Tác giả: Barak Barfi.
Các yếu tố bên ngoài chắc chắn đã góp phần làm gia tăng sự mong manh của chế độ Syria trước sự tấn công mới của phe nổi dậy. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad là việc ông cai trị trên một hợp đồng xã hội đang đổ vỡ, tạo cơ hội cho kẻ thù của ông hình thành những liên minh mới, tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân Syria.
WASHINGTON, DC – Sau khoảng 54 năm kể từ khi Hafez al-Assad chiếm quyền ở Syria, các phe nổi dậy đã lật đổ triều đại mà con trai ông, Bashar, đã lãng phí. Sự sụp đổ của Bashar al-Assad phần nào là do các thế lực bảo trợ của ông, Iran và Nga, bị phân tâm bởi những vấn đề sinh tử của chính họ. Tuy nhiên, chính những khiếm khuyết của Assad mới là yếu tố thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ. Bị kìm hãm bởi một nền kinh tế ăn bám và một hệ thống chính trị cứng nhắc không chấp nhận sự phản đối, Assad thiếu khả năng cải cách bất kỳ điều gì.
Bashar chưa bao giờ được chuẩn bị để lãnh đạo Syria. Anh trai ông, Bassel, mới là người thừa kế được cha họ định sẵn. Tuy nhiên, sau cái chết đột ngột của Bassel vào năm 1994, Bashar đã được gọi về từ London, nơi ông đang theo học chuyên ngành nhãn khoa.
Khi Hafez qua đời vào năm 2000, ông đã để lại cho con trai một quốc gia mạnh mẽ và ổn định. Những ngày Syria bị cô lập đã chấm dứt. Quốc gia này không còn đối đầu với Mỹ bằng cách bắn hạ các phi công Hải quân nữa. Sau khi Hafez cam kết gửi quân đội tham gia giải phóng Kuwait khỏi Iraq vào năm 1991, ông đã trở thành đối tác trong nỗ lực hòa bình, xây dựng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Nhiều người hy vọng rằng sự tiếp xúc của Bashar với phương Tây, điều mà cha ông không có, sẽ giúp ông làm dịu Đảng Ba’ath, lực lượng cầm quyền từ năm 1963. Ban đầu, Bashar dường như đã tiếp nhận vai trò của một nhà cải cách, thả tự do cho các tù nhân chính trị và khuyến khích các diễn đàn trí thức phát triển.
Tuy nhiên, ông đột ngột thay đổi hướng đi, đàn áp mọi sự phản kháng và để nạn tham nhũng lan tràn. Để xoa dịu, ông chuyển hướng sự bất mãn của người dân Syria bằng cách vẽ ra những kẻ thù nước ngoài. Ông đổ lỗi cho người Do Thái vì đã phản bội Chúa Jesus. Ông mở cửa cho các chiến binh thánh chiến nước ngoài, tạo điều kiện cho họ đến Iraq chiến đấu chống lại người Mỹ. Và ông cũng chứng tỏ sẵn sàng học theo những xu hướng bạo lực của cha mình. Khi Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri từ chối tuân theo mệnh lệnh, Bashar đe dọa sẽ ‘phá hủy Lebanon’ và âm mưu cùng Hezbollah để ám sát ông.
Bashar bị ràng buộc với chế độ Ba’ath mà cha ông đã dựng nên, tập hợp các nhóm thiểu số để cai trị người Sunni Ả Rập, chiếm khoảng 64% dân số Syria. Đảng Ba’ath cũng thu hút sự ủng hộ của những người Sunni vùng nông thôn, vốn lâu nay phải chịu sự phân biệt đối xử từ các tầng lớp tinh hoa đô thị. Mọi cải cách đều sẽ đe dọa đến sự thống trị của giáo phái Alawi của Assad, một nhánh Shia chiếm khoảng 12% dân số.
Đến năm 2006, ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Syria ở phương Tây cũng đã quay lưng với Assad. Tổng thống Pháp Jacques Chirac, một đồng minh của Hafez, thừa nhận rằng Bashar ‘dường như không phù hợp với an ninh và hòa bình.’ Một số người đã gọi ông là ‘bác sĩ mắt mù,’ trong khi những người khác đặt cho ông biệt danh ‘Fredo,’ theo tên con trai thứ vụng về của Don Corleone trong The Godfather.
Vì vậy, khi các cuộc nổi dậy bùng nổ trên khắp thế giới Ả Rập vào năm 2011, điều hợp lý là người ta tin rằng làn sóng này sẽ lan đến Syria. Tuy nhiên, Bashar hoặc là không nhận thức được những bất mãn của người dân Syria, hoặc là cố tình làm ngơ trước chúng. Vài tuần trước khi người dân đổ ra đường, ông đã nói với Wall Street Journal (Thời báo Phố Wall) rằng ‘chúng tôi không liên quan đến chuyện này,’ và rằng Syria ‘ổn định’ vì ông ‘gắn bó chặt chẽ với niềm tin của người dân.
Tuy nhiên, khi lực lượng ủng hộ chế độ ở nông thôn quay lưng lại, các cuộc biểu tình nổ ra. Để dập tắt cuộc nổi dậy, Assad đã dựa vào các tầng lớp tinh hoa đô thị, vốn khinh miệt những người nông dân, và vào tầng lớp công nhân, những người chưa bao giờ đồng cảm với các bất mãn từ khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ để cứu vãn Bashar, và ông buộc phải cầu viện sự hỗ trợ không quân từ Nga và các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, đặc biệt là Hezbollah. Sau vài năm giao tranh, Bashar đã dần giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, từ Aleppo ở phía bắc đến Damascus ở phía nam, nơi sinh sống của phần lớn người dân Syria
Giống như cha mình, Bashar đã được trao cơ hội thứ hai; nhưng khác với cha, ông đã lãng phí nó. Không thể thực hiện cải cách chính trị, những người ủng hộ ông giờ đây đòi hỏi thay đổi kinh tế, tập trung vào phân phối tài nguyên và công tác tái thiết. Tuy nhiên, một chế độ với quá nhiều nét tương đồng với gia đình mafia Sopranos sẽ không bao giờ chịu từ bỏ những khoản lợi nhuận mà nó nắm giữ, dù điều đó có thể đem lại hòa bình xã hội. Giống như gia đình mafia trong phim, chế độ của Assad dựa vào các khoản hối lộ từ những ông chủ doanh nghiệp giàu có và việc ép buộc người nước ngoài. Khi Chương trình Lương thực Thế giới không trả tiền hối lộ tại các cảng của Syria, lô gạo của họ đã bị hư hỏng trong kho. Tương tự, có một lần người chú của Bashar đã ám chỉ với một nhà ngoại giao Mỹ rằng Syria sẽ mua máy bay Boeing nếu ông ta được chỉ định làm đại lý bán hàng.
Với các nguồn thu ổn định, chế độ đã xây dựng một mô hình kinh tế ‘dội xuống’ (trickle-down), xoa dịu xã hội bằng hàng hóa trợ giá trong khi làm giàu từ những khoản lợi nhuận bất chính. Tuy nhiên, nội chiến đã thu hẹp nguồn thu mà nó có được từ việc khai thác các khoản lợi nhuận trong nước, cũng như không còn người nước ngoài để tống tiền nữa. Hiện nay, nguồn thu từ xuất khẩu ma túy tổng hợp (amphetamine captagon) bất hợp pháp của Syria gần như gấp đôi nguồn thu mà nó có được từ các thương mại hợp pháp. Khi nền kinh tế thu hẹp cùng với việc cắt giảm trợ cấp đã khiến cho nhu yếu phẩm cơ bản trở nên quá đắt đỏ với người lao động có thu nhập trung bình, khoảng 70% các hộ gia đình Syria cho biết họ không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình.
Không chỉ những người nghèo phải chịu đựng dưới thời Assad. Một chế độ được xây dựng trên việc chiếm đoạt tài nguyên cuối cùng đã quay lại tấn công chính những doanh nhân và nhà lãnh đạo kinh doanh, những người đã duy trì chế độ bằng các công ty hợp pháp của họ
Xem xét trường hợp của Samer al-Dibs, một thành viên của tầng lớp tinh hoa trước thời Ba’ath, những người đã cai trị Syria từ 1860 đến 1963. Gia đình ông hoạt động trong nhiều ngành nghề, từ sản xuất giấy đến ngân hàng. Ông không bao giờ ủng hộ các cuộc biểu tình năm 2011 và thậm chí còn sẵn sàng đại diện cho chế độ trong các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 vừa qua, chế độ đã tước bỏ ghế mà ông đã giữ suốt 17 năm, tước đi những đặc quyền mà ông và những người khác đã tận dụng để mở rộng doanh nghiệp của mình.
Vì vậy, khi các lực lượng nổi dậy phát động cuộc tấn công thần tốc cách đây 12 ngày, những nhân vật này đã từ chối ủng hộ chế độ. Và trong khi phải đối mặt với những xung đột cấp bách hơn ở Israel và Ukraine, các đối tác Iran và Nga của Bashar không còn đủ nguồn lực để cứu vãn ông lần nữa. Tuy nhiên, chính sự kiêu ngạo và sự từ chối thực hiện cải cách kinh tế và chính trị đã cuối cùng đưa đến sự sụp đổ của chế độ.
–
Barak Barfi là cựu nghiên cứu viên tại New America và là cựu học giả thỉnh giảng tại Viện Brookings.
Nguồn: Barak Barfi, “Syria’s House of Cards,” Project Syndicate, 9/12/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.