Tác giả: Phan Thiên Ý.
Phần 1. Cải cách thể chế
Việt Nam là chế độ tập quyền toàn trị cao do độc Đảng cộng sản lãnh đạo. Từ khi Đổi mới 1986 mặc dù có nhiều thay đổi, đặc biệt về kinh tế nhưng bộ máy quan liêu nhiều tầng lớp chính là thứ vận hành thể chế khiến ‘điểm nghẽn’ này ngày càng trở nên trầm trọng. Dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2011 đến 2024, bộ máy này tiếp tục suy yếu kéo dài bởi quốc nạn tham nhũng và nhóm lợi ích.
Tổng bí thư Đảng cộng sản thực chất là một vị trí có quyền lực trong hệ thống chính trị, vốn được thiết kế cho những người quản lý mạnh, hành động chứ không phải những nhân vật ‘yếu’ hay ‘hàn lâm.’ Điều này giải thích vì sao ông Tô Lâm lên nắm quyền Tổng bí thư thay thế ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7/2024 và lập tức phát động “kỷ nguyên mới” khi chưa có đề án cụ thể, được bàn bạc thống nhất bởi nguyên tắc lãnh đạo tập thể.
Bài viết tập trung làm rõ hai trụ cột chủ yếu của “kỷ nguyên mới” là cải cách thể chế và tăng trưởng kinh tế trong mối liên quan và tác động qua lại, nhấn mạnh cải cách thể chế như một yếu tố tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh thế giới mới có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường.
Ở Việt Nam đang có cải cách chính trị, không phải là sự thay đổi chế độ nhưng ‘lớn hơn’ cải cách thể chế, với hai nội dung chính: “cách mạng” tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Kỷ nguyên mới nên ngầm hiểu là sự cam kết của chính quyền mới, đánh dấu một sự thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, sự kế vị chức tổng bí thư đảng giữa nhiệm kỳ khiến cho việc chuẩn bị các kịch bản còn ‘sơ sài’. Bởi vậy, sự khó lường bởi những tác động sâu xa đến toàn xã hội, mỗi người dân và trước thách thức lớn về tăng trưởng kinh tế tạo ra sức ép lớn đối với giới lãnh đạo chế độ.
Chính thức nhậm chức Tổng Bí thư vào ngày 3/8/2024, khoảng gần ba tháng sau, vào ngày 31/10/2024, ông Tô Lâm lần đầu tiên khái quát nội hàm của “kỷ nguyên mới” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Khi phát biểu với các học viên về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông ấy đã nhấn mạnh 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.[1] Trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đã tích lũy đủ “thế và lực, ý chí và quyết tâm” để bước vào kỷ nguyên mới, không thể chậm trễ hơn. Ông ấy cũng đề cập rằng kỷ nguyên mới là thời kỳ phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai cải cách chính trị với phương châm “không bàn lùi chỉ bàn làm”, “vừa chạy vừa xếp hàng”… cho thấy cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy và các đơn vị hành chính sẽ “thành công” về hình thức, thời hạn, cho dù có khó khăn và còn khó lường về sự vận hành thế nào. Nhưng tăng trưởng kinh tế với mục tiêu GDP năm 2025 là 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo trong kỷ nguyên mới mới là thách thức thực sự lớn. Liệu ‘câu chuyện’ kỷ nguyên mới do Tổng bí thư Tô Lâm kể thế nào?
Những gì đang diễn ra ở Việt Nam là cuộc cải cách chính trị sâu rộng, với hai trụ cột chủ yếu: tinh gọn bộ máy đảng – nhà nước và sáp nhập các đơn vị hành chính. Sau khi người tiền nhiệm, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ, ngày 19/7/2024, việc ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã tiếp quản, mặc dù trong ‘trật tự’ cương vị cao nhất của độc Đảng cộng sản cầm quyền nhưng cũng đã gây nên những suy đoán đa chiều về tương lai chế độ. Và nay, mọi sự chú ý được tập trung vào ‘câu chuyện’ kỷ nguyên mới do vị tân Tổng Bí thư ‘kể’ và tiến hành. Sự khởi đầu là những sự thay đổi mạnh mẽ “chưa từng thấy” và chỉ trong một thời gian rất ngắn diễn ra những sự kiện đặc biệt quan trọng tác động sâu sắc đến toàn bộ hệ thống chính trị.
