Lời giới thiệu: Tại sao các quốc gia thịnh vượng? Nguồn gốc của thành công có thể không phải do sự ưu việt vốn có của các thể chế đó mà là do sự tham gia và đầu tư của những công dân vào việc xây dựng nên thể chế đó.
Tác giả: Antara Haldar
Theo những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay, yếu tố quyết định quan trọng cho sự phát triển trong tương lai là liệu một quốc gia có thể chế hòa nhập để cho phép lợi ích được chia sẻ rộng rãi hay không thay vì các thể chế chiếm đoạt chỉ giúp chuyển tài sản về cho một số nhóm lợi ích. Nhưng điều gì tạo nên các thể chế hiệu quả và bền vững?
CAMBRIDGE – Cứ mỗi mùa thu, một cuộc gọi từ Stockholm sẽ đưa một hoặc vài học giả lên tầm vóc thế giới với giải thưởng Nobel Kinh tế – quá trình này đã được Irving Wallace khắc họa trong tiểu thuyết ăn khách The Prize năm 1962 của ông.
Năm nay, ba nhân vật nổi tiếng được gọi tên đó là nhà kinh tế học Daron Acemoglu và Simon Johnson từ Viện Công nghệ Massachusetts, cùng với nhà khoa học chính trị James A. Robinson của Đại học Chicago. Ba người được vinh danh vì “những nghiên cứu về cách các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng,” và điều thú vị là giải thưởng được trao đúng 15 năm sau khi Elinor Ostrom được trao giải Nobel cho công trình của bà về thể chế, đặc biệt là phân tích của bà về quản trị kinh tế và quản lý tài sản chung.
Acemoglu, Johnson và Robinson (thường được gọi là AJR) giành giải thưởng chủ yếu nhờ nghiên cứu của họ về vai trò của chủ nghĩa thực dân trong việc quyết định số phận kinh tế của các quốc gia. Các dự án khoa học xã hội nổi bật như “The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism” (Đạo đức Tin Lành và Tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản) của Max Weber hay “Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies” (Súng, Mầm bệnh và Thép: Định mệnh của Các Xã hội Nhân loại) của Jared Diamond từ lâu đã tìm cách lý giải sự khác biệt lớn giữa châu Âu và các nước phát triển so với phần còn lại của thế giới. Trong khi AJR có cùng mục tiêu này, họ theo đuổi nó theo một cách mới, bằng cách hỏi tại sao những xã hội từng giàu có lại trở nên nghèo đi và ngược lại.
Trong một bài nghiên cứu có ảnh hưởng năm 2002, “Reversal of Fortune: Geography and Institutions in the Making of the Modern World Income Distribution,” (Sự đảo ngược của Vận mệnh: Địa lý và Thể chế trong Việc hình thành Sự phân bổ Thu nhập Thế giới Hiện đại) AJR kết luận rằng yếu tố quan trọng cho sự phát triển trong tương lai là liệu một một quốc gia có thể chế hòa nhập cho phép lợi ích được chia sẻ rộng rãi, thay vì các thể chế chiếm đoạt chỉ tập trung của cải vào tay một số nhóm lợi ích.
Việc một cường quốc thực dân để lại các thể chế hòa nhập hay chiếm đoạt phụ thuộc vào yếu tố môi trường và các yếu tố khác nhau. Ví dụ, trong bài báo nổi tiếng nhất của họ, “The Colonial Origins of Comparative Development” (Nguồn gốc Thực dân của Sự phát triển So sánh: Một nghiên cứu Thực nghiệm) AJR lập luận rằng dự đoán hiệu quả nhất về tăng trưởng kinh tế trong tương lai là mức độ phù hợp của môi trường với người định cư châu Âu. Các nước thực dân đầu tư vào các thể chế tốt ở những khu vực mà họ có cơ hội sống sót cao hơn – cụ thể là các thuộc địa mới ở Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.
Học thuyết của AJR tinh vi và sáng tạo, và cá nhân tôi đánh giá cao sự tập trung của họ vào vai trò của thể chế. Họ đã tiếp nối truyền thống mà nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Douglass North khởi xướng trong tác phẩm để đời của ông “Institutions, Institutional Change and Economic Performance” (Các thể chế, Sự thay đổi Thể chế và Hiệu quả Kinh tế). Tuy nhiên, các giải pháp của họ không phải là mới. Các lý thuyết truyền thống về “luật pháp và kinh tế” và sự đồng thuận Washington từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
Ngược lại, công trình của Ostrom về các giải pháp thể chế do cộng đồng dẫn dắt thực sự là một hướng đi mới. Bà đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về vai trò của các “thể chế đa trung tâm” – những thể chế vượt ra khỏi lối phân chia giữa thị trường và nhà nước. Trước khi bà thực hiện công trình đột phá của mình (được tóm tắt trong cuốn Governing the Commons: The Evolution of Institutions for Collective Action (Quản lý tài nguyên chung: Sự tiến hóa của các thể chế cho hành động tập thể)), người ta vẫn cho rằng tài sản chung – bao gồm các cấu hình sinh thái quan trọng như rừng, sông ngòi, ngư trường và bầu khí quyển toàn cầu – là vốn dĩ kém hiệu quả.
Các cuộc điều tra thực tiễn của Ostrom vào các hệ thống tự tổ chức – từ quản lý nước ở California đến thủy lợi ở Nepal – đã cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đúng. Và các thí nghiệm của bà đã chỉ ra rằng mọi người sẵn lòng thực thi những quy tắc đã thỏa thuận với nhau nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây.
Quan trọng nhất, công trình của Ostrom đã nghiên cứu các yếu tố liên quan đến, hoặc tạo điều kiện cho, sự hợp tác để giải quyết các vấn đề dựa trên hành động tập thể, cho thấy (trái ngược với công trình kinh điển của Garett Hardin) rằng các thách thức liên quan đến tài sản chung không nhất thiết phải dẫn đến bi kịch. Bằng cách chứng minh rằng sự thành công của các thể chế phụ thuộc nhiều vào sự tham gia và đầu tư của các thành viên, bà đã chỉ ra một cách giải thích thay thế cho các kết quả của AJR.
Hãy nhớ lại lập luận của AJR rằng ở các quốc gia nơi mà các thể chế phương Tây được áp đặt, và cũng là nơi người châu Âu định cư với số lượng lớn và phát triển mạnh, sau đó đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Như tôi lập luận trong một bài nghiên cứu gần đây, nguồn gốc của thành công của các xã hội này có thể không phải do sự ưu việt vốn có của các thể chế đó, mà là do người dân ở đây có mức độ quen thuộc tâm lý nhất định với những thể chế này. Rốt cuộc, sự không phù hợp về nhận thức và bối cảnh giữa các thể chế và môi trường xung quanh chúng từ lâu đã được hiểu là góp phần vào những khó khăn trong “sự chuyển giao pháp lý” (áp dụng luật từ nơi khác).
Trong tiểu thuyết của Wallace, nhân vật chính đạt giải Nobel Văn học vì một cuốn sách có tên là The Perfect State. Trong khi chúng ta chờ đợi thể chế lý tưởng đó được tạo ra, chúng ta vẫn phải dựa vào những con người với những khiếm khuyết để duy trì các thể chế của mình. May mắn thay, Ostrom đã cho thấy rằng điều này là có thể. Khi chúng ta tôn vinh những đóng góp của AJR, đừng quên những đóng góp của Ostrom. Trong khi cuốn sách bán chạy của Acemoglu và Johnson “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” (Tại sao Các quốc gia Thất bại: Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng, và Nghèo đói) chiếu sáng một con đường đến sự thịnh vượng, học thuyết của Ostrom cho thấy rằng vẫn còn nhiều con đường khác.
–
Antara Haldar, Phó Giáo sư Nghiên cứu Pháp lý Thực nghiệm tại Đại học Cambridge, hiện đang là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Harvard và là điều phối viên chính của một dự án tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (European Research Council) về pháp luật và nhận thức.
Nguồn: Antara Haldar, “Why Do Countries Prosper?” Project Syndicate, 4/11/2024
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.