Trump áp thuế 46%, liệu có xuất hiện liên minh “Kháng Mỹ Viện Tàu”?

Tác giả: Hoàng Thuyên.

Ngày 3/4/2025, Mỹ tuyên bố áp thuế chống bán phá giá đến 46% đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Động thái này trùng hợp với thời điểm Trung Quốc đang âm thầm chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội. Hai sự kiện này bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên, nhưng khi chúng liền kề nhau, thì có thể kéo theo những hệ lụy chiến lược nghiêm trọng.

Điện đàm Tô Lâm – Donald Trump

Theo FB của Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, ngày 4/4/4/2025, trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump vừa tiết lộ một cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (TBT ĐCSVN) Tô Lâm. Nội dung được hé lộ: “Việt Nam sẵn sàng cắt thuế quan về mức 0% nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ.” Và Trump, đúng như bản chất nhà thương thuyết quyết liệt, đã mở cánh cửa: “Tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần.”

Nhưng cuộc gặp này sẽ không chỉ là những cuộc đàm phán song phương về kinh tế. Đây sẽ là cuộc gặp giữa một nền chính trị cộng sản toàn trị đang đến hồi kết với chính tinh thần của một thế giới đang đòi hỏi tự do, minh bạch và cải cách. Cũng theo kết luận của LS. Khanh, nếu cuộc gặp Trump – Tô Lâm diễn ra, đây không chỉ là thỏa thuận về thương mại, mà là cuộc trao đổi cải cách để lấy quan hệ hợp tác (1). 

Như đàn chim sẻ kêu trời khi typhoons ập đến, “cơn bão thuế Mỹ” đã được cảnh báo từ trước, nhưng Việt Nam vẫn chủ quan, đến khi nó đổ bộ vào đất liền thì cuống cuồng kêu cứu. Đúng là “nước đến cổ mới nhảy”. Khi Mỹ tuyên bố đánh thuế mạnh, từ đồ gỗ, hàng may mặc đến pin năng lượng mặt trời, thì hàng loạt tờ báo nhà nước và các trang mạng xã hội cả lề Đảng lẫn trung gian, hoảng loạn kêu than (2), trong khi đáng ra Đảng và Nhà nước phải có có chiến lược rốt ráo như Philippines và một vài nước khác từ trước để tránh rơi vào thế bị động (3). 

Chấm dứt kỷ nguyên “ngậm miệng ăn tiền”

Trần Huỳnh Duy Thức đã phân tích rất chí lý, vấn đề đáng lo không chỉ là Trump, mà là Việt Nam đã và sẽ chuẩn bị ra sao để đón cú đánh “knock-out” này? Với Trump, Việt Nam là một “kẻ xuất siêu khó chịu” – giống Trung Quốc, Mexico, hoặc bất kỳ quốc gia nào khiến Mỹ “mất việc làm.” Những năm qua, hàng hóa Việt Nam đã tăng vọt tại Mỹ, nhưng chất lượng quan hệ song phương không đi kèm với đó. Việt Nam không có cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động rõ ràng, không minh bạch về truy xuất nguồn gốc, và cũng không chủ động thương lượng sòng phẳng.

“Kết quả?” Vẫn theo ông Thức, mức thuế 46% là cách Trump “rút lại món quà xuất siêu.” Và nếu không phản ứng thông minh, chúng ta sẽ mất nhiều hơn chỉ là đơn hàng. Ông Thức phản đối chính sách “ngậm miện ăn tiền” của chính quyền VN: “Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ lẽ ra phải đi kèm với một chiến lược chủ quyền kinh tế. Nhưng điều đáng tiếc là, chúng ta đã quen với việc phát triển trong thế lệ thuộc và không coi trọng lợi ích trong nước. Im lặng khi các tập đoàn nước ngoài thao túng thị trường. Im lặng khi người lao động bị bóc lột với mức lương rẻ mạt. Im lặng khi chính sách thuế, hải quan, ưu đãi… được điều chỉnh theo yêu cầu của nhà đầu tư – chứ không phải của người dân” (4).

Trong suốt 9 năm qua, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc cân bằng thâm hụt thương mại, đặc biệt trong bối cảnh thặng dư Việt Nam với Mỹ đã vượt quá 123 tỷ USD (5). Cả dưới thời Trump 1.0 lẫn Biden, Việt Nam chỉ cố gắng xoa dịu bằng cách ký kết nhiều Biên bản Ghi nhớ (MOU) để hứa hẹ sẽ mua nhiều hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không hứng thú với những cam kết trên giấy, mà yêu cầu hành động cụ thể. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chần chừ với những đề xuất như mua các mặt hàng quân sự của Mỹ, trong khi Philippines đã mạnh dạn mua một loạt máy bay chiến đấu Mỹ.

Trước áp lực, chính quyền Việt Nam đang tức tốc cửa các đoàn sang Mỹ để đàm phán trước hạn chót 9/4. Liệu Việt Nam có đạt được một thoả thuận cân bằng lợi ích hay không? Theo tin mới nhất, Chính phủ Việt Nam đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 1 – 3 tháng để đàm phán (6). Các lý do công khai của đòn đánh chính sách của Trump. Việt Nam đang cố gắng sử dụng danh xưng “đối tác chiến lược toàn diện” để thuyết phục Mỹ xem xét lại chính sách thuế quan. Tuy nhiên, Trump và đội ngũ của ông có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua ba lý do công khai: a) Thặng dư thương mại cao. b) Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ. Và c) Cản trở thương mại và tuồn hàng TQ sang Mỹ.

Thực chất, chính quyền Trump muốn ngăn chặn sự bá đạo của Trung Quốc và dọn sân sau của Bắc Kinh. Việc Việt Nam “tuồn” hàng Trung Quốc sang Mỹ có thể là nguyên nhân chính khiến Washington quyết định mạnh tay.

Nếu chuyến thăm Mỹ của Tô Lâm thất bại…

Trong bối cảnh Tô Lâm đang lên kế hoạch thăm Mỹ đồng thời chuẩn bị cho dư luận ở VN về hàng loạt điều chỉnh văn kiện pháp lý như bỏ đuôi “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước, Việt Nam có vẻ đang chuẩn bị cho một thời kỳ mới. Nhưng nếu các cuộc hội đàm với Tổng thống và chính quyền Mỹ không đạt được những mong đợi của VN thì điều gì sẽ xẩy ra khi sau đó, vào ngày 14/4, Tô Lâm lại sẽ đón Chủ tịch Tập Cận Bình sang Hà Nội. Liệu ông Tập có thuyết phục Việt Nam gia nhập liên minh Trung – Việt để “kháng Mỹ, viện Tàu”? Tất cả vẫn còn đang diễn biến và cần theo dõi sát sao trong thời gian tới.

Ngày 14/4 không phải một lựa chọn ngẫu nhiên. Thời điểm này gần với các cuộc tập trận thường niên của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là những cuộc diễn tập có bắn đạn thật của Hạm đội Nam Hải. Nó cũng gần với các sự kiện lịch sử quan trọng như Hải chiến Hoàng Sa (19/1) và Gạc Ma (14/3), những dấu mốc mà Trung Quốc luôn tìm cách xóa mờ trong ký ức tập thể người Việt. Việc chọn ngày này có thể nhằm kích thích phản ứng dư luận và đặt Việt Nam vào thế bị động cả về chính trị lẫn quân sự.

Việc Mỹ áp thuế mạnh lên hàng hóa Việt Nam khiến Bắc Kinh có cơ hội đóng vai trò “người bạn thân thiện” sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam vượt qua khó khăn kinh tế. Đây chính là phiên bản mới của một chiếc bẫy cũ theo kịch bản “Kháng Mỹ viện Tàu” từng diễn ra trong thập niên Chiến tranh Lạnh, với hệ lụy nghiêm trọng: lệ thuộc vào viện trợ Trung Quốc, nhường quyền ảnh hưởng và suy yếu chủ quyền quốc gia.

Nếu Việt Nam không cảnh giác, có thể sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy nguy hiểm:

• Chính trị hóa quan hệ thương mại: Trung Quốc có thể ép Việt Nam ủng hộ họ trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, BRICS, ASEAN.

• Ràng buộc điều kiện trong đầu tư: Các khoản vay hoặc dự án từ Trung Quốc có thể kèm theo yêu cầu sử dụng lao động, thiết bị của họ.

• Tạo dư luận giả: Chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội có thể gieo rắc suy nghĩ rằng “chỉ có Trung Quốc mới cứu Việt Nam” – một nhận thức nguy hiểm.

Nếu Việt Nam tìm cách đối trọng sức ép của Mỹ bằng cách dựa vào Trung Quốc, hậu quả sẽ là:

• Lệ thuộc kinh tế: Phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Trung Quốc.

• Mất đi sự độc lập chính trị: Khó ra quyết sách riêng về Biển Đông và an ninh khu vực.

