Phong trào Duy Tân xin chia sẻ với các bạn hai bài viết về cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người vừa qua đời, một người hoạt động không ngừng nghỉ vì công lý và hoà bình, và đặc biệt ông còn là một ân nhân của người tị nạn Việt Nam. Hai bài viết này, một của luật sư Vũ Đức Khanh, và một của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, được trình bày bên dưới.
Jimmy Carter: Một Cuộc Đời Phụng Sự Cho Hòa Bình, Công Lý và Lương Tri Nhân Loại
Tác giả: Vũ Đức Khanh.
Ngày hôm nay, thế giới chia tay cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đã yên nghỉ ở tuổi 100 sau một thế kỷ sống hết mình vì hòa bình, nhân quyền, và công lý. Carter không chỉ là một nhà lãnh đạo nước Mỹ mà còn là một biểu tượng quốc tế về lòng nhân ái và sự cống hiến không ngừng nghỉ.
Di sản trong vai trò Tổng thống Hoa Kỳ (1977–1981)
Nhiệm kỳ tổng thống của Carter được đánh dấu bởi những khó khăn kinh tế, những thách thức ngoại giao phức tạp, và sự bất mãn chính trị. Tuy nhiên, dưới bề nổi của một nhiệm kỳ bị chỉ trích là “thất bại” về chính trị, Carter đã để lại nhiều thành tựu quan trọng:
1. Hiệp định Trại David (1978)
Carter là kiến trúc sư chính của hiệp định hòa bình giữa Ai Cập và Israel, chấm dứt 30 năm xung đột ở Trung Đông. Đây là một thành tựu ngoại giao lớn, ghi dấu ấn Mỹ như một cường quốc thúc đẩy hòa bình toàn cầu.
2. Nhân quyền làm tâm điểm chính sách đối ngoại
Carter nhấn mạnh giá trị phổ quát của nhân quyền, lên án các chế độ độc tài trên thế giới. Chính sách này không chỉ mang tính lý tưởng mà còn đặt nền móng cho sự thay đổi trong Chiến tranh Lạnh.
3. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc
Carter và Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quyết định lịch sử trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1979, thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Carter không thiếu những thất bại, như cuộc khủng hoảng con tin tại Iran hay khủng hoảng kinh tế trong nước. Những yếu tố này khiến ông thất bại trước Ronald Reagan vào năm 1980. Nhưng lịch sử đã dần nhìn nhận lại những đóng góp thực sự của ông trong bốn năm sóng gió ấy.
Nỗ lực hòa giải Việt-Mỹ và cơ hội bị bỏ lỡ
Trong giai đoạn 1977–1979, Carter đã nỗ lực mở ra cánh cửa hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam. Ông từng tuyên bố rằng nhân quyền phải là yếu tố dẫn dắt chính sách đối ngoại, và điều này được áp dụng cả trong mối quan hệ với Việt Nam.
Carter mong muốn khép lại vết thương chiến tranh bằng cách bình thường hóa quan hệ với Hà Nội, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Sự ngoan cố ý thức hệ và sự phụ thuộc vào Liên Xô của Hà Nội đã khiến giấc mơ bang giao bị trì hoãn thêm hai thập niên.
Hà Nội lúc đó, trong cơn hưng phấn sau chiến thắng 1975, đã chọn cách đối đầu thay vì hòa giải, đưa Việt Nam vào một cuộc chiến với Campuchia và sau đó đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Những quyết định này không chỉ cô lập Việt Nam trên trường quốc tế mà còn kéo dài sự đau khổ của người dân.
Nếu Hà Nội khi ấy biết nắm bắt cơ hội mà Carter mang lại, một Việt Nam tự do, dân chủ, và thịnh vượng có lẽ đã sớm thành hiện thực.
Sự nghiệp sau tổng thống: Một đời vì hòa bình và nhân đạo
Rời Toà Bạch Ốc, Carter không lui về ẩn dật như nhiều cựu tổng thống khác mà tiếp tục phục vụ nhân loại thông qua Trung tâm Carter (The Carter Center).
1. Xóa đói giảm nghèo và y tế cộng đồng
Carter dành nhiều năm ở những nơi hẻo lánh trên thế giới để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt trong các chương trình phòng chống bệnh giun chỉ Guinea và sốt rét.
2. Giám sát bầu cử
Ông trở thành người giám sát bầu cử quốc tế, góp phần thúc đẩy dân chủ tại hơn 80 quốc gia.
3. Hòa giải xung đột
Với tư cách là một nhà hòa giải, Carter đã nỗ lực ngăn chặn các cuộc xung đột, từ châu Phi đến Trung Đông, khẳng định vai trò của Mỹ như một lực lượng thúc đẩy hòa bình.
Di sản cho Việt Nam và thế giới
Jimmy Carter là một tấm gương về đạo đức trong chính trị. Với dân tộc Việt Nam, dù ông không thể mang lại hòa bình và thịnh vượng sớm hơn, nhưng di sản của ông về nhân quyền và hòa giải vẫn là nguồn cảm hứng.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi người dân vẫn khao khát tự do, dân chủ, và thịnh vượng, tinh thần của Carter nhắc nhở chúng ta rằng sự hòa giải, sự nhân ái, và lòng kiên định là những con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn.
