Jerome Powell và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đang bị áp lực phải từ chức. Một phần lớn là dưới áp lực của tổng thống Donald Trump, người muốn Fed nhanh chóng giảm lãi suất. 

Phải nói một điều là Jerome Powell đã điều hành chính sách tiền tệ theo kiểu thận trọng, một kiểu truyền thống. 

Dưới thời của Ben Bernanke, và người kế nhiệm của ông là Janet Yelen, chính sách tiền tệ mang định hướng về phía trước (forward guidance) — lúc này chủ tịch Fed áp dụng các công cụ truyền thông để định hướng thị trường và từ đó giúp điều tiết dòng tài chính khi mà mức lãi suất ở quá thấp. Dưới thời của Jerome Powell công cụ “định hướng về phía trước” đã không còn được dùng nhiều. Các cuộc họp báo của ông thay vì đem lại một bức tranh rõ ràng cho các nhà đầu tư về chính sách tiền tệ trong những ngày tới của Fed thì trái lại đã chỉ đem lại những mù mờ về chính sách của Fed; với Jerome Powell tất cả chính sách đều phải dựa trên dữ liệu, nhưng ông đã không đưa ra nhiều dự đoán trong các phát biểu của mình — một kiểu truyền thông của một người vô cùng thận trọng. 

Dưới thời chính quyền Donald Trump, chính phủ bắt đầu có xu hướng chuyển từ hệ thống thuế dựa vào thu nhập (income tax) sang hệ thống thuế dựa vào tiêu thụ (consumption tax). Thuế tiêu dùng sẽ tăng lên và thuế thu nhập (một số) sẽ giảm xuống. Hệ thống thuế tiêu thụ về mặt lý thuyết sẽ giúp kích thích nền kinh tế khi người ta tiêu ít lại và đầu tư nhiều thêm. Nhưng đầu tư nhiều thêm thì phải có thị trường để tiêu thụ. Đó là lý do mà chính quyền của tổng thống Donald Trump đã bằng mọi giá ép các nước đối tác mở cửa nền kinh tế để tăng thị trường tiêu thụ cho hàng Mỹ khi thương thảo mức thuế — tối thiểu là 10%. 

Khi chính quyền Donald Trump bắt đầu tăng thuế hải quan, một số kinh tế gia dự đoán rằng giá cả sẽ tăng cao và một cú sốc về giá như vậy sẽ gây ra lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn. Đó là lý do mà dưới áp lực của tổng thống Trump, chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn rất thận trọng không dám nới lỏng lãi suất cơ bản, vốn hiện ở mức hơn 4%. Việc nới lỏng lãi suất quá nhanh trong khi mức thuế hải quan tăng lên đột ngột có thể tạo ra một áp lực lạm phát mới. 

Một lý do khác khiến Fed chần chừ giảm lãi suất đó là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước hiện vẫn chưa ngã ngũ và một sự thay đổi trong trật tự thương mại thế giới cũng có thể tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế. Xác suất suy thoái ở Hoa Kỳ được giới đầu tư nhận định là khoảng 40% trong 12 tháng tới. Với lãi suất 4% Fed có dư địa để giảm lãi suất một khi kinh tế Mỹ bước vào suy thoái. Ngược lại, nếu giảm quá nhanh — vốn có thể dẫn đến lạm phát — và trong trường hợp mà trong 12 tháng tới xảy ra suy thoái kinh tế, Fed không còn nhiều công cụ để kích thích nền kinh tế. 

Việc chính quyền Donald Trump tăng thuế hải quan nhưng vẫn chưa tạo ra lạm phát đáng kể phần nào nhờ vào chính sách nội địa của ông — cụ thể là cắt bỏ bớt các cơ quan của chính phủ, chặn và đưa người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ. Chính sách này đã làm cầu đối với hàng hoá và nhà cửa ở Hoa Kỳ giảm và điều này làm giảm áp lực lên lạm phát. Việc giảm nhân công do người bất hợp pháp ra đi đã buộc thị trường phải nâng lương cho người lao động địa phương. Nhưng vấn đề là không ai biết được rằng chính quyền có thể cắt đi bao nhiêu lao động bất hợp pháp mà nền kinh tế vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể. Trong một thời gian dài, lao động bất hợp pháp đã tích hợp vào nền kinh tế Hoa Kỳ, và họ đã đóng góp vào nền kinh tế Mỹ như những người địa phương. 

Câu hỏi mà nhiều người thiết kế thể chế cần phải đặt ra đó là mức độ độc lập của ngân hàng nhà nước là bao nhiêu để nó có thể ra những chính sách một cách độc lập, dựa theo những sứ mệnh mà nó được trao cho — ở đây là bình ổn giá cả, toàn dụng lao động (full employment), và ổn định hệ thống tài chính — thay vì chạy theo những định hướng hay áp lực nhất thời của chính trị, cuối cùng dẫn đến những toan tính trong ngắn hạn mà làm bất ổn nền kinh tế trong dài hạn. 

Bộ luật Ngân hàng Trung ương (Federal Reserve Act) được thiết kế để đảm bảo rằng Fed giữ được một sự độc lập đáng kể trong chính sách của mình và tránh những tác động chính trị trong ngắn hạn. Chủ tịch Fed cũng như các thống đốc trong Hội đồng Thống đốc, tổng cộng 7 người, sẽ được bổ nhiệm tương tự như các quan chức cấp cao khác, đó là tổng thống Mỹ sẽ bổ nhiệm và Thượng viện thông qua. Chủ tịch Fed  có thể bị tổng thống Mỹ cách chức nhưng chỉ trong trường hợp khi mà ông ta chứng tỏ rằng mình không đủ năng lực, sai lầm, hoặc không có trách nhiệm. Chủ tịch Fed cũng có thể bị Quốc hội đàn hạch và cách chức bởi hai viện của Quốc hội nếu ông ta làm sai. Cụ thể là Hạ viện sẽ đưa ra bản luận tội và Thượng viện sẽ phải kết tội với hai phần ba đa số thì chủ tịch Fed bị cách chức. 

Những chủ tịch Fed thông thường đã trải qua một thời gian nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính của quốc gia. Họ thường là những người đã thành công với sự nghiệp của mình và có kinh nghiệm dày dặn về thị trường tài chính. Khó mà tìm thấy ở họ những lý do để dẫn đến việc cách chức họ giữa nhiệm kỳ. Có vài lý do khiến cho những chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ ổn định. Lý do đầu tiên đó là những quyết định về chính sách tiền tệ thường được thông qua bởi một hội đồng, gọi là Hội đồng Thị trường Mở Liên bang, và các thành viên của hội đồng bỏ phiếu để thực hiện chính sách sau những vòng tranh luận. Cơ chế ra quyết định dựa vào đồng thuận này đã kiến tạo nên các chính sách hài hoà, không quá cực đoan, và được suy tính một cách cẩn trọng. Lý do thứ hai đó là hệ thống ngân hàng liên bang của Hoa Kỳ gồm 12 ngân hàng dự trữ ở các khu vực. Các ngân hàng này chịu trách nhiệm nắm bắt thông tin ở các địa phương của mình. Thông tin sau đó sẽ được đưa vào hệ thống để phân tích, nghiên cứu và làm ra chính sách. Các ngân hàng dự trữ ở các khu vực không chỉ đảm nhiệm việc thu thập thông tin mà mỗi một ngân hàng như vậy còn là một viện nghiên cứu về chính sách tiền tệ. Các ngân hàng dự trữ địa phương đã kết hợp với các đại học nghiên cứu ở khu vực để thực hiện các nghiên cứu, trao đổi và giảng dạy về chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ. 

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến cấu trúc của cơ quan thi hành chính sách tiền tệ, gọi là Hội đồng Thị trường Mở Liên bang (FOMC – Federal Open Market Committee). FOMC gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) và 5 chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực (trong tổng số 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực). Mỗi nhiệm kỳ của một thống đốc ngân hàng là 14 năm và không giới hạn số nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ này đủ dài để cho phép các thống đốc ngân hàng yên tâm tập trung vào công việc chuyên môn của mình vốn rất cần nhiều thời gian để nghiên cứu và học hỏi. Các thống đốc được bổ nhiệm theo những thời điểm so le với nhau, cách nhau 2 năm, tức cứ mỗi 2 năm thì sẽ có một thống đốc hết nhiệm kỳ. Cơ chế này cho phép Hội đồng Thống đốc có những thay đổi nhỏ, không quá lớn để dẫn đến xáo trộn chính sách trong ngắn hạn. Trong năm chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực tham gia FOMC, chỉ có chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là luôn có quyền bỏ phiếu trong mọi cuộc họp của FOMC, 4 chủ tịch các Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực còn lại sẽ luân phiên với nhau hàng năm. Cơ chế của FOMC dành quyền ưu tiên cho Hội đồng Thống đốc, nhưng nó cũng dành một tiếng nói cho các địa phương thông qua các chủ tịch của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực. 

Các chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực được bầu chọn bởi một hội đồng quản trị của Ngân hàng. Hội đồng này gồm có 9 thành viên, chia làm ba nhóm riêng biệt nhau đại diện cho các ngân hàng thương mại, cho các tổ chức kinh tế, và cho các công dân độc lập. Mỗi nhiệm kỳ của chủ tịch sẽ kéo dài 5 năm và không giới hạn nhiệm kỳ. Việc bổ nhiệm này phải tuân theo các quy định của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và các chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực phải báo cáo công việc và chiến lược cho Hội đồng Thống đốc. 

Có thể nói, sự ổn định của chính sách tiền tệ và hệ thống tài chính của Hoa Kỳ nhờ ở các cơ chế trong bổ nhiệm, giám sát, và điều phối nhằm làm cho các cá nhân được chọn có cơ hội được thể hiện, chịu trách nhiệm trước hành động của mình, và ra quyết định dựa trên các cơ chế đồng thuận. Cơ chế này cũng kiến tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai qua giáo dục, nghiên cứu và trao đổi tri thức. Và cơ chế này hoạt động hiệu quả vì nó không chỉ đưa ra chính sách bởi chỉ các nhận định bên trên mà nó còn có khả năng tiếp nhận các ý kiến từ các địa phương. 

22/7/2025


Đăng ngày

trong

, ,