Tác giả: Jan Mischke và Jurica Novak
Các doanh nghiệp Châu Âu hiện nay đang thiếu đi quy mô và khả năng thích ứng cần thiết để cạnh tranh với các đối thủ ở Mỹ và Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách thông thái sẽ biết tận dụng đà hợp tác được tạo ra bởi cuộc chiến ở Ukraine và nắm bắt những “công nghệ xuyên ngành” có vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng trong tương lai của khu vực.
ZURICH – Châu Âu thường thay đổi mạnh mẽ nhất sau các cuộc khủng hoảng. Liên minh Châu Âu (EU) được thành lập sau Thế chiến Hai. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sau đó đã dẫn đến nhiều sự hợp tác tài chính hơn giữa các nước Châu Âu. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phối hợp tài chính lớn lao hơn nữa thông qua quỹ phục hồi có tên gọi Thế hệ Kế tiếp Liên Minh Châu Âu (Next Generation EU). Giờ đây, cuộc chiến ở Ukraine đang đảo lộn chiến lược về năng lượng của Châu Âu và khơi mào thêm một cuộc thảo luận mới về quốc phòng.
Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách không được phép quên đi một cuộc khủng hoảng khác cũng đang diễn ra rất chậm rãi: là sự tụt hậu đáng kể về năng lực công nghệ của các công ty Châu Âu so với các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác. Khi công nghệ lan rộng vào mọi lĩnh vực và định hình lại động lực để cạnh tranh, sự đổi mới và việc lãnh đạo công nghệ đóng vai trò then chốt đối với sự tự chủ chiến lược của EU như là nguồn cung về năng lượng hay là quốc phòng, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn về địa chính trị ngày càng gia tăng.
Sự tụt hậu về công nghệ giải thích tại sao các doanh nghiệp lớn của Châu Âu đang hoạt động kém hiệu quả hơn so với các đối thủ của họ ở Mỹ. Theo nghiên cứu mới của Viện McKinsey Global, trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, doanh thu của các công ty lớn ở Châu Âu tăng chậm hơn 40% so với các đối thủ ở Mỹ. Họ đầu tư ít hơn 8% (đo lường bằng chi tiêu vốn so với khối lượng vốn đầu tư), và họ chi ít hơn 40% cho việc nghiên cứu và phát triển. Công nghệ thông tin và truyền thông cùng với ngành dược phẩm chiếm 80% khoảng cách đầu tư, 75% sự chênh lệch trong nghiên cứu và phát triển và 60% sự chênh lệch về tăng trưởng doanh thu.
Châu Âu từ lâu đã nhận thức được những thiếu sót về công nghệ của mình và gần đây họ đã bắt đầu một loạt các sáng kiến nhằm cải thiện tình hình. Các sáng kiến này bao gồm chương trình Horizon Europe trị giá 95,5 tỷ euro (100 tỷ USD) của EU, sáng kiến Chuyên Môn Hóa Thông Minh (Smart Specialization) và khuôn khổ Những Dự Án Quan Trọng Vì Lợi Ích Chung Của Châu Âu. Tương tự vậy, Vương quốc Anh cũng đang đầu tư 800 triệu bảng Anh (1 tỷ USD) trong bốn năm cho Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến (Advanced Research and Invention Agency) mới.
Những động thái này thật đáng hoan nghênh, nhưng có thể là chưa đủ. Ngày nay, các công ty Châu Âu thiếu đi quy mô và tốc độ so với các đối thủ ở Mỹ và Trung Quốc. Phân tích mới của chúng tôi đã xem xét mười “công nghệ xuyên ngành” – chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công nghệ sinh học – hiện đang phổ biến khắp các lãnh vực. Phân tích của chúng tôi cho thấy Châu Âu dẫn đầu Mỹ và/hoặc Trung Quốc chỉ trong hai lĩnh vực mà thôi.
Hãy cùng xem xét qua công nghệ sạch. Châu Âu có nhiều mục tiêu tham vọng hơn trong việc giảm lượng khí thải carbon dioxide khi so với các khu vực khác của thế giới; số lượng bằng sáng chế công nghệ sạch của Châu Âu hơn Mỹ đến 38% (và nhiều hơn gấp đôi số lượng ở Trung Quốc), và số công nghệ sạch sử dụng các công nghệ trưởng thành được lắp đặt tính trên đầu người cũng nhiều hơn ở Châu Âu. Nhưng Trung Quốc lại dẫn đầu trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghệ sạch, thường chiếm thị phần trên 50%. Mỹ dẫn đầu trong các công nghệ đột phá trong tương lai, bao gồm phản ứng nhiệt hạch; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; lưới điện thông minh; pin thế hệ tiếp theo; và lưu trữ năng lượng lâu dài.
Những sự tụt hậu về công nghệ như vậy làm hạn chế khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của các doanh nghiệp Châu Âu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Châu Âu. Chúng tôi ước tính rằng giá trị gia tăng của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng khoảng 2 đến 4 nghìn tỷ euro mỗi năm vào năm 2040 — đó là giá trị có thể tạo ra đầu tư, việc làm, tiền lương và hàng hóa cũng như là dịch vụ công cộng.
Để bạn dễ hình dung, con số này tương đương với 30% đến 70% tổng mức tăng trưởng GDP dự kiến của châu Âu trong giai đoạn 2019-2040, hoặc tương đương với mức tăng trưởng hàng năm 1%. Thậm chí, nó còn gấp sáu lần số tiền mà châu Âu cần để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero emissions) vào năm 2050. Hơn nữa, con số này chiếm khoảng 90% tổng chi tiêu xã hội hiện tại của châu Âu – đủ để tài trợ một mức thu nhập cơ bản hàng tháng 500 Euro cho mỗi công dân châu Âu.
Thách thức này là vô cùng cấp bách. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng 70% giá trị kinh tế mới được tạo ra trong thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào công nghệ số. Hơn nữa, các công nghệ tiên tiến hiện nay đang chịu tác động của hiệu ứng mạng và quy luật “người thắng lấy tất cả”, khiến những người đi sau khó có thể đuổi kịp những người đi đầu.
Trừ khi Châu Âu cải thiện vị thế của mình trong các công nghệ xuyên ngành, các doanh nghiệp của họ có thể suy yếu ngay cả trong các lĩnh vực mà họ vốn đã thống trị. Ví dụ, mặc dù châu Âu là nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới, nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy các nhà sản xuất Mỹ chiếm gần 70% tổng số km được bao phủ bởi các phương tiện tự lái cấp 4. Tương tự vậy, các công ty châu Âu chiếm 95% thương hiệu xa xỉ toàn cầu, nhưng chỉ hiện diện rất khiêm tốn trong các thiết bị đeo được, trong khi đó Apple, Huawei, Samsung và Xiaomi có tổng thị phần gần 65%.
Các công ty Châu Âu cần có khả năng mở rộng quy mô và hành động nhanh hơn trong một thế giới đột phá về mặt công nghệ, nơi quy mô và khả năng thích ứng là yếu tố quan trọng. Điều này đòi hỏi phải giải quyết một loạt các bất lợi ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của các doanh nghiệp Châu Âu. Bốn hạn chế nổi bật bao gồm: sự phân mảnh và việc thiếu quy mô; sự khan hiếm các hệ sinh thái công nghệ; thiếu hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển; và một môi trường pháp lý có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho sự đột phá và đổi mới.
Các nhà hoạch định chính sách công và cơ quan quản lý có thể đóng góp nhiều hơn nữa để giúp tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Châu Âu. Trong trường hợp của các công nghệ xuyên ngành, nơi mà quy mô đóng vai trò quan trọng, châu Âu có thể tăng cường và hợp nhất nguồn lực của mình, phát triển một quy tắc doanh nghiệp khu vực cho các công ty có tăng trưởng cao và tạo điều kiện cũng như khuyến khích việc hợp nhất xuyên biên giới. Các nước châu Âu cũng có thể khuếch đại vốn đầu tư tư nhân và cân nhắc hợp nhất nhiều hơn vào việc đấu thầu công và hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển, ngay cả khi điều đó có nghĩa là từ bỏ đi một số chủ quyền quốc gia. Để có thể tăng tốc độ hoạt động, Châu Âu có thể cân nhắc tái cân bằng nguyên tắc đề phòng của mình và phát triển các quy trình phê duyệt và ra quyết định nhanh chóng.
Châu Âu hoàn toàn có quyền tự hào về thành tích của mình trong lĩnh vực bền vững và bao gồm; mô hình kinh tế xã hội hiện tại của khu vực đã phục vụ rất tốt cho đến ngày nay. Nhưng khi mà sự đột phá về mặt công nghệ đang lan rộng ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đánh giá lại những đánh đổi trong quá khứ. Châu Âu hiện nay cần tận dụng đà hợp tác được tạo ra bởi cuộc chiến ở Ukraine và nắm lấy các công nghệ tiên tiến có vai trò quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và sự thịnh vượng trong tương lai của mình.
——-
Jan Mischke là đối tác tại Viện McKinsey Global.
Jurica Novak là đối tác quản lý của Văn phòng Trung Âu của McKinsey & Company.
Nguồn: Jan Mischke and Jurica Novak, “Addressing Europe’s Corporate Technology Gap“, Project Syndicate, 5/5/2022.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân