Thị trường tự do là gì?

Tác giả: Murray N. Rothbard.

Thị trường Tự do là một thuật ngữ tóm tắt cho một loạt các giao dịch diễn ra trong xã hội. Mỗi giao dịch được thực hiện một cách tự nguyện bởi một thỏa thuận giữa hai người hoặc là giữa các nhóm người được đại diện bởi các đại lý. Hai cá nhân (hoặc đại lý) này trao đổi hai loại hàng hóa kinh tế, có thể là hàng hóa hữu hình hoặc dịch vụ vô hình. Thế nên, khi tôi mua một tờ báo từ người bán báo với giá 50 xu, người bán báo và tôi đã trao đổi hai loại hàng hóa: tôi thì đưa 50 xu, và người bán giao tờ báo. Hoặc, nếu tôi làm việc cho một công ty, tôi trao đổi dịch vụ lao động của mình lấy tiền lương, theo một thỏa thuận đôi bên đồng ý; trong trường hợp này, công ty được đại diện bởi một quản lý có quyền tuyển dụng.

Cả hai bên tham gia giao dịch vì họ kỳ vọng sẽ có lợi từ đó. Họ sẽ tiếp tục giao dịch lần sau (hoặc từ chối) tùy thuộc vào việc kỳ vọng đó có được đáp ứng hay không trong lần giao dịch gần nhất. Việc trao đổi, hay thương mại, diễn ra chính vì cả hai bên đều cảm thấy có lợi; nếu không kỳ vọng vì lợi ích, họ sẽ không chấp nhận việc giao dịch.

Lập luận đơn giản này bác bỏ quan điểm chống lại thương mại tự do trong giai đoạn “chủ nghĩa trọng thương” từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 ở châu Âu, và nó đã được nhà văn cổ điển Pháp nổi tiếng vào thế kỷ 16, Montaigne, trình bày. Những người theo chủ nghĩa trọng thương cho rằng trong bất kỳ giao dịch nào, một bên chỉ có thể có lợi khi làm thiệt hại bên kia, rằng mọi giao dịch đều có kẻ thắng và kẻ thua, một bên thì “bóc lột” và một bên thì “bị bóc lột.” Tuy nhiên, ta có thể dễ dàng nhận ra sai lầm trong quan điểm này, vốn vẫn còn phổ biến hiện nay: việc người ta sẵn sàng, hay thậm chí là việc háo hức tham gia giao dịch chính là bằng chứng cho thấy cả hai bên đều có lợi. Theo ngôn ngữ của lý thuyết trò chơi hiện đại, sự trao đổi là một tình huống đôi bên cùng thắng, hay còn gọi là “trò chơi có tổng dương,” thay vì “tổng bằng không” hoặc “tổng âm.”

Làm thế nào để cả hai bên đều có lợi từ một giao dịch? Mỗi bên đánh giá giá trị của hai loại hàng hóa hoặc dịch vụ khác nhau, và chính sự khác biệt này tạo ra cơ hội cho một giao dịch. Ví dụ, tôi đang đi dạo với tiền trong túi nhưng không có tờ báo nào trong tay, trong khi người bán báo có rất nhiều báo nhưng lại muốn có tiền. Khi gặp nhau, chúng tôi đồng ý thực hiện một thỏa thuận giao dịch.

Hai yếu tố quyết định các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào đó là mức độ mà mỗi người tham gia đánh giá giá trị của hàng hóa liên quan và kỹ năng thương lượng của họ. Bao nhiêu tiền để đổi lấy một tờ báo, hoặc bao nhiêu thẻ bóng chày Mickey Mantle để đổi lấy một thẻ Babe Ruth, phụ thuộc vào tất cả những người tham gia trong thị trường báo hoặc thị trường thẻ bóng chày, tùy vào mức độ mà mỗi người đánh giá giá trị của các thẻ so với những hàng hóa khác mà họ có thể mua. 

Những điều kiện trao đổi này, gọi là “giá cả” (giá của báo tính bằng tiền, hoặc giá của thẻ Babe Ruth tính bằng thẻ Mickey Mantle), được quyết định cuối cùng bởi số lượng báo hoặc thẻ bóng chày có sẵn trên thị trường so với mức độ mà người mua coi trọng những hàng hóa này. Nói ngắn gọn lại là, giá cả được quyết định bởi sự tương tác giữa cung và cầu.

Khi cung của một hàng hóa nhất định không đổi, nếu giá trị của hàng hóa trong tâm trí người mua tăng lên, cầu đối với hàng hóa sẽ tăng, người mua sẽ bỏ ra nhiều tiền hơn để mua nó, và giá cả sẽ tăng. Ngược lại, nếu giá trị giảm, và dẫn đến cầu cũng giảm, thì giá cũng giảm theo. Mặt khác, nếu sự đánh giá hoặc nhu cầu từ phía người mua với hàng hóa giữ nguyên, nhưng nguồn cung tăng lên, giá trị của mỗi đơn vị trong nguồn cung — như là mỗi thẻ bóng chày hoặc mỗi ổ bánh mì — sẽ giảm đi, và giá cả cũng giảm theo. Ngược lại, nếu cung của hàng hóa giảm, giá cả sẽ tăng.

Thị trường do đó không chỉ là một tập hợp các giao dịch, mà còn là một mạng lưới phức tạp, liên kết các giao dịch lại với nhau. Trong các xã hội nguyên thủy, giao dịch thường diễn ra dưới hình thức hàng đổi lấy hàng hay là giao đổi trực tiếp. Hai người trao đổi những hàng hóa hữu ích một cách trực tiếp, chẳng hạn như đổi các con ngựa lấy những con bò, hoặc thẻ Mickey Mantle đổi lấy thẻ Babe Ruth. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, một quá trình trao đổi có lợi cho hai bên theo từng bước như vậy dẫn đến việc lựa chọn một hoặc hai loại hàng hóa phổ biến và có giá trị làm phương tiện trao đổi gián tiếp trên thị trường. Loại hàng hóa này, thường (nhưng không phải luôn luôn) là vàng hoặc bạc, không chỉ được dùng vì giá trị nội tại của nó, mà còn để tạo điều kiện trao đổi lấy các hàng hóa khác. 

Ví dụ, trả công cho công nhân ngành thép bằng tiền thay vì bằng thanh thép sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì công nhân có thể dùng tiền để mua bất kỳ thứ gì họ muốn. Họ sẵn sàng nhận tiền bởi họ biết từ kinh nghiệm và nhận thức rằng mọi người khác trong xã hội cũng sẽ chấp nhận tiền khi thanh toán.

Mạng lưới giao dịch phức tạp gần như vô hạn của thị trường tự do hiện đại chỉ có thể tồn tại nhờ vào việc sử dụng tiền tệ. Mỗi người tham gia vào chuyên môn hóa hoặc phân công lao động, và sản xuất ra những gì họ giỏi nhất. Quá trình sản xuất bắt đầu từ tài nguyên thiên nhiên, sau đó trải qua nhiều giai đoạn với máy móc và tư liệu sản xuất khác nhau, cuối cùng là hàng hóa sẽ được bán cho người tiêu dùng. Ở mỗi giai đoạn sản xuất, từ tài nguyên thiên nhiên đến hàng hóa tiêu dùng, tiền được trao đổi tự nguyện để lấy tư liệu sản xuất, dịch vụ lao động, và tài nguyên đất đai. Tại mỗi bước, điều kiện trao đổi, hay giá cả, được quyết định bởi sự tương tác tự nguyện giữa người cung cấp và người có nhu cầu. Thị trường được coi là “tự do” vì mọi quyết định trong từng giai đoạn đều được đưa ra một cách tự nguyện và tự do.

Thị trường tự do và hệ thống giá cả tự do giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, thị trường tự do cũng mở ra cơ hội lớn nhất cho các doanh nhân, những người chấp nhận rủi ro về vốn để phân bổ tài nguyên một cách hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu tương lai của số đông người tiêu dùng. Việc tiết kiệm và đầu tư sau đó có thể phát triển các tài sản vốn, nâng cao năng suất lao động và mức lương của công nhân, qua đó cải thiện mức sống của họ. Thị trường cạnh tranh tự do cũng khen thưởng và khuyến khích đổi mới công nghệ, cho phép những nhà sáng tạo tiên phong đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo những cách mới mẻ và sáng tạo.

