Cái Việt Nam cần không phải “đặc khu” mà là cởi trói toàn bộ nền kinh tế

Tác giả: Dư Lan.

Tổng Bí thư Tô Lâm muốn cởi trói cho toàn bộ nền kinh tế để phát triển, tại sao còn cần những đặc khu riêng lẻ?

Bản chất của các đặc khu kinh tế là những khu vực giới hạn được cởi trói, trong khi phần còn lại của đất nước vẫn phải tiếp tục duy trì những thể chế kinh tế chính trị kiểu cũ.

Những chính sách dành cho đặc khu là những thử nghiệm để làm mẫu hoặc rút ra bài học cho các vùng còn lại. Việt Nam hiện nay là cần cởi trói cho toàn bộ nền kinh tế, thay vì áp dụng mô hình đặc khu kiểu cũ cho một vài khu vực riêng lẻ.

Vì sao Đặng Tiểu Bình mở đặc khu ở Trung Quốc?

Năm 1980, hai năm khi lên nắm quyền, Đặng Tiểu Bình chỉ định Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến là những đặc khu kinh tế, với mục tiêu tìm ra con đường để phát triển kinh tế Trung Quốc.

Bốn đặc khu kinh tế này có đầy đủ các điều kiện để thành công. Chúng thu hút đầu tư quốc tế bằng những ưu đãi đặc quyền về tài chính, đầu tư và thương mại. Chúng nằm nằm ở các vùng ven biển của Quảng Đông và Phúc Kiến, ngay bên cạnh các trung tâm kinh tế tài chính và công nghiệp ở Đông Bắc Á đương thời là Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Ngoài ra, trước khi bị chủ nghĩa cộng sản của Mao khép lại, những địa phương đó từng đã có lịch sử tiếp xúc với thế giới bên ngoài sớm nhất Trung Quốc.

TS. Douglas Zhihua Zeng, một chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng Đặng Tiểu Bình tính toán cả bài toán chính trị đương thời, khi chọn bốn địa phương đó làm đặc khu. Chúng được cố tình đặt xa Bắc Kinh. Vì nếu việc tiếp xúc với thế giới tư bản bên ngoài gây ra “nguy hiểm”, khoảng cách xa xôi của bốn đặc khu này với Bắc Kinh, trung tâm quyền lực chính trị của ĐCSTQ, có thể giảm thiểu rủi ro, vì các “thế lực tư bản” khó mà “can thiệp chính trị” tới Bắc Kinh.

Đó là lo ngại của Đặng Tiểu Bình ở giai đoạn chập chững dò đường. Khi nhận ra những lo ngại đó hoàn toàn không có thật, Đặng đã hào hứng mở thêm hàng loạt đặc khu khác dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc.

GS Barry Naughton ở Đại học UC San Diego cho biết thông điệp chính Đặng Tiểu Bình gửi cho toàn Trung Quốc trong chuyến “tuần du phương Nam” năm 1992 là “không quan trọng nếu các chính sách được dán nhãn là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, miễn là chúng thúc đẩy sự phát triển.” (trong sách “The Chinese Economy: Transitions and Growth” năm 2007.)

Với tư tưởng này, Đặng Tiểu Bình dần dần làm cho cả nước Trung Quốc được mở cửa tối đa về mặt thị trường. Nói cách khác, cả nước Trung Quốc trở thành “đặc khu,” thu hút đầu tư lớn của thế giới và tăng trưởng hai con số suốt nhiều thập kỷ.

Các bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy ông cũng thực tiễn như người đã mở cánh cửa cho Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển đó. Như RFA đã phân tích, ông quyết định lấy kinh tế tư nhân làm động lực cho sự phát triển của đất nước.

Thế nhưng chính ở điểm này, có một câu hỏi lớn xuất hiện: Nếu cần phải mở cửa cho cả nước, vậy việc xây dựng những đặc khu riêng ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc có còn cần thiết không?

Câu hỏi này càng trở nên khó trả lời hơn không chỉ vì bối cảnh dẫn đến sự thành công của các đặc khu thời Đặng Tiểu Bình không còn nữa, mà còn vì một bối cảnh mới: Tập Cận Bình xây dựng các “đặc khu kinh tế” trong chương trình “Vành đai Con đường”.

