Tác giả: Edoardo Campanella
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nên được xem như là một phần của cuộc xung đột chính trị dài hạn mà sẽ kết thúc bằng việc loại bỏ hoặc khôi phục hệ thống phân cấp chủng tộc lịch sử của quốc gia. Sự chuyển hướng của Đảng Cộng hòa về phía chủ nghĩa độc tài và việc theo đuổi sự cai trị của thiểu số không thể được hiểu theo bất kỳ cách nào khác.
CAMBRIDGE – “Khủng hoảng dân chủ” ở các quốc gia phương Tây thường được cho là do sự gia tăng bất bình đẳng, sự suy giảm của tầng lớp trung lưu, và yếu tố chính trị liên quan đến vấn đề nhập cư hàng loạt. Tuy nhiên, còn một yếu tố quan trọng khác là nhân khẩu học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi mà mối đe dọa đối với dân chủ liên quan đến những thay đổi ảnh hưởng đến cử tri da trắng. Hơn nữa, do xu hướng nhân khẩu học khó có thể đảo ngược, tình trạng rối loạn ngày càng tăng ở Mỹ có khả năng trở thành một yếu tố dai dẳng của chính trị toàn cầu trong một thời gian dài.
Đến năm 2044, người Mỹ da trắng sẽ chiếm 49,7% dân số Mỹ, giảm từ 70% ở thời điểm hiện tại và gần 90% vào thập niên 1960. Sự thay đổi này có thể gây ra những hệ quả to lớn về mặt chính trị và tâm lý. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia, người Mỹ da trắng sẽ trở thành một nhóm thiểu số – ngay cả khi họ vẫn sẽ đông hơn người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, và các nhóm khác. Ngay từ bây giờ, ảnh hưởng chính trị đang suy giảm của cử tri da trắng đã tạo ra một cảm giác mất mát về vị thế và bị gạt ra ngoài lề, điều này phần nào được phản ánh qua các cuộc khảo sát cho thấy gần 60% người theo Đảng Cộng hòa “cảm thấy như người lạ trên chính đất nước của mình.”
Trước bối cảnh này, cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nên được xem như là một phần của cuộc xung đột chính trị dài hạn, sẽ kết thúc bằng việc loại bỏ hoặc khôi phục hệ thống phân cấp chủng tộc lịch sử của quốc gia. Nói một cách đơn giản, đảng Dân chủ ngày nay ủng hộ ý tưởng về một nền dân chủ đa chủng tộc, trong khi đảng Cộng hòa muốn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách tái lập những yếu tố của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng cũ.
Cuộc xung đột này đã tồn tại từ trước Donald Trump. Các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã giành được đa số phiếu bầu của người da trắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 1964, năm mà Lyndon B. Johnson, một đảng viên Dân chủ, giành chiến thắng tại Nhà Trắng và ký ban hành Đạo luật về Quyền Bầu cử và Quyền Dân sự. Gần đây hơn, chiến thắng của Barack Obama vào năm 2008 đã trở thành một khoảnh khắc thức tỉnh cho cử tri da trắng, nhiều người trong số họ bắt đầu đối mặt với những hệ quả của sự thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học của quốc gia.
Sau khi Obama tái đắc cử vào năm 2012, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã soạn thảo một báo cáo thừa nhận sự cần thiết trong việc tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, ở cấp độ bang, đảng Cộng hòa đã đi theo hướng ngược lại, nhấn mạnh vào việc thu hút cử tri da trắng thông qua các biện pháp hạn chế cử tri đi bầu và chỉnh sửa khu vực bầu cử dựa theo chủng tộc hòng chiếm ưu thế. Sau đó, vào năm 2016, Trump đã khai thác sự bất mãn của người da trắng để giành được đề cử của đảng Cộng hòa.
Một nhiệm kỳ tổng thống khác của Trump sẽ tăng cường cuộc chiến nhằm khôi phục lại hệ thống phân cấp về chủng tộc và chính trị có tính lịch sử của nước Mỹ, với các kế hoạch của Trump nhằm trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ. Nhưng ngay cả khi Trump thất bại, cuộc chiến này vẫn sẽ tiếp diễn. Chủ nghĩa Trump có khả năng tồn tại, vì tư tưởng “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” hiện đã thấm nhuần vào một đảng Cộng hòa đã loại bỏ những người bảo thủ ôn hòa.
Có vẻ rằng sẽ rất mạo hiểm cho một đảng chính trị khi đặt cược tương lai của mình vào một nhóm nhân khẩu học có trọng lượng chính trị đang có xu hướng giảm – mặc dù sự ủng hộ từ các cử tri không phải người da trắng đã tăng lên trong những năm gần đây (phản ánh thông điệp hiệu quả về việc phục hồi các lĩnh vực của nền kinh tế nơi các nhóm thiểu số cũng tìm được việc làm). Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ cung cấp một lời giải thích cho chiến lược này. Theo Steven Levitsky và Daniel Ziblatt của Đại học Harvard, hệ thống của Mỹ bao gồm một số thể chế có tính chống đa số nhằm đảm bảo sự ổn định, nhưng cũng có thể trao quyền cho một thiểu số chính trị.
Điều quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống, chẳng hạn, không phải là số phiếu phổ thông mà là Đại cử tri đoàn. Đó là cách mà Trump đã thắng vào năm 2016, mặc dù nhận được ít phiếu hơn đối thủ. Tương tự, mỗi bang được phân bổ hai ghế trong Thượng viện bất kể quy mô dân số của bang đó. Đến năm 2040, khoảng 70% người Mỹ sẽ sống ở chỉ 15 bang, trong khi 30% còn lại, chủ yếu là người da trắng và lớn tuổi hơn, sẽ bầu ra 70 thượng nghị sĩ.
Sự kết hợp giữa các xu hướng nhân khẩu học, một đảng Cộng hòa mang dấu ấn Trump, và các quy định hiến pháp chống đa số sẽ khiến nền dân chủ Mỹ trở nên rối loạn nghiêm trọng trong những năm tới. Dù nền tảng thể chế vững mạnh của nó có thể giúp Mỹ không rơi vào chủ nghĩa độc tài, quốc gia này dường như vẫn sẽ phải đối mặt với các giai đoạn căng thẳng chính trị và xung đột gia tăng.
Trong bối cảnh này, không hề quá xa vời khi tưởng tượng về những cuộc khủng hoảng hiến pháp liên quan đến chính phủ liên bang và các cơ quan lập pháp bang về việc quản lý các cuộc bầu cử và quyền bầu cử; hoặc giữa Quốc hội và một Tòa án Tối cao cực hữu về quyền dân sự; hoặc giữa Quốc hội và một tổng thống gây chia rẽ.
Không có giải pháp nhanh chóng nào cả. Bất kỳ sửa đổi hiến pháp nào nhằm loại bỏ Đại cử tri đoàn hoặc cải cách Thượng viện và Tòa án Tối cao (vốn không có giới hạn nhiệm kỳ cho các thẩm phán) đều sẽ bị bác bỏ ngay từ đầu, vì cần phải có siêu đa số trong cả hai viện Quốc hội và sự phê chuẩn của ba phần tư các bang. Liệu người Mỹ có thể hợp tác để hướng tới trung tâm và đẩy xa các nhóm cực hữu và cực tả không? Có vẻ như điều đó không khả thi trong thời gian tới.
Cuộc bầu cử năm nay sẽ không mang lại một kết quả nhị phân. Một chiến thắng cho Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ không cứu vãn nền dân chủ Mỹ, và một chiến thắng cho Trump sẽ không đột nhiên giết chết nó. Thay vào đó, đây sẽ chỉ là một phần nữa trong cuộc xung đột nhân khẩu học kéo dài đã bắt đầu từ sáu thập kỷ trước và hiện không có dấu hiệu kết thúc.
——
Edoardo Campanella là Nghiên cứu viên cao cấp tại Mossavar-Rahmani Center for Business and Government thuộc Harvard Kennedy School, là đồng tác giả (cùng với Marta Dassù) của cuốn sách “Anglo Nostalgia: The Politics of Emotion in a Fractured West” (Nỗi Nhớ Văn Hoá Anh: “Chính Trị Của Cảm Xúc Trong Một Tây Phương Bị Phân Mảnh” (Nhà xuất bản Oxford, 2019).
Nguồn: Edoardo Campanella, “The US Election and the Crisis of Whiteness”, Project Syndicate, 24/10/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân