Quan điểm của Kamala Harris về 10 vấn đề quan trọng, từ di cư đến súng

Phó Tổng thống Kamala Harris đã trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ cho chức tổng thống khá muộn trong cuộc đua năm 2024 – bà thay thế Joe Biden – và sau đó đã chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz làm người đồng hành tranh cử cùng mình. 

Bà đã công bố một bản kế hoạch chính sách chi tiết vào đầu tháng 9, cung cấp cho các cử tri một cái nhìn về một chính quyền dưới sự lãnh đạo của Harris-Walz sẽ như thế nào. 

Nó tập trung vào chương trình nghị sự kinh tế và chính sách đối ngoại của bà ấy, và nhấn mạnh ưu tiên cấp bách nhất của bà là giải quyết vấn đề về chi phí sinh hoạt.

Dưới đây là những chính sách mà bà cam kết sẽ thực hiện.

KINH TẾ

Khi là phó tổng thống, bà Harris đã làm việc với Tổng thống Biden để thông qua các luật kinh tế quan trọng – thường được gọi là “Bidenomics” – bao gồm các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. 

Mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm nhưng lạm phát và lãi suất cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến túi tiền của người dân Mỹ. 

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử tại đại hội, bà Harris hứa hẹn hỗ trợ thế chấp cho người mua nhà lần đầu, miễn thuế cho các bậc cha mẹ có con mới sinh và cấm tăng giá tại cửa hàng tạp hóa để giúp kiểm soát lạm phát. 

Bà nói thêm rằng các kế hoạch của bà sẽ tạo ra “một nền kinh tế nơi mọi người đều có cơ hội cạnh tranh và thành công”. 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là ứng cử viên Đảng Dân chủ với CNN, bà Harris nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của bà là “hỗ trợ và củng cố tầng lớp trung lưu”, một chủ đề mà bà đã lặp đi lặp lại trong chiến dịch tranh cử.

THUẾ

Vào năm 2017, khi còn là thượng nghị sĩ, bà Harris đã ủng hộ một số chương trình thuế lũy tiến. Bà đã đồng tài trợ một dự luật với cựu ứng cử viên tổng thống tiềm năng khi ấy là Bernie Sanders để mở rộng an sinh xã hội cho người cao tuổi bằng cách tăng thuế suất đầu tư. 

Vào lúc bà là ứng cử viên tổng thống vào năm 2019, bà  đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp là 35%, tăng lên từ mức 21%. 

Đề xuất này mạnh mẽ hơn so với đề xuất của Tổng thống Biden, mà bà cũng ủng hộ, là tăng mức thuế lên 28%. 

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử sau khi được xác nhận là ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà nói rằng bà sẽ “thông qua một đợt cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu để mang lại lợi ích cho hơn 100 triệu người Mỹ”. 

Đây là đề cập đến việc khôi phục Trợ cấp Thuế Trẻ em (Child Tax Credit) và Trợ cấp Thuế Thu nhập Kiếm được (Earned Income Tax Credit). Khôi phục việc mở rộng Trợ cấp Thuế Trẻ em sẽ mang lại cho các gia đình có trẻ sơ sinh một khoản cắt giảm thuế 6.000 đô la Mỹ (4.630 bảng Anh). 

Một quan chức chiến dịch cũng nói với BBC rằng bà phó tổng thống sẽ tiếp tục ủng hộ đề xuất của Tổng thống Biden về việc không tăng thuế đối với người Mỹ kiếm được dưới 400.000 đô la Mỹ (310.000 bảng Anh).

PHÁ THAI

Bà Harris từ lâu đã ủng hộ quyền phá thai. 

Bà là phó tổng thống đầu tiên đến thăm một phòng khám phá thai và đã đi khắp đất nước sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ phán quyết Roe kiện Wade (Roe v. Wade) vào năm 2022 để nói về các lệnh cấm phá thai của các bang – bà thường đặt vấn đề này trong khuôn khổ của quyền tự do cá nhân. 

Bà đã đặt vấn đề về phá thai làm trọng tâm của chiến dịch của mình và tiếp tục vận động cho luật bảo vệ quyền sinh sản trên toàn quốc. 

“Khi Quốc hội thông qua một đạo luật để khôi phục quyền tự do sinh sản, với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ ký nó thành luật,” bà phát biểu tại một cuộc vận động ở Atlanta, Georgia. 

Bà đã nhiều lần nhắc lại cam kết đó, bao gồm cả trong cuộc tranh luận trên ABC News với Donald Trump.

NHẬP CƯ

Quan điểm của bà Harris về vấn đề biên giới đã trở nên ôn hòa hơn theo thời gian. 

Trong quá trình vận động tranh cử, bà tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật an ninh biên giới hợp tác giữa các đảng, trong đó bao gồm việc bỏ ra hàng trăm triệu đô la để xây dựng tường ở biên giới. 

Dự luật này đã bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội bác bỏ vào tháng 2 năm 2024 theo sự thúc giục của ông Trump. 

Dự luật sẽ giúp đẩy nhanh quá trình quyết định về các trường hợp xin tị nạn, hạn chế việc cấp phép nhập cảnh vì lý do nhân đạo và tăng cường quyền trục xuất người nhập cư. 

Phó tổng thống cho biết bà sẽ khôi phục và ký dự luật này thành luật. 

Bà cũng khẳng định rằng “cần có những biện pháp xử lý” đối với những người vượt biên trái phép vào Mỹ, dù trước đó bà từng ủng hộ một cách tiếp cận khoan dung hơn. 

Trong vai trò là phó tổng thống, bà được giao nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến số lượng người nhập cư kỷ lục từ Trung Mỹ vượt biên qua miền nam nước Mỹ. Số lượng này đã tăng đột biến trong nhiệm kỳ của chính quyền Biden nhưng đã giảm trong những tháng gần đây. 

Bà đã giúp huy động 3 tỷ đô la – phần lớn từ các công ty tư nhân – để tài trợ cho các khoản đầu tư khu vực, nhằm khuyến khích người dân ở lại quê hương của mình.

NATO VÀ VIỆN TRỢ UKRAINE

Sự nghiệp của bà Harris lúc đầu tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước và những vấn đề liên quan đến bang California, nhưng kể từ khi được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ, bà đã tham gia nhiều hơn vào chính sách đối ngoại. 

Với vai trò phó tổng thống, bà đã gặp 150 nhà lãnh đạo thế giới và tới thăm 21 quốc gia. 

Vào tháng 2 năm 2024, bà tham dự Hội nghị An ninh Munich, nơi bà phát biểu ủng hộ liên minh an ninh phương Tây NATO và lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. 

Bà Harris cam kết sẽ ủng hộ Ukraine “cho đến khi đạt được thành công” và đại diện cho Mỹ tại “hội nghị hòa bình” của Kyiv tổ chức ở Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 2024. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị của Đảng Dân chủ, bà chia sẻ rằng bà đã cảnh báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về sự hung hăng của Nga năm ngày trước khi cuộc xâm lược xảy ra, và đã “giúp huy động phản ứng toàn cầu” khi chiến tranh bắt đầu. 

Phó tổng thống cũng cam kết rằng nếu đắc cử, bà sẽ bác bỏ chính sách cô lập và đảm bảo rằng “Mỹ – chứ không phải Trung Quốc – sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của thế kỷ 21.”

CHIẾN TRANH ISRAEL – GAZA 

Bà Harris từ lâu đã là người ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho khu vực này và kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Gaza. 

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử tại đại hội, bà cam kết rằng với tư cách là tổng thống, bà sẽ đảm bảo “Israel sẽ được an toàn, các con tin sẽ được giải cứu, đau khổ tại khu vực Gaza sẽ được chấm dứt và người dân Palestine có thể có quyền được sống trong nhân phẩm, an ninh, tự do và quyền tự quyết của họ.” 

Với vai trò là phó tổng thống, bà là một trong những người đầu tiên trong chính quyền Biden kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức”, nêu rõ quan ngại về “thảm họa nhân đạo đối với người Palestine” và yêu cầu Israel chấm dứt xung đột. 

Bà đã nêu rõ những vấn đề này trong các cuộc thảo luận mà bà mô tả là “thẳng thắn và mang tính xây dựng” với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông đến thăm Washington vào tháng 7. 

Tuy nhiên, bà không ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel như một số người theo chủ nghĩa cánh tả ở Mỹ mong muốn. 

Tại đại hội đảng, bà khẳng định sẽ “luôn ủng hộ quyền tự vệ của Israel.” 

Bà cũng khẳng định sự ủng hộ đối với quốc gia này trong cuộc tranh luận với Trump, bà nói rằng “trong suốt sự nghiệp và cuộc đời mình, tôi luôn ủng hộ Israel và người dân Israel.” 

Trong cuộc phỏng vấn trên CNN, bà Harris cho biết bà sẽ tập trung vào việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, giống như cách tiếp cận của Tổng thống Biden.

CHĂM SÓC SỨC KHOẺ 

Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, bà Harris đã ủng hộ mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe được tài trợ bởi chính phủ, nhằm phục vụ người cao tuổi, thanh thiếu niên bị khuyết tật và người nghèo. 

Điều này bao gồm việc ủng hộ chính sách Medicare-for-All, một chính sách tiến bộ nhằm khiến tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đều được chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, bà sau đó đã giảm nhẹ sự ủng hộ đối với chính sách này. 

Chiến dịch tranh cử của bà chia sẻ với BBC rằng nếu được bầu vào Nhà Trắng, bà sẽ không thúc đẩy một hệ thống thanh toán sức khỏe do chính phủ chi trả toàn bộ. 

Dưới vai trò là phó tổng thống, Nhà Trắng đã đạt được một số thành tựu về chăm sóc sức khỏe. Họ đã giảm giá thuốc kê đơn, giới hạn giá insulin ở mức 35 đô la Mỹ, cho phép Medicare thương lượng giá thuốc và giới hạn chi phí tự chi trả trong bảo hiểm thuốc của Medicare. 

Trong quá trình vận động tranh cử, bà cho biết bà muốn xóa hàng tỷ đô la nợ y tế cho người dân Mỹ và sẽ hợp tác với các bang về vấn đề này. 

Chi tiết về việc đó vẫn còn hạn chế, nhưng khi còn là Tổng chưởng lý bang California, bà Harris đã thường xuyên sử dụng luật chống độc quyền để gây áp lực lên các công ty bảo hiểm, bệnh viện và hãng dược để nhằm giải quyết vấn đề về chi phí.

TỘI PHẠM

Bà Harris bắt đầu sự nghiệp pháp lý của mình bằng truy tố các tội phạm lạm dụng trẻ em và tội phạm buôn bán tình dục, trước khi được bầu làm công tố viên quận San Francisco và sau đó là Tổng chưởng lý bang California. 

Bà từng bị phe cánh tả theo chủ nghĩa tiến bộ chỉ trích vì tăng tỷ lệ kết án – đặc biệt là đối với tội phạm bạo lực – và đôi lúc bị gán cho cái mác là “cảnh sát,” mặc dù phe cánh hữu cũng cáo buộc bà mềm mỏng trong việc xử lý tội phạm. Bà Harris cũng tận dụng quá khứ làm công tố viên để tạo sự tương phản lớn với đối thủ của mình, người đã bị kết án 34 tội danh trong một vụ hối lộ nhằm tác động bất hợp pháp đến cuộc bầu cử năm 2016. 

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử của Đảng Dân chủ, bà đã nhắc đến việc ông Trump bị kết tội và việc ông bị xác định phạm tội lạm dụng tình dục.

LUẬT SÚNG ĐẠN

Bà Harris có lịch sử ủng hộ các quy định về an toàn súng đạn trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Khi còn là Tổng chưởng lý bang California, bà đã thành công trong việc bảo vệ các luật về súng của bang trước những thách thức pháp lý.

Với vai trò là phó tổng thống, bà đã giám sát Văn phòng Phòng chống Bạo lực Súng đạn của Nhà Trắng. Đầu năm nay, bà công bố các nguồn lực nhằm hỗ trợ thực thi luật “cờ đỏ,” nhằm từ chối quyền sở hữu súng đối với những người có khả năng gây hại cho bản thân hoặc người khác. 

Bà cũng khuyến khích các bang tận dụng 750 triệu đô la từ quỹ liên bang mà chính quyền Biden-Harris đã cung cấp cho các chương trình can thiệp khủng hoảng. 

Chính sách của bà bao gồm lệnh cấm vũ khí có sát thương cao và có băng đạn dung lượng lớn, cũng như yêu cầu phải kiểm tra lý lịch toàn diện. 

Trong cuộc tranh luận, bà nhấn mạnh rằng cả bà và ứng viên phó tổng thống của bà, Tim Walz, đều là người sở hữu súng.

KHÍ HẬU VÀ KHAI THÁC DẦU KHÍ

Là một công tố viên, bà Harris đã bảo vệ các luật về khí hậu của California và kiện các công ty dầu vì gây thiệt hại môi trường. Bà cũng kêu gọi các chính sách về biến đổi khí hậu thông qua “Green New Deal” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 – một số trong đó đã được thực hiện dưới chính quyền hiện tại. 

Trong một buổi gặp gỡ cử tri của CNN năm 2019, bà nói rằng “không có nghi ngờ gì, tôi ủng hộ việc cấm khai thác khí đá”, một kỹ thuật để thu hồi khí và dầu từ đá phiến mà có thể gây hại cho môi trường. 

Nhưng kể từ đó, bà đã thay đổi quan điểm. Trong cuộc tranh luận tổng thống, bà nói rằng bà đã bỏ phiếu quyết định để thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát – mở ra các hợp đồng thuê mới cho các công ty khai thác khí đá- bên cạnh việc chuyển hàng trăm tỷ đô la vào năng lượng tái tạo và các chương trình tín dụng thuế và hoàn thuế cho xe điện. 

“Quan điểm của tôi là chúng ta phải đầu tư vào các nguồn năng lượng đa dạng để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài,” bà nói. 

Bà Harris cho biết bà sẽ bảo vệ đất công và sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và buộc những kẻ gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm để đảm bảo cho không khí và nước phải sạch nếu được bầu vào tháng 11, theo bản kế hoạch chính sách của bà.

Nguồn: “Where Kamala Harris stands on 10 key issues, from immigration to guns”, BBC, 23/10/2024

Biên dịch: Phong trào Duy Tân


Thẻ: