Tác giả: Dani Rodrik
Có lẽ chúng ta không thể nào mà vừa đồng thời chống biến đổi khí hậu, lại vừa củng cố tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế tiên tiến, và giảm nghèo đói toàn cầu được. Theo các chính sách hiện tại, việc đạt được hai mục tiêu trên dường như phải đánh đổi bằng một mục tiêu thứ ba.
CAMBRIDGE – Vào năm 2000, tôi đã viết một bài báo mang tính giả thuyết về cái mà tôi gọi là “bộ ba bất khả thi của kinh tế thế giới.” Tôi cho rằng các hình thức phát triển hơn của toàn cầu hóa, quốc gia, và chính trị đại chúng không thể nào cùng nhau tồn tại. Các xã hội cuối cùng sẽ phải chọn (nhiều nhất) hai trong ba yếu tố này.
Tôi đã từng cho rằng quốc gia sẽ là yếu tố nhường chỗ về lâu dài, nhưng việc này phải có đấu tranh. Trong ngắn hạn, hậu quả có thể là các chính phủ sẽ tìm cách tái khẳng định chủ quyền quốc gia, để giải quyết các thách thức về việc phân phối và quản trị do toàn cầu hóa gây ra.
Đáng ngạc nhiên là bộ ba bất khả thi này lại có sức ảnh hưởng dài lâu. Cuốn sách The Globalization Paradox (Nghịch Lý Toàn Cầu Hóa) của tôi, được xuất bản sau đó một thập kỷ, đã phát triển thêm về ý tưởng này. Khái niệm về bộ ba bất khả thi này đã trở thành một cách hữu ích để hiểu về sự phản ứng dữ dội với việc siêu toàn cầu hóa, việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu, sự trỗi dậy của phe cánh hữu, và tương lai của nền dân chủ tại EU, cùng nhiều vấn đề khác.
Gần đây, một bộ ba bất khả thi khác đã khiến tôi quan tâm. Lần này chính là khả năng đáng lo ngại rằng ta không thể nào đồng thời chống biến đổi khí hậu, vừa củng cố tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế tiên tiến, và giảm nghèo đói toàn cầu được. Theo các chính sách hiện tại, bất kỳ sự kết hợp nào của hai mục tiêu trên đều dường như phải đánh đổi bằng mục tiêu thứ ba.
Trong những thập kỷ đầu sau chiến tranh, các chính sách của các quốc gia phát triển và cả đang phát triển đều nhấn mạnh vào việc tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong nước. Các nền kinh tế phát triển xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội với quy mô rộng lớn nhưng cũng dần mở cửa thị trường của mình cho hàng xuất khẩu từ các nước nghèo, miễn là họ có thể kiểm soát được các hệ quả về việc phân phối và xã hội. Kết quả là tăng trưởng bao trùm ở các quốc gia giàu có, cũng như có sự giảm nghèo đáng kể ở các nước đang phát triển mà thực hiện đúng chính sách.
Mặc dù chiến lược này rất thành công, nhưng nó đã bỏ qua các rủi ro của biến đổi khí hậu. Theo thời gian, các hậu quả của việc tăng trưởng kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch ngày càng trở nên khó có thể mà phớt lờ.
Sự thỏa thuận dân chủ xã hội của Keynes thời hậu chiến ở các nền kinh tế tiên tiến tiếp tục bị làm cho suy yếu hơn bởi những mâu thuẫn nội tại của bộ ba bất khả thi mà tôi ban đầu đưa ra. Khi việc siêu toàn cầu hóa thay thế mô hình Bretton Woods trước đây, thị trường lao động ở các nền kinh tế tiên tiến gặp nhiều xáo trộn, làm suy yếu tầng lớp trung lưu và chính cả nền dân chủ. Cả hai sự phát triển này đều đòi hỏi các chiến lược mới.
Ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đương đầu trực tiếp với những hiện thực mới mẻ này. Chính quyền đã mở ra hướng đi mới bằng cách thúc đẩy việc đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp xanh để chống lại việc biến đổi khí hậu. Đồng thời, họ cũng cố gắng khôi phục tầng lớp trung lưu bằng cách tăng cường quyền thương lượng của người lao động, tái sản xuất công nghiệp trong nước, và tạo việc làm ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một sự tập trung mới vào vấn đề khí hậu và tầng lớp trung lưu này đã quá hạn từ lâu. Nhưng những gì các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu coi là phản ứng cần thiết trước những thất bại của chủ nghĩa tân tự do, lại được các nước nghèo nhìn nhận như một đe dọa đến triển vọng phát triển của họ. Các chính sách công nghiệp và các quy định gần đây thường mang tính phân biệt và đe dọa loại bỏ hàng hóa sản xuất từ các nước đang phát triển.
Các khoản trợ cấp xanh ở Mỹ khuyến khích sử dụng nguyên liệu nội địa thay vì nhập khẩu. Cơ chế định giá carbon của EU sẽ sớm yêu cầu các nhà xuất khẩu “bẩn” từ các nước đang phát triển phải trả thêm thuế. Chính phủ ở các nước nghèo lo ngại rằng các biện pháp này sẽ phá hoại nỗ lực công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu của họ, theo kiểu các quốc gia Đông Á trước đây.
Chúng ta có thể tưởng tượng một sự kết hợp các chính sách thay thế, tập trung vào các quốc gia nghèo và vấn đề khí hậu. Điều này đòi hỏi sự chuyển giao lớn các nguồn lực về tài chính và công nghệ từ Bắc xuống Nam để đảm bảo các khoản đầu tư cần thiết cho việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại các nước này.
Nó cũng sẽ đòi hỏi việc mở rộng đáng kể quyền tiếp cận các thị trường của Bắc bán cầu đối với hàng hóa, dịch vụ và lao động từ các quốc gia nghèo ở Nam bán cầu, nhằm tăng cường cơ hội kinh tế cho những người lao động này. Cấu trúc chính sách này có sức hấp dẫn về mặt đạo đức; nó sẽ áp dụng hiệu quả các nguyên lý công lý của triết gia John Rawls ở quy mô toàn cầu.
Nhưng ở đây, bộ ba bất khả thi lại xuất hiện theo một cách tiêu cực. Cách tiếp cận này sẽ đối nghịch với nhiệm vụ củng cố tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế tiên tiến. Nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn cho những lao động không có bằng đại học hoặc chuyên môn, làm giảm đi mức lương của họ. Nó cũng làm giảm nguồn lực tài chính có sẵn cho đầu tư vào vốn con người và cơ sở hạ tầng vật chất.
May mắn thay, một số xung đột này chỉ hiện ra khi nhìn ở vẻ bề ngoài mà thôi. Đặc biệt là khi các nhà hoạch định chính sách ở cả các nền kinh tế tiên tiến và các nước nghèo đều cần hiểu rằng đa số các công việc trung lưu tốt ở tương lai sẽ đến từ lĩnh vực dịch vụ, chứ không phải sản xuất. Và tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi việc tạo ra các công việc hiệu quả hơn trong lĩnh vực dịch vụ.
Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chăm sóc, bán lẻ, giáo dục, và các dịch vụ cá nhân khác hầu như không bị ảnh hưởng bởi thương mại. Việc thúc đẩy các ngành này không tạo ra căng thẳng thương mại giống như đối với các ngành sản xuất. Điều này có nghĩa là xung đột giữa yêu cầu phát triển tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế giàu có và yêu cầu tăng trưởng của các quốc gia nghèo không nghiêm trọng như vẻ bề ngoài.
Tương tự vậy, sẽ gần như không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu thiếu đi sự hợp tác đáng kể từ các nước đang phát triển. Trong khi lượng khí thải từ Mỹ và châu Âu đã giảm, khí thải từ các nước đang phát triển vẫn đang tăng, thậm chí trong một số trường hợp thì nó tăng rất nhanh, và đóng góp của họ vào tổng lượng khí thải toàn cầu (không bao gồm Trung Quốc) sẽ sớm vượt quá 50%.
Do đó, vì lợi ích của chính mình, các nước giàu nên thúc đẩy các chính sách chuyển đổi xanh mà các nước nghèo coi là một phần trong chiến lược phát triển của họ, chứ không chỉ đơn thuần là một gánh nặng chi phí.
Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đến sự tồn vong. Có một tầng lớp trung lưu lớn và ổn định là nền tảng của các nền dân chủ tự do. Và giảm nghèo toàn cầu là một nghĩa vụ về mặt đạo đức. Sẽ rất đáng lo ngại nếu chúng ta buộc phải từ bỏ bất kỳ mục tiêu nào trong ba mục tiêu này. Tuy nhiên, khung chính sách hiện tại, dù ngấm ngầm nhưng lại rất mạnh mẽ, đang tạo ra một bộ ba bất khả thi mà khó có thể vượt qua. Để chuyển đổi thành công sang một giai đoạn hậu tân tự do, chúng ta cần xây dựng các chính sách mới có thể vượt qua những sự đánh đổi này.
–
Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Kennedy, Đại học Harvard, là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Quốc tế và là tác giả của cuốn Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy (Nói Thẳng Về Thương Mại: Những Ý Tưởng Cho Một Nền Kinh Tế Thế Giới Lành Mạnh, Nhà xuất bản Princeton University Press, 2017).
Nguồn: Dani Rodrik, “A New Trilemma Haunts the World”, Project Syndicate, 9/9/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.