Trước hết, thực hiện các Kết luận số 126 và 127-KL/TW[2] của Bộ chính trị, các cơ quan ban Đảng đã ‘tinh gọn’: từ 6 còn 4 ban đồng thời giảm hàng chục đầu mối cấp vụ và cấp phòng trong mỗi ban; ngoài ra, hệ thống Đảng bộ cũng được tinh gọn theo hướng: Đảng bộ các cơ quan Đảng, Đảng bộ chính quyền, Đảng bộ Quốc hội và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể[3]; Bộ máy Chính phủ đã được tinh gọn còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, bỏ cấp tổng cục và giảm đáng kể số đầu mối và cơ quan và số lượng cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm từ 8 xuống còn 5; Quốc hội đã giảm từ 9 còn 7 uỷ ban; tinh gọn bộ máy ở địa phương tỉnh thống nhất với phương án sắp xếp của Trung ương…
Bước hai, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.[4] Ngày 12/3/2025 Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Bộ Chính trị đã thống nhất phương án sáp nhập giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị cấp xã, phường so với hiện nay (hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 705 quận, huyện và 10.595 xã, phường). Lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc sẽ được trình Trung ương trước ngày 1/4 và Quốc hội thông qua trước 30/6 và hoàn thành trong tháng 8/2025. Đảng quyết tâm, nhưng vấn đề quá phức tạp và tác động sẽ khó lường…
Một khối lượng công việc ‘khổng lồ’ với sự xáo trộn ‘tổ chức, hành chính’, được coi như cuộc cách mạng, chỉ có thể được thực hiện trong chế độ tập quyền cao do Đảng CS lãnh đạo và vai trò của người đứng đầu. Trong câu chuyện “kỷ nguyên mới” do ông Tổng bí thư Tô Lâm ‘kể’ vẫn tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng phải “đổi mới”[5] theo hướng: Đảng không bao biện, làm thay chức năng của Nhà nước; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; các cơ quan đảng phải thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “Bộ tổng tham mưu”, là đội tiên phong lãnh đạo nhà nước; Đảng lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng. Xin nêu một vài vận dụng cụ thể trong thực tế: Đảng đã ‘khiến’ những điều “bất thường” trở thành “bình thường” và ngược lại… Đặc biệt trong công tác nhân sự đảng;[6] ‘Tiền trảm hậu tấu’ – Đảng tự ý quyết định, làm trước rồi chỉnh sửa luật lệ sau, chẳng hạn mới đây Tổng bí thư Tô Lâm thay mặt nhà nước ký kết nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, Indonesia và Singapore; nhiều trong số hàng trăm nghị quyết, quyết định, chỉ thị… của Đảng được ban hành dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải ‘bỏ qua’ trong cải cách chính trị lần này. Đảng đang yêu cầu sửa đổi hiến pháp, điều lệ đảng, chỉnh sửa luật để thích ứng với tình hình… Như đã biết, ông Tô Lâm tiếp quản chức tổng bí thư đảng ở giữa nhiệm kỳ khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, điều này khiến “kỷ nguyên mới” là ý tưởng thay vì đề án được chuẩn bị trước. Bởi vậy, giới quan sát đang dõi theo ‘những điểm mới’ rất quan trọng trong văn kiện của Đại hội Đảng 14 sắp tới và Tổng kết 40 năm đổi mới đất nước sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cuộc họp[7] với các ban soạn thảo ngày 27/2/2025 tại Trụ sở Trung ương Đảng…
Thực tế đã chỉ ra, rằng mô hình tập quyền cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng CS mọi sự thay đổi mang tính cải cách, cách mạng, thịnh hay suy của chế độ chỉ có thể diễn ra từ trên thượng tầng, ở đỉnh tháp quyền lực và vai trò cá nhân người đứng đầu đảng. Minh chứng: hai nhân vật của lịch sử toàn trị cộng sản Mikhail Gorbachov – người hùng hay tội đồ (còn tranh luận) trong sự sụp đổ của Liên Xô trong khi Đặng Tiểu Bình được tôn vinh vĩ đại đã mở đầu sự chấn hưng kỳ diệu Trung Quốc… Gốc rễ an ninh, hành động và phát biểu cho thấy ông Tô Lâm là lãnh đạo quyết đoán và có tư duy thực dụng, ông ấy đang rút ra những bài học “cải cách và mở cửa” của cố Tổng bí thư Đặng cho ‘ý tưởng’ kỷ nguyên mới ở Việt Nam. (Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể vào dịp khác). Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và khu vực bây giờ đã hoàn toàn khác so với nửa thế kỷ trước!
Cuối cùng, cuộc cải cách chính trị này là sự tiếp nối chính sách của Đảng CS, cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.[8] Điều này hàm ý rằng hãy ‘khoan’ nói về chuyển đổi dân chủ…
Bảy năm trôi qua nhưng triển khai Nghị quyết số 18 này vẫn ‘giậm chân tại chỗ’, thậm chí chưa có đề án, nay được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ… Dù sao chăng nữa, kỷ nguyên mới với nội dung ‘vượt tầm’ (sáp nhập các đơn vị hành chính) chính sách này cho thấy ông Tổng bí thư Tô Lâm ‘tự tin’ với phương thức lãnh đạo “mới” của đảng và hành động quyết liệt như thế nào, và chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, mặc dù tương lai “tạo không gian phát triển” còn khó lường, không chỉ kinh phí dự tính cho riêng “tinh giản bộ máy” đã khoảng 130 nghìn tỷ[9] và giảm hàng trăm nghìn biên chế nhà nước, và, như vậy, phí tổn cho cải cách chính trị về tổng thể chắc sẽ lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể những tác động sâu sắc đến mỗi người dân cũng như toàn xã hội, hiện tại và tương lai dân tộc. Hy vọng, như ông ấy mong muốn, Việt Nam sẽ phát triển (theo cách riêng) nhưng sẽ hoà vào dòng chảy tiến hoá của nhân loại.[10] Tuy nhiên, trước mắt, thách thức lớn nhất đối với kỷ nguyên mới sẽ là tăng trưởng kinh tế, nó không chỉ đảm bảo cho tính chính danh của đảng, chế độ mà hơn thế cho sự thịnh vượng nói chung…
(Còn tiếp)
Tham khảo:
- https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-ky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-102241125190606526.htm;
- https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-126-kltw-ngay-14022025-cua-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-ve-mot-so-noi-dung-nhiem-vu-tiep-tuc-sap-xep-tinh-11389; https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ket-luan-127-kl-tw-cua-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-ve-trien-khai-nghien-cuu-de-xuat-tiep-tuc-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-119250301121550752.htm;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-dinh-nhan-su-cua-4-dang-bo-truc-thuoc-trung-uong-119250203192009112.htm;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cham-nhat-9-3-bao-cao-bo-chinh-tri-cho-chu-truong-ve-khong-to-chuc-cap-huyen-sap-nhap-mot-so-don-vi-cap-tinh-119250301112440185.htm;
- https://vnexpress.net/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-yeu-cau-cap-bach-cua-giai-doan-cach-mang-moi-4793517.html?utm_source=chatgpt.com;
- https://www.youtube.com/watch?v=oKLieoFsZd0;
- https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-thuong-truc-cac-tieu-ban-chuan-bi-dai-hoi-xiv-cua-dang-102250227163323365.htm?utm_source=chatgpt.com;
- https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-18-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-mot-so-van-de-ve-tiep-568; https://dangcongsan.org.vn/noidung/tintuc/Lists/HuongdancongtacDang/View_Detail.aspx?ItemID=1012;
- https://vietnamnet.vn/bo-noi-vu-can-130-000-ty-dong-de-tinh-gian-bien-che-khi-tinh-gon-bo-may-2357920.html?utm_source=chatgpt.com;
- https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-ky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-102241125190606526.htm.
Phần 2. Vì sao thể chế?
Chế độ Đảng CS toàn trị luôn bị ám ảnh bởi thể chế và cải cách thể chế, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, sao cho nó không bị huỷ hoại bởi việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường để tạo ra động lực cho tăng trưởng đảm bảo tính chính danh cho chế độ. Ông Tô Lâm với cương vị Tổng bí thư quyền lực tuyệt đối hành động như ‘chúa tể của những chiếc nhẫn’ (The Lord of the Rings[1]) tập trung mạnh mẽ giải quyết “điểm nghẽn thể chế.”
Phát động cải cách chính trị lần này (như đã nêu ở bài trước: tinh gọn bộ máy và đơn vị hành chính), Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh giải toả điểm nghẽn thể chế. Cùng với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng nó là một trong ba đột phá chiến lược phát triển đồng thời là ba điểm nghẽn của nền kinh tế và của đất nước nói chung. Hơn thế, ông ấy cho rằng thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tự tin rằng tháo gỡ thể chế là thời cơ phát triển,[2]và lưu ý rằng hiện trạng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực, cản trở việc thu hút đầu tư và khơi thông nguồn lực trong dân… Khó tự tin nhận định về những gì đang diễn ra và trong tương lai ở Việt Nam trong bối cảnh thế giới nếu không đề cập vấn đề thể chế.
Vì sao thể chế? Cả thế giới, mỗi quốc gia, tư bản hay cộng sản, dân chủ hay toàn trị, lớn hay nhỏ, giầu hay nghèo, văn minh hay lạc hậu… đều nói về thể chế, chế độ và giới nghiên cứu lịch sử, triết học, xã hội và kinh tế học… đều bàn, viết về thể chế. Và, những thay đổi rung động quốc gia, thế giới liên quan đến chiến tranh, hoà bình… là về thể chế, chế độ. Thể chế là cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội của nhà nước, quốc gia trên thế giới, luôn chuyển động và gắn với sự phát triển, tiến hoá. Trong thế kỷ 20 loài người đã trải qua những biến động to lớn: sự tăng bội số của cải, đồng thời với những cuộc Thế chiến I và II khủng khiếp nhất, sau đó có khoảng thời bình theo một trật tự với tầm nhìn lạc quan “toàn cầu hoá”, “thế giới phẳng”…, Giờ đây, nó đang bị thách thức và một trật tự thế giới mới bất định.
Trên phương diện triết học một tư tưởng phương Tây, học thuyết C. Mác trên nền tảng biện chứng F. Hegel, là một trong những nguyên nhân mở đường cho sự chuyển động này: phân cực tư bản – cộng sản, hợp nhất để rồi lại bắt đầu chu kỳ mới khó lường. Ngoài ra, trong mỗi quốc gia, chế độ với các mức độ khác nhau nhưng sự phân cực cũng luôn diễn ra, chẳng hạn cánh tả và cánh hữu. Bởi vậy mà lập luận theo nghĩa triết học rằng chế độ dân chủ tự do phương Tây là “điểm kết thúc của lịch sử”[3]còn gây tranh luận, ít nhất là từ ba cách tiếp cận: Sự trỗi dậy của chế độ độc tài như Nga, Trung Quốc và chủ nghĩa dân túy, cánh hữu như Hungary và Hoa kỳ dưới thời Trump 2.0…; xung đột và bất ổn chính trị vẫn xảy ra nghiêm trọng như các cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, Hamas-Israel…; GS Fukuyama cũng đã thừa nhận rằng dân chủ tự do không phải là điều tất yếu và có thể bị suy yếu hoặc thách thức.
Cho đến nay, thực tế chính trị so sánh vẫn cho thấy ưu thế chế độ dân chủ thông qua mối liên hệ giữa thể chế với tăng trưởng kinh tế, phát triển và thịnh vượng quốc gia, như sự kiện thống nhất nước Đức (1989), Triều Tiên – Nam Hàn… Ngoài các vấn đề kiểm soát quyền lực, dân chủ, nhân quyền, thì kinh tế thể chế đã phát triển rộng rãi như “một hệ thống tiến hoá phức hợp mà mức độ hiệu quả của nó trong việc đáp ứng những mục đích đa dạng và không ngừng thay đổi của con người lại phụ thuộc vào các quy tắc hạn chế cách ứng xử và cơ hội của họ.”[4] Tuy nhiên, ở Việt Nam không được phép xuất bản sách này do nhạy cảm chính trị vì phạm vi áp dụng là “các thể chế bảo vệ phạm vi tự do cá nhân”, trái ngược với chủ nghĩa tập thể – nền tảng của chế độ.
