Điều gì đang không ổn với ChatGPT?


Tác giả: Daron Acemoglu và Simon Johnson

Trí tuệ nhân tạo đang được các tập đoàn Mỹ thiết kế và triển khai theo những cách có thể làm suy yếu và thay thế người lao động, đồng thời làm giảm chất lượng trải nghiệm của người tiêu dùng, dẫn đến việc khiến phần lớn nhà đầu tư phải thất vọng. Tuy nhiên, lịch sử kinh tế đã chứng minh rằng không nhất thiết phải diễn ra như vậy.

CAMBRIDGE – Microsoft được cho là rất hài lòng với ChatGPT của OpenAI, một chương trình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ tự nhiên có khả năng tạo ra văn bản giống như được viết bởi con người. Tận dụng việc dễ dàng tiếp cận vốn trong suốt thập kỷ qua, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư hàng tỉ đô la vào cuộc chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đến sự phát triển của một công nghệ có thể thay thế con người trong nhiều loại công việc hơn. Điều này có thể gây ra thảm họa không chỉ cho người lao động mà còn cho người tiêu dùng và thậm chí cả các nhà đầu tư.

Vấn đề đối với người lao động là hiển nhiên: sẽ có ít hơn những công việc yêu cầu kỹ năng giao tiếp tốt, dẫn đến số lượng vị trí có mức lương cao giảm sút. Những công việc như dọn dẹp, lái xe và một số công việc thủ công khác sẽ vẫn được duy trì, nhưng những người khác nên cảm thấy lo lắng. Xét đến lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Thay vì thuê người tương tác với khách hàng, các công ty sẽ ngày càng dựa vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT để làm dịu những cuộc gọi giận dữ bằng những lời lẽ khéo léo và êm dịu. Việc giảm số lượng công việc đầu vào sẽ dẫn đến ít cơ hội bắt đầu một sự nghiệp – điều này tiếp tục kéo dài một xu hướng đã được xác lập bởi các công nghệ số trước đó.

Người tiêu dùng cũng sẽ gặp khó khăn. Mặc dù các Chatbot có thể đáp ứng tốt các câu hỏi cơ bản, nhưng những câu hỏi phức tạp mới thường khiến mọi người phải gọi đến dịch vụ khách hàng. Khi gặp phải một vấn đề nghiêm trọng – chẳng hạn như một hãng hàng không ngừng hoạt động hoặc ống nước trong tầng hầm bị vỡ– bạn sẽ muốn được nói chuyện với một chuyên gia có trình độ, biết thấu hiểu và có khả năng huy động nguồn lực để đưa ra giải pháp kịp thời. Bạn không muốn phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, nhưng cũng không mong muốn được nói chuyện ngay lập tức với một Chatbot tuy lưu loát nhưng lại không mang lại hiệu quả gì.

Tất nhiên, trong một thế giới lý tưởng, những công ty mới với dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn sẽ nổi lên và giành được thị phần. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều rào cản khiến cho việc mở rộng nhanh chóng của các công ty mới trở nên khó khăn. Bạn có thể yêu thích một tiệm bánh địa phương, một đại diện thân thiện của hãng hàng không, hoặc một bác sĩ nào đó, nhưng hãy nghĩ về những gì cần thiết để xây dựng một chuỗi siêu thị mới, một hãng hàng không mới, hay một bệnh viện mới. Các công ty hiện tại có những lợi thế đáng kể, bao gồm các quyền lực thị trường quan trọng, cho phép họ lựa chọn công nghệ nào có sẵn để áp dụng và sử dụng chúng theo cách họ mong muốn.

Căn bản hơn, các công ty mới muốn cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt hơn thường cần đến những công nghệ mới, như các công cụ kỹ thuật số giúp nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên và tạo ra những dịch vụ tùy chỉnh tốt hơn cho khách hàng của công ty. Tuy nhiên, vì các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện đang ưu tiên việc tự động hóa, nên những loại công cụ này đang không được phát triển.

Các nhà đầu tư vào các công ty đại chúng cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại trong kỷ nguyên ChatGPT. Những công ty này hoàn toàn có thể cải thiện dịch vụ mà họ cung cấp cho người tiêu dùng bằng cách đầu tư vào công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới, đồng thời cung cấp các chương trình đào tạo phong phú để nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Tuy nhiên, họ lại không thực hiện điều đó. Nhiều giám đốc điều hành vẫn bị ám ảnh bởi một chiến lược mà sau cùng sẽ được nhớ tới như là một hành động tự chuốc lấy thất bại: cắt giảm nhân sự và giữ mức lương ở mức thấp nhất có thể. Họ theo đuổi những biện pháp cắt giảm này vì đó là điều mà những người thông minh nhưng có tư duy non nớt (các nhà phân tích, tư vấn, giáo sư tài chính và các giám đốc điều hành khác) khuyên họ nên làm, và bởi Phố Wall đánh giá hiệu suất của họ dựa trên các công ty khác cũng đang siết chặt lao động đến mức tối đa.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trên đà khuếch đại những hệ lụy tiêu cực của vốn tư nhân. Từ lâu, những khối tài sản khổng lồ đã được tạo ra bằng cách mua lại các công ty, chất thêm nợ khi chuyển sang hình thức tư nhân, rồi cắt giảm dần nhân sự – tất cả trong khi vẫn chi trả cổ tức cao cho các chủ sở hữu mới. Giờ đây, với sự xuất hiện của ChatGPT và các công nghệ AI khác, việc tận dụng công nghệ để đẩy người lao động vào tình thế khắc nghiệt sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, thông qua việc giám sát gắt gao tại nơi làm việc, điều kiện lao động căng thẳng hơn, hợp đồng lao động không cố định giờ giấc, cùng nhiều biện pháp tương tự.

