Tác giả: Daniel Lacalle.
Kinh tế Đức từng là một cường quốc công nghiệp toàn cầu, nổi bật với khả năng phục hồi mạnh mẽ trong các thời kỳ khủng hoảng và đạt được mức tăng trưởng sản xuất ấn tượng trong các giai đoạn mở rộng.
Nền kinh tế Đức đã duy trì hoạt động công nghiệp mạnh mẽ, năng suất cao và tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp, qua đó góp phần tạo ra mức lương thực tế cao. Tuy nhiên, trong năm năm qua, nền kinh tế đã rơi vào trạng thái trì trệ, và GDP hiện nay thấp hơn 5% so với mức tăng trưởng mà xu hướng trước đại dịch đã dự báo, theo Bloomberg Economics. Điều đáng lo ngại hơn là họ ước tính có tới bốn điểm phần trăm trong số đó có thể là tổn thất lâu dài.
Mặc dù nhiều phân tích cho rằng nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Đức yếu đi là do chi phí năng lượng cao và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc tác động đến xuất khẩu, nhưng thực tế vấn đề lại phức tạp hơn rất nhiều.
Sự trì trệ của nền kinh tế Đức là do chính nước này tự gây ra.
Đức đã mắc phải sai lầm lớn đầu tiên vào năm 2012, khi các nhà lãnh đạo của nước này chấp nhận chẩn đoán từ cánh tả về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, trong đó đổ lỗi tất cả các vấn đề vào chính sách thắt lưng buộc bụng vốn không hề tồn tại. Đức đã lựa chọn chính sách lạm phát, và vào năm 2014, đã đồng ý với các chính sách tiền tệ và can thiệp mà từ trước đến nay luôn dẫn đến sự suy thoái của châu Âu. Chính phủ Đức và Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) miễn cưỡng đồng ý với việc mở rộng mạnh mẽ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các mức lãi suất danh nghĩa âm, đồng thời để Ủy ban Châu Âu từ bỏ việc giám sát tình trạng nợ công quá mức và thông qua các gói “kích thích” nối tiếp nhau, như Kế hoạch Juncker hay thảm họa Next Generation EU. Tất cả những biện pháp này đã để lại khu vực đồng euro trong tình trạng trì trệ, với nợ công tăng cao và giờ đây là lạm phát. Người dân Đức phải gánh chịu mức lạm phát tích lũy hơn 20% trong vòng năm năm qua. Các chính trị gia đổ lỗi cho Ukraine và Putin, nhưng tất cả chúng ta đều biết đó là một lời biện minh vô lý. Sự gia tăng cung tiền và việc chi tiêu chính phủ không ngừng tăng lên đã làm suy giảm sức mua của đồng euro và thúc đẩy lạm phát. “Sự gia tăng cung tiền mạnh mẽ đã diễn ra trước đợt bùng phát lạm phát, và các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cung tiền mạnh hơn đã chứng kiến mức lạm phát cao rõ rệt” (Borio et al., 2023).
Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes cho rằng đồng euro yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Đức, nhưng đây là một huyền thoại. Những quốc gia dẫn đầu xuất khẩu gia tăng nhờ vào giá trị gia tăng cao, không phải chi phí thấp. Dù sao đi nữa, tất cả các chính sách can thiệp mà Liên minh Châu Âu áp dụng sẽ chỉ để lại một đồng tiền yếu và một nền kinh tế còn yếu hơn nữa.
