Tác giả: Daron Acemogly và Simon Johnson
David Ricardo, một trong những người sáng lập nền kinh tế hiện đại vào đầu thế kỷ 19, đã thấy rằng máy móc không hẳn là tốt hay là xấu. Ông nhận thức được việc máy móc tạo ra hay xóa sổ các công việc phụ thuộc vào cách chúng ta triển khai máy móc như thế nào và ai là người đưa ra quyết định, và ngày nay nhận định này chính xác hơn bao giờ hết.
BOSTON – Trí tuệ nhân tạo (AI) và mối đe dọa của nó đối với các công việc tốt có vẻ như là một vấn đề hoàn toàn mới. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy những ý tưởng hữu ích để đối phó với việc này từ tác phẩm của David Ricardo, một trong những nhà sáng lập kinh tế học hiện đại, người mà đã trực tiếp chứng kiến Cách mạng Công nghiệp ở Anh. Sự tiến bộ trong cách suy nghĩ của ông, bao gồm cả một số vấn đề mà ông đã bỏ sót, mang đến nhiều bài học bổ ích cho chúng ta ngày hôm nay.
Các nhà lãnh đạo công nghệ trong khu vực tư nhân hứa hẹn với ta về một tương lai tươi sáng hơn nơi mà ở đó công việc sẽ ít căng thẳng đi, số lượng cuộc họp nhàm chán cũng giảm bớt, thời gian rảnh rỗi cũng nhiều lên và thậm chí việc có thu nhập cơ bản phổ quát là điều có thể xảy ra. Nhưng liệu chúng ta có nên tin họ không? Nhiều người có thể mất đi các công việc mà họ coi là công việc tốt và bị buộc phải đi tìm việc khác với mức lương thấp hơn. Xét cho cùng thì, các thuật toán đang dần thay thế các công việc mà đòi hỏi thời gian và sự chú ý của con người.
Trong tác phẩm nền tảng của mình vào năm 1817, “Những nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khóa”, Ricardo có một cái nhìn tích cực về việc máy móc đã cách mạng hóa ngành dệt bông. Theo quan niệm phổ biến thời bấy giờ, ông từng nói trước Hạ viện rằng “máy móc không hề làm giảm đi nhu cầu lao động.”
Kể từ những năm 1770, sự tự động hóa việc kéo sợi bông đã làm giảm giá thành sợi bông và làm tăng nhu cầu về việc dệt sợi bông thành vải hoàn thiện. Và do phần lớn công việc dệt vải vẫn được thực hiện bằng tay trước những năm 1810, việc tăng đột biến trong nhu cầu này đã giúp biến dệt vải tay thành một nghề thủ công có thu nhập cao, giúp hàng trăm nghìn đàn ông Anh có việc làm (bao gồm nhiều người dệt bông thủ công bị thất nghiệp trước thời kỳ công nghiệp). Trải nghiệm tích cực đầu tiên này với việc tự động hóa có lẽ đã khiến Ricardo có cái nhìn lạc quan như vậy ngay từ ban đầu.
Tuy nhiên, sự phát triển của máy móc ở quy mô lớn không chỉ dừng lại ở việc kéo sợi. Chẳng mấy chốc, các máy dệt chạy bằng hơi nước đã được triển khai ở trong các nhà máy dệt bông. Những người thợ dệt thủ công sẽ không còn kiếm được nhiều tiền bằng cách ngồi làm ở nhà 5 ngày một tuần nữa. Thay vào đó, họ sẽ phải vật lộn để nuôi sống gia đình trong khi làm việc nhiều giờ hơn dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt trong các nhà máy.
Khi sự lo lắng và biểu tình lan rộng khắp miền Bắc nước Anh, Ricardo đã thay đổi quan điểm của mình. Trong lần ấn bản thứ ba của cuốn sách vào năm 1821, ông đã thêm vào một chương mới là “Về Máy móc,” mà trong đó ông nhấn mạnh rằng: “Nếu máy móc có thể làm tất cả những gì mà lao động hiện đang làm, thì sẽ không còn nhu cầu lao động nữa.” Điều này cũng đúng với AI ngày nay. Việc người lao động bị các thuật toán thay thế các nhiệm vụ trước đây họ làm cũng không phải là tin tốt với họ, trừ khi họ có thể tìm được công việc mới có thu nhập tốt hơn.
Trong những năm 1810 và 1820, hầu hết các nghệ nhân dệt thủ công mà đang gặp khó khăn đều không đi làm ở các nhà máy dệt mới, bởi vì máy dệt không cần quá nhiều công nhân để mà vận hành. Trong khi việc tự động hóa việc kéo sợi đã tạo ra cơ hội việc làm hơn cho các thợ dệt, việc tự động hóa việc dệt không tạo ra đủ nhu cầu lao động để bù đắp cho các lĩnh vực khác. Nền kinh tế Anh nói chung đã không tạo ra đủ các công việc được trả lương cao mới, ít nhất là cho đến khi ngành đường sắt phát triển mạnh mẽ vào những năm 1830. Với ít lựa chọn khác trong tay, hàng trăm nghìn người thợ dệt thủ công vẫn tiếp tục chọn làm nghề này, ngay cả khi lương giảm hơn một nửa.
