Tác giả: Nguyễn Huy Vũ.
Khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, tôi và một vài anh em có trao đổi. Một trong các ý kiến đó là tổng thống Donald Trump sẽ có thể tinh gọn và đóng cửa VOA và RFA.
Tôi thì không nghĩ là ông ta sẽ đóng cửa hoàn toàn. Có thể là sẽ sắp xếp lại. Tôi có trả lời trên đài VOA rằng cơ quan truyền thông của Mỹ là quyền lực mềm của họ, và họ biết nên giữ như thế nào. Với tôi, khi có nhiều tiếng nói cho tự do dân chủ, nó là điều tốt cho một tiến trình dân chủ.
RFA và VOA là hai cơ quan mà tôi có dịp cộng tác và đóng góp. Tôi có những người quen ở đây và tôi rất quý mến họ — những người yêu dân chủ và tự do.
Tuy vậy, tôi cũng không loại bỏ hoàn toàn khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa hai đài này. Vì nếu chính quyền ông Donald Trump quyết tâm thực thi chiến lược “thành phố ở trên đồi” thì chuyện ông đóng cửa hai đài, và hạn chế sự can thiệp của Mỹ ra nước ngoài cũng không phải là một ngoại lệ trong lịch sử chính trị của Hoa Kỳ.
Vì vậy, chúng tôi đã thảo luận thử nếu trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa hai đài này thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Chúng tôi đồng ý với nhau rằng nhu cầu thông tin của người dân rất nhiều. Thậm chí cả khi có hai đài này thì họ cũng không thể nào đáp ứng hết lượng thông tin mà người dân cần. Vì vậy mà kênh thông tin của Phong trào Duy Tân sẽ đi vào một thị trường ngách mà các kênh thông tin của VOA và RFA không phủ sóng.
Trong trường hợp cả hai đài bị đóng cửa, người đọc sẽ đi tìm những kênh thông tin khác nhau. Lúc này các kênh báo chí tiếng Việt mà có nội dung độc lập và đặc sắc sẽ thu hút lượng độc giả mới. Kênh thông tin của Phong trào Duy Tân nếu làm tốt, nó có thể thu hút một lượng độc giả đáng kể khi họ đi tìm những thông tin mới.
Câu chuyện tiếp theo là kinh phí. Cho đến nay, ngân sách chi tiêu cho Phong trào Duy Tân có thể lên đến khoảng 10 ngàn đô la Mỹ một năm, và hiện nay chủ yếu là do tôi chi trả.
Với nhiều người, đó là số tiền nhiều. Nhưng nếu đem chia cho 12 tháng thì nó chỉ tương đương vài trăm đô la cho một tháng. Chưa đủ để thuê một nhân viên toàn thời gian. Chúng tôi chủ yếu trả tiền cho các cộng tác viên bán thời gian. Chúng tôi đã mong muốn có nguồn tài trợ để có thể trả cho chừng 4 người, không kể tôi, để có thể thiết lập một cơ quan truyền thông Phong trào Duy Tân. Nhưng để trả lương cho 4 người, nó đòi hỏi một mức ngân sách ít nhất vài chục ngàn đô la mỗi năm, và một khi đã làm thì cần phải duy trì nó đều đặn hàng năm. Điều này vượt quá khả năng hiện có của chúng tôi.
Chi phí để duy trì một trang tin tức uy tín và đặc sắc như vậy là rất tốn kém.
Vì vậy, khi chính phủ Mỹ thu hẹp các kênh thông tin của mình, số trang tin tức sẽ không xuất hiện nhiều vì chi phí rất lớn. Thay vào đó, các trang Facebook, Youtube đăng tin tức và bình luận sẽ dần xuất hiện. Mặt trận truyền thông của phe đối lập do đó sẽ đi vào hướng tản quyền.
Nếu trước đây chính phủ Việt Nam chỉ cần theo dõi hai trang RFA và VOA, và có thể một vài trang nữa là đủ cho họ thì giờ đây họ sẽ phải theo dõi nhiều Facebook hay Youtube hơn. Khi người dân ngày càng nhiều cất lên tiếng nói, thay vì đợi một cơ quan truyền thông nào đó nói giùm, thì dân chủ sẽ đến.
