Giới Thiệu Chung.
Tác giả: Alexander Hamilton.
Sau khi đã có trải nghiệm rõ ràng về sự bất hiệu quả của chính phủ liên bang hiện tại, giờ đây các bạn được kêu gọi xem xét một Hiến pháp mới cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tầm quan trọng của nhiệm vụ này là không thể phủ nhận. Chính sự tồn tại của Liên minh, an ninh và phúc lợi của các thành viên trong đó, cũng như số phận của đế chế Mỹ đang phát triển, đều phụ thuộc vào quyết định này. Người ta thường nói rằng hành động và tấm gương của nhân dân Mỹ có thể trả lời một câu hỏi quan trọng đối với nhân loại: Liệu các xã hội có thể tự thiết lập một chính phủ tốt dựa trên suy nghĩ và sự lựa chọn của chính họ, hay liệu họ sẽ mãi mãi bị số phận đưa đẩy vào những chính phủ được áp đặt thông qua sự tình cờ và bạo lực? Nếu có chút sự thật nào trong quan điểm này, thì đây chính là thời điểm để chúng ta đưa ra câu trả lời. Nếu chúng ta thất bại trong việc lựa chọn đúng đắn, sự thất bại này có thể sẽ được coi là một thảm họa chung cho nhân loại.
Điều này vừa bổ sung động lực nhân ái vào tinh thần yêu nước, vừa thúc đẩy những công dân có trách nhiệm và phẩm hạnh quan tâm sâu sắc đến việc xem xét Hiến pháp mới. Dù tôi hy vọng rằng quyết định của chúng ta sẽ được dẫn dắt bởi một sự đánh giá công bằng về lợi ích thực sự của chúng ta, nhưng điều này chỉ là một ước nguyện chứ không phải kỳ vọng. Hiến pháp được đề xuất tác động đến quá nhiều lợi ích riêng tư và thay đổi quá nhiều thể chế địa phương. Do đó, các cuộc thảo luận về Hiến pháp này sẽ không thể tránh khỏi việc nhắc đến những vấn đề không liên quan đến giá trị cốt lõi của nó, và sẽ phản ánh nhiều quan điểm, cảm xúc, và định kiến chống lại việc tìm kiếm sự thật.
Một trong những trở ngại lớn nhất mà Hiến pháp mới sẽ gặp phải là lợi ích rõ ràng của nhiều chính trị gia và quan chức cấp bang trong việc ngăn cản bất kỳ sự thay đổi nào có thể làm giảm quyền lực của họ. Thêm vào đó, còn có tham vọng sai lầm của những người sẽ lợi dụng tình hình bất ổn chính trị chung để trục lợi cá nhân, hoặc khuyến khích sự hình thành các liên minh nhỏ giữa các bang với hy vọng có thể giành được quyền lực chính trị lớn hơn so với việc ở trong một Liên minh rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, tôi không có ý định đi sâu vào động cơ ích kỷ của những người phản đối Hiến pháp. Sẽ là sai lầm nếu coi bất kỳ sự phản đối nào cũng chỉ là kết quả của lợi ích cá nhân hay tham vọng hẹp hòi. Ngay cả những người phản đối Hiến pháp mới cũng có thể có động cơ chính đáng và chỉ đơn giản là mắc phải những lý lẽ sai lầm. Phán đoán của chúng ta thường bị thiên lệch bởi nhiều nguyên nhân đến mức chúng ta thường thấy những người khôn ngoan và tốt bụng đứng về phía sai trong những vấn đề quan trọng của xã hội. Điều này nên dạy cho tất cả chúng ta cách cư xử lịch sự trong những bất đồng với nhau, dù chúng ta có tin chắc rằng mình là người đúng.
Một lý do khác để thận trọng trong các bất đồng của chúng ta là vì chúng ta không phải lúc nào cũng chắc chắn rằng những người tranh luận vì sự thật lại thuần khiết hơn trong động cơ của họ so với đối thủ. Tham vọng, lòng tham, thù hằn cá nhân, chính trị đảng phái và nhiều động cơ đáng trách khác hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến những người đứng về phía đúng trong một vấn đề, cũng như những người đứng về phía sai. Thậm chí, ngay cả khi những lý do về sự lịch thiệp và thận trọng không tồn tại, tinh thần không khoan dung mà các đảng phái chính trị luôn mang lại vẫn sẽ là cực kỳ thiếu thận trọng. Bởi vì trong chính trị, cũng như trong tôn giáo, thật vô lý khi cố gắng thay đổi niềm tin của người khác bằng bạo lực và ép buộc. Những dị giáo trong cả hai lĩnh vực này hiếm khi được chữa trị bằng sự bức hại.
