Vẽ đường cho Tô Lâm chạy

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ.

Ông Tô Lâm lên nắm quyền vào lúc kinh tế Việt Nam khủng hoảng nghiêm trọng, trật tự thế giới đang thay đổi, mô hình phát triển kinh tế buộc phải chỉnh sửa, dân số bắt đầu già, Việt Nam đang đi vào bẫy thu nhập trung bình, và quan trọng nhất là lòng dân bắt đầu muốn thấy một cuộc cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hơn. 

Ông Tô Lâm hiểu điều đó, vì vậy mà ông phát động cuộc cải cách thể chế và giương cao khẩu hiệu “kỷ nguyên mới”. Hơn ai hết, ông cũng hiểu rằng tính chính danh của một chế độ trước hết nó nằm ở chỗ chế độ hay nhiệm kỳ đó phải mang lại sự phồn thịnh cho đất nước, và sau đó là nó phải bảo đảm tính công lý trong một xã hội. Tính công lý này rộng hơn và bao gồm cả dân chủ. Công lý bảo đảm rằng người dân được đối xử công bằng, có trách nhiệm và vai trò như nhau trong các vấn đề chính trị đất nước. 

Với một người đã 70 tuổi, ông Tô Lâm không có nhiều thời gian. Ông chỉ có thể nắm quyền một hoặc hai nhiệm kỳ nữa. 

Tiền thì chắc ông không thiếu. Quyền lực thì cũng sẽ từ bỏ ông sau một hoặc hai nhiệm kỳ nữa, như người tiền nhiệm ông hay bất cứ ai khác. Ông chỉ có thể để lại danh tiếng của mình trong lịch sử, điều mà bất cứ một lãnh đạo chính trị nào cũng đều nghĩ đến. 

Câu hỏi là ông sẽ nên làm gì với một hoặc hai nhiệm kỳ đó với giả định rằng ông muốn giải quyết những điều sau: (1) muốn bảo đảm rằng đất nước sẽ đi vào lộ trình dân chủ hoá; (2) muốn bảo đảm rằng cá nhân và gia đình mình an toàn; (3) muốn bảo đảm rằng các thành viên của đảng Cộng sản được an toàn; và (4) đất nước sẽ trở nên phồn thịnh. 

Một cách không vòng vo, tiêu đề của bài này, “Vẽ đường cho Tô Lâm chạy,” sẽ trình bày những gợi ý mà ông Tô Lâm có thể tham khảo cho chiến lược chính trị của mình nhằm giải quyết những điều trên. Tiêu đề này mượn thành ngữ quen thuộc của Việt Nam đó là “vẽ đường cho hưu chạy”, ngoài ra không có ý gì khác. 

Giải quyết ba vấn đề đầu tiên đòi hỏi những bước đi chiến lược chính trị khéo léo mà theo tôi ông Tô Lâm có thể học theo chiến lược của cố tổng thống Lý Đăng Huy của Đài Loan. Việt Nam hiện nay và Đài Loan trước lúc Lý Đăng Huy nắm quyền có nhiều điểm tương đồng, đó là quyền hành của đất nước nằm chủ yếu ở cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp hầu như không có quyền hành gì đáng kể. 

Năm xưa, khi Lý Đăng Huy lên chấp chính, vì là một người gốc Đài Loan và có xu hướng cải cách, ông bị chống đối mạnh mẽ bởi chính những người bên trong đảng của mình, những người không muốn cải cách để bị mất quyền lực và quyền lợi. Chiến lược của ông lúc đó là cho bầu cử trực tiếp tổng thống để củng cố quyền lực. Sau khi đã củng cố quyền hành và có sự ủng hộ của nhân dân, ông cho cải cách đảng, cải cách quốc hội, và cải cách quốc gia. 

CẢI CÁCH THÀNH MÔ HÌNH TỔNG THỐNG KIỂU MỸ ĐỂ TIẾP TỤC NẮM QUYỀN

Một cách cụ thể, nhân tiện việc cải cách hiến pháp sắp đến, ông Tô Lâm có thể cho sửa hiến pháp để nó hình thành nên mô hình tổng thống – học theo mô hình của Mỹ. 

