Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho sự phá huỷ sáng tạo của trí tuệ nhân tạo?

Tác giả: Daron Acemoglu 

Thay vì mù quáng tin tưởng vào nhng lý thuyết đơn giản nhưng hấp dẫn về bản chất của s thay đổi mang tính lịch s, chúng ta cần khẩn trương tập trung vào cách mà làn sóng đổi mi gây gián đoạn tiếp theo có thể ảnh hưởng đến các thể chế xã hội, dân chủ và công dân của chúng ta. Việc để các doanh nhân công nghệ t quyết định có thể dẫn đến nhiều s phá hủy hơn – và ít s sáng tạo hơn – so vi nhng gì chúng ta đã d tính.

BOSTON – Một khái niệm cổ xưa của Trung Quốc về âm và dương cho thấy khuynh hướng của con người trong việc nhìn nhận các hình mẫu đối lập liên kết với nhau trong thế giới xung quanh — đây là một khuynh hướng đã dẫn đến nhiều lý thuyết về các chu kỳ tự nhiên trong các hiện tượng xã hội và kinh tế. Giống như triết gia người Ả Rập vĩ đại thời Trung cổ tên Ibn Khaldun đã thấy con đường sụp đổ cuối cùng của một đế chế ẩn giấu trong sự trỗi dậy của nó, nhà kinh tế học thế kỷ 20 Nikolai Kondratiev đã đưa ra giả thuyết rằng nền kinh tế toàn cầu hiện đại đang vận động theo các siêu chu kỳ như các đợt sóng dài.

Nhưng không có lý thuyết nào phổ biến, kể từ thời Karl Marx, bằng lý thuyết liên kết sự phá hủy một bộ quan hệ sản xuất với việc tạo ra một bộ quan hệ khác. Viết vào năm 1913, nhà kinh tế học người Đức Werner Sombart nhận xét rằng, “từ sự phá hủy, một tinh thần sáng tạo mới xuất hiện.”

Nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter là người đã phổ biến và mở rộng phạm vi của lập luận rằng những sự đổi mới liên tục giúp thay thế các công nghệ chiếm ưu thế trước đó và lật đổ các gã khổng lồ công nghiệp cũ. Nhiều nhà khoa học xã hội đã phát triển ý tưởng về “sự hủy diệt sáng tạo” của Schumpeter để giải thích cho những quy trình đổi mới và các tác động rộng lớn hơn của nó. Những phân tích này cũng đã chỉ ra những căng thẳng tiềm ẩn trong khái niệm nêu trên. Ví dụ, liệu sự phá hủy có mang lại sự sáng tạo, hay đó là một sản phẩm tất yếu của sự sáng tạo? Quan trọng hơn, liệu tất cả sự phá hủy đều là điều không thể tránh khỏi?

Trong kinh tế học, các ý tưởng của Schumpeter đã tạo nên nền tảng cho lý thuyết tăng trưởng kinh tế, chu kỳ của sản phẩm, và thương mại quốc tế. Nhưng có hai sự phát triển liên quan đến nhau đã đưa khái niệm “phá hủy sáng tạo” lên một tầm cao mới trong vài thập kỷ qua. Đầu tiên là sự thành công vang dội của cuốn sách “The Innovator’s Dilemma” (Thế Khó Xử Của Nhà Sáng Tạo) in vào năm 1997 của Clayton Christensen, giáo sư Trường Đại học Kinh doanh Harvard. Cuốn sách đã phát triển ý tưởng về “sự đổi mới gây gián đoạn” (disruptive innovation). Các đổi mới gây gián đoạn thường đến từ những công ty mới theo đuổi các mô hình kinh doanh mà các công ty hiện tại cho là không hấp dẫn, thường là vì chúng chỉ thu hút một phân khúc thấp của thị trường. Vì các công ty hiện tại thường cam kết với các mô hình kinh doanh của chính mình, họ bỏ lỡ “làn sóng công nghệ vĩ đại tiếp theo.”

Sự phát triển thứ hai chính là sự trỗi dậy của Thung lũng Silicon, nơi các doanh nhân công nghệ đã biến tấu sự gián đoạn (disruption) thành một chiến lược rõ ràng ngay từ vạch xuất phát. Google đặt mục tiêu thay đổi cách tìm kiếm thông tin trên internet, và Amazon nhắm đến việc đổi mới ngành bán sách, sau đó mở rộng sang hầu hết các lĩnh vực bán lẻ khác. Sau đó, Facebook xuất hiện với khẩu hiệu “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ.” Mạng xã hội này đã biến đổi quan hệ xã hội và cách mà chúng ta giao tiếp một cách đột ngột, thể hiện cả sự phá hủy sáng tạo lẫn sự gián đoạn cùng một lúc.

Sự hấp dẫn đầy thông thái của những lý thuyết này nằm ở chổ nó chuyển hóa sự phá hủy và sự gián đoạn, vốn là những tổn phí rõ ràng, trở thành những lợi ích hiển nhiên. Tuy nhiên, trong khi Schumpeter cho rằng quá trình hủy diệt là đau đớn và có thể nguy hiểm, thì những người đổi mới gây gián đoạn ngày nay chỉ thấy toàn thắng. Do đó, nhà đầu tư mạo hiểm và nhà công nghệ Marc Andreessen đã viết: “Sự tăng trưởng năng suất, được thúc đẩy bởi công nghệ, đó cũng là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lương, và tạo ra các ngành công nghiệp và công việc mới, trong khi con người và vốn liên tục được tự do để làm những việc quan trọng, có giá trị hơn so với trước đây.”

Giờ đây, khi những hy vọng về trí tuệ nhân tạo đã vượt xa cả những gì Facebook từng có trong những ngày đầu tiên, chúng ta nên xem xét lại những ý tưởng này. Rõ ràng, đổi mới đôi khi mang tính gián đoạn về bản chất, và quá trình sáng tạo có tiềm năng phá hủy như Schumpeter đã đề cập. Lịch sử cho thấy rằng việc cản trở liên tục đối với sự phá huỷ sáng taọ sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự phá hủy nên được tán dương. Thay vào đó, chúng ta nên xem nó như là một tổn phí mà đôi khi có thể được giảm thiểu, không chỉ bằng cách xây dựng các tổ chức tốt hơn để hỗ trợ những người bị thiệt thòi, mà còn bằng cách quản lý quá trình thay đổi công nghệ.

Hãy xem toàn cầu hóa. Trong khi nó tạo ra những lợi ích kinh tế quan trọng, nó cũng phá hủy các công ty, việc làm và sinh kế. Nếu bản năng của chúng ta là tôn vinh những tổn phí đó, có thể chúng ta sẽ không nghĩ đến việc tìm cách giảm thiểu chúng. Tuy nhiên, còn nhiều điều hơn nữa mà chúng ta có thể làm để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng xấu (có thể đầu tư để mở rộng sang các lĩnh vực mới), giúp đỡ những công nhân mất việc (thông qua đào tạo lại và một mạng lưới an sinh xã hội), và hỗ trợ các cộng đồng bị tàn phá.

Việc không nhận ra những sắc thái này đã mở ra cánh cửa cho sự phá hủy sáng tạo và gián đoạn quá mức mà Silicon Valley đã áp đặt lên chúng ta trong vài thập kỷ qua. Nhìn về phía trước, có ba nguyên tắc nên là những hướng dẫn về cách tiếp cận của chúng ta, đặc biệt là khi nói đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Đầu tiên, giống như với toàn cầu hóa, việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng xấu là cực kỳ quan trọng và không nên coi là điều thứ yếu. Thứ hai, chúng ta không nên giả định rằng sự gián đoạn là không thể tránh khỏi. Như tôi đã lập luận trước đây, AI không nhất thiết phải dẫn đến sự tàn phá việc làm hàng loạt. Nếu những người thiết kế và triển khai nó chỉ tập trung vào tự động hóa (như nhiều ông lớn Silicon Valley mong muốn), công nghệ này sẽ chỉ tạo ra thêm khổ sở cho người lao động. Nhưng nó có thể đi theo những con đường thay thế hấp dẫn hơn. Cuối cùng, AI có tiềm năng to lớn để nâng cao năng suất của người lao động, chẳng hạn như bằng cách cung cấp thông tin tốt hơn và trang bị cho họ khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn.

Việc tôn sùng sự phá hủy sáng tạo không nên che mờ tầm nhìn của chúng ta về những kịch bản đầy hứa hẹn hơn, hoặc về con đường méo mó mà chúng ta đang đi. Nếu thị trường không định hướng năng lượng đổi mới theo hướng có lợi cho xã hội, thì chính sách công và các quá trình dân chủ có thể làm nhiều điều để định hướng lại nó. Cũng như nhiều quốc gia đã cung cấp các gói trợ cấp để khuyến khích đổi mới trong năng lượng tái tạo, chúng ta còn có thể làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu những tác hại từ AI và các công nghệ số khác.

Thứ ba, chúng ta phải nhớ rằng các quan hệ xã hội và kinh tế hiện có rất phức tạp. Khi chúng bị gián đoạn, rất nhiều hậu quả không lường trước có thể xảy ra. Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác không có ý định làm độc hại diễn đàn công cộng của chúng ta bằng chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai lệch và sự nghiện ngập. Nhưng trong sự vội vã để làm gián đoạn cách chúng ta giao tiếp, họ đã theo nguyên tắc của riêng mình là di chuyển nhanh và sau đó tìm cách xin lỗi.

Chúng ta cần khẩn trương chú ý hơn đến cách mà làn sóng đổi mới gây gián đoạn tiếp theo có thể ảnh hưởng đến các thể chế xã hội, dân chủ và công dân của chúng ta. Để tận dụng tối đa sự phá hủy sáng tạo, cần có sự cân bằng hợp lý giữa các chính sách công ủng hộ đổi mới và sự tham gia dân chủ. Nếu chúng ta để các doanh nhân công nghệ tự bảo vệ các thể chế của mình, chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với nhiều sự phá hủy hơn mức mà chúng ta đã dự tính.

Nguồn: Daron Acemoglu, “Are We Ready For AI Creative Destruction”, Project Syndicate, 09/04/2024

Biên dịch: Phong trào Duy Tân


Đăng ngày

trong

, ,

Thẻ: