Kinh tế học là sự nghiên cứu về hành động của con người. Thông qua kinh tế học, chúng ta có thể hiểu được cách các trật tự xã hội có thể tạo ra những kết quả khác nhau tùy thuộc vào cách thức phân bổ tài nguyên.
Trong một nền kinh tế thị trường, sản xuất được định hướng bởi các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận và đổi mới sáng tạo. Trong một nền kinh tế thân hữu, chính phủ can thiệp vào kết quả thị trường thông qua sự điều chỉnh và can thiệp của mình. Hệ thống kinh tế thứ ba từ chối hoàn toàn thị trường và thay vào đó là kế hoạch hóa tập trung.
Đó chính là chủ nghĩa xã hội.
Trong hệ thống này, các nhà hoạch định trung ương sẽ thiết lập các điều kiện và điều hành nền kinh tế, trong khi các cá nhân đảm nhận những vai trò ít sáng tạo hơn trong xã hội để đổi lấy hàng hóa, dịch vụ và sự an toàn. Trong khi nền kinh tế thị trường thưởng cho những ai phục vụ khách hàng tốt nhất, lời hứa của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là đảm bảo rằng nhu cầu của mọi người đều được đáp ứng một cách công bằng.
Đây là một nền kinh tế chỉ huy, trong đó các nhà hoạch định trung ương quyết định cái gì sẽ được sản xuất, sản xuất với số lượng bao nhiêu và ai sẽ sản xuất. Thay vì để mọi người tự do lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ mà họ muốn trả tiền, họ chỉ nhận được những gì mà các nhà hoạch định trung ương đã quyết định cho họ.
Vì một số cá nhân ưa thích tự do suy nghĩ và theo đuổi con đường riêng của mình, từ chối kế hoạch hóa tập trung, các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội thường có xu hướng trở thành các chế độ chính trị độc tài.
Hậu quả kinh tế của việc hoạch định tập trung cũng rất tồi tệ.
Ví dụ, lợi nhuận có vai trò khuyến khích sự đổi mới và hiệu quả. Nếu bạn là người đầu tiên tạo ra một sản phẩm mới hoặc tìm ra cách cung cấp dịch vụ rẻ hơn, bạn sẽ được thưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội, không có động lực để đổi mới vì phần thưởng sẽ không đến tay những người sáng tạo, mà quay lại với các nhà hoạch định.
Hơn nữa, các nhà hoạch định trung ương chỉ hoạt động dựa trên kiến thức và chương trình của họ, điều này luôn ít hơn so với kiến thức tập thể của xã hội. Hãy tưởng tượng sự khác biệt giữa một cuốn bách khoa toàn thư được xuất bản, tĩnh và không thay đổi, và một phương tiện phi tập trung như Wikipedia, luôn phát triển và thay đổi.
Một yếu tố quan trọng cần biết là thị trường điều phối giá cả.
Vì nhiều tài nguyên — như thép — có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, giá cả sẽ chỉ ra liệu việc sử dụng một tài nguyên cụ thể có đáp ứng được ưu tiên lớn nhất của cộng đồng hay không. Liệu một nhà máy có nên sản xuất phụ tùng ô tô hay chế tạo đinh vít? Trong nền kinh tế thị trường, giá cả cho biết liệu có nhu cầu lớn hơn đối với một sản phẩm hơn sản phẩm kia. Trong nền kinh tế chỉ huy, chính phủ sẽ là người quyết định.
Mục tiêu xã hội chủ nghĩa của việc phân phối lại tài sản mắc phải sai lầm cơ bản là không hiểu cách thức tạo ra tài sản. Một hệ thống kinh tế không tưởng thưởng cho sự đổi mới, tiết kiệm và sản xuất sẽ khiến chất lượng cuộc sống của mọi người suy giảm.
Ví dụ, hãy nhớ lại khi mọi người đều có điện thoại trong nhà, nhưng sau đó điện thoại di động đã thay đổi cách thức chúng ta giao tiếp. Mọi người đã từng nghe nhạc qua đài phát thanh tại nhà, giờ thì chúng ta có thể nghe nhạc trực tuyến trên điện thoại và mang theo mình. Chúng ta từng phải mở bản đồ giấy cồng kềnh để tìm đường, giờ ai ai cũng có GPS trên điện thoại và trong xe. Tất cả chỉ nhờ sự phát minh của điện thoại di động. Nếu không có động lực lợi nhuận, tại sao phải làm vậy? Và do đó, cuộc sống của chúng ta sẽ nghèo nàn hơn. Bao nhiêu thứ khác có thể đã không được phát triển nếu không có động lực lợi nhuận?
Thường thì các chính trị gia ngày nay sẽ không đi xa đến mức yêu cầu xã hội hóa toàn bộ nền kinh tế —chỉ là một số lĩnh vực nhất định, như chăm sóc sức khỏe, giao thông và giáo dục, để kể tên một vài ví dụ. Mặc dù một nền kinh tế hỗn hợp, kết hợp giữa thị trường và các dịch vụ xã hội chủ nghĩa, có thể hoạt động tốt hơn một nền kinh tế hoàn toàn xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Ví dụ, một-hệ-thống-chăm-sóc-sức-khỏe-xã-hội-chủ-nghĩa-thực-sự buộc phải đưa ra các quyết định về việc sử dụng những tài nguyên khan hiếm — như giường bệnh, máy móc y tế và thuốc men — không phải bởi cá nhân, gia đình hay bác sĩ, mà bởi các nhà hoạch định trung ương do chính phủ chỉ định. Mặc dù bệnh nhân trong hệ thống chăm sóc sức khỏe xã hội chủ nghĩa có thể không phải trả tiền khi thăm bác sĩ, nằm viện, hay làm phẫu thuật, hoặc mua thuốc, nhưng họ có thể phải đối mặt với những khó khăn khác như thời gian chờ đợi dài để gặp bác sĩ hoặc chờ phẫu thuật được phê duyệt, thiếu thuốc, ít bác sĩ, nghiên cứu bị chỉ đạo từ trên và kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến thiếu tự do y tế.
Lập luận ủng hộ chủ nghĩa xã hội không được xây dựng trên cơ sở kinh tế, mà là một lời kêu gọi xã hội học về “bình đẳng.” Bình đẳng đi ngược lại với bản năng cơ bản của con người là cải thiện bản thân; và nó là một điều kiện nhân tạo, bị ép buộc, cần phải được chỉ đạo từ trung ương để có thể hoạt động. Để có sự lựa chọn và tự do trong cuộc sống, chủ nghĩa xã hội phải bị phản đối mạnh mẽ ở mọi phương diện.
Câu hỏi:
- Trong một nền kinh tế chỉ huy, chính phủ kiểm soát lao động — nghĩa là ra lệnh cho các công việc mà cá nhân có thể làm. Nếu bạn bị buộc phải làm một công việc mà bạn không thích, bạn sẽ phản ứng như thế nào?
- Chính phủ xã hội chủ nghĩa có thể sử dụng hình phạt để vượt qua các vấn đề về kiến thức và tính toán mà video đề cập đến không?
Tham khảo thêm:
- Why Socialism Fails bởi Antony Mueller.
- Socialism Always Fails bởi William Anderson.
- Video: Things You Should Know About Socialism bởi Thomas DiLorenzo.
Tiểu luận:
Why Nazism Was Socialism and Why Socialism Is Totalitarian bởi George Reisman.
Nguồn: Economics for Beginners, Mises.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.