Sai lầm chết người thứ hai là chính sách năng lượng của Đức. Chi phí năng lượng cao không phải là điều không thể tránh khỏi. Chúng bắt nguồn từ chính sách năng lượng sai lầm, khi các chính trị gia Đức quyết định đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân và chi hơn 200 tỷ euro để trợ cấp cho những công nghệ năng lượng không ổn định và thay vì giảm sự phụ thuộc vào than đá và lignite, lại tiếp tục duy trì chúng, trong khi chúng chiếm 25% sản lượng điện của Đức, theo AGEB 2024. Trên thực tế, 77% nhu cầu năng lượng và 40% sản lượng điện của Đức đến từ các nguồn năng lượng hóa thạch. Các chính trị gia Đức cũng đã chấp nhận chương trình nghị sự của EU, cấm phát triển khí tự nhiên trong nước nhưng lại gia tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, được sản xuất từ phương pháp khoan thuỷ lực. Thật thú vị. Hơn nữa, những khoản trợ cấp khổng lồ và chi phí điều tiết đã được cộng vào hóa đơn của người tiêu dùng, khiến hơn 60% giá điện mà người tiêu dùng phải trả đến từ chi phí điều tiết và thuế, bao gồm cả chi phí CO2, một loại thuế ngầm. Người Đức phải trả giá cao hơn cho năng lượng và vẫn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, vì chính phủ đã phá hủy khả năng tiếp cận khí tự nhiên giá rẻ từ Nga và thay thế bằng những lựa chọn đắt đỏ và không đáng tin cậy. Chỉ có một nhóm các chính trị gia mới có thể quyết định tham gia vào một cuộc chiến năng lượng và cấm các lựa chọn thay thế.
Sai lầm chết người thứ ba là việc chấp nhận những chính sách ngày càng gây hại từ Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc không khiến một quốc gia xuất khẩu hàng đầu toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ, đặc biệt khi gã khổng lồ châu Á này vẫn tăng trưởng ở mức 5% mỗi năm. Một quốc gia xuất khẩu hàng đầu toàn cầu như Đức đã hoàn toàn có lý khi tự hào về một mạng lưới sản xuất cho phép ngành công nghiệp của mình phát triển nhờ vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến và khả năng tiếp cận toàn cầu, giúp các công ty Đức bán hàng trên khắp thế giới và vượt qua mọi môi trường vĩ mô. Tuy nhiên, điều đã khiến nền công nghiệp từng hùng mạnh của Đức rơi vào tình trạng trì trệ và suy giảm, dù thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, chính là sự kết hợp giữa các quy định quá mức, các yếu tố kìm hãm đổi mới sáng tạo, thuế cao, và việc theo đuổi chương trình nghị sự 2030 thảm hại, cấm xe động cơ đốt trong. Các chính trị gia đã phá hủy tiềm năng bán hàng của toàn bộ khu vực công nghiệp với một chính sách môi trường và quy định sai lầm. Các nhà hoạt động đã lợi dụng chương trình nghị sự 2030, tưởng chừng vô hại, để áp đặt một mô hình can thiệp và không hiệu quả, hủy hoại tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn của Đức. Đạo luật phục hồi thiên nhiên (Nature Restoration Law), với các quy định khiến việc thực hiện các hoạt động trong ngành sơ cấp gần như trở nên không thể, càng làm trầm trọng thêm thiệt hại này.
Việc Liên minh Châu Âu dần dần áp đặt các quy định quá mức và các yếu tố kìm hãm đã khiến Đức mất đi một phần lớn vị thế dẫn đầu về công nghệ. Sự thống trị của Đức trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đã được xây dựng trên một hệ thống mở, cạnh tranh cao và có tính phần thưởng, nhưng nay đã bị phá hủy bởi quan liêu và các quy định. Đức là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đăng ký sáng chế, nhưng lại tụt hậu so với Mỹ, và việc chuyển đổi các sáng chế thành doanh nghiệp thực tế là vô cùng kém.
Các chính trị gia Đức nói rằng tất cả những thách thức trên sẽ trở thành những điểm mạnh trong tương lai. Tôi nghi ngờ điều đó, vì thành tích dự đoán của họ là một chuỗi thất bại ngoạn mục. Điều Đức cần làm là từ bỏ chủ nghĩa lạm phát, chủ nghĩa can thiệp, và các hoạt động mang tính cách mạng hão huyền. Nếu Đức thực hiện những thay đổi này, nền kinh tế của họ sẽ trải qua một sự tăng trưởng đáng kể.
Đức không gặp phải vấn đề về năng lực cạnh tranh hay nguồn nhân lực; vấn đề của Đức là vấn đề chính trị. Nếu từ bỏ chủ nghĩa can thiệp xã hội chủ nghĩa, Đức sẽ quay lại với xu hướng tăng trưởng và dẫn đầu của mình.
–
Nguồn: Daniel Lacalle, “How Germany Destroyed Its Economy, and How to Fix It,” Mises Institute, 16/12/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.