Harris là Ứng viên của Tự do

Tác giả: Joseph E. Stiglitz

Sự tương phản giữa Kamala Harris và Donald Trump về các quyền tự do cơ bản là rất rõ ràng. Trong mọi vấn đề lớn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các đề xuất của Harris sẽ mở rộng các quyền tự do mà người Mỹ được hưởng với tư cách là người lao động, người tiêu dùng, bệnh nhân, doanh nhân tiềm năng và cá nhân, trong khi chương trình nghị sự của Trump sẽ làm điều ngược lại.

NEW YORK – Kamala Harris đã đưa tự do trở thành chủ đề trọng tâm trong chiến dịch của mình. Dưới tiêu đề “Bảo vệ các quyền tự do cơ bản của chúng ta”, trang web của bà giải thích rằng: “Cuộc đấu tranh của Phó Tổng thống Harris cho tương lai của chúng ta cũng là cuộc đấu tranh cho tự do. Trong cuộc bầu cử này, nhiều quyền tự do cơ bản đang bị đe dọa: quyền tự do đưa ra quyết định về cơ thể của mình mà không có sự can thiệp của chính phủ; quyền tự do yêu người mình yêu một cách công khai và tự hào; và quyền tự do mở ra tất cả các quyền khác: quyền tự do bầu cử.”

Thông điệp này rất đáng hoan nghênh. Đã đến lúc những người cấp tiến ở Mỹ giành lại chương trình nghị sự về tự do từ tay những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và cánh hữu, nhất là khi phe cánh hữu hiện đang đại diện cho điều ngược lại. Trong khi nhiều người cánh hữu khoác lên mình lá cờ, những người cấp tiến thực sự đang thúc đẩy một chương trình nghị sự về tự do đậm chất Mỹ.

Đưa vấn đề vào dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học sẽ làm rõ hơn vấn đề. Thứ nhất, một phần thiết yếu của tự do là quyền tự do làm và hành động – để sống đúng với tiềm năng của bản thân. Những người sống trong cảnh túng thiếu hoặc cận kề bờ vực của đói nghèo không có tự do thực sự; họ phải làm những gì cần thiết để tồn tại.

Thứ hai, trong một xã hội mà ở đó các cá nhân phụ thuộc lẫn nhau, quyền tự do của một số người có thể dẫn đến việc mất tự do của những người khác. Như triết gia Oxford Isaiah Berlin từng nói, “tự do cho sói thường đồng nghĩa với cái chết cho cừu.” Việc tự do hóa tài chính trong những năm 1990 và 2000 – quyền tự do cho các ngân hàng – lẽ ra đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế nếu chính phủ không can thiệp; nhưng do sự can thiệp đó đã tốn hàng tỷ đô la từ tiền thuế của người dân, cuộc khủng hoảng vẫn làm giảm quyền tự do của những người nộp thuế, cũng như nhiều người lao động và chủ nhà.

Thứ ba, một chút cưỡng chế có thể thực sự mở rộng quyền tự do cho tất cả mọi người. Khi chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta có thể đạt được những điều mà một mình cá nhân không thể tự làm; nhưng để tránh vấn đề “kẻ ngồi không hưởng lợi” (free-rider), có thể cần có một số biện pháp bắt buộc.

Thứ tư, kinh tế học tân tự do đã mở rộng quyền tự do của các tập đoàn để trục lợi người khác, nhưng nó không dẫn đến sự thịnh vượng tổng thể, chứ chưa nói đến sự thịnh vượng được chia sẻ. Các lý thuyết kinh tế tốt đã dự báo điều này ngay từ trước khi tân tự do trở nên phổ biến trong thời kỳ Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Hơn nữa, tân tự do thậm chí không bền vững, vì nó khuyến khích các đặc tính cá nhân và hành vi thị trường làm suy yếu chức năng của nền kinh tế.

Nền kinh tế vận hành dựa trên sự tin tưởng. Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay – Daron Acemoglu, Simon Johnson, và James A. Robinson – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thể chế; nhưng ngay cả những thể chế tưởng chừng như tốt cũng không thể hoạt động hiệu quả khi những cá nhân ích kỷ, như Donald Trump, công khai vi phạm các quy chuẩn và thể hiện sự không trung thực cực đoan.

Thứ năm, trái với những tuyên bố của phe bảo thủ và những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân như Milton Friedman và Friedrich Hayek, các thị trường không bị kiểm soát không phải lúc nào cũng cần thiết hay có lợi cho tự do chính trị. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy độc tài đã diễn ra rõ rệt nhất ở các quốc gia nơi chính phủ đã làm quá ít (để giải quyết nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu an ninh, v.v.), chứ không phải ở những nơi mà họ đã can thiệp quá nhiều.

Sự tương phản giữa Harris và Trump về các quyền tự do cơ bản – chẳng hạn như quyền của phụ nữ được kiểm soát  cơ thể mình – là rất rõ ràng. Trong mọi vấn đề lớn của cuộc bầu cử này, Harris sẽ mở rộng các quyền tự do của người Mỹ, còn Trump sẽ hạn chế chúng. Trọng tâm trong chương trình nghị sự của Harris là cam kết hỗ trợ người dân Mỹ bình thường, thay vì quay lại với chính sách kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economics) không còn được tín nhiệm mà Trump đã áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Các đề xuất cắt giảm thuế của ông cho các tỷ phú và các tập đoàn lớn sẽ làm tăng nợ công lên khoảng 7,5 nghìn tỷ đô la trong vài năm tới, và gánh nặng này sẽ làm cho con cháu người Mỹ trở nên kém tự do hơn.

Trong khi sự gia tăng lạm phát toàn cầu sau đại dịch dường như đã được kiểm soát, người Mỹ vẫn quan ngại về giá thuốc men và nhà ở. Harris đã đề xuất các biện pháp để ngăn chặn tình trạng tăng giá quá mức, nhưng những đề xuất này đã bị hiểu sai một cách rộng rãi (và cố ý). Bà không đề nghị chính phủ liên bang thiết lập giá cả, và nhiều bang đã có luật chống tăng giá quá mức để ngăn chặn các công ty lợi dụng các tình huống đặc biệt như bão và lũ lụt. Trên thực tế, đại dịch đã cho thấy rằng các chính sách như vậy cần phải được tăng cường và thực thi.

Tương tự, Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act – IRA) đã có những điều khoản nhằm giảm giá dược phẩm như insulin – một loại thuốc thiết yếu (có từ thế kỷ trước) cho những người mắc bệnh tiểu đường – từ những mức giá rõ ràng là quá cao. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn nữa để đưa giá thuốc xuống gần với mức ở châu Âu, nơi có luật pháp nghiêm ngặt hơn để chống lại việc lạm dụng quyền lực thị trường. Harris sẽ tìm cách thực hiện điều đó, trong khi Trump đã hứa sẽ dỡ bỏ Đạo luật IRA, từ đó sẽ làm tăng giá thuốc cho người Mỹ.

Trump cũng hứa sẽ tăng thuế quan – lên mức 100% đối với hàng hóa từ Trung Quốc – điều này chỉ đơn giản là làm tăng giá của quần áo, thiết bị gia dụng và nhiều hàng hóa khác mà người dân Mỹ bình thường mua sắm. Trên thực tế, toàn bộ chương trình kinh tế của ông tương đương với một loại thuế lũy thoái lớn đánh vào những người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình. Quyền tự do của họ với tư cách là người tiêu dùng sẽ bị giảm, vì họ sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu như mong muốn.

Hơn nữa, trong khi Harris đã công bố một kế hoạch toàn diện nhằm mở rộng nguồn cung nhà ở và giảm chi phí – cũng như tăng khả năng chi trả cho những người mua nhà lần đầu – Trump vẫn im lặng về vấn đề quan trọng này.

Cuối cùng, để hỗ trợ quyền tự do của người Mỹ trong việc phát huy tiềm năng của mình, chương trình của Harris bao gồm cả tầm nhìn và một số bước đi cụ thể ban đầu nhằm mở rộng cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Những biện pháp như vậy sẽ mang lại lợi ích cho những người mong muốn bắt đầu kinh doanh cũng như cho toàn bộ nền kinh tế.

Trump là một minh chứng sống cho sự từ chối tự do của phe cánh hữu. May mắn thay, Harris đang cho thấy hình ảnh những người cấp tiến nắm bắt và thúc đẩy giá trị cốt lõi này của nước Mỹ như thế nào.

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Harris Is the Freedom Candidate”, Project Syndicate, 21/10/2024. 

Biên dịch: Phong trào Duy Tân