Như đã biết, mô hình Trung Quốc sau Mao, từ cuối những năm 1970 đến nay khi chính sách cải cách và mở cửa được thực hiện, từng là “hình mẫu” cho các nước đang phát triển, đặc biệt với Việt Nam. Nay, mặc dù đang gặp nhiều thách thức lớn nhưng nó đang được theo dõi sát sao liệu nó vận hành theo chu kỳ thịnh suy thế nào khi chế độ toàn trị cộng sản kết hợp với kinh tế thị trường. Một nhận định đáng chú ý rằng sự suy thoái của chế độ này do tham nhũng nhưng nghịch lý[5] là ‘nhờ’ tham nhũng mới có tăng trưởng! Điều này cũng đúng với tình hình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, đặc biệt trong những năm dưới thời lãnh đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy tâm huyết, viết nhiều sách, về chủ nghĩa xã hội và chống tham nhũng, đã đẩy mạnh với chiến dịch “đốt lò” quan tham… nhưng “kết quả không được như mong muốn.” Thay vì hai di sản này của ông Trọng sẽ được tăng cường phát huy, ông Tô Lâm khi lên kế vị đã hành động theo hướng tập quyền mạnh mẽ, khởi đầu giai đoạn cầm quyền bằng cái gọi là “kỷ nguyên mới”, tiến hành cải cách chính trị sâu rộng.
Nước Mỹ tư bản cũng đã trải qua “thời kỳ vàng son” ở cuối thế kỷ 19, trong đó bùng nổ tăng trưởng cùng với tham nhũng khủng và nhiều vấn đề khác. Điều này, như nêu ở trên được tiến sĩ Nguyên Nguyên Áng (元元昂) trong nghiên cứu của mình[6] đã phân tích chi tiết và so sánh lịch sử với Trung Quốc thời cải cách mở cửa, bà ấy đã thách thức quan điểm truyền thống rằng tham nhũng luôn gây hại cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh rằng các loại tham nhũng khác nhau có tác động khác nhau đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Và, điểm lưu ý ở đây là chủ nghĩa tư bản ‘hoang dã’ cho thấy hai mặt, cả động lực tăng trưởng và cả sức ‘tàn phá’ ghê gớm của nó. Sau giai đoạn này các quốc gia cần có cải cách mạnh mẽ, ở nước Mỹ khi đó bước vào thời kỳ tiến bộ (Progressive Era[7]) của chủ nghĩa tư bản trong khi Trung Quốc loay hoay để thoát khỏi ‘bẫy nghịch lý’ này thế nào. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, chiến lược an ninh chế độ được thiết lập, trong đó có coi việc “thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do, cố gắng thay đổi hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc”[8] là nguy cơ an ninh đối với chế độ. Ở Việt Nam từng ban hành Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, mặc dù đến nay nó không được nhắc đến nhưng còn sớm để nói “kỷ nguyên mới” là giải pháp chính sách cho nghịch lý này.
Thực tế cho thấy, rằng chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống kinh tế thống trị trên toàn cầu, ngay cả ở những quốc gia từng phản đối nó như các nước cộng sản nhưng đã phải ‘chấp nhận’ nếu không muốn sụp đổ. Từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ với những đặc điểm chính như quyền sở hữu tư nhân đối với tư bản, thị trường tự do, quyền sở hữu tài sản và động lực đầu tư. Không là hoàn hảo khi tồn tại sự bất bình đẳng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và nguy cơ xói mòn quyền con người nhằm tối đa hóa sản lượng kinh tế, nhưng lịch sử chứng kiến những thử nghiệm về các phương thức sản xuất khác, như đã biết, đều thất bại… Từ góc nhìn này, đảng – nhà nước Trung Quốc cũng đang vận hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa!
Những phân tích trên và hơn thế gợi ý cho cải cách trong kỷ nguyên mới ở Việt Nam, nhưng trước hết hãy tìm hiểu sâu hơn vì sao tăng trưởng kinh tế đang được đặc biệt lưu ý…
(còn tiếp)
Tham khảo:
- https://en.wikipedia.org/wiki/The_Lord_of_the_Rings;
- https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-to-lam-go-diem-nghen-the-che-de-khong-lo-thoi-co-phat-trien-20241022075341728.htm?utm_source=chatgpt.com;
- Fukuyama Francis (1992). The End of History and the Last Man;
- Wolfgang Kasper, Manfred E. Streit, Peter J. Boettke (2017). Institutional Economics: Property, Competition, Policies;
- https://www.youtube.com/watch?v=7kaItpDD_Hs&t=412s: China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom & Vast Corruption | Yuen Yuen Ang
- Yuen Yuen Ang (2016). China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption;
- https://en.wikipedia.org/wiki/Progressive_Era#:~:text=The%20Progressive%20Era%20(1890s–1920s,social%20and%20political%20reform%20efforts;
- https://en.wikipedia.org/wiki/Document_Number_Nine.
Phần 3. Tăng trưởng kinh tế
Trên thế giới tư duy “tăng trưởng giải quyết tất cả” vẫn thịnh hành vì nó vẫn là một nỗi ám ảnh đối với các quốc gia, nhưng cũng chứa đựng sự “bí ẩn” kết hợp của các yếu tố, trong đó có vai trò thể chế, mà con người không ngừng theo đuổi, thử nghiệm, vận hành bởi các doanh nghiệp và các cá nhân. Trong chủ nghĩa tư bản, tăng trưởng là phương tiện chủ yếu giải quyết xung đột giữa chủ lao động và người lao động. Nếu nền kinh tế phát triển, cả chủ lao động và người lao động đều có thể nhận được nhiều hơn mà không cần phải tranh giành phần bánh hiện có. Tuy nhiên, đối với chế độ đảng cộng sản toàn trị, sau khi bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chuyển sang thị trường, cũng bị ám ảnh bởi tăng trưởng, nhưng thay vì tập trung vào lợi nhuận và cạnh tranh, tăng trưởng được xem như một công cụ để hợp pháp hóa quyền lực, củng cố sự kiểm soát và duy trì tính chính danh.
Phát động “kỷ nguyên mới” chế độ cần chứng minh rằng giới lãnh đạo ‘mới’ đang mang lại sự tiến bộ, thịnh vượng và ổn định cho quốc gia, tăng trưởng kinh tế cao hơn trước trở thành minh chứng cho thấy những cải cách chính trị, như đã nêu, là hiệu quả và là quyết định đúng đắn. Khi nền kinh tế phát triển, chế độ có thể cung cấp phúc lợi, việc làm và tăng lương, giúp xoa dịu bất mãn và giữ dân chúng trong tầm kiểm soát, và ngược lại. Hơn thế, một nền kinh tế phát triển chế độ có điều kiện nguồn lực để tăng cường ngân sách cho quân đội, công an, giám sát, củng cố quyền lực tuyệt đối. Ngoài ra, những con số tăng trưởng GDP, là phương tiện tuyên truyền ‘thành tích’ đồng thời có thể che giấu sự bất bình đẳng, đàn áp đối lập, hạn chế các quyền tự do cơ bản. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đang là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay.
Phát động kỷ nguyên mới, ông Tổng bí thư Tô Lâm lưu ý rằng trong 4 nguy cơ lớn đối với chế độ: “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”; “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; “tham nhũng, quan liêu” và “tụt hậu về kinh tế” thì nguy cơ sau cùng được nhấn mạnh. Ông ấy có lần ‘bộc bạch’ rằng “nhìn sang Singapore, xưa họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước. 50 năm nhìn lại giờ mình lại mơ sang họ khám bệnh.”[1]
Chỉ tiêu GDP – theo nghĩa một phạm trù kinh tế – thực sự không nói lên bất cứ điều gì về cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, vì những lý do, ý nghĩa ‘chính trị’ nêu trên nó đặc biệt được chú ý. Thiếu một đề án cải cách tổng thể, phải “vừa chạy vừa xếp hàng” cho nên vấn đề tăng trưởng kinh tế phải đến quý 1/2025 mới được ‘bổ sung.’ Cụ thể, Nghị quyết số 192/2025/QH15[2] của Quốc hội đã bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu: “tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ phải đạt 8% trở lên và hai con số cho những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026 khi Đại hội 14 được dự liệu trước sẽ ‘thành công.’ Ngoài ra, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025[3] của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên…
Trong khi giới lãnh đạo đảng phát biểu rằng “có đủ thế và lực bước vào kỷ nguyên mới”[4] và phải “huy động mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân…”[5] cho mục tiêu tăng GDP từ mức 8% trở lên nhưng các giải pháp chính sách hoặc động thái hành chính, giả sử đúng, cho tăng trưởng thì vẫn cần có thời gian, cần ‘độ trễ’ để phát huy tác dụng. Tất nhiên, theo ‘quán tính toàn trị’ của chế độ các biện pháp ‘chỉ đạo’ là không thể thiếu như ấn định chỉ tiêu mức tăng GODP cho các tỉnh không thấp hơn 8%, tổ chức các hội nghị trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, chỉ đạo các ngân hàng về kiểm soát tín dụng, lãi suất vốn, ‘dành’ 2,5 triệu tỷ đồng cho đầu tư công (900 nghìn tỷ cho năm 2025) và khuyến kích sản xuất …
Tuy nhiên, những bài học của giai đoạn 2007 – 2015 đã chỉ ra rằng, tăng trưởng ‘nóng vội’ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích đã dẫn đến ‘bong bóng’ bất động sản, tài chính và lạm phát ‘phi mã’ (Năm 2008: tỷ lệ lạm phát đạt khoảng 23%, mức cao nhất trong vòng 15 năm trước đó, đến năm 2012 giảm xuống khoảng 9,21%.) Bởi vậy, chống lợi ích nhóm có thể góp phần ổn định và tăng truỏng kinh tế. Ngoài ra, nếu ép buộc người dân làm việc trong các dự án kinh tế mà không quan tâm đến hiệu quả hay quyền lợi của họ, kiểm soát giá cả, lãi suất, cam kết… phi thị trường hay thực hiện các chiến dịch kinh tế hoành tráng (tính toán thận trọng các dự án đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, đường sắt Lào Cai – Hải phòng…) nặng quảng bá về “thế và lực” của chế độ, đảng thì hậu quả để lại có thể khó lường…
Tuy nhiên, sự thay đổi cách tiếp cận ‘đáng khích lệ’ là việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng ‘mới’ như nguồn lực khoa học công nghệ, kinh tế số… cũng được Chính phủ thúc đẩy. Khái quát lại, động lực “ép buộc, mệnh lệnh hành chính” hay “đạo đức” cần được thay thế bởi động khuyến khích bởi thị trường liên quan tới thể chế dựa các trụ cột: sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng tự quyết, mà trong quá trình cải cách phải thiết lập. Một giải pháp chính sách có ‘nhiều điểm mới’ thậm chí mang tính ‘đột phá tư duy’, đối nghịch với tư tưởng chủ nghĩa tập thể của đảng, đó là đề án phát triển kinh tế tư nhân, mà người đứng đầu đảng, ông Tổng bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu chỉ thị quan trọng.[6] Từ cách tiếp cận này, để loại bỏ tư tưởng “trọng công hơn tư” Việt Nam cần thay đổi tư duy từ chủ nghĩa xã hội ‘giáo điều’ đến thực dụng hơn và hành động để vận hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường thiết thực hơn.
Trong quá trình Đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết[7] quan trọng nhằm phát triển kinh tế tư nhân, điển hình như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa 6) năm 1986, trong đó lần đầu tiên, Đảng công nhận kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế quan trọng, được phép phát triển không hạn chế về địa bàn, quy mô và ngành nghề mà pháp luật không cấm; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa 9) năm 2002 khẳng định kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, và việc phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa 12) đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW… Lãnh đạo bằng nghị quyết là công cụ ‘truyền thống’ của Đảng nhưng lần này ông Tô Lâm chỉ thị xây dựng đề án để thực hiện. Ông ấy cũng yêu cầu văn kiện Đại hội 14 của Đảng phải xúc tích, ngắn gọn và dễ thực hiện…
Chỉ số GDP – tiêu chuẩn phổ quát để đánh giá kinh tế thị trường, xuất sứ trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nó có ý nghĩa ‘hàn lâm’, tầm quan trọng đặc biệt và, nhiều nhà kinh tế được vinh danh bởi những cống hiến và được giải Nobel với các nghiên cứu có liên quan mật thiết đến GDP, điển hình như Simon Kuznets (1971), Robert Solow (1987), Douglas North (1993), Paul Romer (2018) và William Nordhaus (2018). Giới nghiên cứu không những chỉ ra các yếu tố tăng trưởng kinh tế vật chất ‘hữu hình’ như lao động và vốn, mà còn cả các yếu tố không kém quan trọng như tổ chức, và gần đây là “thể chế.” Ba khôi nguyên Nobel kinh tế năm 2024 là Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A. Robinson. Họ được trao giải nhờ các công trình nghiên cứu về cách thức các thể chế kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến sự thịnh vượng hoặc nghèo đói của các quốc gia… Họ được biết đến rộng rãi ở Việt Nam nhờ cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why Nations Fail) của Acemoglu và Robinson, được ‘chính thống’ xuất bản năm 2016…
Hơn thế, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra sự kết hợp các yếu tố tăng trưởng để đạt mục tiêu là điều “huyền bí”. Đó là sự “kỳ diệu” của thiên nhiên (cả ý nghĩa tâm linh như chúa trời, đức phật…) mà loài người có ‘nghĩa vụ’ khám phá một cách duy lý (reasionally). Chẳng hạn, yếu tố nào tạo ra sự thịnh vượng, tiền bạc hay kiến thức mà môi trường của nó là tự do[8]. Ngoài ra, ‘sự may mắn’ cũng góp phần mang đến thịnh vượng cho nước Mỹ khi “…Hiến pháp Hoa Kỳ may mắn được viết ra vào thời điểm mà các ý tưởng của John Locke và Adam Smith được phổ biến. Và nó thừa hưởng xu hướng hướng tới nền kinh tế thị trường và các thể chế dân chủ… Và chúng ta cũng rất may mắn khi George Washington có đức chỉ dừng lại ở hai nhiệm kỳ tổng thống chứ không phải cố gắng trở thành vị vua kế tiếp…”[9]
Thiết nghĩ tất cả những điều này có ý nghĩa đối với các nhà cải cách của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh cải cách ‘thể chế’ hiện nay, đứng đầu là Tổng bí thư Tô Lâm và, là người đã khởi xướng kỷ nguyên mới của dân tộc. Liệu kỷ nguyên mới có thực sự “mới”?
(còn tiếp)
Tham khảo:
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã Vào ngày 13 tháng 2 năm 2025 trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội. Xem thêm: https://www.rfa.org/vietnamese/thoi-su/2025/02/21/to-lam-sai-gon-truoc-75-phon-vinh-vnch-singapore/;
- xaydungchinhsach.chinhphu.vn;
- vanban.chinhphu.vn;
- https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-chung-ta-co-du-the-va-luc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post829180.html?utm_source=chatgpt.com;
- https://daibieunhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-huy-dong-moi-thanh-phan-kinh-te-doanh-nghiep-nguoi-dan-tham-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dong-gop-vao-tang-truong-va-phat-trien-dat-nuoc-post405932.html?utm_source=chatgpt.com;
- https://baochinhphu.vn/thong-diep-cua-tong-bi-thu-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-tu-duy-va-tam-nhin-chien-luoc-102250319134003758.htm;
- Xem: https://thuvienphapluat.vn;
- https://www.prageru.com/video/what-creates-wealth;
- https://www.youtube.com/watch?v=u5P8AZRBLac&t=3s;
Phần 4. Vì sao Kỷ Nguyên Mới?
Có thể phác hoạ tương lai tươi sáng của kỷ nguyên mới, nhưng để lý giải bản chất sâu xa của nó khi coi nó là một tư tưởng mới thì cần phải đưa ra những luận cứ thuyết phục, để có câu trả lời cho câu hỏi vì sao kỷ nguyên mới? Một câu chuyện mới cho thực tế hỗn độn là gì?
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato (khoảng 428 – 348 TCN) đã nói cách đây hơn 2.400 năm, rằng những người kể chuyện là những người cai trị xã hội, và nó vẫn đúng cho đến ngày nay. Những câu chuyện chính trị do các nhà lãnh đạo kể thường có chung một cấu trúc: Tình hình hay hiện trạng là nơi chúng ta đang mắc kẹt – nó khó khăn, khắc nghiệt, và chúng ta muốn thoát khỏi đó; Tương lai hay kỳ vọng– nơi mọi thứ tốt đẹp, nơi ước mơ thành hiện thực, nhưng chúng ta không biết làm sao để đến đó; Và, nhà lãnh đạo xuất hiện và nói: Tôi có giải pháp!
Câu chuyện “kỷ nguyên mới” không thể tách rời bối cảnh và xu hướng định hình trật tự thế giới mới nói chung, địa chính trị nói riêng. Thế giới đang thiếu những câu chuyện mới để định hình. Một quan điểm cho rằng con người vận hành theo những câu chuyện có cấu trúc nhất định, trong đó một thế lực xấu xa gây rối loạn, nhưng một anh hùng xuất hiện để đánh bại nó và khôi phục trật tự.
Chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tân tự do đều từng thành công vì kể được những câu chuyện như vậy. Chủ nghĩa Keynes nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế, trái ngược với chủ nghĩa tân tự do, vốn đề cao thị trường tự do, tư nhân hóa, cắt giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và mở rộng quyền lực của doanh nghiệp. Tư tưởng kinh tế và chính trị tân tự do bắt đầu phát triển mạnh từ thời các nhà lãnh đạo như Margaret Thatcher ở Anh và Ronald Reagan ở Mỹ cho đến nay mà một đặc trưng của nó, như đã biết là toàn cầu hoá… Ngoài ra, chủ nghĩa tân tự do đã chiếm được tâm trí của mọi người trên khắp các phổ chính trị, các đảng chính trị ở khắp mọi nơi đều rơi vào sự quyến rũ của nó cho đến khi bị coi là một mô hình kinh tế thất bại, gây ra khủng hoảng kinh tế (2008), phá hoại môi trường, bóc lột lao động, bất ổn tài chính, chia rẽ sâu sắc xã hội, huỷ hoại dân chủ… Tuy nhiên, nó vẫn thống trị vì chưa có một câu chuyện mới thay thế. Thế giới cần một “câu chuyện phục hồi” (restoration story)[1] để dẫn dắt xã hội đến một tương lai tốt đẹp hơn, và trong bối cảnh quốc gia đặc thù người dân có tâm lý cần có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để thay đổi.
Liệu Tổng thống Hoa kỳ D. Trump với thông điệp “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) hay Tổng bí thư Tô Lâm với “kỷ nguyên mới” có là những sự kiện chính trị như kết quả phát sinh từ xu hướng nêu trên trong bối cảnh cụ thể. Liệu họ có thể kể “những câu chuyện phục hồi”? Thế giới đang khủng hoảng vì thiếu những câu chuyện mới. Ở Mỹ, một quốc gia dân chủ, đa nguyên, dân chúng, và cả giới tinh hoa, đang có chia rẽ sâu sắc, xung đột giữa những ‘cái cũ’ và ‘cái mới’, giữa những cái ‘bình thường’, quen thuộc và cái ‘bất thường’ trong mớ hỗn độn các cặp giá trị đối lập: độc tài toàn trị – dân chủ tự do, cực tả – cực hữu, chủ nghĩa dân tộc – toàn cầu… cũng như các hành vi tốt – xấu, đúng – sai, hơn – thiệt, lợi – hại…
Câu chuyện chính trị, do Tổng bí thư Đảng CS, Tô Lâm đang kể có cấu trúc thay đổi so với lô gíc ‘truyền thống’ cần có. Thay vì bắt đầu, rằng chúng ta đang mắc kẹt ở ‘hòn đảo’ thực trạng với một bộ máy “trì trệ”, “trên bảo dưới không nghe…” hậu quả là“gây lãng phí” lớn… thì ông ấy, trước tiên, mô tả đậm nét về “kỷ nguyên mới”, viễn cảnh về ‘hòn đảo’ phồn vinh nơi có nhà nước “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, người dân được phục vụ và có “thu nhập cao…” Và để thoát khỏi hòn đảo ‘trì trệ’ đến đảo ‘phồn vinh’ ông ấy có một con thuyền đang được ‘nâng cấp’, vẫn do Đảng CS ‘chèo lái’ nhưng “thay đổi phương thức lãnh đạo”, “phát triển kinh tế tư nhân” và hành động “chỉ bàn làm không bàn lùi…”
Trong các nhiệm kỳ trước Đảng đã ‘phóng tác hình ảnh’ của năm 2030 là 100 năm thành lập Đảng và 2045 là 100 năm thành lập nước, sẽ trở thành quốc gia có “thu nhập cao…” mang nặng tính tuyên truyền, nay ông Tổng bí thư Tô Lâm tự tin vào quyền lực tuyệt đối của chế độ tập quyền cao do Đảng cộng sản lãnh đạo. Những gì đang diễn ra cho thấy sự khác biệt của “kỷ nguyên mới” là tư tưởng thực dụng và hành động, nhưng liệu có là “câu chuyện mới” với sự thuyết phục về cái kết có hậu?
Ở Việt Nam dưới chế độ toàn trị thiếu vắng các quyền tự do phổ quát, những lời ca ngợi Tổng Bí thư Tô Lâm rằng “kỷ nguyên mới” là “tư tưởng lớn”[2] là ‘truyền thống’ bình thường trong khi phần lớn giới tinh hoa có vẻ bị ‘bất ngờ’, nên chờ đợi, thậm chí có bộ phận cán bộ, công chức im lặng phục tùng. Những ai có hành vi chống đối hay bất tuân ôn hoà sẽ là bất bình thường hay vi phạm pháp luật. Ngầm hiểu rằng họ có thể có thể bị cuốn đi bởi cách mạng, chuyên chế…
Bỏ qua những suy đoán và thuyết âm mưu về “ngoại giao cây tre”, chuyển đổi dân chủ hay xu hướng công an trị…, tôi cho rằng ông Tô Lâm đang ‘thể hiện bóng dáng’ Đặng Tiểu Bình thời cải cách và mở cửa ở Trung Quốc, “A little Dang” (lối chơi chữ: tiểu là bé nhỏ). Khi Đặng khởi xướng chính sách này ở một đất nước nghèo, lạc hậu, đông dân liệu mọi người có thể hình dung tương lai thịnh vượng của dân tộc, thậm chí chỉ sau nửa thế kỷ!? Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế thần kỳ để trở thành cường quốc thứ hai thế giới và, từ phương thức sản xuất với các đặc điểm chính của chủ nghĩa tư bản như quyền sở hữu tư nhân đối với tư bản, thị trường tự do, quyền sở hữu tài sản và động lực đầu tư, nền kinh tế thực sự đã là tư bản chủ nghĩa, nhưng vì duy trì thượng tầng kiến trúc là tập quyền cao độ bởi đảng cộng sản, nên gọi nó là chế độ cộng sản về hình thức.
Trung Quốc từng bị ‘cảnh báo’ là nhà nước “tư bản thân hữu” (crony capitalism), một dạng thể chế trong đó các nhóm lợi ích thân cận với chính quyền chi phối nền kinh tế và chính sách công, như nhà nghiên cứu chính trị Minxin Pei sử dụng thuật ngữ này để mô tả, nhưng giới lãnh đạo Đảng CS ‘khăng khăng’ việc áp dụng phương thức sản xuất tư bản chỉ như một sách lược để tăng cường lực lượng sản xuất để rồi khôi phục chủ nghĩa xã hội mang bản sắc riêng như dưới thời Tập Cận Bình. Hậu quả là kinh tế hiện đang ở giai đoạn suy giảm nhanh và đối mặt với những thách thức lớn bởi tham nhũng trầm trọng và bât ổn chính trị. Mặc dù vậy, với tham vọng lãnh thổ và bá chủ thế giới, Trung Quốc vẫn đang là yếu tố chủ yếu thúc đẩy động cơ đình hình thế giới mới. Mô hình Trung Quốc, chế độ toàn trị cộng sản cộng sinh với chủ nghĩa tư bản đã làm tan biến ảo tưởng của nhiều đời tổng thống Mỹ từ thời Nixon, rằng tăng trưởng kinh tế có thể chuyển đổi dân chủ, thay đổi chế độ. Và cuộc cạnh tranh thể chể phát triển đang trở nên khốc liệt.
Ở Việt Nam đã có sách dịch bởi Nguyễn Đình Huỳnh với tựa đề “Tư Bản Thân Hữu Trung Quốc” và được xuất bản vào năm 2018. [3] Minxin Pei dùng khái niệm này để mô tả hiện tượng ở một số nước có nền kinh tế thị trường nhưng chính quyền vẫn kiểm soát mạnh mẽ và có xu hướng thiên vị các nhóm lợi ích nhất định, thay vì thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Điều này hàm ý cho “kỷ nguyên mới” ở Việt Nam dưới thời Tổng bí thư Tô Lâm. Cải cách chính trị đang ở giai đoạn khởi đầu, chạy ‘rốt đa’ để vận hành trong nhiệm kỳ Đại hội 14 dự kiến vào đầu năm 2026, nhưng liệu nó có là ‘câu chuyện mới’ thì chúng ta hãy chờ xem.
Việt Nam có trạng thái ‘tư bản’ tương tự như Trung Quốc với mức độ phát triển thấp hơn, và đang thúc đẩy theo chỉ đạo của Tổng bí thư thư Tô Lâm “phải có chiến lược rõ ràng phát triển kinh tế tư nhân.”[4]. Từ những số liệu trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng bí thư thư Tô Lâm cho thấy rằng hiện thời khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế… và định hướng mục tiêu đến năm 2030 đóng góp khoảng 70% GDP, hơn thế trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thế giới…
Đảng hành động mạnh mẽ và đúng hướng kinh tế thị trường là điểm đột phá cần thiết cho kỷ nguyên mới. Trong những năm khởi đầu của 40 năm Đổi mới việc xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung và bộ máy quan liêu đã mang lại thành công, nhưng sau đó động lực đổi mới bị cản trở bởi “định hướng xã hội chủ nghĩa” và, không ít cơ hội bứt phá bị bỏ lỡ. Bài học quan trọng thứ nhất phải được đúc rút là tạo động lực là khó khăn nhưng duy trì động lực là thách thức. Khởi đầu Đổi mới “từ dưới lên”, đặt ưu tiên cải cách thể chế kinh tế, nhưng trong quá trình lại cố ‘nắn’ cho phù hợp với chính trị mà sự tha hoá quyền lực tuyệt đối[5] là căn nguyên. Nay, kỷ nguyên mới khởi đầu ‘cách mạng’ “từ trên xuống” bởi quyền lực tuyệt đối, tập trung cải cách thể chế chính trị sao cho không những chỉ phù hợp mà còn thúc đẩy kinh tế thị trường, tạo không gian và động lực cho phát triển. Bài học thứ hai quan trọng hơn là một cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu cần được thiết lập để không làm tổn hại và nhân lên động lực phát triển. Một thể chế dân chủ cộng hoà như chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt quốc hiệu đầu tiên cho Việt Nam. Đây phải là đoạn kết có hậu của câu chuyện “kỷ nguyên mới.”
Tham khảo:
- https://www.monbiot.com/2017/09/11/how-do-we-get-out-of-this-mess/;
- https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tu-tuong-lon-cua-tong-bi-thu-to-lam-va-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-trong-ky-nguyen-moi-1491931073?utm_source=chatgpt.com;
- https://nxbhcm.com.vn/63/tu-ban-than-huu-trung-quoc-4018?utm_source=chatgpt.com;
- https://dangcongsan.vn/ToLam/Lists/Tinhoatdong/View_Detail.aspx?ItemID=618;
- https://academyofideas.com/2020/07/the-psychology-of-power-how-to-dethrone-tyrants/.