Kinh tế học trong một bài học. Chương 3: Phước lành của sự huỷ diệt

Tác giả: Henry Hazlitt

Chương 3: Phước lành của sự hủy diệt

Vậy là chúng ta đã kết thúc với ví dụ về chiếc cửa sổ vỡ. Một ngụy biện sơ đẳng. Người ta sẽ nghĩ rằng bất kỳ ai cũng có thể tránh được nó sau vài phút suy nghĩ. Thế nhưng, ngụy biện cửa sổ vỡ, dưới hàng trăm lớp ngụy trang khác nhau, lại là một trong những ngụy biện dai dẳng nhất trong lịch sử kinh tế học. Ngày nay, nó còn hoành hành mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Nó được khẳng định lại một cách long trọng mỗi ngày bởi những ông trùm công nghiệp vĩ đại, các phòng thương mại, các nhà lãnh đạo công đoàn, các biên tập viên, các cây bút chuyên mục báo và bình luận viên trên đài phát thanh, bởi các nhà thống kê uyên bác sử dụng những kỹ thuật tinh vi nhất, và bởi các giáo sư kinh tế tại những trường đại học tốt nhất của chúng ta. Theo nhiều cách khác nhau, tất cả họ đều mở rộng luận điểm về những lợi ích của sự hủy diệt.

Dù một số người trong số họ sẽ coi thường việc tuyên bố rằng các hành động phá hoại nhỏ có thể mang lại lợi ích ròng, nhưng họ lại nhìn thấy những lợi ích gần như vô tận trong các hành động phá hoại quy mô lớn. Họ nói với chúng ta rằng chúng ta thực sự khá giả hơn về mặt kinh tế trong thời chiến so với thời bình. Họ nhìn thấy những “phép màu sản xuất” mà cần phải có chiến tranh mới đạt được. Và họ tin vào một thế giới hậu chiến chắc chắn sẽ thịnh vượng nhờ vào một nhu cầu “tích lũy” hay “bị dồn nén” khổng lồ. Tại châu Âu, họ vui mừng đếm những căn nhà, thậm chí cả những thành phố đã bị san bằng, và “sẽ phải được thay thế.” Ở Mỹ, họ đếm những ngôi nhà không thể xây trong chiến tranh, những chiếc tất nylon không thể được sản xuất, những chiếc ô tô và lốp xe cũ kỹ, những chiếc radio và tủ lạnh đã lỗi thời. Họ cộng lại tất cả và đưa ra những con số ấn tượng.

Đây thực chất chỉ là người bạn cũ của chúng ta, ngụy biện chiếc cửa sổ vỡ, khoác lên mình bộ áo mới và đã phình to đến mức không còn nhận ra được. Lần này, nó được hậu thuẫn bởi một loạt các ngụy biện liên quan. Nó nhầm lẫn giữa nhu cầu (need) và cầu (demand). Chiến tranh càng tàn phá, càng khiến con người nghèo đi, thì nhu cầu sau chiến tranh lại càng lớn. Điều đó  là không thể phủ nhận. Nhưng nhu cầu không phải là cầu. Một cầu kinh tế hiệu quả không chỉ đòi hỏi có nhu cầu, mà còn phải có sức mua tương ứng. Nhu cầu của Trung Quốc ngày nay vượt xa nhu cầu của Mỹ. Nhưng sức mua của Trung Quốc – và do đó là khả năng kích thích ‘các hoạt động kinh doanh mới’ – thì lại nhỏ hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vượt qua được điểm này, vẫn còn một cơ hội cho một ngụy biện khác xuất hiện, và những người theo ngụy biện cửa sổ vỡ thường nhanh chóng nắm lấy nó. Họ nghĩ về “sức mua” đơn thuần chỉ dưới dạng tiền. Mà tiền thì có thể được in ra từ máy in. Trên thực tế, ngay vào lúc dòng chữ này được viết ra, việc in tiền đang là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới—nếu tính sản lượng theo đơn vị tiền tệ. Nhưng càng in ra nhiều tiền theo cách này, thì giá trị của mỗi đơn vị tiền lại càng giảm. Giá trị sụt giảm này có thể được đo lường bằng sự gia tăng giá cả hàng hóa. Nhưng vì phần lớn mọi người có thói quen cố hữu là nghĩ về tài sản và thu nhập của mình bằng đơn vị tiền nên họ cảm thấy mình khá hơn khi các con số tiền tệ này tăng lên, mặc cho thực tế là họ có thể sở hữu ít hơn và mua được ít hơn tính theo hàng hóa thực tế. Phần lớn những kết quả kinh tế “tốt đẹp” mà người ta gán cho chiến tranh, trên thực tế là kết quả của lạm phát trong thời chiến. Những kết quả ấy hoàn toàn có thể được tạo ra một cách tương tự trong thời bình, nếu có mức lạm phát tương đương. Chúng ta sẽ quay lại với ảo tưởng tiền tệ này sau.

Ngụy biện về cầu “bị dồn nén” cũng giống như ngụy biện cửa sổ vỡ, đều chứa một nửa sự thật. Chiếc cửa sổ bị vỡ thực sự đã mang lại thêm việc làm cho người thợ lắp kính. Sự tàn phá do chiến tranh gây ra cũng sẽ tạo ra thêm việc làm cho các nhà sản xuất một số mặt hàng nhất định. Việc nhà cửa và thành phố bị phá hủy sẽ thúc đẩy ngành xây dựng và kiến trúc. Việc không thể sản xuất ô tô, radio và tủ lạnh trong chiến tranh sẽ dẫn đến cầu tích lũy sau chiến tranh đối với những sản phẩm cụ thể đó.

Đối với hầu hết mọi người, điều này có vẻ như là sự gia tăng tổng cầu, và nếu tính bằng đơn vị tiền tệ có sức mua thấp hơn thì điều đó có thể đúng. Nhưng thực chất, điều xảy ra là một sự chuyển hướng cầu từ những sản phẩm khác sang những sản phẩm cụ thể đó. Người dân châu Âu sẽ xây nhiều ngôi nhà mới hơn bình thường vì họ buộc phải làm vậy. Nhưng khi họ xây nhiều nhà hơn, họ sẽ còn lại ít nhân lực và năng lực sản xuất hơn cho những thứ khác. Khi họ chi tiền mua nhà, họ sẽ còn lại ít sức mua hơn cho mọi mặt hàng còn lại. Ở bất cứ đâu mà hoạt động kinh doanh tăng lên theo một hướng, thì (trừ phi động lực sản xuất nói chung được kích thích bởi cảm giác thiếu thốn và cấp bách), nó sẽ giảm tương ứng ở một hướng khác.

Tóm lại, chiến tranh sẽ làm thay đổi hướng nỗ lực trong thời hậu chiến; nó sẽ làm thay đổi cán cân giữa các ngành công nghiệp; nó sẽ làm thay đổi cơ cấu của ngành công nghiệp. Và theo thời gian, điều đó cũng sẽ mang lại những hệ quả. Khi nhu cầu tích lũy đối với nhà ở và các hàng hóa bền khác được đáp ứng, cầu sẽ lại được phân phối theo cách khác. Sau đó, những ngành được ưu tiên tạm thời này sẽ phải thu hẹp lại tương đối, để các ngành khác đáp ứng những nhu cầu khác phát triển.

Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là sẽ không chỉ có sự khác biệt trong mô hình cầu giữa thời hậu chiến và tiền chiến. Cầu không chỉ bị chuyển từ mặt hàng này sang mặt hàng khác. Ở hầu hết các quốc gia, cầu sẽ giảm về tổng thể.

Điều này là không thể tránh khỏi khi chúng ta xét rằng cung và cầu chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu. Chúng là cùng một thứ khi nhìn từ các hướng khác nhau. Cung tạo ra cầu, bởi vì xét cho cùng, cung chính là cầu. Nguồn cung của thứ mà người ta tạo ra là tất cả những gì họ thực sự có thể cung cấp để trao đổi lấy những thứ họ muốn. Theo nghĩa này, nguồn cung lúa mì của nông dân cấu thành cầu của họ đối với ô tô và các hàng hóa khác. Nguồn cung ô tô cấu thành cầu của những người làm trong ngành công nghiệp ô tô đối với lúa mì và các hàng hóa khác. Tất cả những điều này là bản chất của sự phân công lao động hiện đại và một nền kinh tế trao đổi.

Đúng là sự thật cơ bản này bị che khuất đối với hầu hết mọi người (kể cả một số nhà kinh tế học được cho là lỗi lạc) bởi những yếu tố phức tạp như thanh toán tiền lương và hình thức gián tiếp của hầu hết tất cả các giao dịch hiện đại thông qua phương tiện tiền tệ. John Stuart Mill và các nhà kinh tế cổ điển khác, dù đôi khi họ chưa tính đủ các hệ quả phức tạp của việc sử dụng tiền, ít nhất đã nhìn thấu bức màn tiền tệ để thấy được những thực tế cơ bản. Về điểm này, họ đã vượt xa nhiều nhà phê bình hiện đại, những người bị tiền làm cho bối rối thay vì được chỉ dẫn bởi nó. Lạm phát thuần túy – tức là việc phát hành thêm tiền, dẫn đến tiền lương và giá cả tăng lên – có thể trông giống như tạo ra nhiều cầu hơn. Nhưng xét về mặt sản xuất và trao đổi hàng hóa thực tế, thì không phải vậy. Tuy nhiên, sự suy giảm cầu sau chiến tranh có thể bị che giấu khỏi nhiều người bởi ảo tưởng do tiền lương cao hơn gây ra – dù thực chất bị bù trừ bởi giá cả cao hơn.

Một lần nữa cần nhắc lại rằng, cầu hậu chiến ở hầu hết các quốc gia sẽ suy giảm về số lượng tuyệt đối so với thời kỳ trước chiến tranh, bởi vì cung hậu chiến sẽ suy giảm. Điều này lẽ ra đã đủ rõ ràng ở Đức và Nhật Bản, nơi hàng chục thành phố lớn đã bị san bằng. Tóm lại, vấn đề sẽ đủ rõ ràng nếu chúng ta đưa ra một ví dụ đủ cực đoan. Nếu nước Anh, thay vì chỉ bị tổn hại ở mức đã xảy ra do tham gia chiến tranh, lại bị phá hủy tất cả các thành phố lớn, tất cả nhà máy và gần như toàn bộ vốn tích lũy và hàng hóa tiêu dùng, đến mức người dân của họ bị đẩy xuống mức kinh tế của người Trung Quốc, thì sẽ rất ít người còn nói đến nhu cầu tích lũy và bị dồn nén do chiến tranh tạo ra. Khi đó, người ta sẽ thấy rõ ràng rằng sức mua đã bị xóa sổ cũng như năng lực sản xuất đã bị hủy diệt. Một siêu lạm phát tiền tệ, khiến giá cả tăng gấp nghìn lần, vẫn có thể khiến con số “thu nhập quốc dân” tính theo đơn vị tiền tệ cao hơn thời tiền chiến. Nhưng những ai bị đánh lừa bởi điều đó mà tưởng rằng mình giàu hơn thời trước chiến tranh thì đã vượt khỏi phạm vi của lập luận lý trí. Thế nhưng, những nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho mức độ tàn phá nhỏ trong chiến tranh chứ không chỉ cho mức độ tàn phá lớn.

Đúng là có thể có những yếu tố bù trừ. Ví dụ, những khám phá và tiến bộ công nghệ trong chiến tranh có thể làm tăng năng suất của cá nhân hoặc quốc gia ở một số điểm nào đó. Sự tàn phá của chiến tranh cũng sẽ chuyển hướng cầu hậu chiến từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Và một bộ phận người dân có thể vẫn tiếp tục bị lừa dối vô thời hạn về phúc lợi kinh tế thực sự của họ bởi tiền lương và giá cả tăng do lượng tiền in dư thừa. Nhưng niềm tin rằng sự thịnh vượng thực sự có thể được tạo ra từ “nhu cầu thay thế” đối với những thứ đã bị phá hủy hoặc không được sản xuất trong chiến tranh vẫn là một ngụy biện hiển nhiên.

Nguồn: Henry Hazlitt, “Economics in One Lesson”, Mises Institute.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong