Kinh tế học vỡ lòng. Phần 8: Chủ nghĩa Tiến bộ là gì?

Kinh tế học là một ngành khoa học được gọi là “khoa học không giá trị” (value-free science), có nghĩa là nó trả lời các câu hỏi mà không xét đến yếu tố chính trị hay ý thức hệ. Một nhà kinh tế giỏi có thể giải thích lợi ích của thị trường tự do hoặc hậu quả của chủ nghĩa xã hội, không phải vì bất kỳ thành kiến chính trị nào, mà vì cách con người phản ứng với một thế giới có nguồn lực khan hiếm.

Tuy nhiên, thường thì khi chúng ta thảo luận về kinh tế học, chúng ta làm điều đó trong bối cảnh chính trị—chẳng hạn như trong các kỳ bầu cử, hoặc khi xem xét một đợt tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương như thế nào.

Có những người tự gọi mình là “những người tiến bộ” (progressives) — ngụ ý rằng quan điểm chính trị và kinh tế của họ là “hiện đại” hoặc “hướng về tương lai.” Trong suốt lịch sử nước Mỹ, “những người tiến bộ” đã tuyên bố thúc đẩy một hệ thống kinh tế được gọi là “con đường thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Họ ủng hộ một nền kinh tế “được điều tiết bởi các chuyên gia,” thay vì bởi các chính trị gia hoặc thị trường tự do.

Tuy nhiên, không có gì là “tiến bộ” trong hệ thống này.

Hệ thống chính phủ này có cùng vấn đề như “chủ nghĩa thân hữu” (cronyism), một niềm tin sai lầm rằng chính phủ có thể làm tốt hơn hệ thống thị trường.

Thị trường hoạt động bằng cách phối hợp cung và cầu của các nguồn lực và sản phẩm trên toàn thế giới. Nhờ có giá cả, các doanh nhân, nhà kinh doanh và người tiêu dùng có thể tính toán cách tốt nhất để đạt được mục tiêu của mình.

Những người tiến bộ không tin tưởng rằng cá nhân có thể tự mình đưa ra những quyết định này. Thay vào đó, họ muốn thị trường và giá cả được điều chỉnh bởi những người được cho là “chuyên gia”, những người có ảnh hưởng đến từ các trường đại học hoặc chính trị, chứ không phải từ những nhà sản xuất tạo ra hàng hóa hoặc dịch vụ mà mọi người muốn và có thể sử dụng.

Một sai lầm cơ bản mà những người tiến bộ mắc phải là họ tin rằng việc có đủ kiến thức chuyên môn có thể giúp các cá nhân có hiểu biết tốt hơn so với thị trường. Bằng cách này, họ biện minh cho việc tăng quyền lực chính trị và lập pháp để kiểm soát nhiều hơn đối với xã hội. Điều này rất nguy hiểm.

Về mặt kinh tế, bất kể sự can thiệp này của chính phủ là sản phẩm của tham nhũng chính trị đơn thuần hay được bán dưới cái mác “sự điều tiết bởi các chuyên gia” đều không quan trọng. Kết quả vẫn giống nhau — hệ thống thị trường bị thao túng bởi quyền lực cưỡng chế của chính phủ vì mục đích chính trị, chứ không phải vì lợi ích của người tiêu dùng thực sự. Điều này không cung cấp “con đường thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, mà phá hoại chủ nghĩa tư bản để biện minh cho việc tăng thêm quyền lực nhà nước. Giống như chủ nghĩa thân hữu, những người hưởng lợi từ con đường thứ ba này không phải là các doanh nhân và nhà sản xuất có những đóng góp hữu ích, mà là các “chuyên gia” chính trị, những người không sản xuất, nhưng lại chiếm quyền kiểm soát.

Sự can thiệp của chính phủ theo con đường thứ ba mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn thông qua các ưu đãi về thuế, luật về sản phẩm, việc thực thi sự tiêu chuẩn hóa đối với các ngành công nghiệp, vận động hành lang, v.v., khiến các công ty nhỏ khó cạnh tranh hơn nhiều. Do đó, các công ty quốc gia và đa quốc gia lớn giành chiến thắng cả trên thị trường lẫn trong các hành lang lập pháp nhờ những lợi thế không công bằng mà chính phủ dành cho họ.

“Tầng lớp chuyên gia” của những người tiến bộ tạo ra các vấn đề mới thông qua sự trỗi dậy của một tầng lớp quản lý quan liêu có thể áp đặt ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế mà không phải chịu trách nhiệm trước thị trường hoặc hòm phiếu. Ở nước Mỹ ngày nay, sau một thế kỷ thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ tiến bộ, chúng ta hiện có một vòng luân chuyển giữa các cơ quan quản lý và các công ty quyền lực — bất kể kết quả của một cuộc bầu cử là gì.

Khi không có bất kỳ cơ chế chịu trách nhiệm nào, hậu quả là những thảm họa chính sách lớn đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính, chi phí chăm sóc sức khỏe và các khoản vay sinh viên tăng vọt, hoặc các đợt phong tỏa kinh tế nhân danh “sức khỏe cộng đồng.”

Đây không phải là sản phẩm của một thị trường tự do, mà là hậu quả trực tiếp của nhiều năm chính sách can thiệp thất bại.

Không có “con đường thứ ba” nào trong kinh tế học, hoặc là người tiêu dùng được phép định hướng nền kinh tế của họ — hoặc là chính phủ nắm quyền.

Kinh tế học không phải là một ngành khoa học trao quyền cho một số chuyên gia để quản lý xã hội tốt hơn. Thay vào đó, nó dạy chúng ta về những giới hạn của những gì chính phủ có thể làm để mang lại sự thịnh vượng cho thế giới.

Chủ nghĩa tiến bộ không phải là câu trả lời. Càng học cách “suy nghĩ như một nhà kinh tế,” chúng ta càng hiểu giá trị của một xã hội thực sự tự do.

Câu hỏi:

  1. Bạn có tin rằng kinh tế học có thể giải thích lý do tại sao hầu hết các lời hứa trong chính trị không bao giờ thành hiện thực không?
  2. Bạn có nghĩ rằng chính phủ sẽ hoạt động tốt hơn nếu nhiều chính trị gia hiểu biết về kinh tế học không?
  3. Bạn nghĩ kiểu chính phủ nào có khả năng phát triển hơn: một chính phủ bị thúc đẩy bởi lòng tham — như chủ nghĩa thân hữu, hay một chính phủ được thúc đẩy bởi công bằng xã hội — như chủ nghĩa tiến bộ?

Đọc thêm:

Xem video:

Nguồn: Economics for Beginners, Mises.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong

Thẻ: