Các nhà hoạt động thường chỉ trích “chủ nghĩa tư bản” là nguyên nhân gây ra những vấn đề lớn nhất trên thế giới, như chi phí chăm sóc sức khỏe cao. Một số người thậm chí còn cho rằng kinh tế học bản chất chỉ là công cụ tuyên truyền để các doanh nghiệp bóc lột người lao động. Các trường học do chính phủ quản lý thường ca ngợi các quy định, trợ cấp và các can thiệp khác vì chúng được cho là bảo vệ người tiêu dùng khỏi những doanh nghiệp “lợi dụng” và “tham lam” trong chủ nghĩa tư bản.
Sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Nền kinh tế dựa trên nguyên lý lợi nhuận và thua lỗ giúp giảm giá và nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua sự cạnh tranh, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Khi chính phủ can thiệp vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, họ thực hiện điều này thông qua việc ban hành các luật và quy định có lợi cho một số doanh nghiệp nhất định, tất cả đều mang danh nghĩa “bảo vệ” công chúng. Việc cấp đặc quyền và ưu ái cho những người có quyền lực chính trị hoặc quan hệ là điều được gọi là chủ nghĩa thân hữu. Những người hưởng lợi từ chủ nghĩa thân hữu phục vụ các chính trị gia và quan chức đã bổ nhiệm họ, chứ không phải phục vụ người tiêu dùng – những người mua sản phẩm từ các công ty bị điều tiết.
Ví dụ, tưởng tượng bạn điều hành một doanh nghiệp nhỏ sản xuất súp rau. Mục tiêu chính của bạn là làm hài lòng khách hàng. Một khách hàng hài lòng sẽ quay lại. Để đạt được điều này, bạn lựa chọn nguyên liệu, công thức, bao bì và phân phối dựa trên những dự đoán tốt nhất về nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu khách hàng yêu thích và đánh giá cao súp rau của bạn, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận. Nếu họ không đánh giá cao, bạn sẽ chịu lỗ. Cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp giúp đảm bảo hiệu quả và sự hài lòng của khách hàng.
Giờ tưởng tượng chính phủ quyết định điều chỉnh ngành công nghiệp súp rau. Các quan chức, không phải những doanh nhân có kinh nghiệm, sẽ quyết định toàn bộ quy trình sản xuất súp, quy định chất lượng rau, loại nguyên liệu, các kỹ thuật chế biến súp được phép sử dụng, và thậm chí cách bạn có thể quảng cáo sản phẩm. Để thi hành các quy định mới, chính phủ yêu cầu các giấy phép và kiểm tra bắt buộc. Là nhà sản xuất súp, bạn sẽ phải bỏ ra nhiều nguồn lực để tuân thủ các quy định chính trị.
Mặc dù chính phủ biện minh cho sự can thiệp của mình là bảo vệ người tiêu dùng khỏi những người làm súp “kém chất lượng”, nhưng các quy định mới lại tạo ra chi phí tuân thủ và rào cản gia nhập. Điều này làm giảm sự cạnh tranh bằng cách gây khó khăn cho các nhà sản xuất súp nhỏ và giúp các công ty lớn hơn. Theo cách này, luật pháp hạn chế nguồn cung cấp súp và làm tăng giá, gây hại cho tất cả người tiêu dùng. Và không có gì ngạc nhiên khi Big Soup (Tập đoàn Súp Lớn) đã vận động hành lang để đưa ra các quy định có lợi cho họ, đồng thời làm khó đối thủ và giảm cạnh tranh.
Thị trường tự do thành công vì cạnh tranh khiến các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Chủ nghĩa thân hữu không hiệu quả vì nó thiên vị những người có mối quan hệ chính trị, làm hại các doanh nghiệp nhỏ và khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn. Thật không may, khi chủ nghĩa thân hữu thất bại — và nó luôn thất bại vì dựa vào sự thiên vị và trả ơn — tất cả chúng ta đều phải chịu thiệt thòi.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng câu trả lời cho bất kỳ vấn đề kinh tế nào là phải để chính phủ can thiệp nhiều hơn, ban hành thêm quy định, bổ nhiệm thêm các ủy ban, v.v. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại: chúng ta cần ít sự can thiệp hơn trong tất cả các lĩnh vực.
Câu hỏi:
- Bạn có thể nhớ một trường hợp nào đó mà chính phủ tạo ra vấn đề, sau đó lại trao cho mình quyền lực hoặc ngân sách để “sửa chữa” nó không? Bạn có nghĩ đây là một nguy cơ đạo đức không?
- Chúng ta thường nghe mọi người nói về việc cần “loại bỏ tiền bạc khỏi chính trị” bằng cách cấm vận động hành lang trong chính phủ. Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp, bạn có quan tâm đến việc có ảnh hưởng trong quá trình viết luật không, hay bạn sẽ tin tưởng vào các chính trị gia không có kinh nghiệm trong ngành của bạn để viết luật?
- Bạn nghĩ vấn đề là vận động hành lang, hay là sự can thiệp quá mức của chính phủ trong việc quyết định ai thắng ai thua trong kinh doanh?
Bài báo:
- Crony Capitalism and the Transcontinental Railroads by Ryan McMaken
- Coca-Cola, Cronyism, and the War on Drugs by Chris Calton
- The Middle of the Road Leads to Socialism by Ludwig von Mises
- What is Fascism? by Lew Rockwell
Sách:
Crony Capitalism in America: 2008–2012 by Hunter Lewis
Nguồn: Economics for Beginners, Mises.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.