Cho nên chúng tôi đi đến nhận định rằng có hai đài thì rất tốt cho phong trào dân chủ, còn khi không có hai đài thì cũng chưa hẳn là tình hình sẽ tệ đi rất nhiều.
Một ví dụ dễ thấy là cách đây 20 năm, cộng đồng mạng Việt Nam có trang talawas, mà tôi cũng là một cộng tác viên. Sự uy tín và chỉn chu trong việc lên bài của talawas là điều không phải bàn. Rồi một ngày kia, Ban Biên Tập của talawas tuyên bố ngừng. Để lại bao yêu thương trong lòng người đọc. Nhưng cộng đồng mạng Việt Nam đã không ngừng thay đổi kể từ đó. Ngày nay, rất nhiều trang và bài viết khác nhau của các tác giả dài ngắn đủ loại cập nhật nhanh chóng trên Facebook, Youtube, hay các trang web.
Một trang web rất quan trọng. Nhưng linh hồn của một cộng đồng, một dân tộc, quan trọng hơn nhiều. Người ta có thể dẹp một trang web hay một tổ chức, nhưng không ai có thể dẹp linh hồn của một dân tộc.
Cho đến nay, không cần phải nói Hoa Kỳ là nước rất rộng rãi trong hỗ trợ các phong trào dân chủ trên thế giới.
Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ làm vậy vì khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, để đối phó với khối độc tài cộng sản, Hoa Kỳ cần thúc đẩy nhiều hơn các nước dân chủ, và các nước dân chủ một cách tự nhiên sẽ trở thành đồng minh của Mỹ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Việc hỗ trợ các nước dân chủ hoá nó không chỉ là quyết định của một chính quyền, mà nó còn là tấm lòng của rất nhiều giới khác nhau trong xã hội và chính quyền Hoa Kỳ, những người đã sống trong lý tưởng này, đã hạnh phúc, và họ muốn người dân các nước sống trong các thể chế độc tài cũng được hưởng những sự tự do như họ sống.
“Thành phố trên đồi” (City on the hill) là một chính sách đã luôn gắn liền với “Ngoại lệ Hoa Kỳ”. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong một thời gian dài cho rằng Hoa Kỳ có một vai trò hình mẫu đặc biệt trong việc xiển dương dân chủ và tự do để thế giới học theo, thay vì Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước. Hình mẫu tự do và dân chủ của Hoa Kỳ, không cần phải nói, đã là nguồn cảm hứng cho bao người dân sống dưới chế độ độc tài. Hơn nữa, nó còn là mô hình để các nước, như ở Nam Mỹ, tham khảo để thiết lập các chế độ chính trị mới.
Sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả tích cực hay được người dân bản địa đón nhận. Ở Trung Đông, Nam Mỹ, và ở các nước Hồi giáo nói chung, người dân không thiện cảm với sự can thiệp của Mỹ. Ngay cả ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, có lẽ có tới hơn một nửa trí thức chống sự can dự của Mỹ vào miền Nam. Hay gần đây, khi Hoa Kỳ đề nghị xây dựng lại Gaza cũng bị chống đối quyết liệt.
Cho nên việc Hoa Kỳ, dưới thời tổng thống Donald Trump, chọn chiến lược “thành phố trên đồi” và hạn chế sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các nước trên thế giới có thể xây dựng lại thiện cảm đối với một số nước, những nước mà họ không muốn Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào nội bộ của họ, nhưng đồng thời cũng làm mất lòng người dân một số nước, những nước muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào chuyện nội bộ của chính mình.
Việc tạo ra những đài truyền thông và đưa tin bằng ngôn ngữ bản địa về những thông tin mà chính quyền bản địa không muốn thì đứng về phía chính quyền bản địa đó là chuyện can thiệp vào chuyện nội bộ của chính họ.
Đó là lý do mà chỉ có Hoa Kỳ mới dám làm, chứ các nước châu Âu lục địa không dám làm. Giả sử một nước châu Âu có một đài chỉ chuyên chăm chăm đăng những tin nội bộ của Trung Quốc chẳng hạn. Điều gì sẽ xảy ra thì ai cũng có thể đoán được. Nhẹ thì Trung Quốc sẽ triệu đại sứ tới khiển trách, nặng thì sẽ có những hoạt động trừng phạt khác. Nhiều bạn sẽ hỏi vậy kênh BBC của Anh thì sao? Anh là một cường quốc và nhờ vị thế của họ, họ có thế lực để bảo vệ cho đài của họ. Dù vậy, họ cũng không muốn rắc rối nhiều về mặt ngoại giao với các nước chủ nhà cho nên bài vở trên BBC thường có khuynh hướng trung lập hơn. Điều này cũng có thể giải thích lý do tại sao đài RFI của Pháp đăng các tin “mượt mà” hơn, ít gây xích mích với đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đăng các tin gì không phải nhà báo muốn đăng gì là đăng mà họ được quán triệt từ cơ quan chủ quản của họ. Cho nên tôi nghĩ là các anh chị người Việt ở các đài như RFI hay BBC đều yêu nước như các anh chị ở VOA hay RFA nhưng vì hướng đi của tờ báo nên đành phải đi theo.
Tôi hay nói với các bạn của tôi rằng thích hay không thích một chính sách của một lãnh đạo nước ngoài nó không có ý nghĩa gì cả. Vì nếu là một người hoạt động cho phong trào dân chủ và cùng dẫn dắt phong trào dân chủ, chúng ta cần biết chính sách của các nước và các lãnh đạo chính trị là gì. Để từ đó chúng ta xây dựng chính sách hoạt động của mình phù hợp với thời thế. Chúng tôi cũng không muốn mắc lòng với chính thể các nước nào, nhất là châu Âu và Mỹ, vì chúng tôi cần sự hỗ trợ của họ.
Trong Phong trào Duy Tân không phải chỉ có một luồng quan điểm duy nhất. Có những người ủng hộ và có những người không ủng hộ các chính sách của tổng thống Donald Trump. Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, vì chúng tôi vẫn có thể trao đổi hoà bình với nhau, đồng ý rằng chúng tôi có những điểm không đồng ý. Sự khác biệt đó tôi nghĩ đó là một tài sản lớn của một tổ chức. Khi một tổ chức còn có những ý kiến khác biệt, điều đó nói lên rằng tổ chức không bị hiệu ứng “suy nghĩ nhóm” (groupthink), mà trong đó mọi người đều suy nghĩ như nhau. Nếu một tổ chức mà mọi người suy nghĩ như nhau, tổ chức đó dễ xuống hố sớm, bởi nó không cho phép những cá nhân tự vấn lại suy nghĩ của mình. Khi một người đưa ra ý kiến khác, chúng ta mới có dịp tự vấn và kích thích những suy nghĩ mới.
Khi Mao Trạch Đông dẫn quân thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh đến Thiểm Tây, đoàn quân cuối cùng chỉ còn lại một phần mười. Những người còn sót lại sau này đa phần đều trở thành những lãnh đạo. Thực tế chiến trường khắc nghiệt đã sàng lọc ra một thiểu số những người có tố chất phù hợp để làm lãnh đạo. Trên kinh nghiệm đó, tôi tin rằng quá trình thảo luận dân chủ trên không gian mạng hiện nay, mà mọi người đều có quyền tham gia, cuối cùng sẽ hình thành nên những cá nhân và tổ chức mà cộng đồng sẽ thấy đủ uy tín để dẫn dắt quốc gia. Cho nên chuyện không đồng ý về quan điểm nó không phải là vấn đề quan trọng lớn, mà là những lý luận tương tác, đến mức tranh cãi, nó sẽ khiến chúng ta hoặc không còn gì để muốn tranh cãi nữa và cùng đi với nhau, hoặc là đi với những người khác. Điều này sẽ hình thành những nhóm với ý thức hệ khác nhau và nó là tiền đề của các nhóm đảng khác nhau trong một quốc hội dân chủ tương lai.
Nguyễn Huy Vũ
16/3/2025