Kinh tế học trong một bài học. Chương 1

Chương 1. Bài học

1

Kinh tế học bị ám ảnh bởi nhiều ngụy biện hơn bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào khác mà con người từng biết. Đây không phải là một sự tình cờ. 

Những khó khăn vốn có của môn học này đã đủ lớn trong mọi trường hợp, nhưng chúng còn bị nhân lên gấp ngàn lần bởi một yếu tố không đáng kể trong những lãnh vực khác, chẳng hạn như, vật lý, toán học hay y học—đó là sự biện hộ có chủ đích xuất phát từ các lợi ích ích kỷ. Trong khi mỗi nhóm đều có một số lợi ích kinh tế giống với lợi ích của tất cả các nhóm khác, thì mỗi nhóm cũng đồng thời, như chúng ta sẽ thấy, có những lợi ích đối kháng với lợi ích của tất cả các nhóm khác. Trong khi một số chính sách công về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, thì những chính sách khác chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm trong khi gây tổn hại cho tất cả các nhóm còn lại. Nhóm được hưởng lợi từ những chính sách như vậy, do có lợi ích trực tiếp, sẽ lập luận để bảo vệ cho chúng một cách hợp lý và bền bỉ. Họ sẽ thuê những bộ óc xuất sắc nhất mà tiền có thể mua được để dành toàn bộ thời gian cho việc trình bày quan điểm của họ. Và cuối cùng, họ hoặc sẽ thuyết phục được công chúng tin rằng lập luận của họ là đúng, hoặc làm công chúng rối trí đến mức gần như không thể suy nghĩ rõ ràng về vấn đề đó.

Bên cạnh những lời biện hộ không hồi kết cho lợi ích cá nhân, còn có một yếu tố chính thứ hai làm nảy sinh những ngụy biện kinh tế mới mỗi ngày. Đó là xu hướng cố hữu của con người khi chỉ nhìn thấy những tác động nhất thời của một chính sách nhất định, hoặc chỉ thấy những tác động của nó đối với một nhóm cụ thể, mà không xem xét những tác động lâu dài của chính sách đó, không chỉ đối với nhóm cụ thể đó mà còn đối với tất cả các nhóm. Đây chính là sai lầm khi bỏ qua các hệ quả thứ cấp.

Ở đây, chính sự khác biệt lớn này đã phân định rõ giữa kinh-tế-học-tốt và kinh-tế-học-tồi. Nhà kinh tế học tồi chỉ thấy những gì đập vào mắt ngay lập tức; còn nhà kinh tế học giỏi thì nhìn xa hơn. Nhà kinh tế học tồi chỉ thấy những hậu quả trực tiếp của một chính sách được đề xuất; còn nhà kinh tế học giỏi  xem xét cả những hậu quả dài hạn và gián tiếp. Nhà kinh tế học tồi chỉ nhìn vào tác động của một chính sách nhất định đối với một nhóm cụ thể; trong khi nhà kinh tế học giỏi đặt câu hỏi về tác động của chính sách đó đối với tất cả các nhóm.

Sự khác biệt này có vẻ hiển nhiên. Đối với mọi người, việc thận trọng xem xét tất cả hậu quả của một chính sách nhất định có vẻ như là điều cơ bản. Chẳng phải ai cũng biết rằng trong cuộc sống cá nhân, có rất nhiều thú vui tức thời nhưng lại mang đến hậu quả tai hại về sau? Chẳng phải cậu bé nào cũng biết rằng ăn quá nhiều kẹo sẽ bị đau bụng? Chẳng phải gã say rượu nào cũng biết rằng sáng hôm sau mình sẽ thức dậy với cái dạ dày nhức nhối và cơn đau đầu khủng khiếp? Chẳng phải kẻ nghiện rượu nào cũng biết rằng mình đang hủy hoại gan và rút ngắn tuổi thọ? Chẳng phải kẻ trăng hoa nào cũng biết rằng hắn đang tự chuốc lấy đủ mọi rủi ro, từ bị tống tiền đến mắc bệnh? Cuối cùng, nếu xét đến lĩnh vực kinh tế nhưng vẫn mang tính cá nhân, chẳng phải kẻ lười biếng và kẻ hoang phí nào cũng biết rằng, ngay cả khi đang tận hưởng lạc thú, họ đang hướng tới một tương lai nợ nần và nghèo đói?

Thế nhưng khi bước vào lĩnh vực kinh tế công, những chân lý sơ đẳng này lại bị phớt lờ. Ngày nay có những người được coi là những nhà kinh tế lỗi lạc nhưng lại coi thường tiết kiệm và khuyến khích sự phung phí trên quy mô quốc gia như một con đường cứu rỗi nền kinh tế; và khi có ai đó chỉ ra hậu quả lâu dài của những chính sách này, họ sẽ đáp lại một cách hời hợt, như thể một đứa con hoang đàng khi bị cha cảnh báo: “Về lâu dài, tất cả chúng ta đều chết.” Và những câu đùa nông cạn như vậy lại được coi là những châm ngôn sâu sắc và minh triết nhất.

Nhưng bi kịch nằm ở chỗ, trái lại, chúng ta đã và đang gánh chịu những hậu quả lâu dài của các chính sách trong quá khứ, dù xa hay gần. Hôm nay chính là ngày mai mà nhà kinh tế học tồi hôm qua đã xúi giục chúng ta bỏ qua. Hậu quả lâu dài của một số chính sách kinh tế có thể lộ rõ chỉ sau vài tháng. Một số khác có thể mất vài năm mới bộc lộ. Một số khác nữa có thể phải mất hàng thập kỷ. Nhưng trong mọi trường hợp, những hậu quả lâu dài ấy đã nằm sẵn trong chính sách, chắc chắn như con gà đã có sẵn trong quả trứng, như bông hoa đã có sẵn trong hạt giống.

Xét từ khía cạnh này, toàn bộ kinh tế học có thể được rút gọn thành một bài học duy nhất, và bài học đó có thể được cô đọng trong một câu duy nhất. 

Nghệ thuật của kinh tế học nằm ở chỗ không chỉ xem xét những tác động tức thời mà còn phải nhìn vào những tác động lâu dài của bất kỳ hành động hay chính sách nào; nó nằm ở  việc theo dõi hệ quả của chính sách đó không chỉ đối với một nhóm mà đối với tất cả các nhóm.

2

Chín phần mười những ngụy biện kinh tế đang gây ra những tác hại khủng khiếp trên thế giới ngày nay đều là kết quả của việc bỏ qua bài học này. Tất cả những ngụy biện đó đều bắt nguồn từ một trong hai sai lầm cốt lõi, hoặc cả hai: chỉ nhìn vào hậu quả tức thời của một hành động hay đề xuất, và chỉ xem xét hậu quả đối với một nhóm cụ thể mà bỏ qua các nhóm khác.

Dĩ nhiên, sai lầm ngược lại cũng có thể xảy ra. Khi xem xét một chính sách, chúng ta không nên chỉ tập trung vào kết quả lâu dài của nó đối với toàn thể cộng đồng. Đây là sai lầm mà các nhà kinh tế học cổ điển thường mắc phải. Hệ quả của nó là một thái độ vô cảm nhất định đối với số phận của những nhóm bị tổn hại ngay lập tức bởi các chính sách hoặc sự phát triển được chứng minh là có lợi về tổng thể và trong dài hạn.