Một vấn đề then chốt khác, mặc dù không phải là vấn đề mà Ricardo tự mình đề cập, là vấn đề làm việc trong điều kiện khắc nghiệt ở các nhà máy, trở thành một bánh răng nhỏ trong “những nhà máy quỷ dữ” do chủ sử dụng lao động kiểm soát vào đầu thế kỷ 19. Điều này không hề hấp dẫn đối với những người thợ dệt thủ công. Nhiều người thợ dệt thủ công đã tự mình trở thành những doanh nhân độc lập và mua sợi bông rồi bán sản phẩm dệt của họ trên thị trường. Rõ ràng là, họ không thấy nhiệt tình với việc phải làm việc nhiều giờ hơn, kỷ luật hơn, mà tính tự chủ lại ít hơn và lương được trả thường là thấp hơn (ít nhất là so với thời kỳ hoàng kim của ngành dệt thủ công). Trong các lời khai thu thập bởi vài Ủy ban Hoàng gia, những người thợ dệt đã cay đắng kể về việc họ từ chối chấp nhận những điều kiện làm việc như vậy, hoặc nói về việc cuộc sống của họ trở nên tồi tệ như thế nào khi họ bị ép buộc (do thiếu lựa chọn khác) làm những công việc như vậy.
Trí tuệ nhân tạo hiện nay có tiềm năng rất lớn và đã đạt được một số thành tựu đáng kể, bao gồm cả việc nghiên cứu khoa học. Nó có thể được dùng để giúp người lao động nắm được nhiều thông tin hơn, năng suất hơn, độc lập hơn và đa năng hơn. Thật không may là, ngành công nghệ có vẻ như muốn dùng nó vào mục đích khác. Như chúng tôi đã giải thích trong cuốn sách Power and Progress, các công ty lớn đang phát triển và triển khai AI chủ yếu để ưu tiên tự động hóa (thay thế con người) hơn là để tăng cường cho con người (làm cho con người làm việc năng suất hơn).
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với nguy cơ về việc tự động hóa quá mức: nhiều công nhân sẽ bị mất việc và những ai còn giữ được việc sẽ bị áp đặt các hình thức giám sát và kiểm soát theo một cách ngày càng bị hạ thấp về mặt nhân phẩm. Nguyên tắc “tự động hóa trước tiên và hỏi câu hỏi sau” nó yêu cầu và khuyến khích hơn nữa việc thu thập một lượng lớn thông tin trong nơi làm việc và tất cả mọi nơi trong xã hội, sẽ làm dấy lên câu hỏi về việc chúng ta sẽ còn lại bao nhiêu quyền riêng tư trong tay đây.
Một tương lai như vậy không phải là không thể tránh khỏi. Quy định về việc thu thập dữ liệu sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư, và các quy tắc nghiêm ngặt hơn tại nơi làm việc có thể ngăn chặn những khía cạnh tồi tệ nhất của giám sát dựa trên AI. Nhưng còn một nhiệm vụ cơ bản hơn, như Ricardo đã nhắc nhở chúng ta, là thay đổi cách nhìn chung về AI. Có thể nói, bài học quan trọng nhất từ cuộc đời và tác phẩm của ông là máy móc không tốt cũng không xấu. Cho dù chúng xóa bỏ hay tạo ra việc làm thì việc đó phụ thuộc vào cách chúng ta triển khai chúng như thế nào và ai sẽ đưa ra những lựa chọn đó. Trong thời đại của Ricardo, một nhóm nhỏ chủ sở hữu nhà máy đã đưa ra các quyết định và các quyết định đó tập trung vào tự động hóa và bóc lột người lao động hết mức có thể.
Ngày nay, một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo công nghệ dường như đang đi theo con đường tương tự. Nhưng việc tập trung vào việc tạo ra những cơ hội mới, những nhiệm vụ mới cho con người và tôn trọng mọi cá nhân thì sẽ đảm bảo rằng sẽ có những kết quả tốt đẹp hơn nhiều. AI thân thiện với người lao động vẫn có thể tồn tại được, nhưng chỉ khi chúng ta có thể thay đổi hướng đi của việc đổi mới trong lĩnh vực công nghệ và thiết lập những quy định và thể chế mới.
Giống như trong thời đại của Ricardo vậy, sẽ thật ngây thơ nếu ta tin tưởng vào lòng tốt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công nghệ. Phải trải qua những cải cách chính trị lớn thì mới có nền dân chủ thực sự, hợp pháp hóa các nghiệp đoàn lao động và thay đổi hướng đi của tiến bộ công nghệ ở Anh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp. Ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản như vậy.
Daron Acemogly and Simon Johnson, “History Already Tells Us the Future of AI“, Project Syndicate, 23/4/2024
Biên dịch: Phong trào Duy Tân