Tác giả: Per L. Bylund.
Chương 8: Can thiệp Tiền tệ
CHU KỲ BÙNG NỔ – SUY THOÁI
Sự biến động liên tục của nền kinh tế không phải là những thay đổi ngẫu nhiên mà là sự điều chỉnh đối với bộ máy sản xuất nhằm theo đuổi việc tạo ra giá trị. Giá trị là một mục tiêu luôn thay đổi vì nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi theo thời gian, cùng với sự xuất hiện của những cải tiến và cơ hội mới. Những điều chỉnh liên tục này có nghĩa là thị trường được hiểu tốt nhất như một quá trình.
Có hai xu hướng cơ bản trong quá trình này. Thứ nhất, có những điều chỉnh được thực hiện đối với hệ thống sản xuất hiện có nhằm đảm bảo rằng các nỗ lực luôn phù hợp với giá trị kỳ vọng của người tiêu dùng. Nếu không có những điều chỉnh này, sản xuất sẽ ngày càng lệch hướng so với nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến mức sống giảm sút.
Thứ hai, các doanh nhân thử nghiệm những sáng kiến mà họ hình dung là sẽ tạo ra giá trị mới cho người tiêu dùng. Khi những sáng kiến này thành công, chúng sẽ giúp đoạn tuyệt và thay thế các phương thức sản xuất hiện có. Khi sản xuất được cách mạng hóa theo cách này, nền kinh tế sẽ phát triển và mức sống của chúng ta tăng lên.
Toàn bộ quá trình này phụ thuộc vào một hệ thống giá cả vận hành hiệu quả, cung cấp cho các chủ thể kinh tế thông tin cần thiết để phản ứng hợp lý với những thay đổi (chúng ta đã thấy cách thức này hoạt động ở chương 7). Tuy nhiên, nếu giá cả bị thao túng và đưa ra thông tin sai lệch, các doanh nhân sẽ đưa ra quyết định dựa trên thông tin sai lệch đó. Điều này không chỉ làm tăng khả năng thất bại của họ trong các dự án kinh doanh mà còn dẫn đến việc họ đưa những sai sót vào bộ máy sản xuất. Kết quả là nền kinh tế bị bóp méo.
Chu kỳ bùng nổ – suy thoái là một dạng méo mó đặc biệt, trong đó các tín hiệu giá cả bị thao túng dẫn đến các khoản đầu tư sai lầm, tạo ra một giai đoạn bùng nổ nhân tạo và không bền vững, sau đó là sự suy thoái khi những sai lầm trong sản xuất trở nên rõ ràng.
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN VÀ ĐẦU TƯ VỐN
Đối với bất kỳ khoản đầu tư nào, điều quan trọng là phải xem lợi nhuận kỳ vọng như một tỷ lệ (rate) thay vì là một lượng (amount). Tại sao? Bởi vì chính kết quả tương đối mới quyết định mức độ hiệu quả của khoản đầu tư. Một khoản lợi nhuận 1 triệu đô la không đáng kể nếu nó đến từ một khoản đầu tư trị giá 1 tỷ đô la. Nhưng 1 triệu đô la lại là một khoản lợi nhuận khổng lồ nếu vốn đầu tư ban đầu chỉ là 100.000 đô la. Lợi nhuận tính theo đô la là như nhau, nhưng trong trường hợp thứ hai, tỷ lệ lợi nhuận cao gấp mười nghìn lần so với trường hợp thứ nhất.
Xem xét lợi nhuận dưới dạng tỷ suất lợi nhuận giúp so sánh dễ dàng hơn giữa các dự án khác nhau. Điều đó có nghĩa là một doanh nhân—và các nhà đầu tư vào doanh nghiệp của doanh nhân đó—có thể so sánh các lựa chọn thay thế dù chúng khác nhau về mọi mặt. Ví dụ, một hãng hàng không mới sẽ cần một khoản đầu tư vốn khổng lồ để mua máy bay, thuê phi hành đoàn và tiếp cận sân bay, trong khi một dịch vụ cắt cỏ mới chỉ cần một khoản đầu tư ban đầu nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn hơn có thể vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn đáng kể, điều này có nghĩa là nó hợp lý hơn về mặt kinh tế—mặc dù đòi hỏi nhiều vốn hơn.
Như chúng ta đã thảo luận, lợi nhuận trên thị trường tương quan với giá trị người tiêu dùng (giá trị được đánh giá bởi người tiêu dùng). Một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn vì giá trị của nó đối với người tiêu dùng lớn hơn. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều tốt hơn nếu các khoản đầu tư được thực hiện mang lại lợi nhuận cao nhất có thể.
Tỷ suất lợi nhuận cao hơn cũng có nghĩa là doanh nhân có thể dễ dàng vay vốn đầu tư hơn. Do đó, ngay cả các dự án thâm dụng vốn (như hãng hàng không) vẫn có thể nhận được nguồn tài chính cần thiết dù chi phí ban đầu rất tốn kém. Và doanh nhân có thể dễ dàng tính toán xem chi phí vốn có đáng hay không. Ví dụ, nếu một dự án dự kiến mang lại lợi nhuận 7% và có thể vay ngân hàng với lãi suất 5%, thì lợi nhuận ròng kỳ vọng là 2%. Điều này có nghĩa là doanh nhân có thể so sánh mức 2% ròng này với, ví dụ, mức lợi nhuận từ một khoản đầu tư thâm dụng vốn ít hơn nhiều (như dịch vụ cắt cỏ)—dù trong trường hợp đó, anh ta có thể không cần nguồn tài chính bên ngoài. Nếu dịch vụ cắt cỏ dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận ròng 4%, doanh nhân sẽ không chọn thành lập một hãng hàng không. Tỷ suất lợi nhuận của hãng hàng không chỉ bằng một nửa so với những gì anh ta có thể kiếm được từ dịch vụ cắt cỏ (2% thay vì 4%).
Nhưng giả sử lãi suất chỉ là 1%. Khi đó, lợi nhuận của hãng hàng không sẽ cao hơn 50% so với dịch vụ cắt cỏ, dù không có gì khác thay đổi. Trong tình huống này, ta có thể kỳ vọng rằng các doanh nhân sẽ thành lập hãng hàng không thay vì dịch vụ cắt cỏ, vì họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn—dù phải vay vốn đầu tư. Việc thành lập một hãng hàng không cần nhiều vốn sản xuất hơn, nhưng với lãi suất thấp hơn, đây không còn là vấn đề.
Nếu chênh lệch giữa các tỷ suất lợi nhuận đủ lớn, ta cũng có thể thấy các doanh nhân bán hoặc ngừng kinh doanh dịch vụ cắt cỏ để chuyển sang điều hành các hãng hàng không và các doanh nghiệp thâm dụng vốn khác. Đây sẽ là một sự chuyển dịch hợp lý về mặt kinh tế, vì ngành hàng không mang lại giá trị kỳ vọng cao hơn cho người tiêu dùng (thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận cao hơn). Khi đó, vốn hiện có sẽ được đầu tư vào nơi có thể sử dụng hiệu quả nhất để phục vụ người tiêu dùng.
Tỷ suất lợi nhuận cao hơn không chỉ xuất phát từ chi phí thấp hơn mà còn có thể là kết quả của việc tạo ra giá trị cao hơn. Chi phí thấp hơn và giá trị tạo ra cao hơn đều có thể làm tăng tỷ suất lợi nhuận, và ngược lại. Khi đưa ra quyết định đầu tư, điều quan trọng ảnh hưởng tới quyết định là mức lợi nhuận kỳ vọng so với khoản đầu tư cần thiết.
Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận ròng kỳ vọng của các dự án là như nhau, tình hình kinh tế của chúng có thể không như vậy. Đây là một ví dụ khác về cách thị trường trao quyền cho các chủ thể bằng cách hạ thấp rào cản: một doanh nhân không cần biết tại sao tỷ suất lợi nhuận lại cao để thực hiện đầu tư. Nhưng điều này tạo ra sự khác biệt khi chúng ta cố gắng hiểu nền kinh tế.
Ví dụ, khi lãi suất là 5%, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 11% từ các khoản đầu tư đòi hỏi vốn lớn trong ngành hàng không sẽ tạo ra lợi nhuận ròng cao hơn 50% so với tỷ suất lợi nhuận 4% từ dịch vụ cắt cỏ.
Nhưng nền kinh tế thì khác. Trong trường hợp lợi nhuận 11% và lãi suất 5%, tỷ suất lợi nhuận cao là do kỳ vọng tạo ra giá trị cao. Lãi suất cao cho thấy vốn khan hiếm, đó là lý do các ngân hàng có thể tính lãi suất cao. Để thu hút đầu tư—và do đó là vốn—các hãng hàng không được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn. Chúng ta đã thấy điều này ở trên: khi tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không chỉ là 7%, dịch vụ cắt cỏ mang lại tỷ suất lợi nhuận ròng cao hơn. Khi tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không tăng lên 11%, tỷ suất lợi nhuận ròng của dịch vụ cắt cỏ thấp hơn. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ có động lực rút vốn khỏi dịch vụ cắt cỏ và các khoản đầu tư khác để đổ vào các hãng hàng không nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn. Hoạt động này chuyển vốn đang được sử dụng sang những mục đích sử dụng tốt hơn (tạo ra nhiều giá trị hơn): người tiêu dùng được hưởng lợi khi có nhiều giá trị hơn được tạo ra từ việc sử dụng cùng một nguồn lực.
Trong trường hợp lợi nhuận là 7% và lãi suất 1%, lãi suất thấp hơn vì có nhiều vốn hơn để đầu tư. Có nhiều vốn hơn vì mọi người đã chọn tiêu dùng ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai. Do đó, sản xuất hàng tiêu dùng cũng giảm xuống. Khi đó, nền kinh tế có thể hỗ trợ nhiều khoản đầu tư hơn ngoài những khoản đầu tư đang được tiến hành. Người tiêu dùng được hưởng lợi khi có nhiều vốn hơn được đầu tư vào sản xuất hàng hóa (vốn sẽ cung cấp trong tương lai). Lãi suất thấp hơn cho phép đưa vốn chưa sử dụng vào hoạt động, dù điều này không loại trừ khả năng có sự chuyển dịch từ các ngành sản xuất khác. Những khoản đầu tư bổ sung này làm tăng tổng sản lượng của nền kinh tế.
Tỷ suất lợi nhuận đơn giản là một chỉ báo về giá trị gia tăng của một khoản đầu tư. Không quan trọng liệu tỷ suất này thay đổi do biến động về chi phí (lãi suất thấp hơn) hay về giá trị (doanh số bán vé kỳ vọng cao hơn). Điều quan trọng đối với doanh nhân là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng, vì nó phản ánh giá trị gia tăng tương đối cho nền kinh tế. Cả sản xuất có giá trị cao hơn lẫn chi phí sản xuất thấp hơn đều có lợi cho người tiêu dùng.
NGUYÊN NHÂN VÀ BẢN CHẤT CỦA SỰ BÙNG NỔ KINH TẾ NHÂN TẠO
Hãy tưởng tượng rằng lãi suất giảm, như đã đề cập ở trên, từ 5% xuống 1% nhưng không có thêm vốn để đầu tư. Làm sao điều đó có thể xảy ra? Nếu các ngân hàng tạo ra tiền tệ mới và cung cấp nó dưới dạng các khoản vay, thì lãi suất họ tính sẽ bị cạnh tranh đẩy xuống, khiến lãi suất thị trường giảm xuống mức thấp hơn so với bình thường (ví dụ, 1% thay vì 5%). Nhưng đây không phải là vấn đề của các điều kiện kinh tế khác biệt—không có thêm vốn khả dụng, chỉ có nhiều tiền hơn dưới dạng các khoản vay để mua các nguồn lực mà doanh nhân cần để bắt đầu và hoàn thành các dự án sản xuất của họ. Do đó, tín hiệu lãi suất mà doanh nhân dựa vào để tính toán kinh tế bị hạ thấp một cách nhân tạo. Vì vậy, các quyết định và hành động của họ sẽ dựa trên tín hiệu sai lệch này.
Như đã đề cập trước đó, lãi suất thấp hơn đồng nghĩa với nhiều khoản đầu tư hơn. Trong ví dụ của chúng tôi, các doanh nhân sẽ thành lập các hãng hàng không mới (và mở rộng hoạt động của các hãng hàng không hiện có), vì ngành này có vẻ sinh lời hơn tương đối so với các ngành khác. Khi các doanh nhân với sức mua được vay (tiền mới) tràn vào thị trường và cố gắng thiết lập sản xuất mới, họ làm tăng nhu cầu về vốn và đẩy giá lên. Vì các khoản đầu tư này chủ yếu diễn ra trong ngành hàng không thâm dụng vốn, nên nhu cầu đặc biệt tăng đối với máy bay, phi hành đoàn và các nguồn lực khác được sử dụng trong ngành này. Do đó, giá máy bay sẽ cao hơn và nhân viên hãng hàng không, phi công và phi hành đoàn sẽ được trả lương cao hơn.
Sự sẵn sàng chi trả ngày càng tăng của khách hàng báo hiệu cho các nhà sản xuất máy bay đẩy mạnh việc sản xuất. Khi các nhà sản xuất đặt hàng nhôm và các vật liệu khác, đồng thời tuyển dụng thêm kỹ sư, giá thầu của họ cho các nguồn lực đó cũng tăng theo. Điều này dẫn đến một làn sóng bùng nổ đầu tư, và giá cả tăng lên ở tất cả các giai đoạn sản xuất: từ các hãng hàng không, đến nhà sản xuất máy bay, rồi các nhà sản xuất nhôm, và cuối cùng là các công ty khai thác mỏ. Mỗi giai đoạn đều chứng kiến nhu cầu gia tăng, cho phép các nhà sản xuất tính giá cao hơn và thu được lợi nhuận lớn hơn, từ đó thúc đẩy họ mở rộng hoạt động hơn nữa. Những điều kiện này cũng khuyến khích các doanh nhân khác đầu tư vào các ngành công nghiệp này để giành lấy một phần lợi nhuận. Tất cả các khoản đầu tư gia tăng này đều hợp lý, dựa trên các tín hiệu: giá cả tăng lên, cho thấy nguồn cung không đủ; các nhà sản xuất đã đánh giá thấp nhu cầu.
Các hãng hàng không mới mở và đang lớn mạnh, vốn có khả năng và sẵn sàng chi trả cao hơn, sẽ vượt qua các đối thủ để dành lấy các nguồn lực này. Các doanh nghiệp thương mại khác sử dụng nhôm, chẳng hạn như các nhà sản xuất nước giải khát, sẽ phải đối mặt với giá cao hơn và nguồn cung khan hiếm hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của họ. Để ứng phó với mức giá cao hơn, các nhà sản xuất này sẽ đánh giá lại kế hoạch để tối ưu việc sử dụng nhôm của họ và cân nhắc các lựa chọn thay thế. Kết quả là, giá nước giải khát có thể tăng hoặc nước giải khát có thể bắt đầu xuất hiện trong chai thủy tinh hoặc nhựa thay vì lon nhôm.
Việc nhôm, vốn dĩ có thể dành cho các nhà sản xuất nước giải khát, lại được chuyển hướng sang sản xuất máy bay không hề phi lý như ta tưởng. Theo các tín hiệu giá cả trên thị trường, đây là nơi nhôm sẽ tạo ra nhiều giá trị nhất cho người tiêu dùng. Chúng ta kỳ vọng rằng giá cả hợp lý trên thị trường sẽ điều chỉnh sản xuất theo hướng mang lại lợi ích lớn nhất, khi các doanh nhân cạnh tranh để làm hài lòng người tiêu dùng (như chúng ta đã thấy trong chương 7).
Nhưng có một vấn đề: giá cả cao hơn trong ngành sản xuất máy bay không xuất phát từ nguồn vốn dồi dào hơn, mà do lãi suất thấp một cách nhân tạo, được tạo ra bởi việc các ngân hàng bơm tiền mới và mở rộng tín dụng. Vì vậy, toàn bộ sự dịch chuyển trong nền kinh tế hướng tới sản xuất máy bay, bao gồm mọi khoản đầu tư được thực hiện nhằm hỗ trợ ngành này, và do đó rời xa các ngành sản xuất khác có vẻ kém lợi nhuận hơn, cấu thành sự đầu tư sai lầm (malinvestment).
Đầu tư sai lầm có nghĩa là các khoản đầu tư bị bóp méo về mặt cấu trúc: một số lĩnh vực của nền kinh tế nhận được quá nhiều đầu tư trong khi những lĩnh vực khác bị thiếu hụt đầu tư. Đầu tư quá mức vào các hãng hàng không cũng kéo theo đầu tư quá mức vào sản xuất máy bay, sản xuất nhôm và khai khoáng nhằm đáp ứng kỳ vọng về nhu cầu cao hơn. Các khoản đầu tư này được thực hiện để tăng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu kỳ vọng lớn hơn về di chuyển bằng đường hàng không (do giá trị kỳ vọng lớn hơn). Khi các khoản đầu tư tăng mạnh và giá cả leo thang do kỳ vọng nhu cầu cao hơn, các ngành công nghiệp này sẽ trải qua một giai đoạn bùng nổ.
Những ngành công nghiệp này, ít nhất là trong ví dụ của chúng tôi, cũng đã mở rộng theo cách tương tự khi lãi suất giảm do có thêm vốn sản xuất. Sự khác biệt nằm ở chỗ sự mở rộng mới này đang sử dụng những nguồn lực không thực sự có sẵn, mà thay vào đó đang được chuyển khỏi các ngành công nghiệp khác, nơi mà nhu cầu của người tiêu dùng hầu như không thay đổi. Do đó, đây không phải là sự dịch chuyển tự nhiên của nền kinh tế từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác để đáp ứng những thay đổi dự kiến về giá trị mà người tiêu dùng coi trọng. Thay vào đó, nhu cầu tổng thể về vốn sản xuất và lao động tăng lên khi các doanh nhân thành lập các ngành sản xuất mới, bị thúc đẩy bởi lãi suất thấp hơn một cách nhân tạo.
Từ góc độ giá trị tiêu dùng, sự bùng nổ này là kết quả của việc đầu tư quá mức vào các hãng hàng không và các quy trình sản xuất bậc cao hơn là hỗ trợ cho sự mở rộng của ngành hàng không, do phản ứng với tín hiệu sai lệch, và vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư tương đối vào các ngành sản xuất khác. Những đợt bùng nổ nhân tạo như vậy, do sự mở rộng tín dụng gây ra, có thể xảy ra trong các dự án sản xuất dài hạn nói chung. Những khoản đầu tư sai lầm trên diện rộng như vậy làm méo mó bộ máy sản xuất của nền kinh tế: các đầu ra không còn phù hợp với những gì người tiêu dùng thực sự mong muốn (như các doanh nhân đã hình dung).
ĐIỂM ĐẢO CHIỀU
Sự bùng nổ là không bền vững vì nó chủ yếu bao gồm các khoản đầu tư sai lầm, không phải vì nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Cái mà chúng ta gọi là chu kỳ kinh doanh là một chuỗi bùng nổ không bền vững nối tiếp bởi sự suy thoái tất yếu—một bong bóng rồi sẽ vỡ. Điều này khác với sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. Việc so sánh hai điều này sẽ giúp làm rõ sự khác biệt.
Trước tiên, hãy xem xét sự tăng trưởng bền vững. Như đã thấy ở trên, lãi suất phản ánh mức độ sẵn có của vốn cho đầu tư sản xuất. Khi có nhiều vốn hơn, lãi suất giảm, và ngược lại. Cụ thể, điều này xảy ra khi người tiêu dùng ít muốn mua và tiêu dùng hàng hóa ở hiện tại, thay vào đó họ muốn tiết kiệm phần lớn tài sản của mình cho tương lai. Mức độ ưu tiên thời gian của họ giảm, có nghĩa là họ có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc định giá của mình—họ hướng về tương lai nhiều hơn so với trước đây. Kết quả là, các doanh nhân sản xuất hàng tiêu dùng phải đối mặt với nhu cầu giảm và lợi nhuận thấp hơn, do đó có động lực thu hẹp quy mô hoạt động và tìm kiếm các cơ hội khác. Một số doanh nghiệp có thể phải đóng cửa. Do đó, nhìn chung, các doanh nhân giảm việc sản xuất và bán hàng tiêu dùng.
Điều này giải phóng vốn sản xuất cho các khoản đầu tư mới, giờ đây khả thi và ngày càng có lợi nhuận, vì tiết kiệm tăng lên buộc lãi suất phải giảm xuống. Vì vậy, các doanh nhân sẽ đầu tư nhiều hơn vào các quy trình sản xuất tạo ra hàng hóa sẽ có sẵn để bán trong tương lai. Nhìn chung, điều này chuyển năng lực sản xuất khỏi sản xuất để tiêu dùng trong hiện tại sang sản xuất để tiêu dùng trong tương lai. Các doanh nhân đang phản ứng theo tín hiệu giá cả và từ bỏ các hoạt động sản xuất có lợi nhuận thấp để tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng cao hơn trong sản xuất cho tương lai. Điều này khá phù hợp với việc người tiêu dùng tiêu dùng ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn (tức là họ đang trì hoãn tiêu dùng). Trên thực tế, sự thay đổi trong sản xuất là quá trình điều chỉnh sản xuất đến những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng.
Sự bùng nổ không bền vững thì khác. Ở đây, các doanh nhân gia tăng đầu tư vào sản xuất để tiêu dùng cho tương lai dựa trên lãi suất được hạ thấp một cách nhân tạo. Nói cách khác, không có sự thay đổi tương ứng trong hành vi của người tiêu dùng—thay vào đó, lãi suất thấp hơn làm cho người tiêu dùng ít muốn tiết kiệm hơn (họ kiếm được ít lãi hơn khi trì hoãn tiêu dùng) và do đó khuyến khích tiêu dùng trong hiện tại. Điều này gây ra căng thẳng trong cấu trúc sản xuất, giữa sản xuất phục vụ tiêu dùng hiện tại (đang gia tăng) và đầu tư phục vụ tiêu dùng trong tương lai (được dự kiến sẽ gia tăng).
Một mặt, các doanh nhân sản xuất hàng tiêu dùng hiện tại không thấy nhu cầu giảm vì người tiêu dùng không chuyển hướng khỏi việc tiêu dùng. Lợi nhuận từ sản phẩm của họ không giảm, vậy tại sao họ lại cắt giảm hoạt động của mình? Do đó, các doanh nhân này tiếp tục cạnh tranh để giành lấy đầu vào và tiếp tục đặt hàng.
Đồng thời, lãi suất thấp hơn khiến đầu tư vào sản xuất trong tương lai tăng lên. Các giai đoạn sản xuất ở bậc cao hơn trải qua sự gia tăng mạnh về nhu cầu khi họ nhận được đơn đặt hàng từ cả các quy trình sản xuất phục vụ người tiêu dùng trong hiện tại và các quy trình được thực hiện để phục vụ người tiêu dùng trong tương lai. Hãy nhớ rằng, tất cả những điều này dựa trên tín hiệu sai lệch. Vì không có nhiều vốn khả dụng hơn nhưng lại có nhiều người mua hơn, giá cả bị đẩy lên mức rất cao. Điều này đôi khi được gọi là bong bóng giá tài sản.
