Chính sách Công nghiệp của Trump: Nhiều sự tiếp nối hơn là gián đoạn

Tác giả: Elisabeth Reynolds

Mặc dù những tuần đầu tiên của Donald Trump khi trở lại Nhà Trắng có tác động gây gián đoạn, nhưng tổng thống này không đi quá xa so với chiến lược công nghiệp của người tiền nhiệm. Thử thách đối với Trump sẽ là xây dựng và thực hiện một sự kết hợp phù hợp giữa các biện pháp khuyến khích (trợ cấp) và các biện pháp cưỡng chế (thuế quan) để tạo ra một ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

BOSTON – Mặc dù có nhiều ồn ào xung quanh hàng loạt tuyên bố và sắc lệnh hành pháp của Donald Trump kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng, nhưng khi xét đến chiến lược công nghiệp của người tiền nhiệm Joe Biden, đã có một sự tiếp nối rõ rệt hơn là một sự đứt đoạn. Thực tế, hiện nay đã có một sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu tái thiết năng lực công nghiệp của Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế – một quá trình đã được bắt đầu trong các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, quốc phòng và năng lượng.

Đầu tư từ khu vực tư nhân, có lẽ là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của các chính sách này, đã đạt được con số đáng kể: khoảng 450 tỷ USD vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn 95 tỷ USD vào sản xuất năng lượng sạch kể từ khi chính quyền Biden thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học cùng Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) vào tháng 8 năm 2022. Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã huy động được từ 5-7 đô la vốn tư nhân cho mỗi đô la chi tiêu thông qua các đạo luật này. Dù là biện pháp khuyến khích (trợ cấp) hay biện pháp cưỡng chế (thuế quan) được áp dụng để hỗ trợ những khoản đầu tư này, chúng đều đang tạo đà phát triển mạnh mẽ.

Những tuyên bố ban đầu của Trump về việc tái thiết ngành sản xuất của Mỹ chỉ ra rằng ông sẽ sử dụng cả hai công cụ này để thúc đẩy đầu tư. Rõ ràng, trợ cấp là chiến lược nhắm mục tiêu hiệu quả hơn thuế quan, chí ít là vì thuế nhập khẩu rộng rãi có thể làm giảm đà phát triển bằng cách tăng chi phí, đặc biệt đối với hàng hóa trung gian. Mức độ mà Trump sẽ dựa vào thuế quan vẫn còn phải chờ đợi. Điều rõ ràng là chính sách công nghiệp sẽ là một phần trong chương trình kinh tế của ông, giống như đối với Biden.

Về vấn đề năng lượng – lĩnh vực mà hai chính quyền có sự khác biệt lớn nhất – vẫn còn quá sớm để đánh giá cách thức các chính sách của Trump sẽ diễn ra, ngoại trừ việc sản xuất dầu mỏ và khí đốt sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Có những thách thức pháp lý trong việc thu hồi trợ cấp (84% các khoản trợ cấp theo IRA đã được cam kết theo hợp đồng trước khi Trump nhậm chức), và các tín dụng thuế năng lượng sạch đã chứng tỏ được sự ủng hộ mạnh mẽ, đặc biệt là tại các bang Cộng hòa và các bang chiến trường. Chính quyền Trump ưu tiên một số nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, hạt nhân, địa nhiệt) so với những nguồn khác (năng lượng mặt trời, gió). Tuy nhiên, với năng lực lưới điện của Mỹ còn hạn chế và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, yếu tố kinh tế của năng-lượng-sạch-có-giá-cả-cạnh-tranh và sở-thích-của-người-tiêu-dùng sẽ là những yếu tố quyết định cơ cấu năng lượng của quốc gia.

Tham vọng của Trump đối với trí tuệ nhân tạo (như được thể hiện qua sự ủng hộ của ông đối với Stargate, một dự án cơ sở hạ tầng AI được tài trợ bởi tư nhân) sẽ yêu cầu phát triển các nguồn năng lượng – bao gồm cả năng lượng tái tạo – để đáp ứng nhu cầu của các trung tâm dữ liệu và ngành sản xuất. Các công ty công nghệ đã nhận thức được điều này. Ví dụ như việc Microsoft mua lại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island vào năm ngoái, và thực tế là vào năm 2023, năng lượng gió đã chiếm gần 30% sản lượng năng lượng ở Texas, nơi các trung tâm dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ.

Thiếu hụt năng lực đóng tàu của Mỹ là một mối quan ngại ngày càng gia tăng. Ngành đóng tàu thương mại gần như không tồn tại ở Mỹ, và quốc gia này có một lịch sử kém cỏi trong việc đáp ứng ngân sách và thời gian cho sản xuất tàu chiến. Việc tái thiết lại những năng lực này sẽ đòi hỏi một chiến lược đa diện, bao gồm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác với các công ty nước ngoài – như đang diễn ra trong ngành vi mạch bán dẫn – để tạo ra một ngành công nghiệp nội địa có tính cạnh tranh. Thuế quan đối với tàu Trung Quốc (vốn đã thống trị ngành này trong những năm gần đây) sẽ không đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, chính quyền Trump không nên dừng lại ở đó. Để trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong các ngành công nghiệp tiên phong như sản xuất sinh học và điện toán lượng tử, Mỹ cần có kỹ năng kỹ thuật và khoa học, cũng như các sự đầu tư công và tư vào lĩnh vực sản xuất. Ở lĩnh vực này, Mỹ cũng đang cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Mất một phần tư thế kỷ để xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu mà ngành sản xuất của Mỹ phụ thuộc vào; chúng không thể và cũng không nên bị tháo dỡ hay xây dựng lại chỉ trong một đêm. Chiến lược tái công nghiệp hóa của Mỹ thay vào đó phải tập trung vào việc sản xuất theo cách khác bằng cách cải thiện năng suất, tính bền vững và khả năng phục hồi. Điều này có nghĩa là phải tích hợp sự dư thừa và các chuỗi cung ứng khu vực, đồng thời hợp tác với các đồng minh và đối tác để điều chỉnh mục tiêu và chính sách. Nó cũng có nghĩa là tập trung vào sản xuất các sản phẩm tận dụng khả năng đổi mới to lớn của Mỹ. Một làn sóng mới các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và các đối tác trong hệ sinh thái ở Mỹ đang làm nổi bật điểm mạnh này. Và giờ đây, những công ty khởi nghiệp này có thể mở rộng quy mô ngay tại quê nhà nhờ vào số hóa, tự động hóa và sự tập trung mới của vốn mạo hiểm và các nguồn vốn tư nhân khác vào công nghiệp.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, điều đầu tiên là phải đầu tư vào các khả năng số – một yếu tố cốt lõi trong bất kỳ chiến lược công nghiệp thành công nào. Chưa đến một nửa số công ty sản xuất của Mỹ sử dụng phần mềm chuyên dụng hoặc điện toán đám mây, và quốc gia này còn tụt lại rất xa so với các nước khác trong việc áp dụng robot. Việc tận dụng tốt hơn dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống sản xuất mới bao gồm robot và in 3D sẽ cải thiện năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả. Kết nối số cũng giúp tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng và giảm tiêu thụ năng lượng, lãng phí và phát thải bằng cách theo dõi và truy xuất các đầu vào và đầu ra.

Việc phục hồi lực lượng lao động trong ngành sản xuất cũng sẽ là yếu tố then chốt. Mỹ có thể đối mặt với thiếu hụt gần hai triệu công nhân sản xuất vào năm 2033. Cách tốt nhất để tránh tình trạng thiếu hụt này là nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại, điều này sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn và thu hút thế hệ mới gia nhập ngành. Điều này có thể đạt được cùng với quá trình số hóa, vì các công ty áp dụng công nghệ mới và tiên tiến cũng sẽ đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng.

Tất nhiên, công việc trong ngành sản xuất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số việc làm ở Mỹ (dưới 10%, mặc dù có hiệu ứng bội số lớn), và số lượng công việc mới sẽ được tạo ra với tốc độ chậm hơn, một phần là do trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Tuy nhiên, những công việc này gắn liền với các công nghệ và ngành công nghiệp là nền tảng cho sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia. Hơn nữa, những công việc này có thể mang lại chất lượng cao về lương bổng và phúc lợi, điều này quan trọng hơn đối với Mỹ so với việc gia tăng số lượng công việc.

Xây dựng lại nền tảng công nghiệp của Mỹ đã trở thành một trụ cột chính trong chính sách kinh tế của Mỹ. Thách thức đối với Trump, giống như đối với Biden, là làm thế nào để thiết kế và thực hiện một chiến lược công nghiệp thế kỷ XXI, thu hút đầu tư tư nhân, ưu tiên biện pháp khuyến khích hơn biện pháp cưỡng chế, và cuối cùng, tạo ra một ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Đây là một chương trình mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều nên ủng hộ.

Elisabeth Reynolds, Giáo sư thực hành tại MIT, là cựu Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về Sản xuất và Phát triển Kinh tế tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (2021-2022).

Nguồn: Elisabeth Reynolds, “Trump’s Industrial Policy Is More Continuity Than Disruption,” Foreign Affair, 31/1/2025.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.