Trong hệ thống này, chính quyền gồm ba nhánh là hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Đứng đầu chính quyền là tổng thống, có nhiệm kỳ là 4 năm. Ông cũng có thể học theo mô hình Đài Loan đó là tổng thống có quyền bổ nhiệm thủ tướng để lo việc theo chỉ đạo của tổng thống. 

Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới và với hiến pháp mới, ông chắc chắn thắng cử và lên cầm quyền với vai trò tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ông chắc chắn đi vào lịch sử. Lưu ý là cho đến lúc này, với sự kiểm soát của đảng Cộng sản, đảng của ông vẫn độc tôn quyền lực ở Việt Nam. Quốc hội Việt Nam lúc này vẫn là quốc hội của đảng Cộng sản. 

Trong hiến pháp mới này, Quốc hội nên có hai viện tương tự như Hoa Kỳ. Các nghị sỹ cũng nên được bầu chọn trực tiếp để tăng tính giải trình và trách nhiệm của họ. 

Nếu quốc hội chỉ có một viện, quyền lực của quốc hội trở nên cực kỳ lớn, và nó sẽ làm cán cân quyền lực của quốc gia sau này nghiêng hẳn về phía quốc hội, khiến quốc hội dễ dàng truất phế tổng thống. Điều này sẽ dẫn đến hệ thống chính trị quốc gia bất ổn, tổng thống không thể ra những quyết định mạnh mẽ và cần thiết. 

Hạ viện gồm các dân biểu có nhiệm kỳ 2 năm. Quốc gia nên chia thành khoảng 500 khu vực bầu cử nhỏ, và mỗi khu vực bầu ra một dân biểu. Bầu một vòng, mỗi đảng cử một người ra tranh cử ở mỗi khu vực bầu cử, người nào nhận được sự ủng hộ lớn nhất, người đó thắng. 

Thượng viện gồm các thượng nghị sỹ đại diện cho một vùng. Nhiệm kỳ của thượng nghị sỹ là 6 năm. Quốc gia nên chia thành 12 vùng. Mỗi vùng có 6 thượng nghị sỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, quy định được đưa ra rằng hai thượng nghị sỹ phục vụ 2 năm, hai thượng nghị sỹ phục vụ 4 năm, và hai thượng nghị sỹ còn lại phục vụ trọn nhiệm kỳ 6 năm. Như vậy, sau đó cứ hai năm mỗi vùng phải bầu lại hai thượng nghị sỹ hay Thượng viện bầu lại 1/3 thượng nghị sỹ. Cử tri trong vùng sẽ bầu hai thượng nghị sỹ trực tiếp. Hai ứng viên nào dành phiếu cao nhất sẽ đại diện cho vùng. Mỗi đảng cử tối đa hai ứng viên tranh cử.

Việc bầu thượng nghị sỹ đại diện cho mỗi vùng là một cách để người dân chọn ra những lãnh đạo đại diện cho vùng. Những lãnh đạo này là những hạt nhân để trở thành những lãnh đạo quốc gia sau này. 

Với 12 vùng, mỗi vùng 6 thượng nghị sỹ, Thượng viện sẽ có 72 ghế thượng nghị sỹ. 

Mười hai vùng được phân bố như sau. Ở phía Bắc có 4 vùng: Vùng Đông Bắc Bộ, vùng Tây Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng (trừ Hà Nội), và Hà Nội. Miền Trung và Tây Nguyên có thể chia thành 4 vùng: vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Trung Trung Bộ, và vùng Nam Trung Bộ, giải đất miền Trung dọc biển do vị trí địa lý hẹp và dài được chia thành 3 vùng. Phía Nam có 4 vùng: vùng Đông Nam Bộ (trừ Sài Gòn), Sài Gòn, các tỉnh Tây Nam Bộ phía Bắc sông Hậu (Tây Nam Bộ Bắc), và các tỉnh Tây Nam Bộ phía Nam sông Hậu (Tây Nam Bộ Nam).

Sở dĩ vùng Tây Nam Bộ nên chia thành hai vùng vì vùng Tây Nam Bộ quá lớn và quá đông về dân số; nó gồm 13 tỉnh thành và có tới gần 18 triệu dân. Việc chia vùng Tây Nam Bộ làm hai vùng như vậy, thì trung bình mỗi vùng có gần 9 triệu dân.