Mặc dù sự cạnh tranh giữa những người sản xuất phục vụ tương lai và những người sản xuất phục vụ hiện tại có vẻ là một điều tốt, nhưng tín hiệu sai lệch lại kéo nền kinh tế theo các hướng khác nhau. Giá của các yếu tố sản xuất bị đẩy lên cao do sự đầu tư quá mức vào các giai đoạn sản xuất cao hơn (trong ví dụ của chúng ta là máy bay, nhôm, khai khoáng). Những mức giá tăng này dựa trên tín hiệu sai lệch và do đó tách rời khỏi nhu cầu thực tế dự kiến trong tương lai đối với di chuyển bằng hàng không. Những mức tăng giá này bao gồm tiền lương cho công nhân trong các giai đoạn này, những người sau đó có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho tiêu dùng hiện tại. Với lãi suất được hạ thấp một cách nhân tạo, sẽ không có nhiều động lực để trì hoãn việc tiêu dùng. Do đó, một phần lớn hơn trong tiền lương kiếm được, hiện cũng cao hơn do sự bùng nổ, được chi cho hàng hóa tiêu dùng—cũng làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa trong hiện tại.
Tóm lại, tăng trưởng bền vững được thúc đẩy và hỗ trợ bởi sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng: nhu cầu tiêu dùng hiện tại giảm xuống làm cho vốn có sẵn để đầu tư vào các giai đoạn sản xuất cao hơn. Ngược lại, trong sự bùng nổ không bền vững, không có sự thay đổi nào mà thay vào đó là đầu tư thêm mà không có thêm vốn sản xuất. Do đó, cấu trúc sản xuất phản ánh nhu cầu cao hơn đối với hàng tiêu dùng trong cả hiện tại và tương lai, dựa trên giả định rằng có đủ tư liệu sản xuất để hoàn thành tất cả các dự án sản xuất mới này. Nói cách khác, nền kinh tế, thông qua hành động của các doanh nhân bị lừa dối và đánh lừa bởi lãi suất thấp nhân tạo, vừa tiêu thụ vừa đầu tư số vốn hiện có. Rõ ràng là điều này là không thể. Không có đủ vốn sản xuất để hỗ trợ cả hai.
Do đó, sự bùng nổ không bền vững dựa trên sản xuất đòi hỏi các nguồn lực không tồn tại. Nhiều quy trình sản xuất, đặc biệt là ở các cấp độ cao hơn (xa rời người tiêu dùng), không thể hoàn thành vì vốn cần thiết quá khan hiếm. Điều này không có nghĩa là các nhà máy đột nhiên thấy mình không có nguyên liệu, mặc dù tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra. Nhiều khả năng là giá tài sản bị đẩy lên mức quá cao khiến nhiều khoản đầu tư không còn có vẻ có lợi nhuận.
Khi đó, các doanh nhân nhận ra rằng họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong tính toán của mình và buộc phải từ bỏ các khoản đầu tư của họ.
Sai lầm kinh doanh là chuyện thường thấy trên thị trường, nhưng những sai lầm này thường không gây ra các chu kỳ bùng nổ—suy thoái. Điều đặc biệt của chu kỳ kinh doanh là có một cụm lớn các sai lầm kinh doanh diễn ra đồng thời. Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân là do các doanh nhân đã bị đánh lừa khi hành động như thể có sẵn vốn cho các dự án sản xuất của họ. Nhưng thực tế không phải vậy. Việc mở rộng tín dụng, chứ không phải sự sẵn có của vốn, đã hạ lãi suất xuống mức không phản ánh thực sự lượng vốn sẵn có để đầu tư.
Điều này đặt ra câu hỏi tại sao các doanh nhân lại để mình bị lừa. Họ không nhận ra rằng lãi suất được hạ xuống một cách nhân tạo sao? Có thể là họ biết. Nhưng điều đó không quan trọng vì họ vẫn kỳ vọng được hưởng lợi từ chi phí vay thấp hơn. Tại sao họ không theo đuổi các dự án mà họ mong đợi sẽ có lợi nhuận? Ngay cả khi họ quen thuộc với lý thuyết chu kỳ kinh doanh và biết rằng nền kinh tế đang trong bong bóng, thì thực tế bong bóng đó vẫn có lợi nhuận cao. Không mở rộng hoạt động kinh doanh khi bong bóng phồng lên cũng giống như từ chối lợi nhuận. Điều này có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng các nhà đầu tư của một doanh nghiệp có thể sẽ không nghĩ như vậy. Ngoài ra, không thể kỳ vọng rằng các đối thủ cạnh tranh sẽ từ chối lợi nhuận, vì vậy không hành động có thể cho phép họ mở rộng thị phần. Do đó, không mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời kỳ bong bóng đồng nghĩa với việc mạo hiểm chính doanh nghiệp của mình.
Ngoài ra, còn có vấn đề về dòng doanh nhân đổ vào trong thời kỳ bong bóng. Khi giá cả tăng, nhiều người thấy cơ hội kiếm lợi nhuận—và lý do để rời bỏ công việc hiện tại của họ. Do đó, sự bùng nổ thu hút những người lẽ ra sẽ không tham gia thị trường với tư cách là nhà đầu tư. Việc thiếu kinh nghiệm của họ cho thấy họ có nhiều khả năng mắc sai lầm hơn và do đó góp phần vào tình trạng đầu tư sai lầm nói chung.
SỰ SUY THOÁI MANG TÍNH ĐIỀU CHỈNH
Sự suy thoái xảy ra nhanh chóng. Mặc dù bản thân bong bóng có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng rất khó để dự đoán chính xác khi nào nó sẽ vỡ. Điểm đảo chiều thực sự có thể được kích hoạt bởi những sự kiện tưởng chừng không liên quan nhưng lại gây thêm áp lực lên các khoản đầu tư sai lầm cụ thể và khiến chúng thất bại. Khi bộ máy sản xuất vốn đã căng thẳng do nhu cầu cao nhưng giá cả vẫn giữ ở mức cao, một doanh nghiệp thất bại có thể dễ dàng kéo theo khách hàng và nhà cung cấp của nó, những người không còn có thể hi vọng được thanh toán cho các dịch vụ đã cung cấp. Điều này gây ra một chuỗi thất bại, qua đó bộc lộ mức độ nghiêm trọng của các khoản đầu tư sai lầm trong nền kinh tế.
Khối lượng lớn các khoản đầu tư thất bại, kéo theo sự phá sản của doanh nghiệp và mất việc làm, chính nó là sự suy thoái. Nhưng cần lưu ý rằng suy thoái không phải là một hiện tượng tách biệt: nó đã được tích hợp sẵn trong sự bùng nổ, vốn dựa trên các khoản đầu tư không bền vững. Đây là lý do tại sao chúng ta gọi chuỗi bùng nổ-suy thoái là một chu kỳ: các khoản đầu tư sai lầm đã gây ra sự bùng nổ phải được loại bỏ để nền kinh tế trở lại đúng hướng. Không thể nói rằng giai đoạn bùng nổ là một sự phát triển vững chắc còn suy thoái là điều có thể tránh được; sự bùng nổ không phải là tăng trưởng kinh tế thực sự mà chỉ là một ảo tưởng. Người tiêu dùng đã kỳ vọng một điều khác. Các doanh nhân đã thực hiện những khoản đầu tư không dựa trên kỳ vọng giá trị thực sự mà bị thúc đẩy bởi tín hiệu sai lệch về sự sẵn có của vốn: lãi suất thấp một cách nhân tạo.
Sự suy thoái giải phóng các tư liệu sản xuất đã bị đầu tư sai vào các quy trình không phục vụ người tiêu dùng để chúng có thể được đầu tư vào những nơi mang lại giá trị lớn hơn. Nói cách khác, các doanh nhân khác có cơ hội tiếp cận vốn để theo đuổi giá trị cho người tiêu dùng—những thất bại là điều cần thiết để các khoản đầu tư sai lầm được bộc lộ và sau đó được thay thế bằng các khoản đầu tư sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, để sự suy thoái có thể khôi phục sản xuất bền vững, lãi suất phải được phép tăng lên. Nếu nó bị giữ ở mức thấp một cách nhân tạo, quá trình điều chỉnh sẽ chỉ bị kéo dài, vì các doanh nhân mới cũng sẽ bị đánh lừa và do đó, các sai lầm mang tính cấu trúc vẫn tiếp diễn.