Tại sao Nga săn đuổi chính các nhà khoa học của mình?

Không phải ánh đèn phòng thí nghiệm mà là các song sắt nhà tù, đó là cách mà nhiều nhà khoa học Nga được chào đón sau khi đã cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Với cáo buộc “phản quốc”, nhiều người trong số này đã lãnh án tù hàng chục năm. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nước Nga săn đuổi chính những nhà nghiên cứu của mình? 

Cuộc săn đuổi các học giả 

Cái tên mới nhất được báo chí nhắc tới là Alexander Shiplyuk, nhà khoa học bị kết án hồi đầu tuần (03/09/2024). Theo báo Nga Kommersant, Shiplyuk là tiến sĩ toán học và vật lý, chuyên gia trong lĩnh vực máy bay siêu thanh, thành viên của Hội đồng Khoa học Kỹ thuật, thuộc Ủy ban Công nghiệp Quân sự của chính phủ Liên Bang Nga. Sau phiên xử kín tại một toà án ở Matxcơva, ông bị kết án 15 năm tù với cáo buộc “truyền thông tin nhạy cảm” trong một hội thảo ở Trung Quốc vào năm 2017, bất chấp những lời giải thích của nhà khoa học rằng những gì ông trình bày tại đây đều thuộc phạm vi công khai. 

Đương nhiên Alexander Shiplyuk không phải là trường hợp đầu tiên bị bắt như vậy. Đồng nghiệp của ông, nhà khoa học Anatoly Maslov cũng chịu số phận tương tự. Ở tuổi 78, Maslov, chuyên gia trong lĩnh vực máy bay siêu thanh, cũng đã bị buộc tội phản quốc vì truyền thông tin về công nghệ nhạy cảm sau những lần ra nước ngoài. Ông bị kết án 14 năm tù vào tháng 05/2024. Valery Zvegintsev, một chuyên gia khác trong lĩnh vực này cũng bị bắt vào mùa xuân năm ngoái và bị tạm giam để chờ xét xử. Điều đáng nói là việc bắt giữ nhà khoa học này chỉ được chính phủ xác nhận sau khi một bức thư có chữ ký của các nhà khoa học Nga bày tỏ quan ngại về số phận của 3 đồng nghiệp được công bố. 

Theo ước tính của kênh truyền hình Anh BBC, giới cầm quyền Nga đã bắt giữ tổng cộng 11 nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu siêu thanh từ năm 2018 đến nay. Đó cũng là thời điểm mà tổng thống Vladimir Putin lần đầu thông báo rằng Nga sở hữu tên lửa siêu thanh, có vận tốc nhanh hơn 5 lần so với tốc độ âm thanh. Với thứ vũ khí này, Matxcơva tin rằng đã dẫn trước Washington và phương Tây trong cuộc đua về công nghệ quốc phòng.

Đồng minh hay kẻ thù thì cũng đều không đáng tin 

Không ít người tự hỏi tại sao các nhà khoa học, những người được cho là đang nghiên cứu phát triển tên lửa siêu thanh, một trong những niềm tự hào về công nghệ của quân đội Nga, lại bị bắt bớ như vậy? Trả lời đài France 24, Jenny Mathers, chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga tại Đại học Aberystwyth, xứ Wales, nhận định rằng điện Kremlin muốn ngăn không cho bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài: “Vladimir Putin muốn kiểm soát mọi luồng thông tin. Với những lĩnh vực càng nhạy cảm thì việc kiểm soát lại càng chặt chẽ. Và trong mắt chế độ, không có gì nhạy cảm hơn công nghệ bay siêu thanh.” 

Vậy nên khi các nhà khoa học đến dự các hội thảo hay đơn giản là cộng tác với những nhà khoa học nước ngoài, họ cũng rất dễ bị chính quyền để mắt tới. Theo ông Stephen Hall, chuyên gia về chính trị Nga tại Đại học Bath (Vương quốc Anh), thì việc xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế là một yếu tố cần thiết trong công việc của các nhà khoa học, tuy nhiên khi làm như vậy, họ sẽ “tự động biến mình thành mục tiêu bị nghi ngờ” trong mắt một cường quốc luôn tuyên truyền là “bị phương Tây bao vây”. 

Tuy nhiên, không chỉ phương Tây, điện Kremlin còn dè chừng cả chính những đồng minh của mình. Bà Jenny Mathers nhấn mạnh : “Điều bất thường ở câu chuyện này là chính quyền không chỉ đàn áp các nhà khoa học bị nghi ngờ thông đồng với phương Tây mà còn cả các nhà nghiên cứu bị cáo buộc đã cung cấp thông tin cho các quốc gia gần gũi với Matxcơva”. Xin nhắc lại rằng Alexander Shipliouk bị bắt sau khi tham gia hội thảo ở Trung Quốc, trong khi Valery Zvegintsev bị bắt vì một bài báo khoa học đăng trên một tờ báo của Iran. “Điều này cho thấy Vladimir Putin không tin tưởng bất cứ ai”, bà Jenny Mathers kết luận. 

Nhà khoa học hay những con tốt thí?

Evgeny Smirnov, một luật sư người Nga từng bào chữa cho một số nhà khoa học, đã nhiều lần nói rằng làn sóng bắt giữ này cho thấy các cơ quan mật vụ Nga (FSB) đang cố gắng nuôi dưỡng suy nghĩ “hoang tưởng của chế độ để khiến mọi người tin rằng họ là lực lượng không thể thiếu”. Trên thực tế, FSB đứng sau tất cả các vụ bắt giữ những nhà khoa học bị cáo buộc phản quốc. Theo ông Stephen Hall, việc bắt bớ như vậy cho phép cơ quan này thể hiện vai trò “hữu dụng” với ông chủ điện Kremlin và duy trì ảnh hưởng của mình. Ông Hall nhắc lại rằng “vào năm 2012, người đứng đầu FSB Alexander (Vassilievitch) Bortnikov đã bảo đảm rằng vụ cháy rừng ở Siberia là do ‘Al-Qaeda’ gây ra dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Ông ta đã nhân cơ hội này để yêu cầu gia hạn ngân sách (cho FSB).” Hơn nữa theo bà Jenny Mathers, các vụ bắt giữ như vậy cũng khá “tiện” cho FSB vì các phiên toà xét xử tội phản quốc ở Nga “đều xử kín và FSB không cần công khai các bằng chứng”. 

Ngoài ra, trả lời BBC, nhiều luật sư bào chữa cho các nhà khoa học còn chỉ trích rằng FSB làm vậy để tạo ấn tượng rằng các điệp viên nước ngoài theo đuổi, rình mò các vũ khí bí mật của Nga, giúp “tâng bốc cái tôi của Putin”.

Nga nhận được gì khi bắt giữ những người đã cống hiến cho nền khoa học nước nhà? 

Các nhà khoa học tại Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Nga (ITAM) bày tỏ sự lo ngại cho tương lai của mình. Trong bức thư ngỏ, họ viết: “Chúng tôi không hiểu làm cách nào để có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình (…) Những gì chúng tôi được khen thưởng hôm nay … ngày mai sẽ trở thành lý do để truy tố hình sự.” Họ cũng cảnh báo rằng các nhà khoa học ngại tham gia vào một số lĩnh vực nghiên cứu, trong khi những người trẻ tài năng đang rời bỏ khoa học. Trả lời tập san khoa học Science của Mỹ, nhà nghiên cứu Kovalev lo ngại rằng, khi ngày càng có nhiều đồng nghiệp trẻ thông minh lựa chọn ra đi, sẽ rất khó để duy trì lực lượng học giả chất lượng cao trong nước.

Còn theo luật sư Yevgeny Smirnov, thuộc tổ chức pháp lý và nhân quyền Nga First Division, “siêu thanh là một chủ đề có thể đưa bạn vào tù” và điều này khiến nhiều nhà khoa học lo sợ. Theo ông, trong số những học giả bị buộc tội phản quốc, nhiều người không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực quốc phòng mà chỉ nghiên cứu các chủ đề khoa học liên quan, chẳng hạn như việc kim loại biến dạng ở tốc độ siêu thanh hoặc ảnh hưởng của nhiễu loạn. Dù vậy họ vẫn bị bắt, vì những phát hiện của họ sau đó có thể sẽ được các nhà phát triển vũ khí sử dụng cho việc chế tạo của mình. 

Hơn nữa, nghịch lý ở chỗ, Nga không muốn hợp tác với nước ngoài dù nước này vẫn chưa tự chủ được về vật tư và thiết bị nghiên cứu. Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 12 năm 2022, Dmitry Livanov, hiệu trưởng Viện Vật lý và Công nghệ Matxcơva, cho biết khoảng 80% thị trường khoa học Nga phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Nước này không chỉ nhập khẩu các thiết bị cao cấp như máy giải trình tự DNA mà còn cả các thiết bị cơ bản như cân phòng thí nghiệm.

Tóm lại theo giới chuyên gia, chiến lược săn đuổi các nhà khoa học có khả năng phản tác dụng. Bà Jenny Mathers kết luận rằng “việc tách mình ra khỏi cộng đồng khoa học quốc tế không phải là cách giúp cho hoạt động nghiên cứu của Nga đạt được những bước tiến vượt bậc” và “Vladimir Putin có thể đang tìm cách làm gương bằng những vụ bắt giữ để ngăn cản các nhà nghiên cứu khác hợp tác với nước ngoài”.

(Nguồn tham khảo : France24; science.org, BBC)

Bản tiếng Việt của RFI.


Đăng ngày

trong

, ,