Tác giả: Max Boot
Huyền thoại về sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến Đảng Cộng hòa đi chệch hướng trong vấn đề Trung Quốc.
Khi các đảng viên Cộng hòa lập ra chiến lược đối phó với Trung Quốc ngày nay, nhiều người trong số họ xem cách tiếp cận đối đầu của Tổng thống Ronald Reagan đối với Liên Xô như một hình mẫu để noi theo. H. R. McMaster, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump, lập luận rằng “Reagan có một chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Liên Xô. Cách tiếp cận của Reagan – gây áp lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ lên một đối thủ siêu cường – đã trở thành nền tảng cho tư duy chiến lược của Mỹ. Nó đã đẩy nhanh hồi kết của cường quốc Liên Xô và dẫn đến một kết cục hòa bình cho Chiến tranh Lạnh đã kéo dài nhiều thập kỷ.”
Một bộ ba chuyên gia chính sách đối ngoại bảo thủ – Randy Schriver, Dan Blumenthal, và Josh Young – cũng lập luận rằng tổng thống tiếp theo “nên dựa vào ví dụ về chính sách Trung Quốc của cựu Tổng thống Ronald Reagan,” trích dẫn “ý định giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô” đã “thấm nhuần” trong các tài liệu an ninh quốc gia thời Reagan. Trên tờ Foreign Affairs, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Trump là Matt Pottinger và cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher đã trích dẫn Reagan nhằm lập luận rằng “Mỹ không nên cạnh tranh với Trung Quốc; mà phải giành chiến thắng.”
Có lẽ tôi sẽ đồng cảm hơn với những tuyên bố này nếu không dành tận 10 năm nghiên cứu cuộc đời và di sản của Reagan – khám phá những ghi chép lịch sử trái ngược hoàn toàn với những huyền thoại xoay quanh vị tổng thống thứ 40 của nước Mỹ. Một trong những huyền thoại lớn nhất là Reagan đã có kế hoạch lật đổ “đế chế quỷ dữ” (evil empire) và chính áp lực từ phía ông đã giúp Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ chủ yếu là “công trình” của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev – chúng là hai hậu quả của các chính sách cải cách triệt để của ông (sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là cố ý và sự sụp đổ của Liên Xô là không cố ý). Reagan xứng đáng được ghi nhận công lao vì đã hiểu rằng Gorbachev là một kiểu nhà lãnh đạo cộng sản khác biệt, một người mà ông có thể hợp tác và từ đó đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm trong hòa bình. Nhưng Reagan không khơi dậy những cải cách của Gorbachev, càng không thúc đẩy sự sụp đổ của Liên Xô. Việc lập luận khác đi sẽ tạo ra những kỳ vọng nguy hiểm và không thực tế về những gì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể đạt được ngày hôm nay.
REAGAN THỰC SỰ ĐÃ LÀM GÌ
Chắc chắn, có một sự hấp dẫn nhất định trong luận điểm rằng Reagan đã hạ bệ Liên Xô và giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, bởi chính Reagan đôi khi cũng nói về việc làm như vậy. Richard V. Allen, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Reagan, đã kể lại cho tôi một cuộc trò chuyện giữa ông và vị cựu thống đốc California vào năm 1977, khi ông đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980 của mình. “Anh có phiền nếu tôi nói cho anh biết lý thuyết của tôi về Chiến tranh Lạnh không?” Reagan hỏi. “Lý thuyết của tôi là chúng ta thắng, họ thua. Anh nghĩ sao về điều đó?”
Sau khi nhậm chức, Reagan đã tăng chi tiêu quốc phòng – ông đã cho triển khai đợt tăng cường quân sự thời bình lớn nhất trong lịch sử Mỹ – và khởi động Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược nhằm tạo ra một “lá chắn không gian” chống lại tên lửa hạt nhân. Ông cung cấp vũ khí cho những kẻ nổi loạn chống cộng ở Afghanistan, Angola, và Nicaragua, bên cạnh sự hỗ trợ bí mật, phi sát thương cho phong trào Đoàn kết ở Ba Lan. Reagan thường có thái độ cứng rắn khi nói về Liên Xô và thẳng thắn chỉ trích những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nước này. Năm 1982, ông tuyên bố rằng “cuộc diễu hành của tự do và dân chủ” sẽ “đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào đống tro tàn của lịch sử.” Trong một bài phát biểu năm 1983, ông gọi Liên Xô là “tâm điểm của cái ác trong thế giới hiện đại.”
Bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy Reagan đã có một chiến lược đánh bại Liên Xô – được trích dẫn bởi những người ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc ngày nay – là hai chỉ thị an ninh quốc gia hiện đã được giải mật, do cố vấn an ninh quốc gia của Reagan, William Clark, ban hành vào năm 1982 và 1983. Chỉ thị số 32 kêu gọi Mỹ “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Liên Xô” bằng cách “buộc Liên Xô phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những thiếu sót kinh tế của mình, đồng thời khuyến khích xu hướng tự do hóa và dân tộc chủ nghĩa lâu dài trong Liên Xô và các nước đồng minh.” Chỉ thị số 75 giải thích thêm về nhu cầu “thúc đẩy, trong phạm vi hạn hẹp mà chúng ta huy động được, quá trình thay đổi ở Liên Xô để hướng tới một hệ thống chính trị và kinh tế đa nguyên hơn, trong đó quyền lực của tầng lớp tinh hoa cầm quyền dần bị giảm bớt.”
Rất dễ để chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa các chính sách được nêu trong hai chỉ thị 32 và 75 với các sự kiện mang tính thời đại diễn ra chỉ vài năm sau đó và lên đến đỉnh điểm vào cuối Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, những người viết tiểu sử của Clark, Paul Kengor và Patricia Clark Doerner, đã gọi các chính sách này là “những chỉ thị đã giúp giành chiến thắng Chiến tranh Lạnh.”
XUNG ĐỘT BÊN TRONG
Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với cốt truyện đơn giản này. “Người ta sẽ muốn nhìn lại và nói rằng, ‘chúng tôi đã có một chiến lược tuyệt vời và chúng tôi đã tính toán được mọi thứ,’ nhưng tôi không nghĩ điều đó chính xác,” Bộ trưởng Ngoại giao của Reagan, George Shultz, nói với tôi. “Điều chính xác là đã có một thái độ chung ‘hòa bình thông qua sức mạnh.’”
Thật vậy, những câu chuyện chỉ tập trung vào cách tiếp cận cứng rắn của Reagan đối với Liên Xô trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã bỏ lỡ một phần lớn bức tranh. Cách tiếp cận của Reagan đối với Liên Xô không phải lúc nào cũng cứng rắn hay lúc nào cũng hòa giải. Thay vào đó, chính sách đối ngoại của ông là sự kết hợp khó hiểu giữa hai cách tiếp cận diều hâu và bồ câu, dựa trên bản năng xung đột của chính ông và những lời khuyên xung đột mà ông nhận được từ các trợ lý cứng rắn như Clark, Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger, và Giám đốc CIA William Casey, cùng các nhân vật thực dụng hơn như Shultz và các cố vấn an ninh quốc gia Robert McFarlane, Frank Carlucci, và Colin Powell.
Khi đối phó với Liên Xô, Reagan liên tục bị giằng xé giữa hai hình ảnh đối lập. Một mặt, đó là nỗi thống khổ của người dân đằng sau Bức màn Sắt: sau cuộc họp đầy cảm xúc tại Phòng Bầu dục vào ngày 28/05/1981, với Yosef Mendelevich, một tù nhân chính trị mới được thả, và Avital Sharansky, vợ của nhà bất đồng chính kiến Liên Xô bị cầm tù Natan Sharansky, Reagan đã viết trong nhật ký của mình: “Lũ quái vật vô nhân đạo khốn khiếp đó. [Sharansky] đã sụt chỉ còn 45kg và đang chịu nhiều bệnh tật. Tôi đã hứa sẽ làm mọi thứ có thể để giải thoát cho anh ta và tôi sẽ làm vậy.” Mặt khác, tồn tại một bóng ma hủy diệt hạt nhân nếu cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô vượt khỏi tầm kiểm soát. Mối nguy này đã được Reagan nhận ra trong một trò chơi chiến tranh hạt nhân, có mật danh là Ivy League, diễn ra vào ngày 01/03/1982. Trong lúc Reagan theo dõi từ Phòng Tình hình Nhà Trắng, toàn bộ bản đồ nước Mỹ dần chuyển sang màu đỏ để mô phỏng tác động của các cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô. “Ông ấy đã nhìn với vẻ sửng sốt không thể tin nổi,” nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tom Reed kể lại. “Trong vòng chưa đầy một giờ, Tổng thống Reagan đã chứng kiến nước Mỹ biến mất hoàn toàn… Đó là một trải nghiệm đáng suy ngẫm.” Do đó, chính sách của Reagan đối với Liên Xô kém nhất quán hơn nhiều so với hầu hết những gì người ngưỡng mộ ông thừa nhận. Dù các cuộc gặp gỡ của ông với những người bất đồng chính kiến Liên Xô đã đẩy ông nghiêng về đối đầu, nhưng hiểu biết của ông về hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân đã khiến ông trở nên hợp tác hơn.
Trong khi nhiều người hâm mộ Reagan cho rằng Chỉ thị 32 và 75 tương đương với tuyên bố chiến tranh kinh tế chống lại Liên Xô, Reagan lại nhiều lần hành động để giảm áp lực kinh tế lên Moscow. Đầu năm 1981, ông dỡ bỏ lệnh cấm vận ngũ cốc mà Tổng thống Jimmy Carter đã áp đặt một năm trước để đáp trả cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Khi chế độ được Liên Xô hậu thuẫn tuyên bố thiết quân luật ở Ba Lan vào tháng 12/1981, Reagan đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Siberia đến Tây Âu, trước khi dỡ bỏ chúng vào tháng 11 năm sau để đáp lại sự phản đối của các đồng minh châu Âu. Phe diều hâu đã phải thất vọng khi Tổng thống sẵn sàng từ bỏ một trong những công cụ kinh tế mạnh mẽ nhất của Mỹ mà không nhận được bất kỳ nhượng bộ nào. Viết trên tờ New York Times vào tháng 5/1982, biên tập viên của mục Bình luận, Norman Podhoretz, đã nêu ra sự thất vọng này dưới tiêu đề “Nỗi đau của những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ trước chính sách đối ngoại của Reagan.” Podhoretz phàn nàn rằng phản ứng của Reagan đối với việc áp đặt thiết quân luật ở Ba Lan thậm chí còn yếu hơn phản ứng của Carter đối với cuộc xâm lược Afghanistan năm 1979: “Người ta có thể dễ dàng nhớ lại rằng Carter đã ban hành lệnh cấm vận ngũ cốc và tẩy chay Thế vận hội Moscow, nhưng khó có thể nhớ được lệnh trừng phạt của Reagan là gì.”
Những người bảo thủ sẽ cảm thấy kinh hoàng hơn nữa nếu họ biết rằng Reagan đang bí mật liên lạc với Điện Kremlin vào thời điểm đó. Vào tháng 4/1981, Reagan đã gửi một bức thư tay đầy tình cảm cho nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev bày tỏ mong muốn có “một cuộc đối thoại có ý nghĩa và mang tính xây dựng sẽ giúp chúng ta hoàn thành nghĩa vụ chung là tìm kiếm hòa bình lâu dài,” và đến tháng 3/1983, hai ngày sau khi gọi Liên Xô là “đế chế quỷ dữ,” tổng thống đã nói riêng với Shultz rằng hãy duy trì các đường dây đối thoại với đại sứ Liên Xô, Anatoly Dobrynin. Thật vậy, Reagan đã hy vọng được gặp một nhà lãnh đạo Liên Xô ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình và than thở suốt nhiệm kỳ đầu tiên rằng các nhà lãnh đạo Liên Xô “cứ chết trước tôi.”
Nhiều người ngưỡng mộ đã dành lời khen cho Reagan vì một chiến lược được tính toán kết hợp giữa áp lực và hòa giải, nhưng cách tiếp cận này không mang lại nhiều kết quả trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, mà thay vào đó còn khiến các nhà lãnh đạo Liên Xô bối rối: “Trong tâm trí ông ấy, những sự không tương thích này có thể cùng tồn tại theo cách hòa hợp hoàn hảo, nhưng vào thời điểm đó, Moscow lại xem cách hành xử như vậy là dấu hiệu của sự gian dối và thù địch có chủ ý,” Dobrynin viết trong hồi ký năm 1995 của mình.
