Mặt tích cực của sự bất định ở Đài Loan

Tác giả: James B. Steinberg

Hầu như có sự đồng thuận chung rằng Eo biển Đài Loan đã nổi lên như điểm nóng dễ xảy ra chiến tranh nhất trên thế giới. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể quy mô và cường độ các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, để đáp trả những gì họ cho là sự khiêu khích từ chính quyền hòn đảo này và Mỹ. Đáp lại, Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, trong khi Mỹ cũng tăng tốc các hoạt động quân sự trong khu vực. Các chuyên gia, học giả, và thậm chí cả các quan chức chính phủ đã đưa ra một loạt kịch bản thảm khốc liên quan đến Đài Loan, từ phong tỏa kinh tế làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu đến chiến tranh hạt nhân giữa các siêu cường, cho dù được kích hoạt bởi một cuộc xâm lược có chủ ý hay một vụ va chạm ngẫu nhiên giữa các loại tàu và máy bay. Trong một cuộc điện đàm năm 2022 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về hòn đảo này: “Những kẻ đùa với lửa sẽ bị thiêu rụi.”

Không có gì ngạc nhiên khi cảm giác về sự diệt vong sắp xảy ra này đã tạo ra một loạt các giải pháp chính sách để tránh thảm họa. Một số người đã kêu gọi Mỹ đưa ra cam kết rõ ràng về việc bảo vệ Đài Loan (bao gồm cả bằng vũ khí hạt nhân, nếu cần) và tuyên bố rằng hòn đảo này không phải là một phần của Trung Quốc. Những người khác tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, đưa ra những phép ẩn dụ sống động như biến hòn đảo thành một “con nhím” khó nuốt trôi hoặc tạo ra một “chiến hào sôi sục” không thể vượt qua xung quanh hòn đảo. Một số lượng nhỏ hơn nhiều các nhà phân tích đã chủ trương thỏa thuận với Bắc Kinh, trong đó Washington chấm dứt cam kết bảo vệ Đài Loan và hòn đảo này sẽ bị bỏ mặc để tự bảo vệ mình. Mặc dù những người ủng hộ mỗi phương án đều mạnh dạn khẳng định tính ưu việt trong cách tiếp cận của họ, nhưng thực tế là tất cả những đề xuất này đều chứa đầy rủi ro và sự bất định. Tất cả đều đưa ra những đánh đổi khó khăn giữa các lợi ích và giá trị đối nghịch nhau của Mỹ.

Làm thế nào mà Mỹ lại rơi vào tình thế khó khăn này, và liệu việc hiểu rõ hơn về quá khứ có giúp họ vạch ra một lộ trình tương lai vượt qua thực tế đầy rẫy chông gai hay không? Đây là câu hỏi thúc đẩy cuốn sách mới gợi nhiều suy nghĩ của Sulmaan Wasif Khan, Cuộc đấu tranh cho Đài Loan. Khan, một nhà sử học, đã đưa ra câu trả lời rõ ràng ngay từ đầu, lập luận rằng “cần phải hiểu đầy đủ về mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan nếu chúng ta muốn tránh thảm họa”.

Trong phần trình bày về mối quan hệ đó, Khan lập luận rằng “sự nhầm lẫn đã đóng vai trò chủ đạo trong câu chuyện ngay từ đầu.” Ông giải thích thêm rằng các chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với Đài Loan hầu như không được đề cập trong các chiến lược tổng thể hay thậm chí là việc lên kế hoạch. Theo quan điểm của ông, câu chuyện thực sự ở đây là các cơ hội bị bỏ lỡ lặp đi lặp lại của tất cả các bên. Ông chỉ trích các tổng thống của cả hai đảng vì đã không hành động táo bạo để giải quyết dứt điểm tình trạng của Đài Loan, một kết quả mà ông tin rằng sẽ xoa dịu vĩnh viễn những căng thẳng đã đeo bám mối quan hệ Mỹ-Trung. Giải pháp đó có vẻ hấp dẫn khi nhìn nhận lại quá khứ. Nhưng Khan đã đánh giá thấp cách Washington sử dụng sự mơ hồ và thỏa hiệp để quản lý mối quan hệ căng thẳng của mình với Bắc Kinh. Không những không tạo ra xung đột, sự bất định đã tạo điều kiện cho nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng ở Đông Á.

Điều gì có thể đã xảy ra?

Câu chuyện của Khan về những sai lầm của Mỹ bắt đầu từ hội nghị Cairo năm 1943. Chính tại đó, khi các nhà lãnh đạo Đồng minh lên kế hoạch cho thế giới thời hậu chiến, Tổng thống Franklin Roosevelt đã hứa trao Đài Loan, khi đó vẫn bị Nhật Bản chiếm đóng, cho Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Quốc. Roosevelt thay vào đó đã có thể thúc đẩy chế độ ủy thác của Liên Hợp Quốc hoặc Mỹ, mà theo Khan, sẽ ngăn Đài Loan trở thành một quả bóng chính trị trong cuộc nội chiến giữa những người Quốc gia theo Tưởng và những người Cộng sản của Mao Trạch Đông. Từ đó, Khan nhận thấy một loạt các sai lầm tiếp theo. Tổng thống Harry Truman quyết định trung lập giữa các tuyên bố cạnh tranh của Tưởng và Mao, không làm hài lòng bên nào trong Chiến tranh Triều Tiên và tạo tiền đề cho những căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền “chia rẽ, bối rối” của Tổng thống Dwight Eisenhower đã đưa ra chính sách Đài Loan bị đánh giá là “một mớ hỗn độn của sự thiếu quyết đoán và chủ nghĩa quân phiệt”, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội thỏa hiệp về Đài Loan, trong đó Mỹ sẽ công nhận sự kiểm soát của những người cộng sản đối với Trung Quốc đại lục.

Ngay cả Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, những người thường được ca ngợi vì tài năng của họ trong việc dàn xếp cho việc mở cửa của Mỹ với Trung Quốc, cũng bị khiển trách vì thiếu sự rõ ràng về chiến lược. Khan chỉ trích Thông cáo Thượng Hải, một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối chuyến đi năm 1972 của Nixon tới Trung Quốc, vì “né tránh vấn đề Đài Loan.” Bằng cách không tuyên bố công khai những gì Kissinger đã đảm bảo riêng với người Trung Quốc – rằng Mỹ sẽ không cản trở sự phát triển chính trị có khả năng xảy ra của Đài Loan theo hướng thống nhất với đại lục – Khan cho rằng Washington đã bỏ lỡ “cơ hội tốt nhất để trả lại hòn đảo” cho Bắc Kinh và giải quyết vấn đề này một lần và mãi mãi. Chỉ có Tổng thống Jimmy Carter được khen ngợi vì “sự quyết đoán” của ông trong việc hủy bỏ hiệp ước phòng thủ của Mỹ với Đài Loan để ủng hộ việc công nhận Trung Quốc Cộng sản. Nhưng Quốc hội đã kéo ông lại khi thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, khẳng định rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với Đài Loan sẽ là “mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ” và quy định tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này. Đối với Khan, đạo luật này khiến Washington “hoàn toàn bối rối về mức độ cam kết thực sự đối với việc bảo vệ Đài Loan.”

Theo quan điểm của Khan, sai lầm chết người trong chính sách của Mỹ là không hoàn toàn ủng hộ hoặc hoàn toàn phản đối nền độc lập của Đài Loan. Đã có những cơ hội để chọn một bên, nhưng chúng đã bị bỏ qua. Trong một bản ghi nhớ vào tháng 7 năm 1949, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan lập luận rằng Mỹ (một mình hoặc với những nước khác) nên buộc Quốc dân đảng rời khỏi Đài Loan và thiết lập một chế độ quốc tế nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xác định tương lai của hòn đảo – một ý tưởng đã được đưa ra hai năm trước đó bởi đặc phái viên của Truman ở Trung Quốc, Tướng Albert Wedemeyer. Kế hoạch này chưa bao giờ thành hiện thực, nhưng Khan lập luận rằng những người Cộng sản có thể đã đồng ý với nó. Ông viết: “Nó có vẻ cực đoan vào thời điểm đó, nhưng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn là đối phó với những gì sẽ xảy ra sau đó.”

Khan cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì những sai lầm lặp đi lặp lại. Ông trích dẫn việc họ tiếp tục khăng khăng rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, mặc dù họ từ lâu đã chấp nhận nền độc lập của Mông Cổ, nơi cũng từng là một tiền đồn của triều đại nhà Thanh. Ông cũng chỉ ra những lời đe dọa thiếu tế nhị đối với người dân Đài Loan do Chu Dung Cơ, thủ tướng Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2003, đưa ra, điều này chỉ củng cố thêm lập luận của những người Đài Loan phản đối việc thống nhất với Trung Quốc. Khan viết: “Nếu Bắc Kinh tránh những lời đe dọa và khoe khoang, thì có thể họ đã đạt được sự thống nhất trong hòa bình.”

Khan phác thảo một loạt các giả định ngược lại có thể dẫn đến một kết quả rõ ràng hơn—và theo ông, ổn định hơn. Ông dường như không quan tâm lắm đến việc mọi thứ đã diễn ra theo hướng nào, miễn là Washington đã chọn một cách dứt khoát. Đối với ông, nếu Mỹ hoàn toàn chấp nhận nền độc lập của Đài Loan (tại Cairo hoặc trong Nội chiến Trung Quốc) hoặc hoàn toàn chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh (vào thời điểm những người Cộng sản chiến thắng năm 1949 hoặc trong thời kỳ xích lại gần nhau vào những năm 1970), thì họ đã tránh được tình thế khó xử mà họ phải đối mặt ngày nay: phản đối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ép buộc thống nhất nhưng lại e ngại cam kết bảo vệ Đài Loan và có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Bắc Kinh. Khan đặc biệt chỉ trích nhiều lần các chính quyền Mỹ đã không thể nói lên một tiếng nói chung về chính sách Đài Loan, chưa kể đến những lộn xộn hơn nữa khi Quốc hội cũng tham gia vào vấn đề này.

Tất nhiên, đối với những người bảo vệ chính sách của Mỹ, sự không chắc chắn là một đức tính, chứ không phải là một thói xấu. Thường bị chế giễu là “mơ hồ chiến lược “, cách tiếp cận của Washington trên thực tế là một chiến lược tinh tế đã thúc đẩy sự thận trọng ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, bằng cách từ chối nêu rõ trong những trường hợp nào họ có thể can thiệp quân sự vào cuộc xung đột giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Theo đó, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan thiếu các nghĩa vụ tuyệt đối. Không có cam kết phòng thủ tập thể, tương tự như Điều 5 của NATO hoặc hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Thay vào đó, theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ cam kết coi “bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp phi hòa bình” là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ.” Đạo luật này cũng yêu cầu Mỹ cung cấp thiết bị quân sự phòng thủ cho Đài Loan.

Đạo luật Quan hệ Đài Loan là cốt lõi của chính sách “một Trung Quốc” lâu đời của Mỹ. Theo chính sách này, Washington không công nhận ngoại giao chính thức đối với Đài Loan, nhưng các quan chức Mỹ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Đài Loan của họ về nhiều vấn đề, từ y tế công cộng và kinh tế đến, với một mức độ ngày càng tăng, các vấn đề quân sự và an ninh. Đạo luật không ủng hộ việc Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế mà “cương vị quốc gia” là một tiêu chí, nhưng nó chủ trương để hòn đảo đóng một vai trò tích cực trong nhiều thỏa thuận đa phương và khuyến khích các quốc gia khác có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan ngay cả khi Mỹ không làm vậy. Có lẽ quan trọng nhất, chính sách này được xây dựng trên nguyên tắc rằng tình trạng cuối cùng của Đài Loan phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và được người dân của hòn đảo này ủng hộ.

Bảo vệ sự mơ hồ

Khan không phải là người duy nhất bận tâm về sự mơ hồ chiến lược; ngày càng nhiều chuyên gia và cựu quan chức cũng kêu gọi chuyển sang chính sách hỗ trợ quân sự và ngoại giao rõ ràng hơn. Bản thân Biden đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan, mặc dù sau đó các quan chức khác đã xác nhận những tuyên bố đó, nhưng họ cũng khẳng định rằng không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ.

Khan có lý khi đặt câu hỏi về cách tiếp cận của Mỹ. Sự mơ hồ có cái giá của nó. Như nhà hoạt động chính trị và chuyên gia người Texas, Jim Hightower đã từng nhận xét, “Không có gì ở giữa đường ngoài những vạch kẻ màu vàng và xác của những con tatu”. Loay hoay, tránh né, thỏa hiệp—tất cả đều có thể dễ dàng được coi là bằng chứng của việc thiếu rõ ràng về chiến lược, chiến thuật để vượt qua trong ngắn hạn mà bỏ qua hậu quả lâu dài của sự thiếu quyết đoán. Sự mơ hồ có thể khuyến khích kẻ thù và khiến bạn bè bất an.

Nhưng nói rằng sự mơ hồ thường sai không có nghĩa là nó luôn luôn sai. Có điều gì đó đúng với câu cách ngôn của nhà văn H. L. Mencken: “Đối với mỗi vấn đề phức tạp, đều có một câu trả lời rõ ràng, đơn giản và sai.” Đặc biệt là khi Mỹ có nhiều lợi ích bị đe dọa, đơn giản là không thể tạo ra một chính sách tối đa hóa tất cả chúng. Washington có lợi ích hấp dẫn trong việc hỗ trợ những ai đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, như những công dân dũng cảm của Đài Loan đã làm trong nhiều thập kỷ, trước tiên là chống lại các chính phủ Quốc dân đảng độc tài và giờ là trước áp lực từ Bắc Kinh. Mỹ có lợi ích mạnh mẽ trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bác bỏ sự ép buộc về chính trị, kinh tế và quân sự. Và họ đúng khi lo ngại về khả năng kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển chiến lược xung quanh Đài Loan và bản thân Đài Loan. Nhưng Mỹ cũng có lợi ích hấp dẫn trong việc tránh chiến tranh, hoặc thậm chí chỉ là sự gián đoạn kinh tế sâu sắc sẽ xảy ra do tranh chấp leo thang với Trung Quốc. Và nhiều thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng đến rủi ro của AI, đòi hỏi sự hợp tác của Mỹ với Trung Quốc.

Khan quay trở lại lịch sử để lập luận rằng Đài Loan chưa bao giờ thực sự là một phần của Trung Quốc, trái ngược với những tuyên bố chính thức của Trung Quốc ngày nay khẳng định rằng nó “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại.” Thay vào đó, ông cho rằng, hòn đảo này chỉ đơn thuần là thuộc địa của triều đại nhà Thanh và do đó, lẽ ra nên được hưởng lợi từ cam kết theo chủ nghĩa Wilson của Mỹ về quyền tự quyết dân tộc và phong trào phi thực dân hóa rộng lớn hơn sau CTTG II. Đó là một điểm tranh luận hay, có sức cộng hưởng đáng kể ở một quốc gia ra đời bằng cách từ bỏ ách thống trị thuộc địa. Nhưng Mỹ luôn dao động trong việc ủng hộ các phong trào ly khai. Ví dụ, hãy so sánh việc họ chính thức công nhận nền độc lập của Kosovo vào năm 2008 với việc họ tiếp tục từ chối ủng hộ tuyên bố tương tự của người Kurd ở Iraq. Thông thường, các nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ quyền tự trị chính trị hơn là độc lập trên thực tế như một sự lựa chọn thận trọng hơn.

Khi nhìn vào những gì đã xảy ra ở Đài Loan trong 80 năm qua mà Khan ghi lại, thật khó hiểu tại sao ông và những người chỉ trích khác lại coi chính sách Đài Loan của Mỹ là một thất bại. Trong giai đoạn đó, Đài Loan được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản, vượt qua chế độ độc tài và trải qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt. Hòn đảo này hiện có một nền dân chủ sôi động, đứng thứ 14 trên toàn cầu về thu nhập bình quân đầu người và dẫn đầu thế giới trong một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là sản xuất chất bán dẫn. Đúng là tình hình hiện nay rất nguy hiểm, nhưng nhìn từ góc độ của năm 1943, nơi Khan bắt đầu câu chuyện của mình, thật khó để lập luận rằng kết quả không phải là khá tốt cho Đài Loan—và Mỹ.

Một trường hợp điển hình mạnh mẽ chứng minh giá trị của cách tiếp cận được điều chỉnh của Mỹ đối với Đài Loan đã xảy ra vào năm 1995 và 1996, khi Trung Quốc bắn tên lửa gần Đài Loan để đe dọa các nhà lãnh đạo của hòn đảo này. Để ngăn chặn Bắc Kinh mà không khiêu khích họ, Tổng thống Bill Clinton đã điều các nhóm tàu sân bay Mỹ đến gần Đài Loan nhưng không đi vào eo biển Đài Loan. Khan thừa nhận rằng phản ứng này đã xoa dịu thành công cuộc khủng hoảng. Ông viết: “Nếu Mỹ đưa các tàu sân bay vào eo biển Đài Loan trong cuộc khủng hoảng (như thường bị nhớ nhầm), Bắc Kinh có thể đã thấy mình không thể lùi bước”, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình có thể “leo thang đến mức chiến tranh tổng lực.” Thông qua phản ứng được đo lường này, cũng như việc tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc” sau đó, chính quyền Clinton đã có thể tạo bối cảnh cho việc tái hợp tác với Trung Quốc. Điều đó, đến lượt nó, không chỉ dẫn đến mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn mà còn tạo điều kiện cho Đài Loan gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tiếp tục theo đuổi các cải cách dân chủ.

Với lịch sử của sự mơ hồ chiến lược, không có gì ngạc nhiên khi chính sách này được các tổng thống của cả hai đảng theo đuổi, bao gồm cả Ronald Reagan, người khi nhậm chức đã từ bỏ sự ủng hộ trước đó của mình đối với việc khôi phục đảm bảo an ninh cho Đài Loan, và George W. Bush, người đã thực hiện một điều chỉnh lộ trình tương tự trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Mặc dù Khan đúng khi buộc người đọc phải suy nghĩ chín chắn về những lựa chọn trong quá khứ, nhưng nhìn chung, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan chắc chắn xứng đáng được đánh giá cao, bất chấp tất cả những sai sót.

Thời gian đã hết?

Nhưng hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo cho kết quả trong tương lai. Chính sách của Mỹ đã thành công một phần vì tất cả các bên đều bằng lòng trì hoãn một giải pháp dứt khoát cho tương lai, tin rằng thời gian đứng về phía họ. Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng sự năng động và thịnh vượng kinh tế ngày càng tăng của họ sẽ khiến việc thống nhất ngày càng hấp dẫn đối với người dân Đài Loan và được Mỹ chấp nhận nhiều hơn. Niềm tin này được củng cố bởi một nhận xét mà Kissinger đã đưa ra với người Trung Quốc trong cuộc gặp năm 1971 tại Bắc Kinh: “Là một sinh viên lịch sử, người ta phải dự đoán rằng sự phát triển chính trị có thể sẽ đi theo hướng mà Thủ tướng Chu Ân Lai đã chỉ ra cho tôi…Chúng tôi sẽ không cản trở sự tiến hóa cơ bản”. Từ quan điểm của Mỹ, thời gian được cho là có khả năng thu hẹp sự khác biệt giữa Đài Loan và đại lục, để hai bên có thể đi đến một sự hiểu biết trong đó Đài Loan có thể duy trì nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền của mình, có lẽ dưới cái tên “một quốc gia, hai chế độ.”

Ngày nay, nhiều người cho rằng, tình hình đã khác xa, không bên nào trong ba bên tin rằng thời gian đứng về phía mình. Theo quan điểm của một số người ở Mỹ và Đài Loan, sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc có nghĩa là Bắc Kinh sẽ sớm có khả năng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột quân sự; ngay cả ngày nay, nhiều người cho rằng, việc bảo vệ thành công hòn đảo này sẽ là một vấn đề nan giải. Theo phe này, chỉ bằng cách tăng cường đáng kể khả năng răn đe thông qua cam kết rõ ràng đối với việc bảo vệ Đài Loan, bao gồm cả hỗ trợ quân sự và chính trị, mới có thể ngăn chặn được một cuộc thâu tóm. Từ góc độ của Trung Quốc, các xu hướng chính trị ở Đài Bắc và Washington đang đi sai hướng. Vào tháng 1, cử tri Đài Loan đã bầu Lại Thanh Đức làm tổng thống, một nhà lãnh đạo mà Bắc Kinh coi là ủng hộ độc lập hơn nhiều so với người tiền nhiệm của ông, Thái Anh Văn. Điều đó, cùng với sự ủng hộ ngày càng quyết liệt của Quốc hội đối với Đài Loan, có nghĩa là hòn đảo này có nguy cơ tuột khỏi tầm tay của Bắc Kinh. Giống như cuộc tranh luận ở Mỹ, những kẻ diều hâu ở Trung Quốc chủ trương tăng tốc khả năng quân sự của đất nước để khuất phục Đài Loan.

Chính sự phản chiếu này góp phần tạo nên cảm giác khủng hoảng hiện nay, một mô hình quen thuộc trong đó sự lo lắng và bất an khiến một bên thực hiện các biện pháp phòng ngừa gây ra càng nhiều sợ hãi hơn cho bên kia—điều mà các nhà lý luận quan hệ quốc tế gọi là “thế lưỡng nan an ninh” hoặc “mô hình xoắn ốc”. Trung Quốc càng thể hiện sức mạnh của mình đối với Đài Loan, Mỹ càng thúc đẩy việc bán vũ khí và các chuyến thăm của Quốc hội tới Đài Loan để tăng cường khả năng răn đe. Và họ càng làm điều đó, Trung Quốc càng cảm thấy cần phải leo thang các mối đe dọa của mình để ngăn chặn các hành động trong tương lai.

Thật dễ dàng để khẳng định rằng việc tăng cường khả năng răn đe bằng cách cấp cho Đài Loan một đảm bảo quân sự vững chắc sẽ mang lại điều tốt nhất cho tất cả các bên, bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan đồng thời tránh chiến tranh bằng cách thuyết phục Trung Quốc rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ thất bại. Có thể—giống như tất cả các giả định ngược lại, không thể bác bỏ—nhưng cũng có thể không. Lý thuyết này ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng vũ lực nếu họ có thể chắc chắn rằng mình sẽ thắng, nhưng ai dám nói rằng khi đối mặt với khả năng thống nhất hòa bình ngày càng xa vời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không đơn giản là đánh bạc? Ngay cả khi Mỹ và Đài Loan kết luận rằng lực lượng kết hợp của họ đủ để đẩy lùi một cuộc tấn công, thì cũng khó có thể chắc chắn rằng các tướng lĩnh Trung Quốc sẽ chia sẻ đánh giá ảm đạm đó và truyền đạt nó cho những lãnh đạo dân sự. Quan trọng không kém, nếu Đài Loan tự tin hơn vào hiệu quả của sự răn đe, các nhà lãnh đạo của họ có thể cảm thấy tự do hơn trong việc thúc đẩy các giới hạn của chủ quyền và độc lập.

Giữ lấy hòa bình

Vì tất cả những lý do này, có những rủi ro một khi sự mơ hồ về cách Mỹ có thể phản ứng với các hành động khiêu khích của Trung Quốc bị xóa bỏ. Thay vào đó, Mỹ đã đúng khi tiếp tục chính sách lâu dài của mình là đưa ra một “mối đe dọa để lại điều gì đó cho sự may rủi”, theo cách nói đáng nhớ của nhà kinh tế học và nhà lý luận trò chơi Thomas Schelling, tạo ra sự không chắc chắn ở bên này về cách bên kia sẽ phản ứng. Do đó, bất chấp sự mơ hồ của nó, có nhiều điều đáng khen ngợi trong việc các nhà lãnh đạo Đài Loan tập trung vào việc duy trì “hiện trạng”, một thuật ngữ được Lại Thanh Đức sử dụng trong cả chiến dịch tranh cử và trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với bài học mà Khan rút ra từ lịch sử. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi đó là điều mà hầu hết người dân Đài Loan mong muốn. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 2 năm 2024, hơn 80% số người được hỏi ủng hộ duy trì hiện trạng, dù là tạm thời hay vĩnh viễn.

Do tồn tại sự nghi ngờ ở tất cả các bên, việc duy trì hiện trạng không phải là điều dễ dàng. Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp nhận cách tiếp cận như vậy, phản ánh việc họ ngày càng không sẵn lòng chấp nhận việc trì hoãn thống nhất vô thời hạn. Tuy nhiên, mỗi bên có thể thực hiện các bước cụ thể để củng cố hiện trạng. Trung Quốc có thể rút lại sự phản đối của mình đối với việc Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế mà không yêu cầu tư cách nhà nước và chấp nhận Đài Loan là một bên tham gia không chính thức trong các tổ chức yêu cầu tư cách nhà nước. (Bắc Kinh đã thực hiện cách tiếp cận đó trong quá khứ; họ đã chấp nhận Đài Bắc với tư cách quan sát viên trong Đại hội đồng Y tế Thế giới từ năm 2009 đến năm 2016 và với tư cách khách mời tại Đại hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế vào năm 2013.) Đến lượt mình, Đài Loan có thể tạm dừng các nỗ lực đang giảm sút của mình để giành được sự công nhận ngoại giao chính thức từ các quốc gia khác. Mỗi bên có thể đồng ý tôn trọng các giới hạn ngầm, nếu không muốn nói là chính thức, đối với các hoạt động quân sự, chẳng hạn như duy trì hiện diện ở bên đường trung tuyến của mình ở eo biển Đài Loan khi tiến hành các hoạt động trên không. Quan trọng nhất, Trung Quốc có thể đồng ý nối lại đối thoại với chính phủ Đài Loan—đã bị dừng lại sau khi người tiền nhiệm của Lại Thanh Đức đắc cử vào năm 2016—với cam kết đã nêu của Lại Thanh Đức đối với hiện trạng.

Có lẽ bài học có ảnh hưởng nhất trong cuốn sách của Khan liên quan đến năng lực. Khan liên tục nhắc nhở người đọc rằng con đường dẫn đến hiện tại không phải là không thể tránh khỏi mà là sản phẩm của những lựa chọn do các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington đưa ra. Lịch sử đó phải đóng vai trò vừa là câu chuyện cảnh báo vừa là động lực cho các nhà lãnh đạo ở cả ba thủ đô. Xung đột ở eo biển Đài Loan không phải là không thể tránh khỏi cũng không phải là không thể xảy ra, nhưng việc tránh xung đột phụ thuộc vào các lựa chọn chính sách thận trọng của mỗi bên trong ba chính phủ này. Như Khan và những người chỉ trích khác về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan thường chỉ ra, nhiều thập kỷ mơ hồ và thỏa hiệp đã khiến cả Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ đều không hoàn toàn hài lòng. Nhưng gần như theo định nghĩa, bất kỳ kết quả nào làm hài lòng hoàn toàn bên này sẽ không được bên kia chấp nhận, vì vậy mục tiêu của Washington phải là tìm ra một hiện trạng mà tất cả các bên có thể chấp nhận được. Đó là phương thức cân bằng tốt, nhưng đó là tất cả những gì mà ngoại giao hướng tới.

James B. Steinberg là Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến năm 2011 và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 1996 đến năm 2000.

Nguồn:  James B. Steinberg, “The Upside to Uncertainty on Taiwan”, Foreign Affairs, 16/10/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Bản Tiếng Việt của Nghiên cứu Quốc tế.


Đăng ngày

trong

, ,

Thẻ: