Tác giả: Henry Hazlitt
Còn một yếu tố nữa khiến cho của cải được tạo ra từ chi tiêu của chính phủ không thể bù đắp hoàn toàn cho của cải bị phá hủy do việc đánh thuế để chi trả cho khoản chi tiêu đó. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề lấy thứ gì đó từ túi bên phải của quốc gia để bỏ sang túi bên trái, như nhiều người vẫn tưởng. Những người chi tiêu của chính phủ nói với chúng ta, ví dụ, rằng nếu thu nhập quốc dân là 200 tỷ đô la (họ luôn hào phóng khi sửa đổi con số này), thì mức thuế 50 tỷ đô la mỗi năm của chính phủ sẽ có nghĩa là chỉ có 25% thu nhập quốc dân được chuyển từ mục đích tư sang mục đích công. Cách nói này coi đất nước là một loại đơn vị tài nguyên tập trung kiểu như một tập đoàn khổng lồ, và như thể tất cả những gì liên quan chỉ là một giao dịch kế toán đơn thuần. Những người chi tiêu của chính phủ quên rằng họ đang lấy tiền từ A để chuyển cho B. Hay đúng hơn, họ biết điều đó rất rõ; nhưng trong khi họ nói nhiều về tất cả những lợi ích mà B nhận được từ quá trình này, và tất cả những điều tuyệt vời mà B sẽ có – những điều mà B sẽ không thể có nếu không có sự chuyển giao tiền tệ đó – thì họ lại quên mất tác động của giao dịch này đối với A. B là người được thấy; A thì bị lãng quên.
Trong thế giới hiện đại của chúng ta, không bao giờ có chuyện mọi người đều phải chịu cùng một tỷ lệ thuế thu nhập. Gánh nặng lớn của thuế thu nhập được áp đặt lên một tỷ lệ nhỏ của thu nhập quốc dân; và các loại thuế thu nhập này phải được bổ sung bằng các loại thuế khác. Các loại thuế này tất yếu ảnh hưởng đến hành động và động cơ của những người bị thu thuế. Khi một công ty mất một trăm xu cho mỗi đô la lỗ, và chỉ được phép giữ lại 60 xu cho mỗi đô la lãi, và khi họ không thể bù trừ năm lỗ với năm lãi, hoặc không thể làm vậy một cách hợp lý, thì các chính sách của họ sẽ bị ảnh hưởng. Họ sẽ không mở rộng hoạt động, hoặc chỉ mở rộng những hoạt động có mức rủi ro tối thiểu. Những người nhận ra tình hình này sẽ chùn bước khi muốn khởi nghiệp. Do đó, các chủ sử dụng lao động cũ sẽ không tạo ra nhiều việc làm hơn, hoặc không tạo ra nhiều như họ có thể đã làm; và những người khác thì quyết định không trở thành chủ sử dụng lao động nữa. Các loại máy móc cải tiến và nhà máy được trang bị tốt hơn cũng ra đời chậm hơn nhiều so với mức đáng lẽ có thể. Kết quả về lâu dài là người tiêu dùng không được tiếp cận với những sản phẩm tốt hơn và rẻ hơn, và tiền lương thực tế cũng bị kìm hãm.
Một hiệu ứng tương tự xảy ra khi thu nhập cá nhân bị đánh thuế ở mức 50, 60, 75 và 90 phần trăm. Người ta bắt đầu tự hỏi tại sao mình phải làm việc sáu, tám hoặc mười tháng trong cả năm cho chính phủ, và chỉ còn lại sáu, bốn hoặc hai tháng cho bản thân và gia đình. Nếu họ mất toàn bộ đồng đô la khi thất bại, nhưng chỉ được giữ lại một xu khi thành công, họ sẽ quyết định rằng thật ngớ ngẩn khi chấp nhận rủi ro với số vốn của mình. Ngoài ra, bản thân số vốn có thể dành cho rủi ro cũng giảm mạnh. Nó bị đánh thuế mất trước khi kịp được tích lũy. Tóm lại, vốn để cung cấp việc làm mới trong khu vực tư nhân bị ngăn không cho hình thành ngay từ đầu, và phần vốn hình thành sau đó cũng bị cản trở trong việc tạo ra doanh nghiệp mới. Chính những người chi tiêu của chính phủ tạo ra vấn đề thất nghiệp mà họ tuyên bố sẽ giải quyết.
Dĩ nhiên, một số tiền thuế nhất định là không thể thiếu để thực hiện các chức năng thiết yếu của chính phủ. Thuế hợp lý cho mục đích này không nhất thiết phải gây tổn hại nhiều đến sản xuất. Loại dịch vụ công mà sau đó chính phủ cung cấp để đổi lại, trong đó có việc bảo vệ quá trình sản xuất, thường sẽ bù đắp được phần thuế đã thu. Nhưng khi tỷ lệ thu nhập quốc dân bị đánh thuế ngày càng tăng, thì sức cản trở đối với sản xuất và việc làm tư nhân cũng càng lớn. Khi gánh nặng thuế tổng thể vượt quá mức có thể chịu đựng, thì bài toán tìm ra các loại thuế không làm suy giảm hoặc rối loạn sản xuất sẽ trở nên không thể giải được.
Nguồn: Henry Hazlitt, “Economics in One Lesson”, Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.