Những “đặc khu kinh tế” nằm trên “Vành đai Con đường” của Trung Quốc

Enze Han, giáo sư chính trị và chính sách công ở Đại học Hong Kong, cho biết Trung Quốc tích cực xây dựng các “đặc khu kinh tế” ở Đông Nam Á. Đây là một phần của chương trình “Vành đai Con đường” của Tập Cận Bình. Các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á thường có các khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên công nghệ và đổi mới.

Theo Enze Han, chương trình này giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần về máy móc công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất ở các nước đó. Chiến lược này giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Theo đó, thông qua các đặc khu này, Trung Quốc sẽ chuyển những hoạt động sản xuất cấp thấp ra nước ngoài, xuất khẩu các công nghệ thải loại của Trung Quốc đến các đặc khu kinh tế mà họ là tác nhân thúc đẩy xây dựng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ Trung luôn căng thẳng, nhất là trong lĩnh vực thương mại, chính sách này giúp doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng né tránh thuế quan của Hoa Kỳ. (Sách “The Ripple Effect: China’s Complex Presence in Southeast Asia.” 2024.)

Ngoài ra, theo GS Dawn Murphy ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, các đặc khu Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài còn nhắm tới mục đích thúc đẩy sự ủng hộ đối với Trung Quốc trong hệ thống quốc tế thông qua ràng buộc lợi ích. (Sách “China’s Rise in the Global South: the Middle East, Africa, and Beijing’s Alternative World Order” năm 2022.)

Như vậy, Trung Quốc bỏ tiền xây dựng các đặc khu kinh tế ở nước ngoài để nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược cho họ cả về kinh tế và chính trị.

Chính điều này khiến cho câu hỏi về lợi ích của Việt Nam khi xây dựng các đặc khu kinh tế trở nên khó trả lời hơn.

Bởi lẽ, lợi ích mà Việt Nam đạt được từ những đặc khu như Vân Đồn, nằm sát cạch Trung Quốc, là không rõ ràng, trong khi nó có thể phục vụ những lợi ích to lớn cho nước láng giềng.

Đó là chưa tính đến những thiệt hại mà các đặc khu này có thể gây ra cho Việt Nam.

Có thể lấy một đặc khu kinh tế ở nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia làm ví dụ. Trung Quốc và Campuchia định hướng phát triển đặc khu kinh tế Sihanoukville theo nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, đây sẽ là thành trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng, ở giai đoạn tiếp theo, nó sẽ chuyển sang sản xuất những mặt hàng có giá trị chất xám cao như máy móc, vật liệu quang điện và hóa chất.

Nhưng trên thực tế, đặc khu này khi đi vào hoạt động, đã trở thành một trung tâm tội phạm và tệ nạn xã hội. Mặc dù tính đến tháng 3 năm 2020, đặc khu kinh tế Sihanoukville có 174 nhà máy sử dụng hơn 30.000 người, các mục tiêu kinh tế ban đầu như trở thành nơi sản xuất máy móc, hàng hóa có giá trị cao đều không đạt được. (Sách “The Belt and Road City: Geopolitics, Urbanization, and China’s Search for a New International Order” của Curtis Simon, Klaus Ian năm 2024.)

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết sau đại dịch Covid-19, đặc khu Sihanoulkville bị suy tàn, các tòa nhà bỏ trống. Còn trước đó, nó trở thành một vấn đề an ninh của Campuchia khi các loại tội phạm quốc tế hoành hành. Đó là một vấn nạn về an ninh “phi truyền thống” mà Campuchia chưa có kinh nghiệm và lực lượng để giải quyết.

Nhiều học giả đã chỉ ra các đặc khu kinh tế do Trung Quốc xây dựng dọc theo Vành đai Con đường thường chỉ nhắm tới những lợi ích ngắn hạn, không xây dựng được những nền tảng về nhân lực và công nghệ để phát triển trong dài hạn. Điều nguy hiểm hơn, chúng thường lặp lại những sai lầm, tiêu cực của các đặc khu Trung Quốc xây dựng bên trong lãnh thổ của họ. Các đặc khu của Trung Quốc bên cạnh những thành công đã được kể đến, cũng đã tạo ra rất nhiều điều tai hại. Theo học giả Ấn Độ Shankar Gopalakrishnan, đó là bất bình đẳng quá mức trong phát triển khi nguồn lực quốc gia được trao cho một số nhóm nhỏ, đất đai canh tác của số đông nông dân bị thu hồi, đầu cơ bất động sản nhắm vào lợi ích ngắn hạn và đặc biệt là đàn áp quyền của người lao động.

Có thể thấy, khi mang các đặc khu ra nước ngoài, hoặc khi lấp đầy các đặc khu ở nước ngoài, Trung Quốc mang theo hầu những điều tiêu cực họ đã làm trong lãnh thổ của họ.

Từ Thâm Quyến của Đặng Tiểu Bình đến Hùng An của Tập Cận Bình

Có thể Việt Nam không muốn xây dựng các đặc khu theo kiểu Đặng Tiểu Bình vì bối cảnh đã thay đổi. Trung Quốc ngày nay đang phát triển những đặc khu mới, với mục tiêu mới, không còn giống như mục đích ban đầu từ thời Đặng. Đặc khu Hùng An (Xiongan) là một ví dụ.

Hùng An (Xiongan) là một đặc khu cách Bắc Kinh khoảng 100 km. Tập Cận Bình muốn xây dựng Hùng An thành một đặc khu mang dấu ấn lịch sử của mình, tương tự như Thâm Quyến gắn liền với tên tuổi của Đặng Tiểu Bình.

Trao đổi với RFA, một cựu quan chức cấp cao của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) không muốn nêu tên cho rằng Hùng An không phải là một dự án phi lý.

Bởi vì Hùng An chỉ cách Bắc Kinh 100 km, được Tập Cận Bình kết nối bằng hệ thống giao thông công cộng hiện đại (đường bộ cao tốc, tàu điện cao tốc). Hùng An đáp ứng nhu cầu đưa các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi Bắc Kinh vốn đã chật chội và không còn đất.

Mặt khác, xây dựng đặc khu Hùng An, Tập Cận Bình còn nhắm tới mục tiêu phát triển công nghệ cao cho Trung Quốc. Ông phát triển Hùng An theo hướng trở thành đô thị thông minh, vận hành bằng công nghệ cao. Các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có “đất dụng võ” để nghiên cứu và thí nghiệm những sản phẩm công nghệ phục vụ cho đại đô thị. Kinh phí mà chính quyền trung ương đổ vào đặc khu Hùng An cuối cùng lại chạy vào túi các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy họ phát triển. Nếu các doanh nghiệp công nghệ này thành công, Trung Quốc có thể phát triển lên một tầm cao mới. Hiện trên thế giới, chưa có nước nào đầu tư phát triển công nghệ cho “đô thị thông minh” bằng cách xây dựng hẳn một đô thị / đặc khu mới như vậy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2023 đã khảo sát đặc khu Hùng An này. Ông Chính cũng từng ký Quyết định Số: 700/QĐ-TTg về quy hoạch Hà Nội, đề cập đến mục tiêu xây dựng Hà Nội thành “đô thị thông minh”.

Malaysia cũng có một đặc khu tương tự Hùng An của Trung Quốc là Johor Bahru. Giống như Thâm Quyến trước đây nằm bên cạnh Hồng Kong, Hùng An ngày nay chỉ cách Bắc Kinh 100 km mà được kết nối bằng giao thông công cộng hiện đại, Johor Bahru của Malaysia thậm chí chỉ cách Singapore một con sông và được kết nối bằng cầu.

Johor Bahru rõ ràng có mục tiêu kêu gọi đầu tư từ Singapore, một quốc gia thừa tiền, có công nghệ nhưng thiếu đất và thiếu nhân công.

Các đặc khu Việt Nam từng tính đến như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đều không nằm bên cạnh bất kỳ một trung tâm quốc tế nào về tài chính, công nghệ. Vậy chúng có thể đạt được những mục tiêu mà Hùng An, Johor Bahru nhắm tới không?

Nguyễn Quốc Trí, một nhà báo nhà nghiên cứu độc lập ở Tp. HCM, trao đổi với RFA rằng các dự án đặc khu của Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư duy “vĩ cuồng” kiểu Trung Quốc. Ý tưởng về các đặc khu này không tuân theo các nguyên tắc của thị trường. Các đặc khu trước đó ở Trung Quốc và Malaysia thành công vì nó đi theo nhu cầu của thị trường. Đặc khu Hùng An của Tập Cận Bình ngày nay, dù được đầu tư mạnh mẽ, quy hoạch khoa học, nó vẫn là một đại dự án duy ý chí, phản ánh ý chí của lãnh đạo hơn là nhu cầu có thực của thị trường. Do đó, nó có thể thành công ở mặt đầu tư công nghệ, bất động sản, hạ tầng giao thông, nhưng nếu tất cả những gì tốt đẹp này không ăn khớp với nhu cầu của thị trường, nó sẽ thất bại vì thị trường không phản ứng tích cực với nó.

Theo một cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế trao đổi với RFA, quá tốt nếu Việt Nam có thể học tập được phương pháp quy hoạch và phát triển khoa học của Trung Quốc, kể từ khi quốc gia khổng lồ này quyết định hội nhập với phương Tây. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là không có khả năng học được họ, làm được những mặt thành công của họ. Việt Nam thường lặp lại mặt tiêu cực và những cái thất bại của Trung Quốc nhiều hơn. Xây dựng được đặc khu rồi thì mới biết đặc khu ấy có được thị trường quốc tế chấp nhận không, nhưng e rằng, ngay cả việc hoàn thành dự án ấy Việt Nam cũng chưa chắc làm nổi. Bởi lẽ hệ thống quan liệu của Việt Nam rất nặng nề. Điều này khó sửa chữa chỉ bằng cách sáp nhập các cơ quan trung ương và tỉnh thành.

“Đặc khu” phần cứng hay phần mềm?

“Đặc khu” nên được hiểu là “phần cứng” hay “phần mềm”? Các lãnh đạo Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số trong mười năm tới. Tổng Bí thư Tô Lâm muốn cải cách Việt Nam, tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Nếu ông làm được, thực chất cả Việt Nam sẽ trở thành “đặc khu”.

Theo Ngân hàng Thế giới, bài học thành công của các đặc khu kinh tế Trung Quốc nằm ở “phần mềm,” tức chính sách, luật pháp, và cách làm việc của bộ máy, chứ không chỉ “phần cứng,” tức cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng là cái dễ làm. Cứ có tiền đầu tư sẽ xây dựng được cầu, cảng, sân bay, đường cao tốc. Nhưng theo Ngân hàng Thế giới, điều làm nên sự thành công của các đặc khu Trung Quốc là chúng gắn kết được với các nguồn lực quốc tế, trở thành môi trường thúc đẩy sự đổi mới. Các đặc khu trở thành nơi bồi dưỡng nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt, chính sách được xây dựng, thúc đẩy từ dưới lên.

Trong bối cảnh Việt Nam, chính sách được xây dựng từ dưới lên là kết quả của một xã hội trở nên cởi mởi, tự do, bên dưới có không gian để suy nghĩ, thử nghiệm, đề xuất, sửa chữa chính sách. Bệ đỡ cho tinh thần ấy của xã hội là một nền tảng luật pháp minh bạch và tôn trọng quyền tư hữu. Đó là những điều không dễ có.

Một trong những cơ sở để các đặc khu kinh tế thời Đặng Tiểu Bình thành công là tôn trọng sở hữu tư nhân để thúc đẩy tối đa tinh thần đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, thử nghiệm, khuyến khích sáng tạo và đầu tư. Gần đây, trong bài phát biểu về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hàng loạt chính sách để Việt Nam phát triển, trong đó có tôn trọng quyền tư hữu. Đó là tư tưởng đúng đắn. Nhưng, trao đổi với RFA, TS. Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho rằng, hệ thống ở Việt Nam không dễ thực hiện điều đó.

“Trong một hệ thống không có tư pháp độc lập như hiện nay, việc tôn trọng tài sản tư hữu, nếu có, thì nó chủ yếu đến từ ước muốn của nhà lãnh đạo. Sự diễn giải về quyền tư hữu do đó cũng nằm trong tay của nhà cầm quyền. Đó gần như là một sự ban phát quyền. Do đó họ sẽ tôn trọng quyền tư hữu cho đến chừng nào mà họ thấy việc tôn trọng quyền tư hữu, ở một vài lĩnh vực nào đó chẳng hạn, là không còn cần thiết hoặc đem lại lợi ích cho họ nữa. Ví dụ về cách họ diễn giải quyền sử dụng đất đai vậy. Cho nên không có gì chắc chắn rằng việc quốc hữu hoá ở một số lĩnh vực hay doanh nghiệp nào đó là không xảy ra trong tương lai.”

Nguồn: Dư Lan, “Cái Việt Nam cần không phải “đặc khu” mà là cởi trói toàn bộ nền kinh tế,” RFA Tiếng Việt, 31/3/2025.


Đăng ngày

trong

, ,

Thẻ: