Tác giả: Nguyễn Huy Vũ.
Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 29 trong đó đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 và kéo dài đến năm 2045.
Theo Nghị quyết số 29, mục tiêu tổng quát của Việt Nam đến năm 2030, tức còn 5 năm nữa, đó là: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đời sống của nhân dân được nâng cao. Và tầm nhìn đến năm 2045 đó là Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Đây không phải là lần đầu tiên đảng Cộng sản đưa ra tầm nhìn chiến lược.
Hai mươi năm trước, năm 2006, cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt đảng Cộng sản đưa ra tầm nhìn chiến lược trong Đại hội X mà theo đó Việt Nam sẽ ra khỏi tình trạng kém phát triển, để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Mục tiêu này ngày nay đảng Cộng sản đã thừa nhận thất bại, như đã được công khai trong Nghị quyết 29: “mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.”
Dù đặt ra một mục tiêu mới nhưng những dữ liệu kinh tế trong những năm vừa qua không cho thấy Việt Nam đã thiết lập được những nền tảng vĩ mô ổn định để đưa Việt Nam trở thành một nước kinh tế phát triển trong tương lai gần.
Trong 4 năm từ 2021-2024, tăng trưởng kinh tế không ổn định với biến động tương đối lớn. Nếu năm 2025 tăng trưởng GDP là 7% thì tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,93%; nếu đạt 8% thì tăng trưởng GDP bình quân 5 năm tăng hơn 6,2%; thấp hơn so với mục tiêu 7-7,5%.
Việc được công nhận là một nền kinh tế phát triển và thuộc nhóm thu nhập cao được Ngân hàng Thế giới phân loại dựa vào các tiêu chuẩn khác nhau và nó thay đổi theo thời gian.
Năm 2013, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng chỉ có 13 trong số 101 nền kinh tế có thu nhập trung bình đã chuyển đổi thành công thành những nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao trong khoảng thời gian từ 1960 đến 2008. Những nước ở châu Á trong nhóm này có Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan.
Tuy vậy, vào tháng 8 năm 2024, Báo cáo Phát triển Thế giới thường niên của Ngân hàng Thế giới đã khuấy động dư luận khi cho rằng đã có 34 nền kinh tế thoát khỏi tình trạng là những nước có thu nhập trung bình để vươn lên trở thành những nước có thu nhập cao trong giai đoạn từ 1990 đến 2022.
Trong nhóm quốc gia mở rộng này có các quốc gia vùng Vịnh như Ả Rập Xê-út và Oman, ba quốc gia vùng Baltic, các quốc gia Trung và Đông Âu như Ba Lan và Romania, và các quốc gia Mỹ La Tinh như Chile và Uruguay.
Tại sao lại có sự thay đổi lớn như vậy? Lý do là Ngân hàng Thế giới đã hạ thấp ngưỡng để đánh giá một quốc gia có phải là quốc gia có thu nhập cao hay không. Vì vậy mà nhiều nước hơn đã có dịp được ghi tên mình trở thành một quốc gia phát triển và có thu nhập cao.
Thật vậy, vào năm 2012, ngưỡng để được coi là một nước có thu nhập cao khi nước đó có thu nhập bình quân đầu người vượt quá 24% mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI per capita) của Hoa Kỳ. Ngưỡng của năm 2012 này thấp hơn ngưỡng mà Ngân hàng Thế giới đặt ra vào năm 1990 là 30% GNI của Hoa Kỳ. Và ngưỡng của năm 2024 chỉ còn là 20% GNI của Hoa Kỳ, tức là 13.845 USD.
Năm 2023, mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI per capita) của Việt Nam là 4.110 USD, chưa bằng một phần ba của tiêu chuẩn một nước thu nhập cao hiện nay là 13.845 USD.
Giả sử mức tăng trưởng trung bình của thu nhập quốc dân trên đầu người của Hoa Kỳ là 2% một năm như trong lịch sử. Năm 2023, GNI per capita của Hoa Kỳ là 80.300 USD. Vào năm 2045, tức 22 năm sau, GNI per capita của Hoa Kỳ sẽ là 124.142 USD.
Nếu như Ngân hàng Thế giới tiếp tục duy trì ngưỡng 20% GNI per capita của Hoa Kỳ để một nước được gọi là có thu nhập cao như trong năm 2024, mức này tương đương với 24.828 USD, hay xấp xỉ 25 ngàn USD.
Như vậy, trừ khi Ngân hàng Thế giới hạ thấp ngưỡng để được coi là một nước có thu nhập cao, Việt Nam cần phải nâng thu nhập bình quân đầu người của mình lên xấp xỉ 6 lần trong vòng 20 năm để có thể gia nhập vào nhóm thiểu số nước được xem là có thu nhập cao. Để có thể đạt được một mục tiêu như vậy, Việt Nam cần nâng mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của mình lên xấp xỉ 10% mỗi năm trong suốt 20 năm tới.
Đây quả thực là một thách thức to lớn mà những mức tăng trưởng trong những năm vừa qua không cho thấy Việt Nam có đủ đòn bẩy để đạt tới. Trong suốt giai đoạn từ năm 1990 cho đến nay, mức tăng trưởng GNI per capita của Việt Nam chỉ dao động từ 3% đến 6%, hay xấp xỉ trung bình 5% mỗi năm, tức mức tăng trưởng hiện nay chỉ bằng một nửa yêu cầu tối thiểu để trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045.
Vì vậy mà có thể kết luận rằng trừ khi có những đột biến trong cải cách thể chế để có thể đưa Việt Nam sang một lộ trình tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ không thể đạt được ngưỡng để được coi là nước có thu nhập cao vào năm 2045 và vì vậy chắc chắn rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Nguồn: Nguyễn Huy Vũ, “Việt Nam và thách thức trở thành nước thu nhập cao trong 20 năm,” RFA Tiếng Việt, 14/2/2025.