Tác giả: Nguyễn Huy Vũ.
Nhiều bạn ngạc nhiên khi chính quyền tổng thống Donald Trump công bố rằng chính quyền Việt Nam áp mức thuế 90% đối với hàng Mỹ.
Thực ra, Việt Nam, cũng như tất cả các nước khác, áp các mức thuế khác nhau lên hàng hoá của Mỹ.
Câu hỏi là từ đâu lại ra con số này và lô-gíc của nó là gì. Mỹ là nước có vô số kinh tế gia giỏi và giới kinh tế gia cánh hữu ở Mỹ cũng không thiếu. Nhiều trong số họ là những kinh tế gia thực tế, tức áp dụng kinh tế để làm giàu chứ không phải hàn lâm. Cho nên việc đưa ra những con số này nó phải dựa trên một sự tính toán, chứ không phải kiểu anh thích cái gì thì anh đưa cái đó. Một chính quyền của một cường quốc hàng đầu nói chuyện trên trường quốc tế không thể làm như vậy. Vậy đâu là một công thức tính ra mức thuế này.
Đây là một bài toán về thương mại quốc tế (international trade). Dưới đây là cách tính.
Giả sử hai nước Mỹ (America) và Việt (Vietnam) mở cửa giao thương bình đẳng với nhau. Việt xuất sang Mỹ lượng hàng có giá trị XV và Mỹ xuất sang Việt lượng hàng trị giá XA. Vì giao thương bình đẳng, Việt xuất sang Mỹ được bao nhiêu thì mua hết hàng Mỹ về. Như vậy, về nguyên tắc thì:
XA = XV
Khi chính quyền Việt đánh thuế và thu một lượng thuế là DA đối với hàng Mỹ thì Mỹ nhận về chỉ còn (XA-DA), tức là giá trị hàng Mỹ thực tế xuất sang Việt lúc này, XAnow. XA-DA = XAnow
DA = XA-XAnow = XV-XAnow, tức là thâm hụt thương mại.
Vậy lượng thuế DA mà Việt đánh lên hàng Mỹ bằng mức thâm hụt thương mại.
Gọi T là mức thuế mà Việt đánh lên hàng Mỹ. Ta có: DA = T. XA
Từ đó ta tính được: T = DA/XA = DA/XV, tức là mức thâm hụt thương mại trên cho tổng số giá trị hàng xuất khẩu của Việt vào Mỹ.
Giờ đây, ta áp số vào công thức trên:
Việt Nam xuất sang Mỹ 136,6 tỷ USD, nhập 13,1 tỷ USD, thâm hụt 123,5 tỷ USD
DA, tức mức thâm hụt thương mại, là 123,5 tỉ. XV, tức lượng hàng của Việt xuất sang Mỹ, là 136,6 tỉ.
Mức thuế: T = DA/XV = 123,5/136,6 x 100% = 90%.
Như vậy, mức thuế mà Việt áp lên hàng Mỹ là 90%.
Câu hỏi còn lại là Mỹ liệu có cần phải áp mức thuế 90% đối ứng lên Việt không?
Thực ra thì không cần. Nếu bạn nào có đọc cuốn sách kinh tế cơ bản “Cách nghĩ về nền kinh tế: Một hướng dẫn cơ bản” mà Phong trào Duy Tân có đăng, thì sẽ hiểu rằng nền kinh tế hoạt động như một quá trình; tự nó thích nghi và thay đổi liên tục. Khi mức thuế hải quan của Mỹ chỉ cần nhích lên một cách đáng kể, các tác nhân trong nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh để hạn chế thâm hụt thương mại. Không ai biết con số chính xác mức thuế hải quan tối ưu là bao nhiêu, vì nó không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường trong nước, các sản phẩm thay thế, các hãng ở các nước khác, v.v. Cách mà các chính quyền có thể làm được là sau một thời gian họ sẽ thương thảo để đồng ý một mức thuế mới mà cả hai bên hài lòng.
Một số người một cách bi quan cho rằng toàn cầu hoá đã không còn. Tôi nghĩ đó là một cách nhìn bi quan. Đã qua rồi thời kỳ mà mọi người chỉ thấy mầu hồng của toàn cầu hoá. Giờ đây, đã đến lúc mọi người cần nhìn lại một cách khách quan hơn cả hai mặt được và mất của toàn cầu hoá. Cái mất của toàn cầu hoá là nó khiến nền kinh tế của một quốc gia này phụ thuộc vào những quốc gia khác mà sự phụ thuộc của nó có thể trở thành một đòn bẩy. Toàn cầu hoá cũng là tác nhân khiến những doanh nghiệp sản xuất nhỏ của các quốc gia nghèo biến mất, nhường đường cho những thương hiệu toàn cầu đến từ các quốc gia phát triển. Sự biến mất của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đó đồng nghĩa với việc một thế hệ không có việc làm và tương lai. Nhiều người bắt đầu nói về một thời đại thuộc địa mới, thuộc địa công nghệ và tiêu dùng, khi những nước nghèo phụ thuộc về mặt công nghệ đối với những đế quốc công nghệ mới.
Với tổng thống Donald Trump, chiến lược của ông sẽ rút dần khỏi các đàm phán đa phương, và thông qua việc đánh thuế hải quan, ông sẽ dễ dàng đàm phán song phương và nhanh chóng đạt được những kết quả hơn. Mỹ là một thị trường lớn. Các nước đều biết luật chơi của Mỹ và đều biết rằng họ chỉ thịnh vượng khi có thể buôn bán với Mỹ. Mỹ vì vậy có một đòn bẩy rất lớn trong đàm phán và dưới chính quyền Donald Trump, họ đang sử dụng đòn bẩy này. Mục tiêu lớn nhất của họ là cân bằng cán cân thương mại, giảm thâm hụt ngân sách, sau đó là bảo vệ và cuối cùng là xây dựng lại những ngành sản xuất chủ lực của mình.
Thuế, bên cạnh các chính sách khác, là một công cụ để Mỹ thực hiện điều đó.
2/4/2025