Năm 1983, một loạt các cuộc khủng hoảng leo thang – bao gồm vụ Liên Xô bắn hạ một máy bay dân dụng của Hàn Quốc, vụ Liên Xô cảnh báo sai về vụ phóng tên lửa của Mỹ, và một trò chơi chiến tranh của NATO (có mật danh là Able Archer) mà một số quan chức Liên Xô xem là vỏ bọc cho một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ – đã làm nỗi sợ chiến tranh hạt nhân tăng lên mức cao nhất kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Khi nhận ra nguy cơ Ngày Tận thế là rất thực, Reagan đã có ý thức giảm bớt sự hiếu chiến của mình. Vào tháng 1/1984, ông đã có một bài phát biểu hòa giải trong đó ông nói về những điểm chung giữa hai công dân Liên Xô điển hình “Ivan và Anya” và hai công dân Mỹ điển hình “Jim và Sally,” đồng thời hứa sẽ hợp tác với Điện Kremlin để “củng cố hòa bình” và “giảm mức độ vũ trang.”
Vấn đề là Reagan không có đối tác cho hòa bình vào thời điểm đó: trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Liên Xô liên tiếp được lãnh đạo bởi những nhân vật lão thành theo đường lối cứng rắn, gồm Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko. Chỉ sau khi Chernenko qua đời vào tháng 3/1985, Reagan mới tìm thấy một nhà lãnh đạo Liên Xô mà ông có thể làm việc cùng là Gorbachev, một “thiên nga đen” thực sự đã vươn lên vị trí cao nhất của một hệ thống toàn trị, chỉ để hủy diệt nó hoàn toàn.
SỰ SỤP ĐỔ BẤT NGỜ
Những người cho rằng Ronald Reagan đã hạ bệ “đế chế quỷ dữ” thường tập trung vào sự thăng tiến của Gorbachev như một bước ngoặt, cho rằng Tổng thống Mỹ và quyết định tăng cường quốc phòng của ông đã dẫn đến việc lựa chọn một nhà cải cách làm tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vấn đề với giả thuyết này là, vào đầu năm 1985, không một ai – kể cả bản thân Gorbachev – biết ông sẽ trở thành một nhà cải cách cấp tiến đến mức nào. Nếu các đồng nghiệp của ông trong Bộ Chính trị biết, họ có lẽ đã chẳng chọn ông. Họ không mong muốn đế chế Liên Xô, hay quyền lực và đặc quyền của riêng họ, biến mất.
Gorbachev không muốn cải cách hệ thống Xô-viết để cạnh tranh hiệu quả hơn với nền quốc phòng được tăng cường của Reagan. Thực tế thì ngược lại. Ông thực sự lo lắng về những nguy cơ của chiến tranh hạt nhân, và ông kinh hoàng trước số tiền mà Liên Xô đã chi cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình: ước tính 20% GDP và 40% ngân sách nhà nước.
Nguyên nhân không phải là cuộc khủng hoảng do Reagan gây ra có thể khiến Liên Xô phá sản, nhưng là sản phẩm từ bản năng nhân đạo của chính Gorbachev. Như nhà sử học Chris Miller đã lập luận, “Khi Gorbachev trở thành tổng bí thư vào năm 1985, nền kinh tế Liên Xô đang lãng phí tài nguyên và được quản lý kém, nhưng nó không rơi vào khủng hoảng.” Sau khi đã sống sót qua thời kỳ khủng bố Stalin, nạn đói, và công nghiệp hóa, cũng như Thế chiến II và giai đoạn phi Stalin hóa, chế độ Liên Xô cũng có thể sống sót qua tình trạng trì trệ vào giữa những năm 1980 tương tự như các chế độ cộng sản nghèo hơn, gồm Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, và Việt Nam.
Sự sụp đổ của Liên Xô không phải là điều tất yếu, cũng không phải là sản phẩm của những nỗ lực của Reagan nhằm chi tiêu nhiều hơn cho quân đội và kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô ra nước ngoài. Sự sụp đổ của Liên Xô là hậu quả không lường trước và không mong muốn của những cải cách ngày càng cấp tiến do Gorbachev thực hiện – cụ thể là glasnost (công khai hóa) và perestroika (cải tổ chính trị và kinh tế) – bất chấp sự phản đối của những người đồng chí bảo thủ hơn, những người cuối cùng đã cố gắng lật đổ ông vào năm 1991. Liên Xô tan rã không phải vì nó phá sản về mặt kinh tế, mà vì Gorbachev thừa nhận rằng nó phá sản về mặt đạo đức, và ông từ chối duy trì nó bằng vũ lực. Nếu một thành viên khác của Bộ Chính trị lên nắm quyền vào năm 1985, thì Liên Xô có lẽ vẫn tồn tại và Bức tường Berlin vẫn có thể đứng vững, giống như khu phi quân sự vẫn chia cắt Triều Tiên với Hàn Quốc ngày nay. Dù ông không thúc đẩy các cải cách của Gorbachev, Reagan xứng đáng được ghi nhận vì đã làm việc với nhà lãnh đạo Liên Xô vào thời điểm mà hầu hết những người bảo thủ đều cảnh báo rằng tổng thống đang bị một tên cộng sản xảo quyệt lừa gạt.
Reagan và Gorbachev hầu như không nhìn nhận mọi thứ theo cùng một cách. Họ xung đột về vấn đề nhân quyền ở Liên Xô và Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược mà Reagan yêu thích. Nhưng bất chấp những bước lùi tạm thời, hai nhà lãnh đạo sau cùng đã ký hiệp định kiểm soát vũ khí đầu tiên nhằm xóa bỏ toàn bộ một loại vũ khí hạt nhân, Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, tại Washington vào năm 1987, và vào năm 1988, gia đình Reagan đã đến Moscow. Trong chuyến thăm, khi hai nhà lãnh đạo đi dạo qua Quảng trường Đỏ, Sam Donaldson của ABC News đã hỏi Reagan, “Ngài vẫn nghĩ mình đang ở trong một đế chế quỷ dữ chứ, ngài Tổng thống?” “Không,” Reagan trả lời. “Tôi đã nói về một thời đại khác, một kỷ nguyên khác.”
ÁP LỰC KHÔNG TẠO NÊN HÒA BÌNH
Có rất ít bằng chứng cho thấy áp lực lên Liên Xô trong nhiệm kỳ đầu tiên của Reagan đã khiến Liên Xô sẵn sàng đàm phán hơn, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự chuyển hướng của Reagan sang hợp tác với Gorbachev trong nhiệm kỳ thứ hai đã giúp tân lãnh đạo Liên Xô chuyển đổi đất nước của mình và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhiều người bảo thủ lại gộp chung những thành công trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan với những thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, theo đó áp dụng sai bài học chính sách vào mối quan hệ với Trung Quốc cộng sản ngày nay.
Việc tăng cường đối đầu với Bắc Kinh bất chấp hậu quả có thể lặp lại nỗi sợ chiến tranh đã đưa thế giới đến bờ vực thảm họa năm 1983, và ngày nay, một chiến lược kiểu này thậm chí còn ít có cơ hội thành công hơn. Ngay cả khi không bị đẩy đến bờ vực phá sản, nền kinh tế thập niên 1980 của Liên Xô vẫn rất yếu, do chương trình kế hoạch hóa tập trung của đảng cộng sản và giá dầu thế giới giảm. Mặt khác, Trung Quốc đã kết hợp thành công nền kinh tế thị trường tự do với đàn áp chính trị để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Như Fareed Zakaria đã chỉ ra: nền kinh tế Liên Xô chiếm khoảng 7,5% GDP toàn cầu ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng Trung Quốc ngày nay chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu. Không có chính sách nào mà người Mỹ có thể thực hiện một cách hợp lý để “đánh bại” Trung Quốc – và cũng rất khó để biết “đánh bại Trung Quốc” có nghĩa là gì. Nhưng lại rất dễ để tưởng tượng rằng các chính sách cứng rắn không ngừng nghỉ từ cả Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Mỹ nên tiếp tục kiềm chế và ngăn chặn thái độ hung hăng của Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, và ủng hộ nhân quyền tại Trung Quốc, trong khi vẫn tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để giảm nguy cơ chiến tranh. Đây là cách tiếp cận thận trọng đối với Liên Xô mà các tổng thống Mỹ của cả hai đảng đã áp dụng trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng Washington không nên kỳ vọng rằng họ có thể biến đổi Trung Quốc. Chỉ có người dân Trung Quốc mới có thể làm được điều đó. Cuộc đối đầu ngày nay với Trung Quốc chỉ có thể chấm dứt nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được kế nhiệm bởi một nhà cải cách thực sự theo khuôn mẫu của Gorbachev. Trừ khi kịch bản xa vời đó xảy ra, việc theo đuổi một miêu tả một chiều về chính sách của Reagan đối với Liên Xô có thể khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn.
Max Boot là nghiên cứu viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả của cuốn sách “Reagan: Cuộc đời và Huyền thoại” (Reagan: His Life and Legend).
Nguồn: Max Boot, “Reagan Didn’t Win the Cold War,” Foreign Affairs, 06/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bản tiếng Việt của Nghiên cứu Quốc tế.