Những xu hướng này đều mang lại những tác động tiêu cực đáng kể đến sức mua của người dân Mỹ – vốn là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, như chúng tôi giải thích trong cuốn sách sắp ra mắt Power and Progress: Our Thousand-Year Struggle Over Technology and Prosperity (Quyền Lực và Tiến Bộ: Cuộc Đấu Tranh Hàng Ngàn Năm Về Công Nghệ và Thịnh Vượng), việc nền kinh tế suy yếu không nhất thiết phải là viễn cảnh tương lai của chúng ta. Sau cùng thì sự ra đời của các loại máy móc mới và những đột phá công nghệ đã đem lại những kết quả rất khác nhau trong quá khứ.

Hơn một thế kỷ trước, Henry Ford đã cách mạng hóa sản xuất ô tô bằng cách đầu tư mạnh vào máy móc mới và phát triển một dây chuyền lắp ráp hiệu quả hơn. Đúng là những công nghệ mới này đã mang đến một mức độ tự động hóa nhất định, bởi các nguồn điện tập trung cho phép máy móc thực hiện nhiều nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn. Nhưng sự tái tổ chức nhà máy cùng với quá trình điện khí hóa cũng tạo ra những nhiệm vụ mới cho người lao động và hàng nghìn công việc mới với mức lương cao hơn, củng cố sự thịnh vượng chung. Ford đã đi đầu trong việc chứng minh rằng tạo ra công nghệ hỗ trợ cho con người là một hướng kinh doanh tốt.

Ngày nay, AI cũng cung cấp cơ hội để làm điều tương tự. Các công cụ kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI có thể được sử dụng để giúp các y tá, giáo viên và nhân viên chăm sóc khách hàng hiểu rõ hơn về những gì họ đang đối mặt và có thể làm gì để cải thiện kết quả cho bệnh nhân, học sinh và người tiêu dùng. Khả năng dự đoán của các thuật toán có thể được khai thác để giúp đỡ con người, thay vì thay thế họ. Nếu AI được sử dụng để đưa ra các khuyến nghị cho con người xem xét, khả năng sử dụng những khuyến nghị này một cách khôn ngoan sẽ được công nhận là một kỹ năng quý giá của con người. Các ứng dụng AI khác có thể tạo điều kiện phân bổ người lao động tốt hơn vào các nhiệm vụ, hoặc thậm chí tạo ra các thị trường hoàn toàn mới (như Airbnb hoặc các ứng dụng gọi xe).

Thật không may, những cơ hội này đang bị bỏ qua, vì hầu hết các nhà lãnh đạo công nghệ ở Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ để phát triển phần mềm có thể thực hiện những nhiệm vụ mà con người đã làm tốt. Họ biết rằng có thể dễ dàng kiếm lời bằng cách bán sản phẩm của mình cho các công ty có tầm nhìn hạn hẹp. Mọi người đều tập trung vào việc tận dụng AI để cắt giảm chi phí lao động, mà ít quan tâm đến trải nghiệm khách hàng cũng như tương lai của sức mua của người Mỹ.

Ford đã hiểu rằng việc sản xuất hàng loạt ô tô là vô nghĩa nếu đại chúng không có khả năng chi trả cho chúng. Những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp hiện nay thì ngược lại, họ đang áp dụng công nghệ mới theo những cách sẽ phá hoại tương lai chung của chúng ta.

Daron Acemoglu, khôi nguyên Nobel Kinh tế năm 2024 và Giáo sư Kinh tế tại MIT, là đồng tác giả (cùng với James A. Robinson) của cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty” (Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại: Nguồn Gốc của Quyền Lực, Sự Thịnh Vượng và Nghèo Đói) (Nhà xuất bản Profile, 2019) và là đồng tác giả (cùng với Simon Johnson) của cuốn sách “Power and Progress: Our Thousand-Year Struggle Over Technology and Prosperity” (Quyền Lực và Tiến Bộ: Cuộc Chiến Ngàn Năm của Chúng Ta về Công Nghệ và Sự Thịnh Vượng)(Nhà xuất bản Public Affairs, 2023).

James A. Robinson, khôi nguyên Nobel Kinh tế năm 2024 và Giám đốc Viện Pearson Chuyên Nghiên cứu và Giải quyết Các Xung đột Toàn cầu (the Pearson Institute for the Study and Resolution of Global Conflicts), hiện là Giáo sư tại Trường Chính sách Công Harris thuộc Đại học Chicago. Ông là đồng tác giả (cùng với Daron Acemoglu) của cuốn “The Narrow Corridor: States, Societies, and the Fate of Liberty” (Hành Lang Hẹp: Nhà Nước, Xã Hội và Số Phận của Tự Do) và “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” (Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại: Nguồn Gốc của Quyền Lực, Sự Thịnh Vượng và Nghèo Đói). 

Simon Johnson, khôi nguyên Nobel Kinh tế năm 2024 và từng là kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện là giáo sư tại Trường Quản lý Sloan của MIT, Giám đốc Chương trình Hình thành Tương lai của Công việc  (Shaping the Future of Work initiative) tại MIT, và là Đồng Chủ tịch của Hội đồng Rủi ro Hệ thống CFA (the CFA Institute Systemic Risk Council). Ông là đồng tác giả (cùng với Daron Acemoglu) của cuốn “Power and Progress: Our Thousand-Year Struggle Over Technology and Prosperity” (Nhà xuất bản Public Affairs, 2023).

Nguồn: Daron Acemoglu and Simon Johnson, “What’s Wrong with ChatGPT?”, Project Syndicate, 6/2/2023

Biên dịch: Phong trào Duy Tân


Đăng ngày

trong

,