Lời chia tay
Jonathan Alter, trong bài viết trên Time Magazine hôm nay, nhận định rằng Carter không phải là một tổng thống xuất sắc bậc nhất, nhưng ông là một con người vĩ đại, một người làm việc không ngừng nghỉ vì hòa bình và công lý.
Jimmy Carter đã ra đi, nhưng ông để lại một di sản bất tử. Những bài học từ cuộc đời ông, đặc biệt về giá trị của nhân quyền và hòa bình, sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường cho nhân loại.
Thành kính phân ưu, chúng ta tiễn đưa ông với lòng biết ơn sâu sắc. Rest in peace, Jimmy Carter – người đã sống một thế kỷ đầy ý nghĩa và cống hiến.
29/12/2024
–
Một Đại Ân Nhân của ‘Thuyền Nhân’ Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn.
Tổng Thống thứ 39 của Mĩ Jimmy Carter mới từ trần vào ngày hôm qua (29/12/2024). Ông thọ đúng 100 tuổi.
Ở Việt Nam ngày nay, thế hệ trẻ có lẽ chỉ biết ông từng là một tổng thống của nước Mĩ, nhưng ít ai biết rằng ông là một đại ân nhân của người Việt.
Nói chính xác hơn ông là đại ân nhân của người Việt tị nạn.
Báo chí Việt Nam không đề cập đến cái công đó của ông Carter.
Sau năm 1975, hàng triệu người Việt tìm đường vượt biên và vượt biển. Rất nhiều người (khoảng 200,000 đến 400,000 người) đã bỏ mạng trên đường vượt biển.
Đó là một chương sử buồn.
Danh từ ‘Boat People’ hay ‘Thuyền Nhân’ bắt đầu từ đó.
Sự ra đi ồ ạt của những Thuyền Nhân tạo nên một sự khủng hoảng cho các nhà nước trong vùng và Mĩ. Làm sao tái định cư một số lớn người ra đi không một đồng xu dính túi này?
Trong khủng hoảng, có tin vui từ Tổng thống Jimmy Carter.
Năm 1980, TT Carter thông qua Đạo Luật Người Tị Nạn. Đạo Luật này thiết lập một khung pháp lí chánh thức để Mĩ tiếp nhận và tái định cư người tị nạn.
TT Jimmy Carter biết rằng Đạo Luật đó không được nhiều người Mĩ ủng hộ. Ngay cả trong hàng ngũ đảng Dân Chủ của ông cũng có người không ủng hộ.
Nhưng ông kiên quyết làm. Vì lòng nhân đạo.
Lòng nhân đạo của ông đã cứu giúp hơn 200,000 người tị nạn Việt Nam tái định cư ở Mĩ.
Không phải chỉ Mĩ, mà Chánh phủ Mĩ còn làm tấm gương để các nước đồng minh như Úc và Gia Nã Đại nhận người tị nạn Việt Nam. Tôi cũng là một người hưởng lợi gián tiếp từ Đạo Luật của ông Carter.
Ngay cả Do Thái cũng nhận người Việt tị nạn (qua lời khuyên của ông Carter tới Thủ tướng Do Thái Bergin).
Ngày nay, chúng ta có một cộng đồng người Việt lớn mạnh ở Mĩ là có sự giúp đỡ của ông Carter. Cái cộng đồng này đã ‘lót đường’ cho nhiều thế hệ người Việt sau này sang định cư ở Mĩ.
Do vậy, ông Carter không chỉ là đại ân nhân của người tị nạn Việt Nam, mà còn là ân nhân của nhiều người Việt không phải tị nạn.
Đó là một thành tựu lớn của TT Jimmy Carter.
Sau khi rời chức vụ Tổng thống, ông vẫn là một nhà nhân đạo. Năm 2002, ông Jimmy Carter được trao Giải Nobel Hoà Bình.
Có thể nói không ngoa rằng ông Jimmy Carter là ‘President of Boat People’ (Tổng thống của Thuyền Nhân).
Ông từng nói về quyết định nhận người Việt tị nạn rằng:
“Tôi chỉ có một cuộc đời và một cơ hội có ý nghĩa … Đức tin của tôi khiến tôi làm bất cứ điều gì có thể, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, trong suốt thời gian tôi có thể, với bất cứ điều gì tôi có, và để cố gắng tạo nên sự khác biệt.”
Ông quả thật đã tạo nên sự khác biệt tích cực cho hàng triệu thuyền nhân Việt Nam.
Ông hành động vì lương tâm, không vì chánh trị hay lá phiếu.
Xin mượn cái note này để tri ân ông và chúc ông chuyển nghiệp bình yên.
Đọc thêm:
Thu-Huong Ha, “Forty-one years ago, the US took a big gamble on Vietnamese refugees,” Quartz, 30/4/2016.
Catherine E. Shoichet, “These decisions weren’t popular. Jimmy Carter made them anyway,” CNN, 4/6/2023.