Tác giả: Nguyễn Huy Vũ.
Sau hơn 10 ngày khi phe nổi dậy đột ngột tấn công, chế độ của Bashar al-Assad đã sụp đổ một cách nhanh chóng mà có rất ít sự kháng cự. Sự sụp đổ của nó nói lên bản chất của vấn đề đó là chế độ thiếu sự lưu luyến và hỗ trợ của người dân. Những gì diễn ra ở Syria có nhiều nét tương đồng với Việt Nam mà tôi nghĩ, rằng với tình hình Việt Nam hiện nay khi mà chế độ không còn lòng tin của nhân dân, một cơn gió chính trị thổi qua có thể dễ dàng làm ngã chế độ vì đại đa số nhân dân đã quá chán ngán.
Dưới đây là một tóm lược về những điểm đặc trưng mà chế độ Bashar al-Assad của Syria tương đồng với chế độ cộng sản của Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, chế độ của Bashar al-Assad về bản chất được xây dựng dựa trên sự trung thành của giáo phái Alawi, một nhánh Shia, vốn chỉ chiếm 12% dân số trong đất nước để cai trị một đất nước mà trong đó có đến 64% dân số là những người Sunni Ả Rập. Cần phải biết là hai giáo phái Shia và Sunni có truyền thống thù địch nhau. Chế độ của Bashar al-Assad được dựng xây xung quanh đảng Ba’ath mà cha ông đã dựng nên.
Thứ hai, vì là một thiểu số nắm quyền bằng bạo lực, Bashar al-Assad và chế độ Ba’ath của ông ta không thể cải cách chính trị. Bởi đơn giản là nếu cải cách chính trị, mở rộng bầu cử tự do chẳng hạn, thì vì cơ sở ủng hộ chính của ông là nhóm Alawi vốn chỉ chiếm 12%, sẽ trở nên mất ảnh hưởng chính trị, quyền lực chính trị sẽ ngay lập tức rơi vào nhóm khác, những người mà sự ủng hộ của họ chiếm đa số trong xã hội, mà trong trường hợp này là các chính trị gia gốc Sunni.
Thứ ba, vì không thể cải cách chính trị, vốn là tử huyệt của mình, Bashar al-Assad và chế độ Ba’ath của ông ta chọn cải cách kinh tế dưới áp lực của xã hội. Bởi đơn giản là đảng Ba’ath và các đồng minh của mình không thể nào độc chiếm tất cả các nguồn lợi của quốc gia. Tuy vậy, Bashar al-Assad sớm nhận ra rằng một cuộc cải cách kinh tế triệt để sẽ dẫn đến việc các nhóm khác ngoài đảng Ba’ath cũng sẽ nhận được những quyền lợi kinh tế lớn. Khi các nhóm khác có quyền lợi kinh tế lớn nó sẽ giúp họ xây dựng sự ủng hộ chính trị và thách thức quyền lực của Bashar al-Assad. Vì vậy mà Bashar al-Assad cũng không thể cải cách cả kinh tế.
Thứ tư, giới lãnh đạo của chế độ Ba’ath sống dựa vào tham nhũng và buôn lậu. Các đại gia trong nền kinh tế buộc phải đút lót cho chế độ của Assad để đổi lấy quyền mở rộng hoạt động kinh tế. Khi kinh tế ổn định và chưa có nội chiến, Syria là một nước xuất khẩu dầu lớn. Nguồn thu dầu mỏ giúp cho chế độ của Assad có thu nhập dồi dào. Assad có thể dùng một phần thu nhập này để mua sự ủng hộ của quần chúng thông qua các chương trình trợ cấp, còn gọi là chính sách kinh tế dội xuống (trickle-down).
Thứ năm, khi nội chiến diễn ra, các vùng bị chiếm đóng, nguồn thu từ dầu mỏ giảm sút, các hoạt động kinh tế khác cũng bị suy giảm, ngân sách giảm sút khiến sự trợ cấp không còn nữa. Khi người dân không còn khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản, chế độ ngay lập tức mất đi sự ủng hộ.
Thứ sáu, Bashar al-Assad và chế độ Ba’ath không chỉ xây dựng liên minh ủng hộ chế độ mình chỉ bằng cách quy tụ người của giáo phái Alawi, mà ông ta còn dựa vào các tầng lớp tinh hoa ở đô thị và tầng lớp công nhân để chống lại những người nông dân bất mãn từ nông thôn. Tuy vậy, ngay khi nền kinh tế suy yếu, cả hai tầng lớp này cũng ngay lập tức quay lại với ông. Tầng lớp doanh nhân vốn là xương sống của nền kinh tế. Giới doanh nhân dựa vào sự tham nhũng của chế độ Assad để mở rộng hoạt động kinh tài của mình; tuy vậy, khi mà nền kinh tế suy sút, giới doanh nhân bỗng chốc trở thành một nạn nhân và ngày càng trở nên bất mãn với Assad. Việc Assad tấn công vào giới doanh nhân để đe doạ họ như đổ thêm dầu vào lửa và chỉ khiến chế độ mất đi sự ủng hộ nhanh hơn.
Thứ bảy, Syria vốn là một nước cộng sản và từng thực hiện chiến lược ngoại giao đu dây. Sau khi Hafez al-Assad, cha của Assad lên nắm quyền vào năm 1970, ông đã đưa đất nước trở thành một nước cộng sản, theo đường lối chống phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Syria luôn nghiêng về phía Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa, và theo xu hướng chung, ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc bằng bạo lực như Hezbollah ở Lebanon và PLO của Palestine. Trong thời gian này, Syria cũng cho phép Liên Xô xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và tham gia vào các hoạt động chống phương Tây trong khu vực. Khi chứng kiến khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Syria bắt đầu thực hiện “ngoại giao cây tre”, Hafez đã gửi quân đội cùng Mỹ tham chiến để chống lại cuộc xâm lược của Iraq đối với Kuwait. Hafez vừa muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, trong khi vẫn duy trì quan hệ với Nga, vừa muốn ngăn chặn việc Iraq trở thành một thế lực đe doạ vị thế của Syria trong khu vực.
Nhưng việc hỗ trợ của Syria với Mỹ trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh 1991 đã không giúp Syria dựng xây được một mối quan hệ mới với Mỹ. Syria giúp Mỹ nhưng bên cạnh đó Syria vẫn duy trì các mối quan hệ khắng khít với các nhóm vũ trang cực đoan trong khu vực. Syria vẫn giữ quan hệ mật thiết với Iran, một nước có điểm tương đồng về hệ phái tôn giáo Shia; nhưng tôn giáo không chỉ là yếu tố duy nhất gắn kết hai nước này lại với nhau, mà nó còn là mối quan hệ địa chính trị. Cả hai nước này đều chống lại Israel, phương Tây, và Arab Saudi, một nước Hồi giáo Sunni có sự hỗ trợ của Mỹ. Việc mối quan hệ của Mỹ với Iran xấu đi sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã đẩy Iran và Syria lại gần với nhau.
Việc Syria vẫn tiếp tục ủng hộ các nhóm kháng chiến vũ trang mà Mỹ quy là khủng bố và vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Iran và Nga đã khiến Mỹ liệt Syria vào một nước thù địch. Việc Mỹ quy Syria là nước thù địch càng thúc đẩy Syria quan hệ chặt chẽ hơn với Iran.
Nói tóm lại, cho dù Syria đã cố gắng “ngoại giao cây tre”, “đa phương hoá” ngoại giao, thực hiện “đối tác chiến lược” bằng cách gửi tới 15 ngàn quân tham chiến, sát cánh cùng với Mỹ, trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh 1991, tuy vậy, ý thức hệ cộng sản của chế độ Ba’ath ở Syria vẫn không thể gột rửa được và các mối liên kết lịch sử của họ với phe nhóm tàn dư xã hội chủ nghĩa vẫn luôn được duy trì cho tới ngày chế độ đó sụp đổ.
Đọc lại những điểm trên về con đường đi của Syria, và đối chiếu vào trường hợp của Việt Nam, hẳn chúng ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Điểm tương đồng đó không chỉ là ngoại giao cây tre, không chỉ là tham nhũng, không chỉ là dựa vào một nhóm nhỏ người để cai trị đa số xã hội, không chỉ mua chuộc giới doanh nhân đỏ để đổi lại bằng cách để họ thao túng đất nước, mà điểm quan trọng nhất là bản chất của chế-độ-lấy-thiểu-số-cai-trị-đa-số không thể tự nó cải cách và sự ủng hộ của nhân dân với chế độ đó đã hết. Đó là điều quan trọng. Chỉ cần một cơn gió chính trị nhỏ thoảng qua thôi, chế độ sẽ chỉ như lâu đài trên cát, tự sụp đổ, như ở Syria, chỉ vỏn vẹn trong chưa tới 2 tuần.
10/12/2024
Comments
One response to “Nhìn Syria nghĩ về những sự tương đồng với Việt Nam”
[…] Nhìn Syria nghĩ về những sự tương đồng với Việt Nam […]