• Mất lòng tin từ các đối tác phương Tây: Ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối phó chiến lược “kép” của Trung Quốc

1. Âm mưu quân sự: Kiểm soát Biển Đông bằng sức mạnh

Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa ở Trường Sa, triển khai radar, phòng không và mở rộng đường băng cho máy bay ném bom chiến lược. Ngoài ra, việc điều động tàu hải cảnh và tàu dân binh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm:

• Gây sức ép lên Việt Nam để không phản ứng mạnh về pháp lý.

• Kiểm tra mức độ phản ứng của Việt Nam và các nước ASEAN.

• Tạo tiền lệ hiện diện lâu dài để khẳng định chủ quyền thực tế.

Một kịch bản nguy hiểm là vào ngày 14/4, Trung Quốc có thể công khai một hành động khiêu khích như dựng giàn khoan trái phép (như vụ Hải Dương 981 năm 2014) hoặc va chạm với tàu Việt Nam để gây căng thẳng.

2. Âm mưu chính trị – ngoại giao: Cô lập Việt Nam trong khu vực

Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “chia để trị” trong ASEAN bằng cách:

• Tăng cường ảnh hưởng lên Campuchia và Lào để cô lập Việt Nam trong khu vực Mekong.

• Lôi kéo giới tinh hoa chính trị và kinh tế của Việt Nam thông qua lợi ích thương mại.

• Tung chiến dịch truyền thông giả trên mạng xã hội để làm loãng tinh thần cảnh giác của người dân Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc có thể tuyên truyền rằng Việt Nam là “kẻ gây bất ổn”, từ đó làm suy yếu vị thế ngoại giao của Việt Nam.

3. Âm mưu kinh tế – công nghệ: Đưa Việt Nam vào thế phụ thuộc

Trung Quốc đang đẩy mạnh kiểm soát kinh tế Việt Nam qua các biện pháp:

• Thâm nhập vào chuỗi cung ứng công nghệ cao qua các công ty gốc Hoa hoặc bình phong.

• Đầu tư vào hạ tầng chiến lược như đường sắt, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu.

• Dùng bẫy nợ để thao túng chính sách và tạo áp lực lên Việt Nam nếu không “thân thiện” với Bắc Kinh.

Nếu ngày 14/4 được Trung Quốc chọn để công bố hoặc khởi động một dự án kinh tế lớn tại Việt Nam, thì đây có thể là một bước đi chiến lược nhằm kiểm soát dài hạn.

Để không mắc bẫy “Kháng Mỹ Viện Tàu”

Bài học lịch sử cho thấy, sự giúp đỡ từ Trung Quốc chưa bao giờ miễn phí. Cái giá phải trả thường là:

• Sự độc lập trong đối ngoại bị thu hẹp.

• Chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa.

• Khả năng phát triển bền vững bị tổn hại.

Nếu Trung Quốc chọn ngày 14/4 để tung đòn kép – vừa gây sức ép quân sự ở Biển Đông, vừa đề nghị “viện trợ” kinh tế – thì Việt Nam cần cực kỳ tỉnh táo. Không thể rơi vào chiếc bẫy “Kháng Mỹ viện Tàu” mới, vốn mềm mỏng nhưng đầy cám dỗ.

Chiến lược đối phó với Trung Quốc cần phải là: a) Duy trì nguyên tắc “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong đối ngoại để tránh phụ thuộc vào một bên. b) Củng cố quan hệ với các nước có lợi ích chung về Biển Đông như Mỹ, Nhật, Ấn Độ để tạo thế cân bằng. c) Phát triển kinh tế nội lực để giảm áp lực từ các đòn đánh thương mại từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam chỉ có thể bảo vệ chủ quyền nếu duy trì được sự tự chủ về kinh tế, chính trị và quân sự. Độc lập – tự chủ – đa phương hóa chính là lưỡi gươm sắc bén nhất trong thế kỷ 21 để đối phó với những toan tính từ các cường quốc.

———————————–

Các Nguồn Tham Khảo: 

(1) https://www.facebook.com/share/p/15yxuJyhbd/

(2)https://www.google.com/search?sca_esv=5c91b037c081e110&udm=7&sxsrf=AHTn8zpHGvb1AfRTrz046hJBB6calBpYPg:1743777445496&q=b%C3%A1o+vi%E1%BB%87t+nam+%C4%91%C6%B0a+tin+trump

(3) https://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-gia-hien-ke-giup-dong-nam-a-ung-pho-thue-quan-cua-my-20250404141427732.htm

(4) https://www.facebook.com/share/p/14zFfHkEAp/

(5) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c70e7g1r413o (Cựu đại sứ Mỹ: ‘Nguy cơ Việt Nam bị áp thêm thuế là có’)

(6) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chinh-phu-de-nghi-my-tam-hoan-ap-thue-1-3-thang-de-dam-phan-20250404185259306.htm