Tại sao xây dựng quốc gia lại thất bại ở Afghanistan

Tác giả: Daron Acemoglu

Mặc dù Mỹ rõ ràng có thể đã quản lý việc rút quân khỏi Afghanistan tốt hơn, nhưng thảm kịch đang diễn ra trong tháng này đã hình thành trong suốt 20 năm. Ngay từ đầu, Mỹ và các đồng minh đã chấp nhận – và không bao giờ xem xét lại – một chiến lược xây dựng nhà nước từ trên xuống, mà vốn đã được định sẵn để thất bại.

Istanbul – Mỹ đã xâm lược Afghanistan 20 năm trước với hy vọng tái thiết một quốc gia vốn đã trở thành nỗi đau khổ cho thế giới và chính người dân nơi đây. Như Tướng Stanley McChrystal giải thích trước đợt tăng cường quân đội Mỹ năm 2009, mục tiêu là để “chính phủ Afghanistan có thể kiểm soát đủ lãnh thổ của mình nhằm hỗ trợ ổn định khu vực và ngăn chặn việc sử dụng lãnh thổ đó cho khủng bố quốc tế.”

Giờ đây, với hơn 100,000 sinh mạng đã mất và khoảng 2 nghìn tỷ đô la đã chi tiêu, điều mà Mỹ có thể chứng minh cho nỗ lực của mình chỉ là những cảnh hỗn loạn trong việc rút lui khỏi đất nước – một sự sụp đổ đáng xấu hổ gợi nhớ đến sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Điều gì đã sai?

Hầu như mọi thứ, nhưng không theo cách mà hầu hết mọi người nghĩ. Việc lập kế hoạch kém và thiếu thông tin chính xác chắc chắn đã góp phần vào thảm họa, nhưng vấn đề thực sự đã hình thành trong suốt 20 năm qua.

Mỹ đã hiểu từ rất sớm rằng cách duy nhất để tạo ra một quốc gia ổn định với một mức độ nào đó của pháp luật và trật tự là thiết lập các thể chế nhà nước vững mạnh. Được khuyến khích bởi nhiều chuyên gia và các lý thuyết lỗi thời, quân đội Mỹ đã coi thách thức này như một vấn đề kỹ thuật: Afghanistan thiếu các thể chế nhà nước, lực lượng an ninh hoạt động, tòa án và những quan chức có kiến thức, vì vậy giải pháp là bơm nguồn lực và chuyển giao chuyên môn từ nước ngoài. Các tổ chức phi chính phủ và hệ thống viện trợ rộng lớn của Phương Tây đã có mặt để hỗ trợ theo cách riêng của họ (dù người dân địa phương có muốn hay không). Và vì công việc của họ cần một mức độ ổn định nào đó, các quân nhân nước ngoài – chủ yếu là lực lượng NATO, nhưng cũng có các nhà thầu tư nhân – đã được triển khai để duy trì an ninh.

Khi xem xét việc xây dựng quốc gia như một quá trình “xây dựng nhà nước trước” từ trên xuống, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tuân theo một truyền thống lâu đời trong khoa học chính trị. Giả định là nếu bạn có thể thiết lập sự thống trị quân sự áp đảo trên một lãnh thổ và khuất phục mọi nguồn quyền lực khác, bạn có thể áp đặt ý chí của mình. Tuy nhiên, ở hầu hết các nơi, lý thuyết này chỉ đúng một phần; và ở Afghanistan, nó hoàn toàn sai.

Chắc chắn rằng Afghanistan cần một nhà nước hoạt động. Nhưng giả định rằng một nhà nước có thể được áp đặt từ trên xuống bởi các lực lượng nước ngoài là không hợp lý. Như James Robinson và tôi lập luận trong cuốn sách năm 2019 của chúng tôi, “The Narrow Corridor”, cách tiếp cận này không có ý nghĩa khi điểm khởi đầu của bạn là một xã hội đa dạng sâu sắc được tổ chức quanh các phong tục và quy tắc địa phương, nơi mà các thể chế nhà nước đã lâu không hiện hữu hoặc bị suy yếu.

Đúng là phương pháp từ trên xuống đã thành công ở một số trường hợp (chẳng hạn như triều đại Tần ở Trung Quốc hoặc Đế chế Ottoman). Nhưng hầu hết các quốc gia không được xây dựng bằng vũ lực mà bằng sự thỏa hiệp và hợp tác. Việc tập trung quyền lực thành công dưới các thể chế nhà nước thường liên quan đến sự đồng thuận và hợp tác của người dân. Trong mô hình này, nhà nước không được áp đặt lên một xã hội và đi ngược lại mong muốn của họ; mà các thể chế nhà nước xây dựng tính hợp pháp bằng cách đảm bảo một mức độ ủng hộ từ quần chúng.

Điều này không có nghĩa là Mỹ nên hợp tác với Taliban. Nhưng điều đó có nghĩa là Mỹ nên làm việc gần gũi hơn với các nhóm địa phương khác nhau, thay vì đổ nguồn lực vào chế độ tham nhũng và không đại diện cho người dân của tổng thống đầu tiên sau Taliban, Hamid Karzai (và các anh em của ông). Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn, người đã trốn sang Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tuần này, là đồng tác giả của một cuốn sách vào năm 2009 ghi lại cách chiến lược này đã thúc đẩy tham nhũng và không đạt được mục đích đề ra. Tuy nhiên, một khi nắm quyền, Ghani lại tiếp tục đi theo con đường cũ.

Tình hình mà Mỹ phải đối mặt ở Afghanistan thậm chí còn tồi tệ hơn so với những gì mà những người muốn xây dựng quốc gia thường gặp. Ngay từ đầu, dân Afghanistan đã xem sự hiện diện của Mỹ như một hoạt động nước ngoài nhằm làm yếu xã hội của họ. Đó không phải là một thỏa thuận mà họ mong muốn.

Điều gì xảy ra khi các nỗ lực xây dựng nhà nước từ trên xuống diễn ra chống lại mong muốn của xã hội? Ở nhiều nơi, lựa chọn hấp dẫn duy nhất là rút lui. Đôi khi, điều này diễn ra dưới hình thức di cư thể xác, như James C. Scott đã chỉ ra trong cuốn “The Art of Not Being Governed (Nghệ Thuật Để Không Bị Quản Lý)”, nghiên cứu của ông về người Zomia ở Đông Nam Á. Hoặc điều này có thể có nghĩa là sống chung mà không có sự hợp tác, như trường hợp của người Scotland ở Anh hay người Catalan ở Tây Ban Nha. Nhưng trong một xã hội độc lập mạnh mẽ, được trang bị tốt, với một truyền thống lâu dài về mâu thuẫn và một lịch sử gần đây về nội chiến, phản ứng có thể xảy ra với nhiều khả năng là xung đột bạo lực.

Có lẽ mọi chuyện có thể đã khác nếu như cơ quan Tình báo Liên quân Pakistan không ủng hộ Taliban khi họ bị đánh bại về quân sự, nếu như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của NATO không càng làm xa cách dân cư, và nếu các tầng lớp tinh hoa Afghanistan được Mỹ hỗ trợ không tham nhũng phung phí. Nhưng mọi thứ đã không ủng hộ chiến lược “nhà nước trước hết” của Mỹ.

Thực tế là, các nhà lãnh đạo Mỹ lẽ ra nên biết rõ hơn. Như Melissa Dell và Pablo Querubín ghi lại, Mỹ đã áp dụng một chiến lược tương tự như ở Việt Nam, và điều này đã phản tác dụng một cách ngoạn mục. Những nơi bị ném bom nhằm khuất phục Việt Cộng đã trở nên ủng hộ mạnh mẽ cuộc nổi dậy chống Mỹ.

Thậm chí còn đáng chú ý hơn là trải nghiệm gần đây của quân đội Mỹ ở Iraq. Như nghiên cứu của Eli Berman, Jacob Shapiro và Joseph Felter chỉ ra, “đợt tăng cường” ở đó đã hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều khi người Mỹ cố gắng chiếm được trái tim và tâm trí bằng cách gây dựng sự ủng hộ từ các nhóm địa phương. Tương tự, nghiên cứu của tôi với Ali Cheema, Asim Khwaja và James Robinson cho thấy rằng ở vùng nông thôn Pakistan, người dân thường tìm đến các tác nhân phi nhà nước khi họ nghĩ rằng các thể chế nhà nước là không hiệu quả và xa lạ với họ.

Tất cả những điều này không có nghĩa là việc rút quân không thể được quản lý tốt hơn. Nhưng sau 20 năm nỗ lực sai lầm, Mỹ đã bị định sẵn phải thất bại trong hai mục tiêu: rút khỏi Afghanistan và để lại một xã hội ổn định, dựa trên pháp luật.

Kết quả là một thảm kịch nhân đạo to lớn. Ngay cả khi Taliban không quay trở lại với những thực hành tồi tệ nhất của họ, đàn ông và đặc biệt là phụ nữ Afghanistan sẽ phải trả giá cao cho những thất bại của Mỹ trong những năm và thập kỷ tới.

Nguồn: Daron Acemoglu, “Why Nation-Building Failed in Afghanistan”, Project Syndicate, 20/8/2021. 

Biên dịch: Phong trào Duy Tân