Sau khi phân bổ, chúng ta sẽ có 12 vùng trên cả nước và mỗi vùng sẽ có dân số từ 5 triệu đến 10 triệu. Vùng Tây Bắc Bộ, gồm các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, và Lai Châu, là vùng thưa dân nhất với dân số khoảng 5 triệu người; vùng Sài Gòn là vùng đông dân nhất với dân số là 10 triệu người. 

Đứng đầu chính quyền vùng sẽ là một thống đốc. Nhiệm kỳ của thống đốc là 4 năm. Người dân sẽ bầu thống đốc trực tiếp; ứng viên nào dành nhiều phiếu nhất sẽ thắng. 

Như vậy, trên trường chính trị quốc gia, mỗi vùng sẽ có 7 người đại diện cho vùng, đó là sáu thượng nghị sỹ và một thống đốc. 

Bảy người này còn là những hạt nhân chính trị sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quốc gia trong trường hợp lãnh đạo quốc gia hết nhiệm kỳ. 

Với 12 vùng, chúng ta có 84 lãnh đạo chính trị cấp vùng. Những người này vừa đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo kế nhiệm vừa đóng vai trò là tiếng nói nhằm kiểm soát quyền lực của tổng thống. 

Như vậy, Thượng viện và Hạ viện sẽ tách bạch và cân đối quyền lực lập pháp của nhau và nó cũng cân đối trong cách ứng xử quyền lực của mình. 

Hệ thống hành chính của vùng cũng nên tương tự như quốc gia, được phân chia thành ba nhánh chính là hành pháp, lập pháp và tư pháp. Đứng đầu hành pháp là thống đốc, quốc hội hai viện, và hệ thống tư pháp mà trong đó thống đốc được quyền bổ nhiệm thẩm phán với sự chấp thuận của thượng viện vùng. 

Nhân chuyện chính quyền đang sắp xếp các khu vực hành chính, tôi đề xuất rằng chính quyền nên cho phép hình thành các vùng hành chính, tương tự một bang ở Hoa Kỳ. Mỗi vùng gồm vài tỉnh. Như vậy, không cần phải xoá địa giới của tỉnh, cũng không cần phải làm lại giấy tờ cho người dân, đỡ tốn kém. Chính quyền vùng chịu trách nhiệm quản lý hành chính và chính sách của các tỉnh trong vùng; nó có thể dùng lại con dấu của các tỉnh trong vùng. Với việc sáp nhập xã huyện, tôi thiết nghĩ không nên bỏ huyện và sáp nhập xã, vì nó mất thì giờ và công sức. Thay vào đó, chính quyền chỉ cần chuyển các hoạt động chính hết lên huyện. Giảm bớt cán bộ và hoạt động ở xã là đủ. 

Một cách chi tiết, các vùng ở Việt Nam có thể chia như sau: 

(1) Thành phố Hà Nội;

(2) Vùng Đồng Bằng sông Hồng (trừ Hà Nội) gồm các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình;

(3) Vùng Tây Bắc Bộ gồm các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình;

(4) Vùng Đông Bắc Bộ gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ;

(5) Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh;

(6) Vùng Trung Trung Bộ gồm các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi;

(7) Vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận;

(8) Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak, Lâm Đồng, Dak Nông;

(9) Sài Gòn;

(10) Vùng Đông Nam Bộ (trừ Sài Gòn) gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu;

(11) Vùng Tây Nam Bộ phía bắc sông Hậu gồm các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh;

(12) Vùng Tây Nam Bộ phía nam sông Hậu gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.

GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, đảng Cộng sản chắc chắn nắm hết các ghế cả trong Thượng viện và Hạ viện.

Sau khi cầm quyền được 2 năm, ông tổng thống Tô Lâm theo hiến pháp mới, có thể cho bầu cử giữa kỳ và mở rộng dân chủ, cho phép các cá nhân độc lập được quyền tham gia ứng cử. Với uy tín và quyền lực của mình, hành động này của ông chắc chắn nhận được nhiều sự ủng hộ của dân chúng. 

Nhiều lắm là phe ngoài đảng chỉ có thể nắm giữ một đa số Hạ viện và một phần ba của Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Họ không thể làm gì để truất phế một tổng thống cả, vì việc truất phế tổng thống cần 2/3 phiếu ủng hộ ở cả Hạ viện và Thượng viện.

Như vậy, ông Tô Lâm có thể thoải mái ngồi làm việc suốt nhiệm kỳ của mình mà không hề phải lo lắng việc bị truất phế. Với uy tín của mình trong cải cách, kỳ bầu cử sau chắc chắn ông Tô Lâm cũng lại thắng cử. Lần này, ông có thể nới rộng hơn để quốc hội có nhiều nghị sỹ ngoài đảng xuất hiện hơn, miễn sao lực lượng thân ông và đảng Cộng sản của ông vẫn chiếm ít nhất hơn 1/3 ghế ở một viện là đủ để hạn chế việc đàn hạch nhằm truất phế ông. 

Như vậy, chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, ông Tô Lâm đã có thể thiết lập được một sự chuyển tiếp sang dân chủ cho một quốc gia mà ở đó không làm mất đi quyền lực của đảng Cộng sản một cách đột ngột. Nó cũng không làm ảnh hưởng đến an ninh hay quyền lực của ông. Trong thời gian đó, với uy tín của mình, ông có thể tuyển chọn các ứng viên mới có năng lực và uy tín cho đảng Cộng sản để đại diện trong các cuộc tranh cử mỗi hai năm một lần. Và như vậy đảng Cộng sản sẽ chuyển mình thành một đảng quan trọng trong chính trường Việt Nam trong tương lai, tương tự như Quốc dân Đảng ở Đài Loan. 

TẠI SAO LẠI LÀ MÔ HÌNH TỔNG THỐNG KIỂU MỸ

Đến đây thì nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi là tại sao lại là mô hình tổng thống kiểu Mỹ. 

Thứ nhất là cải cách theo mô hình tổng thống kiểu Mỹ, trong trường hợp này, nó cho phép ông Tô Lâm tiếp tục giữ quyền hành pháp mạnh mẽ và từ đó ông có sự độc lập để kiểm soát quá trình chuyển đổi. Dù gì thì ông cũng đã 70 tuổi, và tối đa là ông cũng chỉ ngồi được 2 nhiệm kỳ nữa. 

Ngược lại, trong vai trò tổng bí thư ông phải luôn nhìn trước nhìn sau để ra các quyết định của mình và luôn đối diện với khả năng bị Bộ Chính trị truất phế. Các quyết định của ông do đó là một sự thoả hiệp giữa mong muốn của ông và nhu cầu duy trì quyền lực và quyền lợi của những người lãnh đạo khác trong Bộ Chính trị. Ông Tô Lâm chắc chắn không thể cải cách được nhiều thậm chí khi ông muốn. 

Với vai trò tổng thống, ông chỉ có trách nhiệm với quốc hội và chừng nào ông còn kiểm soát được ít nhất 1/3 thành viên ở một viện trong quốc hội, một điều quá dễ dàng, thì ông có thể yên tâm thực hiện các cải cách lớn.

Thứ hai, một số người sẽ đề xuất rằng Việt Nam nên quay lại mô hình Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời ông Hồ Chí Minh. Tôi không nghĩ đây là một đề xuất hay. Trong mô hình này, quốc hội sẽ bầu ra chủ tịch. Nếu ông Tô Lâm mở đường để cải cách quốc hội, nhằm nới rộng dân chủ, các dân biểu mới dễ dàng truất phế ông Tô Lâm để chọn một người khác bất cứ lúc nào. Quốc hội vì vậy sẽ luôn ngăn chặn ông Tô Lâm thực thi bất cứ sự cải cách nào với quốc hội. 

Hơn nữa, những kinh nghiệm của quốc hội thời ông Hồ Chí Minh cũng không phải là một sự thành công. Các đảng phái vì khác biệt tư tưởng đã chống đối kịch liệt dẫn đến quốc hội bế tắc, chính phủ tê liệt. 

Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ cho phép chính phủ vẫn có thể hoạt động được thậm chí trong trường hợp có sự phân cực lớn về tư tưởng giữa các nhóm trong cùng một quốc gia. 

Là một người nghiên cứu hệ thống chính trị nghị viện, tôi rất ngưỡng mộ hệ thống này với điều kiện rằng các đảng phái có thể hợp tác với nhau. Tuy vậy, khi các đảng phái có lý tưởng khác biệt quá xa, không hợp tác với nhau được, hệ thống nghị viện sẽ bế tắc. 

Một cách giải quyết đó là áp dụng mô hình chính trị theo đa số (majoritarian model) kiểu Anh, mà trong đó các dân biểu được bầu trực tiếp, một vòng, theo phương thức người-nhiều-phiếu-nhất-sẽ-thắng. Theo thể thức bầu cử này, về lâu dài (có khi mất vài chục năm), nó sẽ hình thành nên hệ thống lưỡng đảng. Và một đảng có thể dễ dàng chiếm đa số hạ viện để lập nên chính phủ. Mô hình này còn được gọi là “nền độc tài có chọn lựa”, vì khi đó, đảng chiếm đa số trong quốc hội vừa kiểm soát quốc hội, vừa kiểm soát chính phủ, và thậm chí có ảnh hưởng lớn đến hệ thống tư pháp. Sự độc lập trong tam quyền phân lập sẽ không còn nữa mà thay vào đó chỉ còn nhị quyền phân lập khi lập pháp và hành pháp thuộc về một phe còn tư pháp thì thuộc về một phe khác, hoặc thậm chí đảng cầm quyền có thể ảnh hưởng (nếu họ cầm quyền lâu dài) lên hệ thống tư pháp để cuối cùng chỉ còn một đảng cầm quyền ảnh hưởng tất cả. Mô hình này vì vậy cũng dễ dàng đưa một nước tới một sự độc đoán chính trị mới khi một đảng cầm quyền có thể duy trì quyền lực trong vài thập kỷ dù cho bầu cử tương đối dân chủ diễn ra. Nếu may mắn đảng cầm quyền thành công, nó đưa đất nước phát triển nhanh chóng, như đảng Nhân dân Hành động của Singapore. Ngược lại, nếu nó thất bại, đất nước sẽ mất thời gian rất lâu để thay đổi, như đảng Quốc đại của Ấn Độ. 

Câu hỏi thứ ba là liệu mô hình tổng thống kiểu Mỹ có thành công? 

Lưu ý là mô hình tổng thống kiểu Mỹ khác hẳn với mô hình tổng thống ở các nước Nam Mỹ hay ở các nước khác. 

Mô hình tổng thống kiểu Mỹ được thiết kế cẩn thận để bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc của kiểm tra và cân bằng (check and balance), điều mà các thể chế tổng thống khác thường không có hoặc đã bị làm yếu đi. 

Ví dụ ở các nước Nam Mỹ, mô hình tổng thống ở đây đã có những sự chỉnh sửa, làm mất đi tính cân bằng quyền lực và sự giải trình của các vị trí dân cử, và vì vậy mà nó khiến cho hệ thống chính trị bất ổn, hoặc thiếu hiệu quả. 

Ở Ecuador, quốc hội chỉ có một viện. Việc quốc hội chỉ có một viện khiến quốc hội trở nên có quyền lực vô cùng mạnh mẽ. Quốc hội dễ dàng truất phế tổng thống khi chỉ cần có hai phần ba số nghị sỹ ủng hộ. Vị trí tổng thống ở Ecuador vì vậy mà mất ổn định. 

Hệ thống chính trị Mỹ theo hệ thống liên bang tản quyền, còn ở Ecuador theo hệ thống tập quyền. Việc tổng thống tập quyền tạo ra nhiều quyền lực cho  tổng thống đồng thời tạo ra nhiều áp lực kỳ vọng rằng tổng thống có thể giải quyết cả những nhu cầu ở địa phương — điều mà ông ta không thể. 

Một so sánh khác là trường hợp Colombia. Ở Colombia, hệ thống chính trị được thiết kế theo hướng tản quyền, các tỉnh có nhiều quyền, và quốc hội có hai viện. 

Vì vậy cho nên dù Colombia và Ecuador là những vùng từng ở trong cùng một nước lớn trước đây và giờ được tách ra, có nghĩa là văn hoá tương đồng, chính trị Colombia ổn định hơn hẳn vì quốc hội có hai viện luôn giám sát lẫn nhau khi so với Ecuador. Kinh tế của Colombia cũng ổn định và tăng trưởng hơn, dù họ có mấy chục năm nội chiến.  

Tuy vậy, khác biệt lớn giữa Thượng viện Colombia so với Thượng viện Mỹ đó là các thượng nghị sỹ ở Colombia được bầu theo tỉ lệ dựa trên số phiếu dành cho đảng của mình, còn ở Mỹ thì thượng nghị sỹ được bầu trực tiếp. Việc bầu theo tỉ lệ khiến cho vai trò, trách nhiệm và tính giải trình của thượng nghị sỹ ở Colombia bị giảm nhẹ. Các thượng nghị sỹ ở Colombia vì vậy không được xem như là một lãnh đạo đại diện cho một vùng như ở Mỹ. 

Việc bầu trực tiếp nó sẽ giúp tăng uy tín và quyền lực của thượng nghị sỹ. Thượng nghị viện lúc này sẽ trở thành một cơ quan quyền lực rất lớn, là tiếng nói trong quốc hội của các lãnh đạo đại diện cho vùng hay bang. Các thượng nghị sỹ vì vậy là những hạt nhân lãnh đạo quốc gia. 

Vì vậy, muốn thể chế tổng thống ở Việt Nam hoạt động được, tránh độc tài, nó phải được thiết kế để bảo đảm có hai yếu tố kiểm tra và cân bằng. Ở đây là tản quyền và có hai viện; phải có thượng viện bao gồm các lãnh đạo dân cử của vùng. 

Thứ tư, hai chế độ tổng thống ở miền Nam Việt Nam đã không thành công chủ yếu đến từ việc hệ thống chính trị đã không được thiết kế để bảo đảm hai yếu tố kiểm tra và cân bằng như chế độ tổng thống ở Mỹ. Cụ thể, cả hai chế độ tổng thống đều tập quyền và đều chỉ có một viện. Việc tập quyền đã cho phép tổng thống giữ một quyền lực lớn mà không cần đối trọng với các lãnh đạo địa phương. Việc thiếu thượng viện gồm các lãnh đạo được bầu trực tiếp ở địa phương cũng làm giảm đi một cơ chế quan trọng giúp kiểm soát quyền lực của tổng thống. Hậu quả là quyền lực của tổng thống rất nhiều mà không có cơ chế kiểm soát.

Thứ năm, sau hơn 200 năm thử nghiệm, hệ thống chính trị của Hoa Kỳ  đã được mổ xẻ và cung cấp vô số bài học.

Luật pháp và tài liệu của mô hình Mỹ được viết bằng tiếng Anh, dễ cho những nhà nghiên cứu luật và làm luật ở Việt Nam tham khảo. 

Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam thậm chí có thể nhập khẩu toàn bộ hệ thống luật pháp của họ hoặc nhập khẩu từng lãnh vực như thương mại hay tài chính. Điều này giúp Việt Nam tiết kiệm được nguồn lực và giúp hệ thống kinh tế Việt Nam nhanh chóng tích hợp với hệ thống thương mại của thế giới. Điều này đặc biệt cần thiết nhất là trong trường hợp Việt Nam muốn xây dựng một trung tâm tài chính thế giới và sau đó thậm chí thay đổi thành một trung tâm kinh tế của khu vực. Việc tương thích về luật pháp này đem lại nhiều lợi ích. 

Và cuối cùng, tại sao một sự cải cách chính trị có thể mang lại sự phồn vinh của đất nước? 

Đó là vì khi quốc hội có nhiều những người tài năng tham gia, các tiếng nói và năng lực của họ sẽ giúp hình thành nên những chính sách hữu hiệu, giúp rà soát những lỗ hổng luật pháp, và giúp ngăn chặn những sai trái trong xã hội. Bên cạnh đó, một chính quyền mạnh mẽ, có tính giải trình, sẽ giúp nhanh chóng triển khai những chính sách hợp lý.

***

Việt Nam đã ở ngưỡng của một sự thay đổi, điều mà nhiều người đã nói về Đổi mới lần 2. Quả bóng lúc này đang nằm ở trong chân ông Tô Lâm. Liệu ông sẽ di chuyển nó để thay đổi quốc gia và ghi tên mình vào lịch sử hay ông để vụt nó như những người tiền nhiệm? Điều đó còn nhờ ở sự sáng suốt của ông. Hãy chúc cho ông có sự can đảm để mở nên trang sử mới cho dân tộc. 

30/3/2025

* Bài viết đã trở nên phong phú nhờ ở một số câu hỏi mà tôi có được trong một cuộc trò chuyện. Xin cảm ơn người bạn mà tôi không tiện đưa tên ở đây.


Đăng ngày

trong

, ,

Thẻ: