Liệu Châu Âu có thể tạo ra một nền kinh tế sáng tạo?

Tác giả: Philippe Aghion, Mathias Dewatripont, và Jean Tirole

Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế “huy hoàng” sau Thế chiến II, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã không thực hiện được các thể chế và chính sách để thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá. Hiện nay, châu Âu cần khẩn trương áp dụng một học thuyết kinh tế mới và chương trình cải cách, nếu không, họ sẽ tiếp tục bị tụt hậu so với Hoa Kỳ và các nước khác.

PARIS – Trong ba thập kỷ sau Thế chiến II, Tây Âu đã bắt kịp Hoa Kỳ về GDP bình quân đầu người. Nhưng từ giữa thập niên 1990, xu hướng này đã đảo ngược, với Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh gấp đôi châu Âu.

Điều gì đã xảy ra? Giải thích rất đơn giản: Trong thời kỳ “Trente Glorieuses” (30 năm cho đến năm 1975), các chính sách của Tây Âu ưa chuộng mô hình tăng trưởng dựa trên sự bắt chước và tích lũy. Các quốc gia này đã cố gắng bắt kịp, và quá trình này được thúc đẩy bởi việc tiếp cận không giới hạn với nhiên liệu hóa thạch (cho đến cú sốc dầu mỏ đầu tiên vào năm 1973-74); Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ, vốn giúp Tây Âu tái lập dung lượng vốn; và các hệ thống giáo dục ưu tiên việc tiếp thu các công nghệ mới từ Hoa Kỳ.

Nhưng sẽ đến lúc tiềm năng tăng trưởng nhờ bắt chước và tích lũy cạn kiệt. Khi đã tiến đủ gần đến ranh giới công nghệ, đổi mới tất yếu trở thành động lực chính của tăng trưởng. Điều này chắc chắn đã xảy ra ở Hoa Kỳ, nơi cuộc cách mạng công nghệ thông tin, và giờ đây là cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, đã phát triển rất ngoạn mục. Tuy nhiên, tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã không áp dụng các thể chế và chính sách cần thiết để thúc đẩy sự đổi mới mang tính đột phá.

Kết quả là, đầu tư của khu vực tư nhân ở châu Âu vào nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính là do hiệu ứng thành phần. R&D của châu Âu tập trung vào lĩnh vực công nghệ trung bình, chiếm hơn 50% R&D tư nhân, với ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng một phần ba, dù ngành này tạo ra rất ít đổi mới mang tính đột phá. Ngược lại, 85% R&D tư nhân tại Hoa Kỳ tập trung vào các lĩnh vực có thâm dụng R&D cao hơn và lợi nhuận cao hơn (một cách tình cờ), như công nghệ sinh học, phần mềm, phần cứng và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nghiên cứu và phát triển tư nhân ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân mảnh của EU. Trên 27 quốc gia thành viên, có 27 bộ luật lao động khác nhau, các bộ quy tắc đấu thầu khác nhau (rất ít đấu thầu công được tập trung ở cấp EU, không giống như đấu thầu liên bang ở Hoa Kỳ), các cơ quan quản lý chứng khoán, điện lực và dược phẩm cũng khác nhau.

Hơn nữa, các dự án khởi nghiệp của châu Âu gặp khó khăn do thiếu một liên minh thị trường vốn thực sự. Châu Âu không có gì tương tự với Nasdaq; nó thiếu mạng lưới dày đặc các nhà đầu tư mạo hiểm như ở Hoa Kỳ để tài trợ cho các dự án mới về đổi mới sáng tạo; và ngoại trừ một vài quốc gia (Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan), các nhà đầu tư tổ chức của châu Âu (quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ) ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro liên quan đến đổi mới mang tính đột phá. Trong khi đó, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình châu Âu rất dồi dào nhưng phần lớn lại được đầu tư vào các dự án ít rủi ro hoặc chứng khoán công.

Sự hỗ trợ của khu vực công châu Âu cho đổi mới cũng còn nhiều hạn chế. Ở Hoa Kỳ, nguồn tài trợ nghiên cứu và phát triển công tập trung ở cấp liên bang, trong khi nguồn tài trợ công ở EU chủ yếu diễn ra ở cấp quốc gia thành viên. EU được biết đến là một “người khổng lồ về quy định” nhưng lại là “người tí hon về ngân sách” (với tổng ngân sách chỉ khoảng 1% GDP của khối). Với quy mô của những thách thức hiện nay đòi hỏi sự chuyển đổi kinh tế xanh và số hóa trên toàn nền kinh tế, đây là một bất lợi lớn.

Ngoài ra, về mặt các tổ chức công, không có gì ở châu Âu tương tự như các Cơ quan Chỉ đạo Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA) của Hoa Kỳ. Bằng cách ủy quyền quyết định và quản lý dự án cho các nhà khoa học hàng đầu, các ARPA đã giúp chính phủ Hoa Kỳ liên tục thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá trong các lĩnh vực chiến lược. Những thành công nổi tiếng liên quan đến chiến lược này bao gồm GPS, internet (bắt nguồn từ Arpanet) và các loại vắc-xin mRNA chống COVID-19.

Vắc-xin mRNA là một ví dụ điển hình về “chính sách công nghiệp thân thiện với cạnh tranh.” Khi COVID-19 xuất hiện, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) đã tập trung tài trợ vào ba công nghệ, với hai dự án (một của Hoa Kỳ, một của châu Âu) cho mỗi công nghệ. Cả sáu dự án đều được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu phê duyệt trong thời gian kỷ lục. Điều thú vị là hai người chiến thắng chính, công ty Hoa Kỳ Moderna và công ty Đức BioNTech, đều là các công ty công nghệ sinh học nhỏ và chỉ có một dự án xuất phát từ nhà lãnh đạo toàn cầu về vắc-xin trước đại dịch (liên danh Sanofi-GSK).

Ví dụ này cung cấp một mô hình cho một chính sách công nghiệp châu Âu thành công. Mô hình của Hoa Kỳ ủy quyền cho các nhà khoa học hàng đầu trong việc ra quyết định khoa học; nó không giả vờ biết công nghệ nào sẽ thành công và cũng không cung cấp ưu thế cho các công ty đang hoạt động. Những đặc điểm này khiến nó được xem như là một giải pháp hứa hẹn để khắc phục nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong hệ sinh thái đổi mới của châu Âu mà cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi đã nhấn mạnh trong báo cáo gần đây của ông về khả năng cạnh tranh của EU.

Draghi đề xuất các khoản đầu tư lớn từ khu vực công và tư vào nghiên cứu cơ bản và các công nghệ mang tính đột phá, cũng như cải cách về quản trị EU nhằm đơn giản hóa quy trình ra quyết định, nới lỏng các rào cản trong quy định, và trao quyền cho các nhà khoa học và doanh nhân.

Châu Âu cần khẩn trương tạo ra các điều kiện để các nhà đổi mới đầy triển vọng có thể xuất hiện. Nếu không có bất kỳ thay đổi nào trong học thuyết kinh tế của mình, mà theo đó các quy định gần như đã ngăn cản sự đầu tư, châu Âu sẽ có nguy cơ gánh chịu một sự suy thoái không thể khắc phục. Báo cáo của Draghi chỉ ra con đường thoát khỏi vòng xoáy tử thần về kinh tế này. Nhưng trước tiên, thông điệp của nó về quản trị phải được tiếp thu hoàn toàn.

Philippe Aghion là một giáo sư tại College de France, INSEAD và Trường Kinh tế London.

Mathias Dewatripont là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Tự do Brussels (I3h và Trường Kinh tế Solvay Brussels).

Jean Tirole, một người đoạt giải Nobel Kinh tế, là giáo sư tại Trường Kinh tế Toulouse.

Nguồn: Philippe Aghion, Mathias Dewatripont, và Jean Tirole, “Can Europe Create an Innovation Economy?,” Project Syndicate, 7/10/2024

Biên dịch: Phong trào Duy Tân