Không chỉ khuyến khích mỗi việc đầu tư, điều quan trọng hơn là hệ thống giá cả cùng với các động lực lợi nhuận và thua lỗ trong thị trường sẽ hướng dẫn vốn đầu tư và sản xuất đi đúng hướng. Mạng lưới phức tạp này có thể hòa quyện và “cân bằng” tất cả các thị trường, giúp tránh những tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa đột ngột, bất ngờ và khó giải thích ở bất kỳ đâu trong hệ thống sản xuất.

Tuy nhiên, không phải mọi giao dịch đều diễn ra theo một cách tự do. Nhiều giao dịch bị ép buộc phải thực hiện. Nếu một kẻ cướp đe dọa bạn với câu “Đưa tiền ra hoặc là mất mạng,” thì việc bạn trả tiền cho hắn là ép buộc và không mang tính tự nguyện, và hắn hưởng lợi từ sự mất mát của bạn. Đây là hành vi cướp bóc, chứ không phải thị trường tự do, và điều này đúng là đi theo mô hình của chủ nghĩa trọng thương: kẻ cướp hưởng lợi từ sự ép buộc đối với người bị hại. Sự bóc lột không xảy ra trong thị trường tự do, mà là ở nơi mà kẻ ép buộc lợi dụng nạn nhân của mình. Về lâu dài, sự ép buộc là một trò chơi có tổng âm, dẫn đến giảm sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, làm cạn kiệt vốn, giảm năng suất lao động và mức sống cho tất cả mọi người, thậm chí có thể ảnh hưởng cả chính kẻ ép buộc.

Chính phủ, trong mọi xã hội, là hệ thống ép buộc duy nhất có tính hợp pháp. Thuế là một hình thức trao đổi bị ép buộc, và gánh nặng thuế càng cao đối với việc sản xuất, thì càng có khả năng tăng trưởng kinh tế bị suy giảm và tụt dốc. Những hình thức ép buộc khác của chính phủ (ví dụ, kiểm soát giá cả hoặc những hạn chế ngăn cản các đối thủ mới gia nhập thị trường) làm cản trở và làm tê liệt các giao dịch thị trường, trong khi những hình thức khác (như cấm các hành vi lừa đảo, thi hành hợp đồng) có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tự nguyện.

Hình thức ép buộc tột cùng của chính phủ là chủ nghĩa xã hội. Dưới chế độ kế hoạch tập trung xã hội chủ nghĩa, hội đồng kế hoạch xã hội chủ nghĩa thiếu đi một hệ thống giá cả cho đất đai hoặc tư liệu sản xuất. Như ngay cả những người theo chủ nghĩa xã hội như Robert Heilbroner hiện nay cũng thừa nhận, hội đồng kế hoạch xã hội chủ nghĩa vì vậy không có cách nào để tính toán giá cả hay chi phí, hay để đầu tư vốn sao cho mạng lưới sản xuất có thể hòa hợp và cân bằng. Kinh nghiệm hiện tại của Liên Xô, nơi mà một vụ thu hoạch lúa mì bội thu không thể chuyển được đến các cửa hàng bán lẻ, là một ví dụ minh họa về việc không thể vận hành một nền kinh tế hiện đại, phức tạp mà thiếu đi thị trường tự do. Không có động lực hay phương tiện để tính toán giá cả và chi phí cho các toa xe tải chở lúa mì, cho các nhà máy xay tiếp nhận và chế biến lúa mì, và cứ thế qua rất nhiều giai đoạn cần thiết để đến tay người tiêu dùng cuối cùng ở Moscow hay Sverdlovsk. Việc đầu tư vào lúa mì gần như hoàn toàn bị lãng phí.

Chủ nghĩa xã hội thị trường (market socialism) thực tế là một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ. Cuộc thảo luận thịnh hành về chủ nghĩa xã hội thị trường thường bỏ qua một khía cạnh quan trọng của thị trường. Khi hai hàng hóa thực sự được trao đổi, cái thực sự được trao đổi là quyền sở hữu đối với những hàng hóa đó. Khi tôi mua một tờ báo với giá 50 xu, người bán và tôi đang trao đổi quyền sở hữu: tôi từ bỏ quyền sở hữu số tiền 50 xu và chuyển nó cho người bán báo, còn người bán báo từ bỏ quyền sở hữu tờ báo và trao nó cho tôi. Quá trình tương tự vậy cũng xảy ra khi mua một ngôi nhà, chỉ khác là trong trường hợp của tờ báo, mọi thứ đều đơn giản hơn nhiều, và chúng ta có thể tránh được quá trình phức tạp của các hợp đồng, công chứng, đại lý, luật sư, môi giới thế chấp, v.v. Nhưng bản chất về mặt kinh tế của hai giao dịch này là giống nhau.

Điều này có nghĩa là mấu chốt cho sự tồn tại và phát triển của thị trường tự do là một xã hội nơi các quyền và quyền sở hữu tài sản cá nhân được tôn trọng, bảo vệ và giữ an toàn. Ngược lại, mấu chốt của chủ nghĩa xã hội là sự sở hữu của chính phủ đối với phương tiện sản xuất, đất đai và tư liệu sản xuất. Do đó, sẽ không thể có một thị trường thực sự về đất đai hay tư liệu sản xuất, xứng đáng để được gọi là thị trường.

Một số người chỉ trích thị trường tự do cho rằng quyền sở hữu tài sản mâu thuẫn với “quyền con người.” Tuy nhiên, những người chỉ trích không nhận ra rằng trong hệ thống thị trường tự do, mỗi người có quyền sở hữu đối với chính bản thân và công lao động của chính mình, và họ có thể ký kết các hợp đồng tự do cho những dịch vụ này. 

Chế độ nô lệ vi phạm quyền sở hữu cơ bản của nô lệ đối với chính cơ thể và con người của mình, một quyền mà là nền tảng cho quyền sở hữu của bất kỳ cá nhân nào đối với các vật thể vô tri. Hơn nữa, tất cả các quyền đều là quyền con người, dù đó là quyền tự do ngôn luận của mọi người hay quyền sở hữu tài sản của một cá nhân trong chính ngôi nhà của mình.

Một cáo buộc phổ biến đối với xã hội thị trường tự do là nó thiết lập “luật rừng rậm,” “mạnh được yếu thua,” rằng nó từ chối sự hợp tác giữa con người để đổi lấy cạnh tranh, và rằng nó tôn vinh thành công vật chất thay vì các giá trị tinh thần, triết học hay các hoạt động giải trí. Ngược lại, rừng rậm chính là một xã hội của sự cưỡng bức, ăn cắp và ký sinh, một xã hội phá hủy cuộc sống và mức sống. Cạnh tranh thị trường hòa bình giữa các nhà sản xuất và nhà cung cấp là một quá trình hợp tác sâu sắc, trong đó tất cả mọi người đều được hưởng lợi, và nơi mà mức sống của mọi người được thăng tiến (so với mức sống trong một xã hội không tự do). Và thành công vật chất không thể chối cãi của các xã hội tự do cung cấp sự giàu có chung, cho phép chúng ta tận hưởng một lượng lớn thời gian rảnh rỗi so với các xã hội khác, và để theo đuổi những vấn đề tinh thần. Chính các quốc gia cưỡng bức, với ít hoặc không có hoạt động thị trường, đặc biệt dưới chế độ cộng sản, nơi mà guồng quay của cuộc sống hàng ngày không chỉ làm nghèo đói con người về vật chất, mà còn làm chết mòn tinh thần của họ.

Đọc thêm:

Ballve, Faustino. Essentials of Economics. 1963.

Hazlitt, Henry. Economics in One Lesson. 1946.

Mises, Ludwig von. Economic Freedom and Interventionism, edited by Bettina Greaves. 1990.

Rockwell, Llewellyn, Jr., ed. The Free Market Reader. 1988.

Rockwell, Llewellyn, Jr., ed., The Economics of Liberty. 1990.

Rothbard, Murray N. Power and Market: Government and the Economy, 2d ed. 1977.

Rothbard, Murray N. What Has Government Done to Our Money? 4th ed. 1990.

Nguồn: Murray N. Rothbard, “What Is the Free Market?,” Mises, 11/04/2019. 

Biên dịch: Phong trào Duy Tân. 


Đăng ngày

trong