Nhưng ngày nay, tương đối ít người mắc phải sai lầm này, và số ít đó chủ yếu bao gồm các nhà kinh tế học chuyên nghiệp. Sai lầm phổ biến nhất hiện nay, xuất hiện liên tục trong hầu hết mọi cuộc thảo luận về kinh tế, lặp đi lặp lại trong hàng ngàn bài phát biểu chính trị, và trở thành ngụy biện trung tâm của kinh tế học “mới”, chính là việc chỉ tập trung vào các tác động ngắn hạn của chính sách đối với các nhóm đặc biệt và bỏ qua hoặc xem nhẹ các tác động dài hạn đối với toàn thể cộng đồng. Các nhà kinh tế học “mới” tự tâng bốc mình rằng họ đang có một bước tiến vĩ đại, thậm chí mang tính cách mạng, so với các phương pháp của các nhà kinh tế học “cổ điển” hay “chính thống”, bởi vì họ xem xét các tác động ngắn hạn mà những người đi trước thường bỏ qua. Nhưng chính việc họ bỏ qua hoặc xem nhẹ các tác động dài hạn lại là sai lầm nghiêm trọng hơn rất nhiều. Họ bỏ lỡ cả khu rừng khi chăm chú và tỉ mỉ soi xét từng cái cây riêng lẻ. Các phương pháp và kết luận của họ thường mang tính phản động sâu sắc. Đôi khi họ ngạc nhiên khi thấy quan điểm của mình lại trùng khớp với chủ nghĩa trọng thương của thế kỷ mười bảy. Trên thực tế, họ đã rơi vào tất cả những sai lầm xưa cũ (hoặc sẽ rơi vào, nếu họ không quá mâu thuẫn), mà các nhà kinh tế học cổ điển, như chúng ta từng hy vọng, đã từng loại bỏ hoàn toàn.

3

Người ta thường buồn bã nhận xét rằng các nhà kinh tế tồi trình bày những sai lầm của họ trước công chúng một cách thuyết phục hơn so với cách các nhà kinh tế giỏi trình bày sự thật. Người ta cũng thường than phiền rằng những kẻ mị dân lại có vẻ đáng tin hơn khi đưa ra những điều vô nghĩa về kinh tế từ bục diễn thuyết so với những người trung thực cố gắng chỉ ra sai lầm của chúng. Nhưng lý do cơ bản cho điều này không phải là điều gì bí ẩn. Lý do là vì những kẻ mị dân và các nhà kinh tế học tồi thường chỉ đưa ra một nửa sự thật. Họ chỉ nói về tác động tức thời của một chính sách được đề xuất hoặc tác động của nó đối với một nhóm duy nhất. Xét trên khía cạnh đó, họ thường có thể đúng. Trong những trường hợp này, câu trả lời nằm ở việc chỉ ra rằng chính sách được đề xuất ấy cũng sẽ có những tác động lâu dài và kém mong muốn hơn, hoặc rằng nó có thể mang lại lợi ích cho một nhóm này nhưng lại gây tổn hại cho tất cả các nhóm khác. Câu trả lời chính là bổ sung và sửa chữa nửa sự thật bằng nửa còn lại. Tuy nhiên, việc xem xét tất cả những tác động chính của một chính sách đối với mọi người thường đòi hỏi một chuỗi lập luận dài dòng, phức tạp và nhàm chán. Phần lớn công chúng cảm thấy chuỗi lập luận này khó hiểu và nhanh chóng trở nên chán nản, mất tập trung. Các nhà kinh tế tồi hợp lý hóa sự lười biếng và yếu kém về trí tuệ này bằng cách trấn an công chúng rằng họ thậm chí không cần phải cố gắng hiểu lập luận hay đánh giá nó dựa trên lý lẽ, vì đó chỉ là “chủ nghĩa cổ điển”, “chủ nghĩa tự do kinh tế” hay “lời biện hộ cho chủ nghĩa tư bản”, hoặc bất kỳ thuật ngữ phê phán nào mà họ cho là hiệu quả.

Chúng ta đã trình bày bản chất của bài học này cũng như những ngụy biện cản trở nó dưới dạng trừu tượng. Nhưng bài học sẽ không được khắc sâu, và những ngụy biện sẽ tiếp tục không được nhận ra, trừ khi cả hai được minh họa bằng các ví dụ cụ thể. Thông qua những ví dụ này, chúng ta có thể đi từ những vấn đề sơ đẳng nhất trong kinh tế học đến những vấn đề phức tạp và khó khăn nhất. Qua đó, chúng ta có thể học cách phát hiện và tránh trước tiên là những ngụy biện thô sơ, hiển nhiên nhất, và cuối cùng là những ngụy biện tinh vi, khó nắm bắt nhất. Chúng ta sẽ bắt tay vào nhiệm vụ đó ngay bây giờ.

Nguồn: Henry Hazlitt, “Economics in One Lesson”, Mises Institute.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong

Thẻ: