Dự đoán chính sách ngoại giao của Trump

Tác giả: Joshep S. Nye, Jr.

Dù những dự đoán dựa trên các phát biểu trong chiến dịch tranh cử và việc bổ nhiệm các thành viên nội các vẫn khiến chúng ta không chắc chắn về cách Donald Trump sẽ tiếp cận các vấn đề đối ngoại quan trọng, chúng ta vẫn có thể nhìn nhận thế giới quan của ông trong bối cảnh một truyền thống lâu dài của Mỹ. Rốt cuộc, ông không phải là chính trị gia đầu tiên tuyên bố “Nước Mỹ là trên hết.”

CAMBRIDGE – Việc dự đoán luôn là điều khó khăn, nhưng trong trường hợp của Tổng thống đắc cử Mỹ, điều đó lại càng khó gấp đôi. Donald Trump không chỉ có thói quen phát ngôn thiếu chắc chắn và thường xuyên thay đổi quan điểm; ông còn coi sự khó đoán là một công cụ hữu ích trong đàm phán. Tuy nhiên, ta vẫn có thể cố gắng hình dung về chính sách đối ngoại của ông thông qua các phát biểu trong chiến dịch tranh cử, những cuộc bổ nhiệm cấp cao và nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Tại Washington, người ta thường nói rằng “nhân sự là chính sách.” Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã biết ai sẽ là những người mà Trump lựa chọn cho các vị trí quan trọng, vấn đề là quan điểm của họ đôi khi lại mâu thuẫn với nhau. Với việc Trump cố gắng tránh xa những người Cộng hòa truyền thống, những người đã giới hạn ông trong nhiệm kỳ đầu tiên, yếu tố chung giữa các lựa chọn của ông lần này là lòng trung thành cá nhân. Tuy nhiên, ngay cả phẩm chất này cũng không giúp chúng ta dự đoán được chính sách.

Hãy xem xét vấn đề Trung Quốc. Những người mà Trump lựa chọn cho chức Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh Quốc gia – Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Michael Waltz – đều là những “diều hâu” nổi tiếng, coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu cần phải đối phó một cách mạnh mẽ. Chúng ta cũng biết từ chiến dịch tranh cử của ông rằng Trump rất muốn áp đặt thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đồng minh, với mức thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Với việc Trump đã công bố kế hoạch áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc, chúng ta chắc chắn có thể kỳ vọng sẽ có thêm các khoản thuế mới được áp dụng. Tuy nhiên, mức thuế, thời gian áp dụng và các trường hợp miễn thuế vẫn còn chưa rõ ràng và sẽ chịu sự tác động của cả các áp lực chính trị trong nước lẫn những quyết định bất chợt của Trump. Như Scott Bessent, người được Trump chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính, gần đây đã nói: “Tôi nghĩ rằng nhiều hành động của ông ấy là nhằm mục đích leo thang để rồi sau đó xuống thang, và mục tiêu của tôi trong chính quyền này là bảo vệ thương mại quốc tế.”

Cũng không kém phần không chắc chắn là cách Trump sẽ phản ứng trước các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ. Nếu các cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng làm tăng thuế quan và giá cả, sự trở lại của lạm phát có thể gây ra phản ứng chính trị trong nước. Vì Trump tự hào về khả năng đàm phán của mình, ông có thể sẽ tìm cách thỏa hiệp. Liệu ông có sẵn sàng đưa ra một sự nhượng bộ với Tập Cận Bình về việc giảm ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan để đổi lấy một thỏa thuận thương mại mà ông có thể dùng làm chiến thắng? Một số đồng minh châu Á của Mỹ đang lo ngại chính về kịch bản này.

Dựa trên các phát biểu trong chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ trước của Trump tại Nhà Trắng, chúng ta cũng có thể dự đoán rằng ông sẽ tiếp tục coi nhẹ chủ nghĩa đa phương và các liên minh. Ông đã hứa sẽ lại rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris và tăng cường sản xuất cũng như xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong nước. Mặc dù giá năng lượng tái tạo đã giảm tại Mỹ, vẫn còn phải chờ xem liệu các chính sách của ông có làm mất đi tác động thị trường có tính tích cực này bằng cách làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí tương đối của các ngành công nghiệp này hay không.

Tại Trung Đông, các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của Trump hoàn toàn ủng hộ Israel, và ông vẫn tự hào về việc đã đàm phán thành công Hiệp định Abraham, qua đó bình thường hóa quan hệ giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập. Khi chính quyền Biden cố gắng xây dựng dựa trên bước đột phá này bằng cách thuyết phục Saudi Arabia công nhận Israel, phía Saudi đã đặt ra một điều kiện tiên quyết: Israel phải có các bước đi cụ thể để tiến tới việc thành lập một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, liên minh cánh hữu của Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu kiên quyết phản đối giải pháp hai nhà nước, và kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, sự ủng hộ của công chúng Israel đối với giải pháp này, vốn đã ở mức thấp, càng giảm sâu hơn. Trump chắc chắn muốn tiếp tục mở rộng thành công trước đây của mình ở khu vực này, nhưng cách thức ông sẽ thực hiện điều đó vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Khi nói đến châu Âu và NATO, trong chiến dịch tranh cử, Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ “kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong một ngày.” Chúng ta biết điều này sẽ không xảy ra; tuy nhiên, vẫn có sự không chắc chắn lớn về cách ông sẽ cố gắng đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn. Một khả năng là giảm viện trợ cho Ukraine và làm suy yếu vị thế đàm phán của nước này, khiến Ukraine phải chấp nhận các điều kiện của Nga. Hoặc Trump có thể tạm thời tiếp tục ủng hộ Ukraine trong khi tiến tới một “giải pháp kiểu Triều Tiên.”

Trong kịch bản thứ hai, tuyến phòng thủ hiện tại sẽ trở thành một khu vực phi quân sự, được quản lý bởi các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc hoặc châu Âu, và nếu Nga muốn khôi phục chiến tranh, họ sẽ phải buộc các lực lượng này phải rời đi. Ukraine có thể tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các khu vực như Donbas, nhưng khả năng cao là nước này sẽ không thể gia nhập NATO; thay vào đó, có thể một nhóm các quốc gia (“những người bạn của Ukraine”) sẽ cam kết hỗ trợ nếu Nga vi phạm khu vực phi quân sự. Không rõ liệu Trump có sử dụng quyền lực đàm phán của mình với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được một thỏa thuận như vậy hay không. Tuy nhiên, đạt được một thỏa thuận chắc chắn sẽ là một lựa chọn hấp dẫn nếu ông đang nghĩ đến di sản của mình.

Dù những dự đoán dựa trên các phát biểu trong chiến dịch tranh cử và lựa chọn nhân sự vẫn khiến chúng ta không thể chắc chắn, ít nhất chúng ta có thể đặt Trump vào bối cảnh các truyền thống lịch sử của chính sách đối ngoại Mỹ. Hãy nhớ lại bài phát biểu nhậm chức đầu tiên của ông, khi ông tuyên bố rằng “từ lúc này, nước Mỹ sẽ là trên hết… chúng ta không tìm cách áp đặt lối sống của mình lên bất kỳ ai, mà chỉ mong nó tỏa sáng như một tấm gương.” Quan điểm này phù hợp với cách tiếp cận “thành phố trên đồi” trong chính sách đối ngoại của Mỹ, một truyền thống lâu đời. Đây không phải là chủ nghĩa biệt lập, nhưng lại tránh xa chủ nghĩa can thiệp.

Ngược lại, trong thế kỷ 20, Woodrow Wilson đã theo đuổi một chính sách đối ngoại nhằm bảo vệ nền dân chủ trên toàn cầu, còn John F. Kennedy đã kêu gọi người Mỹ suy nghĩ về những gì họ có thể làm cho phần còn lại của thế giới, đồng thời thành lập Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) vào năm 1961. Jimmy Carter đã đưa nhân quyền trở thành một vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi chiến lược quốc tế của George W. Bush dựa trên hai trụ cột: lãnh đạo một cộng đồng dân chủ toàn cầu đang mở rộng và thúc đẩy tự do, công lý cũng như nhân phẩm.

Dự đoán duy nhất có vẻ chắc chắn là cách tiếp cận của Trump đối với thế giới sẽ phù hợp hơn với truyền thống thứ nhất chứ không phải truyền thống thứ hai.

Joseph S. Nye, Jr., Giáo sư Danh dự tại Đại học Harvard, là cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ và là tác giả của các cuốn sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Đạo Đức Có Quan Trọng Không? Các Tổng thống và Chính sách Đối ngoại từ FDR đến Trump)(Oxford University Press, 2020) và A Life in the American Century (Một Đời Trong Thế Kỷ Mỹ) (Polity Press, 2024).

Nguồn: Joseph S. Nye, Jr., “Anticipating Trump’s Foreign Policy,” Project Syndicate, 4/12/2024.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Đăng ngày

trong

, ,