI) thành s tăng trưởng thu nhập và nâng cấp công nghệ, Thâm Quyến, Trung Quốc đã thành công vượt trội hơn so vi Penang, Malaysia. Lý do rất đơn giản: Thâm Quyến, không giống như Penang, đã hỗ tr cho s phát triển của các doanh nghiệp địa phương đổi mi sáng tạo.

SEOUL – Rất ít chuyên gia nghi ngờ việc FDI có thể thúc đẩy các nền kinh tế bằng cách mang đến kiến thức chuyên môn quan trọng, mở rộng sản xuất địa phương và tạo công ăn việc làm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc thu hút FDI từ lâu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, được thể hiện qua các ưu đãi hào phóng trong Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) của Hoa Kỳ. Nhưng khi nói đến việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, FDI lại có kết quả không đồng nhất.

Để hiểu rõ lý do, thật đáng để so sánh những trải nghiệm tương phản giữa Penang, Malaysia và Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhờ vị trí chiến lược, chi phí lao động thấp và thuế ưu đãi, Penang là một trong những thành phố châu Á đầu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm thông qua Khu Công nghiệp Tự do được thành lập năm 1972. Sau đó, Thâm Quyến cũng bắt đầu thu hút FDI, thiết lập Đặc khu Kinh tế vào năm 1980 – và nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất thâm dụng lao động.

Nhưng khi nói đến việc chuyển hóa FDI ban đầu thành sự tăng trưởng thu nhập và nâng cấp công nghệ, Thâm Quyến đã thành công vượt trội hơn so với Penang. Như biểu đồ cho thấy, năm 2017, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến, tính theo sức mua tương đương, đạt 39.245 USD (bằng 72% so với Hoa Kỳ), trong khi Penang chỉ đạt 27.569 USD (bằng khoảng 50% so với Hoa Kỳ). Trong khi Penang phát triển chậm chạp để thoát khỏi sản xuất có giá trị gia tăng thấp, Thâm Quyến đã phát triển một ngành công nghệ cao thịnh vượng. Số lượng bằng sáng chế của Hoa Kỳ được đăng ký bởi các nhà phát minh có địa chỉ tại Thâm Quyến đã tăng từ con số không vào những năm 1990 lên khoảng 2.500 vào năm 2017, trong khi Penang chỉ đạt được 100.

Thu nhập GDP trên đầu người ở Thâm Quyến, Đài Bắc và Penang. Nguồn: Kim và Lee (2022).

Người ta có thể dễ dàng quy sự khác biệt này cho quy mô của nền kinh tế quốc gia: chắc chắn thị trường khổng lồ và lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc, cùng với lượng đầu tư lớn từ nhà nước và sự phong phú của các thành phố năng động đã giúp Thâm Quyến phát triển. Nhưng Đài Bắc, nằm trên đảo Đài Loan, cũng đã chuyển hóa FDI thành sự tăng trưởng nhanh chóng và tiến bộ công nghệ kể từ những năm 1960.

Nguyên nhân thực sự cho thành công của Thâm Quyến nằm ở quyền sở hữu doanh nghiệp. Kể từ những ngày đầu FDI chiếm ưu thế, Thâm Quyến đã ngày càng bị chi phối bởi các công ty đổi mới sáng tạo trong nước như BYD, DJI và Tencent. Năm 2005, hai công ty có trụ sở tại Đài Loan – đứng đầu là Foxconn (hay còn gọi là Công ty Cổ phần Công nghệ Chính xác Hồng Hải) – là hai công ty đứng đầu về số lượng bằng sáng chế ở Thâm Quyến. Đến năm 2015, các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đã chiếm trọn cả mười vị trí hàng đầu, với ZTE và Huawei dẫn đầu. Ngày nay, Thâm Quyến nằm trong số các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc, và dường như đang vượt qua Hồng Kông.

Điều này không phải là ngẫu nhiên. Chính phủ Trung Quốc đã đưa việc thúc đẩy các công ty nội địa thành ưu tiên hàng đầu và đưa ra các chính sách hỗ trợ công nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm các sáng kiến nghiên cứu và phát triển công-tư cùng với vốn đầu tư mạo hiểm. Họ thậm chí còn tạo ra các liên minh nghiên cứu và phát triển công-tư, nhằm tạo điều kiện chuyển giao công nghệ đến các nhà sản xuất địa phương. Nếu không có các chính sách này, Huawei có lẽ đã không tồn tại, ít nhất là không như chúng ta biết ngày nay.

Ban đầu, Huawei bán công tắc điện thoại nhập khẩu từ Hồng Kông. Cuối cùng, công ty này đã tự chuyển mình thành một nhà sản xuất công nghệ cao, dựa vào nghiên cứu và phát triển nội bộ thay vì thành lập liên doanh với một tập đoàn đa quốc gia. Việc chuyển giao kiến thức từ một công ty nước ngoài, Shanghai Bell, sang Huawei, được tạo điều kiện bởi một liên minh nghiên cứu và phát triển công-tư, đóng vai trò then chốt trong sự chuyển đổi này.

Việc nuôi dưỡng các công ty địa phương năng động chưa bao giờ là mục tiêu chính sách ở Penang. Hậu quả là, nền kinh tế này vẫn bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, chủ yếu đặt các hoạt động có giá trị gia tăng thấp hơn tại Malaysia, trong khi giữ lại các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, như nghiên cứu và phát triển, ở quê nhà. Các công ty lớn của Hoa Kỳ như Intel và Motorola chiếm từ 50 đến 70% số lượng các đơn vị hàng đầu nắm giữ bằng sáng chế tại Penang, trong khi tỷ lệ của các công ty Malaysia đã giảm từ 20% trong những năm 2000 xuống còn 0 kể từ giữa những năm 2010.

Điều mà FDI tại Penang đã đạt được là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Năm 1989, chính phủ Malaysia thành lập Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang để đảm bảo rằng người lao động có các kỹ năng mà các tập đoàn đa quốc gia yêu cầu. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản, cùng với chuỗi cung ứng mạnh mẽ, đã giúp giải thích lý do tại sao nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn trụ lại, ngay cả khi mức lương địa phương đã tăng. Nói cách khác, thành phố này vẫn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc thiếu đổi mới sáng tạo trong nước đã kìm hãm sự phát triển của Penang, trong khi sự xuất hiện của đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Thâm Quyến.

Những câu chuyện phát triển tương phản này mang đến một bài học quan trọng cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Việc thu hút FDI là cần thiết, nhưng để tận dụng tối đa nó đòi hỏi những can thiệp để hỗ trợ quá trình chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo trong nước lâu dài. Nếu Hoa Kỳ hy vọng dẫn đầu các ngành công nghiệp của tương lai, có lẽ họ nên xem xét việc tạo ra các chương trình nghiên cứu và phát triển công-tư theo mô hình của Thâm Quyến.

—–

Keun Lee, cựu phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc, hiện là Giáo sư Kinh tế Danh dự tại Đại học Quốc gia Seoul, thành viên của CIFAR, biên tập viên tại tạp chí Research Policy, và gần đây là tác giả của cuốn sách Innovation-Development Detours for Latecomers: Managing Global-Local Interfaces in the De-Globalization Era (Cambridge University Press, 2024) – dịch: Những Ngả đường Đổi mới- Phát triển cho các Nước đến sau: Quản lý Giao thoa Toàn cầu-Địa phương trong Kỷ nguyên Phi Toàn cầu hóa (Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2024).

Nguồn: Keun Lee, “Making the Most of FDI“, Project Syndicate, 22/2/2024

Biên dịch: Phong trào Duy Tân


Đăng ngày

trong

,

Thẻ: