Các ưu tiên kinh tế của Kamala Harris

Tác giả: Nouriel Roubini

Mặc dù một số đề xuất chính sách của Kamala Harris vẫn còn mơ hồ, không còn nghi ngờ gì nữa rằng các chính sách tài khóa, thương mại, khí hậu, nhập cư, tiền tệ và chính sách Trung Quốc của bà sẽ rất khác so với đối thủ của mình. Chương trình nghị sự của Donald Trump có khả năng cao gây ra lạm phát, giảm tăng trưởng kinh tế và làm bội chi ngân sách liên bang.

NEW YORK – Với các cuộc thăm dò cho thấy Kamala Harris có ít nhất 50% cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng tới, các câu hỏi về chương trình nghị sự chính sách kinh tế của bà đã trở nên nổi bật. Tất nhiên, nhiều điều cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử các ghế trong Quốc hội. Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Nhà Trắng và cả hai viện Quốc hội, họ có thể thực hiện các chính sách tài khóa dễ dàng với một đa số (thông qua một quy trình điều chỉnh ngân sách). Nếu ngược lại, một chính quyền Harris rõ ràng là sẽ bị hạn chế hơn.

Khi Harris (một cách ngắn ngủi) tranh cử tổng thống vào năm 2019, các đề xuất kinh tế của bà nghiêng về phía cánh tả của đảng Dân chủ. Trong số đó, bà ủng hộ chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân do nhà nước tài trợ, phi hình sự hóa nhập cư bất hợp pháp, một “Thỏa thuận Xanh Mới” (Green New Deal) trị giá 10 nghìn tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và cấm khai thác khí đá phiến.

Hiện tại, bà đang vận động với các chính sách trung dung hơn, bao gồm ủng hộ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare), mặc dù có một số thay đổi mới như áp giá trần cho insulin và mở rộng quyền của chính phủ trong việc đàm phán giá thuốc cho Medicare và Medicaid. Bà cũng ủng hộ thỏa thuận lưỡng đảng gần đây nhằm trấn áp nhập cư bất hợp pháp — điều mà đối thủ của bà, Donald Trump, đã thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa hủy bỏ vì lý do bầu cử — chấp nhận khai thác khí đá phiến và ủng hộ khoản chi tiêu xanh hạn chế hơn (1 nghìn tỷ USD) trong Đạo luật Giảm Lạm phát. (Thực tế, bà rất ít đề cập đến biến đổi khí hậu trong các bài phát biểu của mình.)

Mặc dù nhiều đề xuất khác của Harris vẫn còn mơ hồ, dường như bà đại diện cho sự tiếp nối các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Bà sẽ ủng hộ nỗ lực đưa sản xuất trở lại Mỹ và tạo ra một “nền kinh tế cơ hội” với sự tăng trưởng toàn diện hơn. Bà sẽ không né tránh sự can thiệp của nhà nước, đặc biệt là các chính sách công nghiệp để hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế và công nghệ trong tương lai. Và bà sẽ cố gắng hạn chế quyền lực của các công ty độc quyền lớn thông qua các quy định.

Về chính sách tài khóa, Harris đề xuất giới hạn chi phí chăm sóc trẻ em ở mức 7% thu nhập hộ gia đình (ngụ ý có trợ cấp), phục hồi tín dụng thuế cho trẻ em và cấp tín dụng thuế 25,000 USD cho những người mua nhà lần đầu. Vì những biện pháp này có thể làm tăng nhu cầu và giá cả, bà cũng có kế hoạch tăng nguồn cung nhà ở có giá phải chăng. Bà sẽ đưa ra một số tín dụng thuế mới cho các doanh nghiệp nhỏ và gia hạn chương trình cắt giảm thuế của Trump đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400,000 USD mỗi năm.

Để tài trợ cho những chính sách này, bà sẽ tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế đối với giới siêu giàu (những người hiện đang có mức thuế cận biên cao nhất là 39%), và xem xét khả năng đánh thuế trên lãi vốn chưa thực hiện. Cuối cùng, bà không có kế hoạch cải cách các chương trình phúc lợi như An sinh Xã hội và Medicare. Tổng cộng, Ủy-ban Ngân-sách Liên-bang Có-trách-nhiệm ước tính rằng các đề xuất của Harris sẽ tiêu tốn 3,5 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ, trong khi của Trump sẽ tiêu tốn 7,5 nghìn tỷ USD trừ khi có các loại thuế khác (như thuế quan) được áp dụng.

Về các chính sách thương mại của Harris, chúng sẽ khá tương tự với của Biden, mặc dù bà đã đề cập rất ít về Trung Quốc trong quá trình vận động tranh cử. Các chính sách hướng đến “giảm thiểu rủi ro” — nhưng không tách rời — sẽ được tiếp tục trong các lĩnh vực chiến lược như kim loại quan trọng, đất hiếm, công nghệ xanh và công nghệ cao, cũng như các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu đối với linh kiện bán dẫn và các đầu vào khác liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Chính quyền Biden đã mô tả cách tiếp cận của mình giống như là việc tạo ra một “cái sân nhỏ với hàng rào cao,” và Harris sẽ chắc chắn mở rộng khoảng sân đó. Do đó, thuế quan – như mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc – sẽ được duy trì, các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào và ra khỏi Trung Quốc sẽ được thắt chặt, và nhiều đề xuất từ Ủy-ban Chọn-lọc Hạ-viện về Trung Quốc sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, khác với Trump, Harris sẽ không áp thuế lên các nước bạn và đồng minh hoặc theo đuổi thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc. Bà sẽ theo đuổi một cuộc cạnh-tranh-chiến-lược-được-quản-lý với Trung Quốc, thay vì hoàn toàn kiềm chế hoặc tách rời. Bà sẽ thúc giục các đồng minh NATO chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng (thực tế, 23 trong số 32 quốc gia đã làm như vậy), và bà sẽ ủng hộ các liên minh, các hiệp ước an ninh đa phương như Quad và AUKUS, cũng như quan hệ song phương với các đối tác quan trọng như Ấn Độ và Philippines. Bà sẽ giữ Mỹ trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu và cố gắng tăng cường nỗ lực giảm phát thải và đẩy nhanh chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, giống như Biden, Harris sẽ không cố gắng gia nhập hiệp định kế nhiệm của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mặc dù nhiều chiến lược gia tin rằng việc “xoay trục sang châu Á” cần có một chân kinh tế để đứng vững. Dựa vào việc duy trì chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt của Mỹ, bà có thể sử dụng việc dán nhãn thao túng tiền tệ để đe dọa một số quốc gia. Cùng lúc đó, bà sẽ tiếp tục cho phép sử dụng đồng đô la Mỹ như một vũ khí của an ninh quốc gia (thông qua các biện pháp trừng phạt sơ cấp và thứ cấp). Nhưng, có lẽ bà cũng sẽ đủ thận trọng để theo đuổi các chính sách nhằm duy trì vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu.

Như vậy, các chính sách tài khóa, thương mại, khí hậu, nhập cư, tiền tệ và chính sách Trung Quốc của Harris sẽ rất khác so với đối thủ của bà. Chương trình nghị sự của Trump có khả năng gây ra lạm phát cao hơn, giảm tăng trưởng kinh tế (thông qua thuế quan, sự suy giảm giá trị đồng tiền và các hạn chế về nhập cư), và làm bội chi ngân sách. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa định giá được thiệt hại mà Trump sẽ gây ra cho nền kinh tế và thị trường. Có lẽ một chính phủ chia rẽ sẽ kiềm chế ông ta. Có lẽ các cố vấn chính sách ôn hòa hơn của ông hoặc kỷ luật thị trường sẽ làm giảm bớt các lập trường chính sách cực đoan nhất của ông. Tuy nhiên, sự lựa chọn hàng đầu trong cuộc bỏ phiếu là rất rõ ràng.

Nguồn: Nouriel Roubini, “The US Election and America’s Future”, Project Syndicate, 28/10/2024

Comments

One response to “Các ưu tiên kinh tế của Kamala Harris”