Tác giả: Hoàng Trường
Washington không che giấu mục tiêu kép: Một mặt hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế để tách rời ảnh hưởng công nghệ Trung Quốc, mặt khác đưa Việt Nam vào quỹ đạo chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Ngày 2/7/2025, một thỏa thuận thương mại chưa từng có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đạt được trong bối cảnh đầy biến động của thương mại toàn cầu. Nhưng những tuyên bố lạc quan của đôi bên không thể che giấu sự bất cân xứng và những toan tính địa – chính trị phức tạp đằng sau những thỏa thuận này. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam đang thực sự tận dụng được cơ hội hay đang bị cuốn vào một cái bẫy chiến lược tinh vi?
“Thay triều đổi đại” trong bang giao Mỹ – Việt
Khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, thỏa thuận Mỹ – Việt lần này mang tính đơn phương và áp đặt. Mỹ sẽ được tiếp cận thị trường Việt Nam gần như không rào cản, trong khi hàng hóa Việt Nam vào Mỹ vẫn phải chịu thuế 20%, thậm chí 40% với các mặt hàng bị nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều khoản “nghi ngờ trung chuyển” – tuy chưa rõ ràng về tiêu chí – lại có thể trở thành công cụ kiểm soát, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam vốn phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện nhập từ Trung Quốc.
Thỏa thuận này đến chỉ ba tháng sau khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, áp thuế quan quy mô lớn lên hầu hết các nền kinh tế lớn, trong đó Trung Quốc chịu mức thuế cao nhất. Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Anh Quốc đạt được thỏa thuận song phương, cho thấy Mỹ đang muốn thiết lập một chuỗi đối tác “thân thiện” để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng loại bỏ Trung Quốc.
Về danh nghĩa, Việt Nam đạt được cam kết hỗ trợ nâng cấp công nghiệp công nghệ cao, tiếp cận thị trường Mỹ rộng mở trong dài hạn. Nhưng về ngắn hạn, sự mở cửa thị trường một chiều có thể khiến doanh nghiệp nội địa chưa kịp thích ứng bị lấn át bởi hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao từ Mỹ.
Vì những lẽ trên, thỏa thuận chưa từng có tiền lệ nói trên có thật sự là một thắng lợi cho Việt Nam, hay đó là một cách trừng phạt Trung Quốc? Dư luận quốc tế có quyền đặt câu hỏi. “Sự thay triều đổi đại” này có nguy cơ gây hấn với nước láng giềng phía Bắc của Việt Nam hay không. Peter Mumford, giám đốc thực hành khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group, cho biết thỏa thuận 2/7 có thể dẫn đến các biện pháp kinh tế từ Trung Quốc hoặc áp lực đối với Biển Đông đang tranh chấp, một điểm nóng chính trong khu vực (1).
Mỹ đang tìm gì ở Việt Nam?
Thỏa thuận này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế thuần túy. Trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, Việt Nam có vị trí đặc biệt: Vừa là trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc, vừa là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Từ sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden năm 2023 đến các cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump, Mỹ – Việt đã tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là chia sẻ thông tin hàng hải và thảo luận về chuyển giao công nghệ quân sự như máy bay F-16.
Washington không che giấu mục tiêu kép: Một mặt hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế để tách rời ảnh hưởng công nghệ Trung Quốc, mặt khác đưa Việt Nam vào quỹ đạo chiến lược của Mỹ trong khu vực. Thỏa thuận thương mại lần này chính là sự cụ thể hóa bước đầu cho mục tiêu đó. Thật vậy, “thỏa thuận” với Hà Nội đặt ra nhiều câu hỏi hơn về việc Hoa Kỳ sẽ đi xa đến mức nào khi yêu cầu các đối tác thương mại của mình (một từ được sử dụng một cách lỏng lẻo) tách khỏi Trung Quốc (2).
Việt Nam: Chủ động hay bị cuốn theo?
Trái với thông lệ tuyên truyền của ĐCSVN, lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tỏ thái độ thận trọng, chỉ xác nhận có cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Trump vào tối 2/7. Bà nói thêm rằng hiện nay hai đoàn đàm phán đang phối hợp trao đổi để cụ thể hóa các nội dung thảo luận của lãnh đạo cấp cao hai nước chứ không nêu chi tiết các con số về mức thuế. Thái độ thận trọng này không hề nói lên sự thiếu chuẩn bị từ phía Việt Nam, như một số đánh giá ban đầu (3).
Thậm chí, Việt Nam không những không bị động, mà ngược lại, Hà Nội đã chủ động tìm kiếm thỏa thuận này. Theo một số nguồn tin, chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp điện đàm với Tổng thống Trump, thúc đẩy ký kết nhanh chóng, nhằm nắm bắt thời cơ khi Trung Quốc chưa kịp thích ứng với đòn thuế quan mới của Mỹ. Đây là bước đi khẳng định vai trò lãnh đạo của Tô Lâm trong nội bộ và kỳ vọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Theo giới quan sát quốc tế, kể từ khi Tô Lâm trở thành tổng bí thư, việc ông trực tiếp tham gia vào hầu hết các quyết sách lớn đã trở thành “điều bình thường” (4).
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Nếu không cải cách thể chế từ bên trong để nâng cấp năng lực sản xuất và quản trị doanh nghiệp, Việt Nam có nguy cơ trở thành “thị trường tiêu thụ” thay vì “công xưởng thế giới.” Việc Mỹ mở cửa thị trường Việt Nam gần như không điều kiện có thể tạo ra làn sóng hàng hóa giá rẻ, công nghệ cao tràn vào, đe dọa ngành sản xuất nội địa vốn còn manh mún và thiếu sức cạnh tranh.
Mặt khác, Việt Nam phải đối mặt với áp lực cân bằng quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và láng giềng chiến lược. Dù Việt Nam không muốn chọn phe, nhưng việc ký kết thỏa thuận sâu rộng với Mỹ chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh nổi đóa. Việt Nam sẽ phải vận dụng tối đa chính sách linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định để bảo vệ lợi ích cốt lõi (5).
Không chỉ là kinh tế: Một mắt xích địa – chính trị
Từ góc độ Mỹ, thỏa thuận này là một phần của chiến lược toàn cầu nhằm tái thiết lập trật tự thương mại và kiểm soát chuỗi cung ứng sau các cú sốc đại dịch và chiến tranh thương mại. Mỹ không chỉ muốn hàng hóa Trung Quốc không lọt qua cửa sau Việt Nam, mà còn muốn xây dựng một hệ sinh thái sản xuất, tiêu thụ và bảo vệ sở hữu trí tuệ không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc.
Đó là lý do vì sao các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường và quản lý dữ liệu trong thỏa thuận này được thắt chặt hơn so với các FTA thông thường. Đây vốn là những “vũ khí mềm” mà Mỹ dùng để kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc ép các đối tác phải cải cách theo chuẩn mực phương Tây. Giới lý luận “lề đảng” ở Việt Nam cũng từng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ “bẫy địa-chính trị” trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt (6).
Tuy nhận thức như vậy, nhưng đối với Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cấp thể chế, tiếp nhận đầu tư công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực Mỹ đang tìm đối tác mới như bán dẫn, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Cho nên, phải thừa nhận quyết định vừa qua của Tô Lâm là một bước đi dũng cảm, dù trước mắt chưa thể tiên đoán được kết quả. Bời vì, quá trình này sẽ không dễ dàng nếu Việt Nam không cải cách môi trường kinh doanh, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và nâng cao năng lực quản lý thị trường nội địa.
Tỉnh táo giữa bàn cờ lớn
Không ai ban ơn cho ai trong quan hệ quốc tế, chỉ có lợi ích và quyền lực. Thỏa thuận ngày 2/7 vừa là cơ hội giúp Việt Nam bứt phá về công nghệ, thương mại, vừa là thách thức lớn về chiến lược. Nhưng quá trình thúc đẩy xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Mỹ, không đồng nghĩa với việc đánh mất sự cân bằng chiến lược với Trung Quốc và các đối tác khu vực khác.
Quan trọng hơn, không thể chỉ dựa vào các thỏa thuận quốc tế để phát triển kinh tế. Nếu không cải tổ, không nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa, cải cách thể chế và đầu tư vào nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ chỉ là điểm trung chuyển hàng hóa, dễ bị chi phối bởi các siêu cường (7).
Kết luận: Cơ hội lịch sử hay bài học cảnh giác?
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Việt là một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ song phương, mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên nấc thang mới về công nghệ và hội nhập toàn cầu. Nhưng như mọi cuộc “buôn voi với Đức Ông,” kẻ yếu thế hơn phải tỉnh táo để không trở thành con mồi.
Lịch sử đã nhiều lần chứng minh: Những quốc gia biết tận dụng cơ hội, giữ vững bản lĩnh và tự chủ mới có thể vươn lên. Ngược lại, nếu chỉ chạy theo lợi ích ngắn hạn, bỏ qua các nguy cơ dài hạn, cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ.
Tham khảo thêm:
(1) https://www.theguardian.com/world/2025/jul/07/vietnam-trump-tariff-deal
(2) https://www.channelnewsasia.com/commentary/us-vietnam-trade-deal-tariff-china-decoupling-5218471
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c70x85nv9zeo
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cwyre7rx4rro
(5) https://www.ft.com/content/2bccd9db-bc8f-4563-a5da-7ca1fe7e9596?fbclid=IwY2xjawLY8rtleHRuA2FlbQIxMABicmlkETBvTndmMnJ HUmRkazV3NE1xAR5QlEnGX3BwIiRM5PthUJN78NGusR1ftXt64oBnNogLYc7JqY6KAERYOyUCAw_aem_8A4DedfmlKbBwfJo4lFHDQ
(6) https://www.tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/836302/nguy-co-%E2%80%9Cbay-dia—chinh-tri%E2%80%9D-o-khu-vuc-dong-nam-a-va-ham-y-doi-voi-viet-nam.aspx
(7) https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/publication/vietnam-economic-update