Tuy nhiên, mặc dù những lý do trên rất thuyết phục, chúng ta vẫn có đủ bằng chứng để thấy rằng cuộc thảo luận lớn về Hiến pháp này sẽ không khác gì các cuộc thảo luận quốc gia khác. Một cơn lũ đam mê giận dữ và ác ý sẽ bùng nổ. Cả hai bên sẽ cố gắng chiến thắng và thuyết phục những người khác theo quan điểm của mình bằng cách lên án và mỉa mai bên kia. Những mối quan tâm chính đáng về năng lực và hiệu quả của chính phủ sẽ bị xuyên tạc là yêu thích quyền lực độc tài và chống lại nguyên lý tự do.
Một mối lo lắng thái quá về những nguy cơ có thể xảy ra đối với quyền của người dân, thường thể hiện rằng trái tim của người lo lắng là đúng chỗ dù sự lo lắng đó có thể sai, và nó sẽ bị xuyên tạc như một chiêu trò để thu hút sự chú ý.
Một mặt, người ta sẽ quên rằng một tình yêu cao cả đối với tự do thường đi kèm với sự nghi ngờ, không tin tưởng vào quyền lực. Mặt khác, người ta cũng sẽ quên rằng quyền lực của chính phủ là yếu tố thiết yếu để bảo vệ tự do. Ngoài ra, người ta cũng sẽ quên rằng những mối nguy hiểm đối với tự do thường ẩn giấu sau lớp mặt nạ của sự nhiệt thành bảo vệ quyền lợi của nhân dân, chứ không phải dưới sự ủng hộ công khai đối với năng lực và hiệu quả của chính phủ. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng con đường đầu tiên thường dẫn đến sự hình thành của chế độ bạo quyền và áp bức so với con đường sau, và rằng phần lớn các bạo chúa thường bắt đầu bằng cách chiều lòng nhân dân.
Tôi đã nói tất cả những điều này nhằm cảnh giác các bạn, những công dân thân mến, trước những người có thể cố gắng tác động đến quyết định của các bạn về vấn đề quan trọng này bằng bất kỳ cách nào ngoài việc trình bày khách quan các bằng chứng. Đồng thời, các bạn cũng có thể nhận thấy rằng bản thân tôi nghiêng về việc ủng hộ Hiến pháp mới. Đúng, các công dân thân mến, tôi thú nhận với các bạn rằng, sau khi xem xét vấn đề một cách cẩn trọng, tôi rõ ràng tin rằng việc thông qua Hiến pháp mới là vì lợi ích của các bạn. Tôi tin rằng đây là con đường an toàn nhất cho tự do, phẩm giá và hạnh phúc của các bạn. Tôi sẽ không giả vờ là chưa quyết định. Tôi công khai thừa nhận quan điểm của mình, và tôi sẽ giải thích các lý do cho niềm tin này một cách tự do và rõ ràng với các bạn. Vì ý định của tôi là chân thành, tôi không muốn để lại bất kỳ sự mơ hồ nào. Những lý lẽ của tôi sẽ được đưa ra một cách minh bạch, và sẽ được đánh giá bởi tất cả mọi người. Ít nhất, chúng sẽ được đưa ra trong tinh thần tìm kiếm sự thật.
Tôi đề xuất, trong một loạt các bài viết, sẽ chú trọng thảo luận những điểm sau đây:
(1) Lợi ích của Liên minh đối với sự thịnh vượng chính trị của các bạn.
(2) Sự bất cập của chính phủ hiện tại với những Điều khoản Liên minh hiện có trong việc bảo vệ Liên minh đó.
(3) Sự cần thiết của một chính phủ ít nhất cũng phải hiệu quả như chính phủ trong Hiến pháp đề xuất để duy trì Liên minh một cách hiệu quả.
(4) Sự phù hợp của Hiến pháp được đề xuất với các nguyên lý thực sự của chính phủ cộng hòa.
(5) Những điểm tương đồng giữa Hiến pháp được đề xuất và Hiến pháp của bang các bạn.
(6) Và cuối cùng, sự bảo vệ bổ sung mà việc thông qua Hiến pháp mới sẽ mang lại cho việc bảo vệ chính quyền bang, tự do và tài sản.
Tôi cũng sẽ cố gắng trả lời những phản đối quan trọng có thể xuất hiện trong quá trình tôi viết các bài này.
Một số người có thể cho rằng không cần phải chỉ ra các lợi ích của Liên minh, vì kinh nghiệm gần đây đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế là, những người phản đối Hiến pháp mới đang lan truyền ý tưởng rằng một liên minh gồm tất cả mười ba bang sẽ là quá lớn, và một số liên minh nhỏ hơn, với ít bang hơn, sẽ là lựa chọn tốt hơn. Điều này cho thấy sự lựa chọn thực sự của chúng ta: thông qua Hiến pháp mới hoặc giải thể Liên minh. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta bắt đầu bằng việc phân tích những lợi ích của Liên minh, cũng như những điều ác chắc chắn và những mối nguy hiểm có thể xảy ra đối với các bang nếu Liên minh tan rã. Đây sẽ là chủ đề của bài viết tiếp theo của tôi.
–
Đăng trên báo The Independent Journal.
Bản dịch của Nguyễn Huy Vũ.